Tiêm thuốc chống dị ứng có hại không

SVD4. Nguyễn Thị Linh, TS.DS. Võ Thị Hà

I. Các trường hợp dị ứng khi dùng thuốc cản quang

Khoa Dược đã nhận được 03 báo cáo bị dị ứng do dùng thuốc cản quang Ultravist (iopromid) tại Khoa Chẩn đoán hình ảnh vào năm 2017.

Bảng 1. Đặc điểm 3 ca lâm sàng dị ứng do dùng thuốc cản quang tại BV

Bệnh nhân

Triệu chứng

Xử lý

Kết quả sau xử lý

BN 1, Nam, 45 tuổi

Buồn nôn, mặt đỏ, huyết áp thấp sau khi tiêm thuốc khoảng 1 phút.

Đo huyết áp, thở oxy, truyền dịch, tiêm ½ ống adrenalin

Hồi phục không có di chứng.

BN 2, Nữ, 61 tuổi

Nôn mửa nhiều, mặt đỏ, khó chịu sau khi tiêm thuốc khoảng 30 giây.

Đo huyết áp, thở oxy và truyền dịch

Hồi phục không có di chứng.

BN 3, Nam, 28 tuổi

Ngứa xung quanh mắt và nổi mẩn đỏ, chảy nước mắt, mũi nghẹt và khó thở sau khi tiêm thuốc khoảng 3 phút.

Đo mạch, nhịp và huyết áp, thở oxy, truyền dịch

Hồi phục không có di chứng.

Trong cơ sở dữ liệu ADR quốc gia Việt Nam, từ năm 2006 đến năm 2011 ghi nhận 134 báo cáo (chiếm 1,24 % trong tổng số cơ sở dữ liệu ADR) liên quan đến thuốc cản quang chứa iod: Xenetic (iobitridol); Telebrix (ioxithalamat) và Ultravist (iopromid), Pamiray (iopamidol), Iopamiro (iopamidol) [1].

Bảng dưới đây tổng hợp các ADR đã xảy ra khi dùng thuốc cản quang tại Việt Nam

Mức độ

Biểu hiện ADR

Số lượng

Tỉ lệ %

Nhẹ

Khó chịu, mệt mỏi, chóng mặt, ngứa, mày đay, ban đỏ, nôn và buồn nôn

147

54%

Nặng

Kích thích, tay chân co

126

46%

Tê chân tay

Rét run, lạnh chân tay, lạnh người

Tăng huyết áp

Hạ huyết áp

Hạ calci huyết

Khó thở

Sốc phản vệ

Mạch nhanh, phù

Ngất, cứng hàm, đau ngực

Không có thông tin về ADR

Tổng

273

100%

II. Các yếu tố nguy cơ

Các yếu tố nguy cơ dẫn đến tỷ lệ xảy ra ADR cao hơn khi dùng thuốc cản quang trên một số quần thể bệnh nhân có các đặc điểm sau [2]:

- Tiền sử trước đó đã có dị ứng với thuốc cản quang chứa Iod. 21-60% nguy cơ tái phản ứng khi dùng lặp lại một thuốc hay thuốc khác trong nhóm thuốc cản quang chứa Iod.

- Tiền sử dị ứng: Hen suyễn là yếu tố ảnh hưởng quan trọng nhất đối với phản ứng nặng. Không có bằng chứng về việc dị ứng hải sản có ảnh hưởng tới phản ứng.

- Bệnh tim mạch (đặc biệt là suy tim)

- Tình trạng mất nước

- Bệnh huyết học như hồng cầu liềm, tăng hồng cầu, u tủy

- Bệnh về thận, đang dùng thuốc có độc với thận

- Tuổi: trẻ em, người cao tuổi

- Bệnh nhân đang sử dụng thuốc chẹn beta (atenolol, metoprosol, propranolol…), interleukin-2, aspirin, NSAID cần phải ngừng sử dụng thuốc hoàn toàn trước khi tiến hành tiêm thuốc cản quang.

- Lo âu, trầm cảm.

III.   III. Dự phòng sốc phản vệ khi dùng thuốc cản quang

Hiện tại, có rất nhiều tranh cãi xung quanh lợi ích của việc sử dụng corticoid để dự phòng các phản ứng quá mẫn do thuốc cản quang.

