Thông tư hướng dẫn chuẩn mực kế toán số 29

Công bố 5 chuẩn mực kế toán công Việt Nam đợt 1 Đánh dấu sự phát triển của kế toán trong khu vực công tại Việt Nam

29/10/2021 13:00:00

Sáng 29/10, tại trụ sở Bộ Tài chính, Bộ Tài chính tổ chức Hội thảo trực tuyến công bố 05 chuẩn mực kế toán công Việt Nam đợt 1. Đối với Việt Nam, đây là các chuẩn mực kế toán công đầu tiên của quốc gia, khẳng định sự hội nhập và thừa nhận các thông lệ chung của quốc tế, đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ của kế toán trong khu vực công tại Việt Nam, nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về kế toán, thống nhất các nguyên tắc cho lập báo cáo tài chính của các đơn vị công và lập báo cáo tài chính nhà nước.

Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn phát biểu tại Hội thảo

Tham dự Hội thảo tại điểm cầu Bộ Tài chính có Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn; bà Steffi Stallmeister, phụ trách danh mục, Đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam; ông Werner Gruber, Trưởng bộ phận hợp tác quốc tế Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ tại Việt Nam; đại diện Lãnh đạo Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán; đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Tài chính; đại diện các hội nghề nghiệp kế toán, kiểm toán trong nước và nước ngoài.

Đồng tham dự hội thảo tại các điểm cầu còn có đại diện các Bộ, ngành Trung ương; đại diện các Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước các tỉnh, thành phố; thành viên ban soạn thảo, tổ biên tập hệ thống chuẩn mực kế toán công; đại diện các cơ sở đào tạo kế toán, kiểm toán và các chuyên gia về kế toán, kiểm toán, tư vấn trong nước.

Xây dựng và công bố các chuẩn mực kế toán công Việt Nam là tất yếu khách quan

Phát biểu tại Hội thảo, đại diện Bộ Tài chính cũng như phía các tổ chức quốc tế đều cho rằng, vai trò của kế toán công được thể hiện trong việc thực hiện các chức năng cung cấp thông tin và kiểm tra, giám sát đối với hoạt động kinh tế - tài chính của Nhà nước. Việc cải cách kế toán công sẽ giúp minh bạch thông tin tài chính, nâng cao trách nhiệm giải trình và hạn chế sự khác biệt so với thông lệ quốc tế. Bên cạnh đó, việc lập báo cáo tài chính nhà nước đặt ra yêu cầu phải xây dựng và công bố hệ thống chuẩn mực kế toán công phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn Việt Nam, từ đó, có cơ sở xác định đối tượng, phạm vi, quy trình và nội dung thông tin của báo cáo tài chính nhà nước.

Bà Steffi Stallmeister, phụ trách danh mục, Đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn, việc xây dựng và công bố các chuẩn mực kế toán công Việt Nam là một tất yếu khách quan, xuất phát từ nhu cầu quản lý thống nhất về tài chính nhà nước, yêu cầu hội nhập quốc tế của Việt Nam và việc kiểm tra, giám sát hoạt động kế toán trong lĩnh vực kế toán Nhà nước, tạo ra khuôn mẫu, mực thước quan trọng cho lĩnh vực kế toán Nhà nước, góp phần quản lý, quản trị ngày càng tốt hơn nền tài chính quốc gia ở cả tầm vĩ mô và vi mô.