  • Chỉ định chính dùng thuốc dự phòng dị ứng là cho những bệnh nhân có nguy cơ cao xảy ra phản ứng dị ứng cấp tính.
  • Dùng thuốc dự phòng dị ứng có thể giúp làm giảm nguy cơ của phản ứng dị ứng, tuy nhiên hiệu quả cao nhất xảy ra ở những bệnh nhân có tiền sử phản ứng dị ứng nhẹ.
  • Vì vậy, những BN bị phản ứng phản vệ hay nghiệm trọng với thuốc cản quang, cần cân nhắc dùng các liệu pháp thay thế không dùng thuốc cản quang.

Có 2 phác đồ dùng thuốc dự phòng dị ứng:

  • Thuốc dự phòng dị ứng theo kế hoạch: dùng 12h trước khi tiêm thuốc cản quang
  • Thuốc dự phòng dị ứng khẩn cấp: Dùng thuốc phòng dị ứng khẩn cấp chỉ được khuyến cáo dùng cho những bệnh nhân không thể đợi 12h sau mới dùng thuốc cản quang hoặc khi các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác là không thể.

Phác đồ dùng thuốc dự phòng dị ứng thuốc cản quang

Thuốc dự phòng dị ứng theo kế hoạch

Methylprednisolone (Medrol®) –32mg uống lúc 12h và 2h trước khi tiêm thuốc cản quang.

HOẶC

Prednisone – 50mg uống lúc 13h, 7h, và 1h trước khi tiêm thuốc cản quang và Diphenhydramine (Benadryl®) – 50mgIV, IM hoặc uống 1h trước khi dùng thuốc cản quang.

Chú ý: phác đồ dự phòng đầu tiên được ưa chuộng hơn do không cần dùng Benadryl. Benadryl có thể được thêm vào phác đồ đầu tiên nhưng không bắt buộc.

Thuốc dự phòng dị ứng khẩn cấp

Methylprednisolone sodium succinate  (Solu – Medrol ®) 40mg hoặc hydrocortisone sodium succinate 200mg IV mỗi 4h cho tới khi tiêm thuốc cản quang và diphenhydramine 50mg IV 1h trước khi tiêm thuốc cản quang.

Chú ý: steroids nên được bắt đầu sử dụng ít nhất 6h trước khi tiêm tĩnh mạch thuốc cản quang.

Các thuốc dự phòng dị ứng là steroid đường uống được ưa dùng hơn so với sử dụng bằng đường tĩnh mạch nếu có thể. Như một quy tắc chung, những phác đồ dự phòng thường được đưa ra bởi các bác sĩ trực tiếp khám cho bệnh nhân. Sau đó bác sĩ chẩn đoán hình ảnh sẽ tư vấn và thay đổi phác đồ khi được yêu cầu.

Đơn vị Dược lâm sàng Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

[1] Trung tâm thông tin thuốc và cảnh giác dược quốc gia (2010) Thuốc cản quang chứa iod và các phản ứng dị ứng có liên quan.

[2] Marc J. et al. (2006). Current understanding of contrast media reactions and implication for clinical management. Drug Safety 2006; 29 (2): 133-141.

[3] Greenberger PA et al. The prevention of immediate generalized reactions to radiocontrast media in high-risk patients. J Allergy Clin Immunol 1991; 87: 867-72

[4] Lasser EC et al. Pre-treatment with corticosteroids to prevent adverse reactions to non-ionic contrast media. Am J Roentgenol 1994; 162: 523-6.

[5] Nhịp cầu dược lâm sàng (2003). Xử lý shock phản vệ.

[6] BYT. Thông tư số 08/1999-TT-BYT ngày 04 tháng 05 năm 1999.

[7] ACR contrast manual, v10.2 2016

Khi dùng thuốc điều trị bệnh, bao gồm tất cả các loại thuốc tây, thuốc nam, thuốc y học dân tộc, thuốc đông y… tức là ta đưa những “chất lạ” vào cơ thể. Cơ thể ta có thể chấp nhận những “chất lạ” đó với phản ứng bình thường, không ảnh hưởng đến các quá trình sinh học khác của hoạt động sống.

Nhưng đôi khi, những hóa chất trong các thuốc điều trị lại gây ra các phản ứng quá mẫn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động khác của cơ thể. Đó là tình trạng dị ứng thuốc, có khi chỉ là các triệu chứng nhẹ như ngứa ngáy, nổi mày đay…, nhưng cũng có thể nghiêm trọng như sốc phản vệ, dẫn đến tử vong.

Dị ứng thuốc được định nghĩa là phản ứng khác thường của cơ thể khi tiếp xúc lần thứ hai hay những lần sau với một loại thuốc mà thành phần của thuốc có tính chất gọi là “gây dị ứng” (dị nguyên).

I. Dị ứng thuốc có những đặc điểm gì?

Nên lưu ý một số đặc điểm của dị ứng thuốc như sau:

- Dị ứng thuốc không phụ thuộc vào liều lượng nên sẽ xảy ra dị ứng dù thuốc được dùng đúng liều hoặc thậm chí dùng rất ít. Đây là những phản ứng không đoán trước được của hệ miễn dịch. Trường hợp bị dị ứng thuốc thì hệ thống miễn dịch sẽ tạo ra mức độ nhạy thuốc cực lớn, nhất là khi dùng thuốc lần đầu nhưng cũng có trường hợp dùng thuốc lần đầu không bị dị ứng nhưng những lần tiếp theo lại có thể bị dị ứng.

 - Phản ứng dị ứng chỉ xảy ra ở một số ít bệnh nhân được gọi là người dễ dị ứng hoặc người có “cơ địa dị ứng”. Cho nên, có thuốc nhiều người dùng chẳng việc gì nhưng ở người khác thì bị dị ứng, thậm chí dị ứng rất nặng.

 - Trong thuốc, ngoài dược chất còn có tá dược, chất bảo quản, kể cả tạp chất và người dùng thuốc có thể bị dị ứng với bất cứ thành phần nào trong đó.

  - Phản ứng dị ứng sẽ biến mất khi ngưng dùng thuốc.

  - Dị ứng thuốc không phải là tác dụng phụ của thuốc. Tất cả các loại thuốc chữa bệnh đều có thể có những tác dụng phụ không mong muốn và những tác dụng phụ đó đều được ghi cụ thể bên ngoài nhãn mác, trong khi đó dị ứng thuốc lại ít xảy ra hơn, chiếm 5-10% các trường hợp điều trị.

  - Dị ứng thuốc cũng không phải là trường hợp tích lũy thuốc do dùng môt số thuốc lâu dài như: thuốc có chứa thủy ngân, vàng, arsen, belladone (cà độc dược),  strychnine (mã tiền).

II. Thuốc nào gây dị ứng? 

- Tất cả các thuốc đều có khả năng gây ra phản ứng có hại. Trong số các loại thuốc gây dị ứng, kháng sinh là nhóm thuốc xếp "đầu bảng" chiếm tới hơn 50%. Các thuốc kháng sinh thường gây dị ứng là  Penilicilin,  Ampicillin, Streptomicine, Sulfonamide. Kế đến là các thuốc điều trị động kinh, thuốc giảm đau,  kháng viêm, giảm sốt, vitamin, các thuốc có nguồn gốc từ chất đạm (protein, peptid) như các hormon… Một số thuốc ảnh hưởng trên hệ tim mạch như thuốc tê novocain, lidocain, vitamin C chích, vitamin B1 chích... có thể gây choáng phản vệ. Ngay cả aspirin uống cũng có thể gây choáng phản vệ. Có thuốc dùng nhiều lần trước đó không việc gì nhưng sau lại bị phản ứng.

- Đặc biệt lưu ý có hiện tượng gói là phản ứng chéo giữa thuốc gây dị ứng với thuốc khác cùng nhóm. Thí dụ, người đã bị dị ứng với kháng sinh amoxicillin thì có thể bị dị ứng với các thuốc khác nằm cùng nhóm beta-lactam (gọi là nhóm penicillin, nhóm cephalosporin). Người đã dị ứng với aspirin cũng có thể bị dị ứng với các thuốc khác nằm trong nhóm thuốc kháng viêm không steroid (NSAID).

- Dị ứng thuốc do đường uống nhiều nhất (hơn 70%), thường gây ra các hội chứng loại hình dị ứng muộn, tiếp đó là đường tiêm chích (gần 20%). Các loại thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi, bôi ngoài da, tẩy-nhuộm lông,tóc… cũng đều có khả năng gây ra các dị ứng tại chỗ và toàn thân như dùng đường uống, đường tiêm chích.

- Trong các trường hợp dị ứng với kháng sinh thường xảy ra, đáng lo ngại nhất là Penicillin và nhóm beta-lactam. Đây là kháng sinh đầu được tìm ra và áp dụng vào điều trị và cũng chính Penicillin gây sốc phản vệ do dùng kháng sinh.

- Sốc phản vệ là tai họa khủng khiếp, là trường hợp nặng nhất của dị ứng thuốc, có thể dẫn đến khó thở, hạ huyết áp, trụy mạch và tử vong có thể xảy ra trong vài phút nếu không cấp cứu đúng và kịp thời. Vì thế có kiến thức về tình trạng dị ứng thuốc và sốc thuốc là điều rất cần thiết cho tất cả mọi người.

- Thuốc đông y đứng thứ ba trong số các nhóm thuốc gây dị ứng. Đây thực sự là điều rất đáng báo động vì người dân vẫn thường quan niệm không những các thuốc đó lành tính, không độc mà còn mát, bổ và hợp với tạng người Việt. Vì vậy, mọi người cứ "thoải mái" sử dụng mà không cần phải đề phòng". 

- Theo các chuyên gia y tế, việc lạm dụng, chữa bệnh theo kiểu mách bảo, xem nhẹ tác dụng phụ của thuốc đông y là vấn đề hết sức nguy hiểm. Thực ra, thuốc đông y không đơn giản là lành, mát, bổ như nhiều người lầm tưởng. Thuốc tây, thuốc đông y, thuốc nam, y học dân tộc về bản chất đều như nhau, chỉ khác chăng là phương thức trích ly hoạt chất để sử dụng. Cách sử dụng thuốc đông y là đun để chiết suất ra thuốc với hàm lượng thấp, còn thuốc tây là được “hoá liệu” để tổng hợp tinh chất và hàm lượng cao hơn. Ngoài ra, việc sử dụng thuốc đông y cũng phức tạp hơn thuốc tây vì không những có dược chất chính mà còn rất nhiều chất khác nữa. Thông thường, trong mỗi thang thuốc có hàng chục vị, mà mỗi vị lại có nhiều chất khác nhau mà cho đến giờ, kể cả người bốc thuốc cũng chưa hiểu được hết tác dụng của các vị thuốc. Bên cạnh đó, người sử dụng thuốc đông y cũng có nguy cơ nhiễm độc với các loại hoá chất bảo quản như: lưu huỳnh, phosphor, thuốc chống ẩm, mốc…Tình trạng dị ứng thuốc đông y thường chậm, nhiều bệnh nhân khi đến cơ sở y tế cũng không biết mình bị dị ứng thuốc đông y.

III. Nguyên nhân dẫn đến dị ứng thuốc.

1. Tùy theo cơ địa mà người dùng thuốc có thể bị dị ứng với bất cứ thuốc nào kể cả những thuốc bổ, thuốc nam. Ở những người có cơ địa dị ứng, việc dùng thuốc gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy có mối liên hệ di truyền giữa cha mẹ và con cái. Nếu cha mẹ bị dị ứng thì xác suất sinh con có 50% bị dị ứng và có liên hệ với cùng một nguyên nhân dị ứng. Trường hợp cha mẹ không bị dị ứng thì tỉ lệ con mắc bệnh dị ứng chỉ là 10%. Ngoài ra, ở một số trường hợp là nhân viên y-dược bệnh viện, qua nghiên cứu người ta cũng thấy họ có nguy cơ bị dị ứng thuốc cao gấp 2,5 lần người khác.

- Có người xuất hiện các triệu chứng dị ứng thuốc ngay sau khi uống một vài giờ, nhưng cũng có khi sau một vài ngày, thậm chí hằng tuần. Đáng lưu ý là trong rất nhiều trường hợp thấy bị sốt, ngứa, nổi mày đay, bệnh nhân lại nghĩ rằng mình bị một bệnh khác và dùng thêm vài loại thuốc nữa, càng làm cho tình trạng dị ứng thuốc trầm trọng hơn.

2. Thuốc đã quá thời gian sử dụng: khi đó, chúng không chỉ hết tác dụng mà có thể biến thành chất khác, gây ngộ độc cho người sử dụng.

3. Tình trạng tự điều trị và sử dụng thuốc bừa bãi. Không ít trường hợp tự kê đơn cho mình hoặc nhờ người bán thuốc kê đơn.

- Những người bệnh trước khi uống thuốc cần phải làm thử phản ứng cơ thể với loại thuốc đó như đặt vào lưỡi, hốc mũi (thuốc uống), hoặc thử ngoài da đối với các loại thuốc tiêm, bôi thử một lượng nhỏ thuốc vào da vùng sau tai…

- Ngoài ra, có quá nhiều loại thuốc được đưa vào thị trường nhưng lại thiếu thông tin hướng dẫn sử dụng an toàn hợp lý và chúng ta chưa quản lý được các nguồn thuốc sản xuất trong nước cũng như nhập khẩu này. 

IV. Vì sao cơ thể bị dị ứng thuốc?

Histamine là một chất có sẵn trong cơ thể như máu và các mô dưới dạng liên kết tĩnh điện histamine-héparine không có hoạt tính. Khi có chất lạ vào cơ thể người dễ bị dị ứng thì nối tĩnh điện này bị cắt đứt, phóng thích histamine tạo nên tác dụng dược lực tác động lên hệ tuần hoàn làm giãn mạch gây tụt huyết áp, lên tim làm tim đập nhanh, lên não gây nhức đầu do bị tăng áp lực nội sọ, lên hô hấp làm co thắt khí phế quản gây nghẹt thở, lên hệ tiêu hóa làm co thắt cơ trơn… Vì thế các thuốc chống dị ứng thường được gọi chung là nhóm kháng histamine.

Khi Histamin được phóng thích tự do trong cơ thể, hiện tượng dị ứng xảy ra được biểu hiện dưới các hình thức:

1. Dị ứng thuốc nhẹ: xuất hiện sớm ngay sau khi dùng thuốc hay trễ hơn sau đó. - Mẩn ngứa, phát ban, nổi mề đay tại chỗ hay toàn thân, mắt ngứa, đỏ, tụt huyết áp do mao mạch bị giãn nở. - Khó thở, hen suyễn do khí phế quản bị co thắt.

- Kích thích cơ trơn đường tiêu hóa gây co thắt, đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy.

2. Dị ứng thuốc trầm trọng: xảy ra sau vái giờ hay vài ngày dùng thuốc: Hội chứng Lyell, hội chứng Stevens- Johnson.
3. Dị ứng thuốc nặng: “sốc” thuốc còn gọi là choáng phản vệ
- Xảy ra rất nhanh sau khi tiêm hoặc uống thuốc, bệnh nhân khó thở, tím tái, trụy tim mạch. Đây là trường hợp dễ dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

- Có nhiều triệu chứng dị ứng thuốc không có biểu hiện rõ ràng mà người bệnh không thể nào biết như sau khi uống thuốc bị rối loạn tiền đình, suy thận,mất tế bào máu…

V. Các nhóm bệnh lý dị ứng thuốc

Dị ứng thuốc thuộc nhóm bệnh lý quá mẫn, được chia thành 4 nhóm:

1. Type I:  Phản ứng miễn dịch kiểu trung gian IgE, thuộc nhóm bệnh lý quá mẫn nhanh ( sốc phản vệ) do cơ thể tiếp xúc với kháng nguyên từ lần thứ 2 trở đi, thường xảy ra do thuốc dùng đường tiêm. Phản ứng có thể xảy ra đột ngột khi đang tiêm thuốc, vừa ngừng mũi tiêm hay trong vòng chỉ 1 vài phút sau. Bệnh có liên quan đến cơ địa bệnh nhân,Thường gặp trong sốc phản vệ, hen, mày đay, phù mạch.

2. Type II: Phản ứng quá mẫn độc tế bào, xảy ra do cơ thể bị kích thích sinh quá nhiều kháng thể (IgM và IgG) dị ứng chống tế bào của chính mình, kết hợp với kháng nguyên (thuốc) tạo ra phức hợp miễn dịch kháng nguyên - kháng thể. Các bệnh phổ biến thuộc nhóm này là tan máu tự nhiên, giảm tiểu cầu tự miễn sau truyền máu, hạ bạch cầu hoặc do thuốc (hội chứng Stevens-Johnson, hội chứng Lyell).

3. Type III: Nhóm quá mẫn do phức hợp miễn dịch kháng nguyên - kháng thể lắng đọng ở thành mạch máu nhỏ gây viêm mao mạch, kết dính tiểu cầu gây tắc nghẽn, thiếu máu, hoại tử các mô. Kháng thể là IgG, IgM. Bệnh thường xảy ra 5-7 ngày sau khi dùng thuốc, gặp trong  bệnh huyết thanh, viêm mao mạch do thuốc với các biểu hiện viêm mao mạch, mề đay, viêm khớp, viêm thận, thiếu máu tán huyết, mất bạch cầu hạt, viêm cơ tim, viêm đa dây thần kinh.

4. Type IV: Nhóm quá mẫn chậm qua trung gian tế bào do phản ứng quá mức của tế bào Lympho T đối với đáp ứng miễn dịch. Thường gặp trong viêm da tiếp xúc dị ứng, hồng ban cố định nhiễm sắc và bệnh chàm do thuốc.

VI. Làm thế nào để phòng ngừa dị ứng thuốc?

- Chỉ nên dùng thuốc điều trị bệnh theo đúng toa chỉ định của bác sĩ, không tự ý mua thuốc để tự điều trị cũng như giới thiệu thuốc điều trị cho người khác vì đơn giản nghĩ rằng họ có bệnh lý giống mình. Việc sử dụng thuốc đúng hướng dẫn của bác sỹ điều trị và được theo dõi, chăm sóc là điều cần thiết nhằm giảm thiểu các phản ứng có hại của thuốc.

Dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ & ngưng sử dụng thuốc, gặp bác sĩ ngay khi có phản ứng bất thường xảy ra

- Dị ứng thuốc là tình trạng xảy ra ngoài ý muốn của bác sĩ điều trị cũng như của bệnh nhân. Khi đang dùng thuốc, nếu xảy ra các phản ứng bất thường như ngứa, nổi mề đay, khó thở, hoặc cảm thấy khó chịu thì lập tức ngưng sử dụng thuốc đó, đến khám ngay ở cơ sở y tế gần nhất để có thể được cấp cứu hay được hướng dẫn xử trí thích hợp. Sau đó, ta nên đến tái khám ở bác sĩ đã chỉ định thuốc để bác sĩ có thể thay đổi thuốc điều trị nếu cần. Các biện pháp dân gian như uống nước đậu xanh để giã thuốc, uống nước chanh, lòng trắng trứng... đều chưa có cơ sở khoa học để chứng minh.

- Khi đã bị dị ứng loại thuốc nào thì tuyệt đối không được dùng loại thuốc đó nữa.

Việc dùng thuốc chống dị ứng chỉ mang tính chất tạm thời để giải trừ tác động của Histamin trong cơ thể chứ không giải quyết được căn nguyên dị ứng.

Nên nhớ rằng tình trạng dị ứng đối với một loại thuốc xảy ra ở những lần sau đều trầm trọng hơn lần trước!

- Khi đi khám bệnh ở bác sĩ hoặc đến nhà thuốc mua thuốc thì phải thông báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ biết những loại thuốc mà mình đã bị dị ứng trước đây và những loại thuốc hiện đang dùng để được hướng dẫn sử dụng thuốc hợp lý, an toàn.

VII. Các dạng biểu hiện bệnh lý hay gặp trong dị ứng thuốc:

1. Ban đỏ (Exanthems): là dạng ban sẩn hoặc ban dạng sởi, nhỏ như đầu đinh ghim ở thân mình và có thể liên kết lại với nhau tạo thành mảng, người bệnh thường ngứa, thời gian xuất hiện sau dùng thuốc thường khoảng 1 tuần và tồn tại đến một vài tuần. Những  thuốc hay gây dị ứng dạng này là: ampicillin, amoxycillin, cotrimoxazole, carbamazepine, cefaclor, những thuốc bôi ngoài da, những thuốc có khả năng khuếch tán trong môi trường (các mỡ kháng sinh, chống viêm, bảo vệ da, tiếp xúc trực tiếp với thuốc trong công nghệ sản xuất thuốc, khí dung kháng sinh...).

2. Viêm da bong vảy (Exfoliative dermatitis): là dạng ít gặp với biểu hiện đỏ da bong vảy và ngứa toàn thân. Bệnh có thể tiến triển nặng nề và có thể đe doạ đến tính mạng người bệnh. Dạng này thường xuất hiện sau dùng thuốc khoảng 1 tuần và tồn tại trong 3 – 4 tuần. Các thuốc hay gây dị ứng dạng này là: allopurinol, thuốc chống sốt rét, giảm đau, hạ nhiệt, carbamazepine, penicillin, streptomycin, chloramphenicol, tetracyclin và sulfonamide.

3. Mày đay (Urticaria): Thường là biểu hiện lâm sàng nhẹ và ban đầu của phần lớn các trường hợp dị ứng thuốc. Các loại thuốc đều có thể gây mày đay, hay gặp hơn là kháng sinh, văcxin, huyết thanh, thuốc chống viêm giảm đau, hạ sốt... Sau khi dùng thuốc (nhanh từ 5-10 phút, chậm có thể vài ngày), người bệnh cảm thấy nóng bừng, ngứa, trên da nổi ban cùng sẩn phù, có thể kết hợp với phù mạch, phù nề mi mắt, môi. Trường hợp nặng có thể có khó thở, đau bụng, đau khớp, chóng mặt, buồn nôn, đau đầu, mệt mỏi, sốt cao...

Mày đay cấp thường biểu hiện tăng sẩn phù, mất đi nhanh và xuất hiện lại cũng nhanh, diễn biến trong thời gian dưới 3 tuần. Mày đay diễn biến hằng ngày, kéo dài hơn 3 tuần là đã chuyển thành mạn tính.

Những thuốc hay gây dị ứng dạng này là: kháng sinh, đặc biệt là  penicillin, thuốc khác: captopril và các thuốc ức chế men chuyển khác, thuốc chống viêm giảm đau không - steroid (NSAIDs) bao gồm cả aspirin, và các thuốc quinine.

4. Phù Quincke (Quincke’s oedema): Là tình trạng phù cục bộ, có thể do kháng sinh, văcxin, huyết thanh, các thuốc chống viêm không steroid... Phù thường xuất hiện nhanh sau khi dùng thuốc ở những vùng da mỏng, môi, cổ, quanh mắt, bụng, các chi, bộ phận sinh dục... Kích thước phù Quincke thường to, có khi bằng bàn tay, nếu ở gần mắt làm cho mắt híp lại, ở môi làm môi sưng to, biến dạng. Màu da vùng phù bình thường hoặc hơi hồng nhạt, đôi khi phối hợp với mày đay. Trường hợp phù Quincke ở họng, thanh quản, người bệnh có thể bị nghẹt thở; ở ruột, dạ dày gây đau bụng; ở não gây đau đầu...

5. Da nhạy cảm ánh sáng (Photosensitivity): bình thường da không nhạy cảm với ánh sáng. Khi dùng một số loại thuốc thường là các loại như: ức chế men chuyển, NSAIDs, quinolone, nalidixic acid, phenothiazine, tetracycline, griseofulvin, amiodarone, sulfonamide và thiazide thì da trở nên tăng nhạy cảm với ánh sáng và bị tổn thương như: đỏ da giống bị phỏng, sạm da, đen da hoặc mất sắc tố da vv… Vị trí ở các vùng da hở như: mặt, cổ, mu bàn tay, mu bàn chân. Mức độ tổn thương phụ thuộc vào liều thuốc sử dụng và thời gian tiếp xúc với ánh nắng.

6. Hồng ban đa dạng (Erythema multiforme): Bệnh bắt đầu sau một vài ngày dùng thuốc với những biểu hiện: sốt nhẹ, mệt mỏi, đau khớp, sưng hạch, có cảm giác nóng bỏng toàn thân. Tổn thương là các hồng ban hình bia bắn điển hình có ba vòng tròn đồng tâm: ngoài cùng là vòng ban đỏ, tiếp trong là sẩn đỏ phù nề , ở giữa là mụn nước nhỏ hoặc vỡ, trợt, hoại tử. Bệnh có thể kèm theo tổn thương niêm mạc các hốc tự nhiên, tổn thương nội tạng (tim, gan, thận...), tái phát nhiều đợt; trường hợp nặng có thể gây tử vong.

Nguyên nhân do thuốc gây hồng ban đa dạng chỉ chiếm khoảng 10%, các thuốc thường gây hồng ban đa dạng là: ức chế men chuyển, allopurinol, carbamazepine, phenytoin, NSAIDs, penicillins, sulfonamide và tetracyclin

7. Viêm mao mạch (Cutaneous vasculitis necrolysis): là tình trạng viêm hoại tử các mao mạch ngoài da do các thuốc như: Ức chế men chuyển, NSAIDs, allopurinol, penicillins, sulfonamides và thiazides lợi tiểu. Biểu hiện ngoài da là các ban xuất huyết sờ thấy được trên mặt da. Ngoài ra thuốc còn có thể gây viêm mạch nội tạng và gây nguy hiểm hơn cho người bệnh.

8. Ban dạng lichen (Lichenoid eruptions): gọi tên này bởi vì tổn thương ngoài da giống lichen phẳng: là các sẩn màu hơi tím, phẳng, trên đó có các rãnh, khía...tổn thương có thể liên kết thành mảng lớn. Các thuốc hay gây dị ứng dạng này là: thuốc chẹn beta, thuốc ức chế men chuyển, thuốc chống sốt rét, furosemide, thiazides, chlorpropamide, methyldopa, phenothiazine và quinidine.

9. Hồng ban cố định nhiễm sắc (Fixed drug eruptions): là dạng dị ứng thuốc biểu hiện ở vị trí cố định trên da, thường là các vị trí liên kết da – niêm mạc. Tổn thương là các dát sẫm màu ranh giới rất rõ với da lành, số lượng thường chỉ 1 hoặc vài tổn thương. Xuất hiện lại tại đúng vị trí lần trước, sau khi uống thuốc khoảng 30 phút đến 8 giờ kèm theo cảm giác nóng rát hoặc châm chích tại vị trí tổn thương. Các thuốc thường gây dị ứng loại này là: tetracycline, sulfonamide, NSAIDs, paracetamol, phenolphthalein và barbiturat.

10. Chứng mất bạch cầu hạt (Agranulocytosis): Có thể xuất hiện sau khi người bệnh dùng các thuốc như: sulfamid, penicillin liều cao, streptomycin, pyramidon, chloramphenicol, analgin... Bệnh cảnh lâm sàng điển hình: sốt cao đột ngột, mệt mỏi, sức khỏe giảm sút nhanh, nổi ban dạng sởi, dạng xuất huyết, loét hoại tử niêm mạc miệng, mũi họng, cơ quan sinh dục, viêm phổi, viêm tắc tĩnh mạch, nhiễm xuất huyết, dễ dẫn tới tử vong.

11. Bệnh huyết thanh (Serum sickness): Là một tai biến dị ứng thuốc hay gặp, chủ yếu là do kháng sinh như penicillin, ampicillin, streptomycin... và một số thuốc khác. Bệnh thường xuất hiện vào ngày thứ hai đến ngày thứ 14 sau khi dùng thuốc với biểu hiện mệt mỏi, chán ăn, mất ngủ, buồn nôn, đau khớp, sưng nhiều hạch, sốt cao 38-39 độ C, gan to, nổi ban mày đay khắp người. Nếu phát hiện kịp thời và ngừng ngay việc dùng thuốc, các triệu chứng trên sẽ dần hết.

12. Sốc phản vệ (Anaphylactic shock): Là tai biến dị ứng nghiêm trọng, dễ gây tử vong. Khá nhiều loại thuốc có thể gây sốc phản vệ như kháng sinh (thường gặp khi tiêm chích Penicillin, Streptomycin), văcxin, huyết thanh, các thuốc chống viêm không steroid, tinh chất gan, một số loại viamin, thuốc gây tê, thuốc cản quang có iode...

- Bệnh cảnh lâm sàng sốc phản vệ khá đa dạng, thông thường có thể xảy ra ngay sau khi dùng thuốc vài giây cho đến 20-30 phút, khởi đầu bằng cảm giác lạ thường (tê môi, lưỡi, bồn chồn, sợ hãi...). Tiếp đó là sự xuất hiện nhanh các triệu chứng như khó thở, mạch nhanh nhỏ, huyết áp tụt (có khi không đo được), ngứa ran khắp người, đau quặn bụng, tiểu tiện, đại tiện không tự chủ. Trong thể cấp tính người bệnh có thể hôn mê, nghẹt thở, rối loạn nhịp tim, ngừng tim và tử vong sau ít phút.

13. Hội chứng Stevens-Johnson (Stevens-Johnson syndrome): Thường do các thuốc kháng sinh penicillin, ampicillin, streptomycin, tetracylin, allopurinol, zyloric, các sulfamid chậm, an thần, chống viêm không steroid. Sau khi dùng thuốc từ vài giờ đến 10-15 ngày, người bệnh mệt mỏi, ngứa khắp người, có cảm giác nóng ran, sốt cao, nổi ban đỏ, nổi bọng nước trên da, viêm loét hoại tử niêm mạc các hốc tự nhiên (miệng, mắt, mũi, tai, hậu môn, sinh dục, tiết niệu) và có thể kèm theo tổn thương gan thận, nếu nặng có thể gây tử vong.

14. Hội chứng Lyell (Toxic epidermal necrolysis): Là tình trạng nhiễm độc hoại tử thượng bì nghiêm trọng nhất do dị ứng các thuốc như sulfamid chậm, allopurinol, zyloric, carbamazepin, phenytoin, nevirapine, barbiturate, penicillin, ampicillin, streptomycin, tetracylin, cephalosporin, analgin, phenacetin... Bệnh diễn biến từ vài giờ đến vài tuần sau khi dùng thuốc. Người bệnh mệt mỏi, choáng váng, mất ngủ, sốt cao, ngứa khắp người, trên da xuất hiện các mảng đỏ, đôi khi có những chấm xuất huyết; vài ngày sau, có khi sớm hơn, lớp thượng bì tách khỏi tổ chức da, khẽ động đến là tuột từng mảng, tương tự hội chứng bỏng toàn thân. Bệnh nhân có thể bị viêm loét các hốc tự nhiên, viêm phổi, màng phổi, viêm gan, thận, rối loạn nước điện giải, rối loạn chuyển hóa, nhiễm độc, nhiễm trùng. Tình trạng người bệnh thường rất nặng, nhanh dẫn đến tử vong.

BS. LÊ ĐỨC THỌ
Trưởng khoa Da Liễu - BV Hoàn Mỹ Sài Gòn