Về phía nhà tài trợ, bà Steffi Stallmeister, phụ trách danh mục, Đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết, hơn 40 quốc gia trên thế giới đã áp dụng chuẩn mực kế toán công quốc tế trong đó có các nước trong khu vực như Malaysia, Philippin, Singgapore Chúc mừng và hoan nghênh Chính phủ, Bộ Tài chính Việt Nam đã hoàn thiện và công bố 05 chuẩn mực kế toán công Việt Nam đợt đầu, tuân thủ chuẩn mực kế toán công quốc tế, đại diện Ngân hàng Thế giới nhận định, đây là sẽ thành tựu quan trọng giúp đánh giá kết quả tài chính, chi đầu tư, quản lý tài sản công, hiểu rõ hơn về nợ cũng như các nhiệm vụ khác của Chính phủ. Việc ban hành chuẩn mực kế toán công Việt Nam sẽ giúp nâng cao khả năng đánh giá chế độ kế toán, tài chính, ngân sách nhà nước trong khu vực công của Việt Nam trong thời gian tới. Báo cáo tài chính dựa trên các chuẩn mực kế toán sẽ cung cấp thông tin tài chính tin cậy, nâng cao tính minh bạch của hệ thống tài chính công, tạo điều kiện cho các đơn vị đảm bảo trách nhiệm giải trình với các cơ quan có thẩm quyền.

Đồng quan điểm, ông Werner Gruber, Trưởng bộ phận hợp tác quốc tế Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ tại Việt Nam nhấn mạnh, việc sử dụng nguồn lực công hiệu quả, minh bạch là vô cùng cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp đã khiến Chính phủ Việt Nam gặp nhiều áp lực về thực hiện chính sách tài khóa trong bối cảnh thu ngân sách nhà nước có xu hướng giảm, cơ quan có thẩm quyền rất cần có thông tin tin cậy để đánh giá, phân bổ nguồn lực hiệu quả.

Ông Werner Gruber, Trưởng bộ phận hợp tác quốc tế Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ tại Việt Nam

Mặc dù có những bước tiến đáng kể trong thời gian qua, nhưng trong thời gian tới, trong quá trình hoàn thiện, ban hành các chuẩn mực tiếp theo sẽ còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, đại diện Ngân hàng Thế giới, Bộ Kinh tế Thụy Sỹ đều cam kết sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ về mặt kỹ thuật cho Chính phủ, Bộ Tài chính Việt Nam thực hiện những cải cách quan trọng, đặc biệt trong lĩnh vực này.

Xây dựng, ban hành chuẩn mực kế toán công theo hình thức cuốn chiếu, đơn giản làm trước, phức tạp làm sau

Chia sẻ tại Hội thảo, Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn cho biết, Chính phủ Việt Nam xác định xây dựng và công bố hệ thống chuẩn mực kế toán công Việt Nam dựa trên cơ sở Chuẩn mực kế toán công quốc tế phù hợp với điều kiện Việt Nam. Áp dụng cho các đơn vị kế toán trong lĩnh vực công với mục tiêu thiết thực, đảm bảo yêu cầu hội nhập kinh tế của đất nước; đồng bộ với cải cách, đổi mới chính sách quản lý kinh tế, chính sách quản lý tài chính công của Việt Nam; là cơ sở để cung cấp thông tin tài chính kịp thời, trung thực nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả, tính công khai minh bạch trong quản lý các nguồn lực của Chính phủ.

Theo Thứ trưởng: Việc công bố hệ thống chuẩn mực kế toán công của Việt Nam là căn cứ để Bộ Tài chính ban hành hệ thống chế độ kế toán hướng dẫn cụ thể phù hợp với từng loại hình đơn vị, đặc điểm tổ chức hoạt động trong mối quan hệ phù hợp với các cơ chế chính sách về tài chính công và ngân sách nhà nước. Việc áp dụng các quy định theo thông lệ chung tạo điều kiện thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế, thu hút nguồn lực bên ngoài, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị kế toán công.

Về lộ trình xây dựng và ban hành chuẩn mực kế toán công, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu, xây dựng và công bố các chuẩn mực dựa trên chuẩn mực kế toán công quốc tế có nội dung phù hợp với điều kiện Việt Nam, ít phải sửa đổi, bổ sung sẽ được công bố trước. Các chuẩn mực phức tạp hơn, có nhiều khác biệt hơn, cần nhiều thời gian nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung về cơ chế tài chính hoặc phụ thuộc vào việc bổ sung, sửa đổi pháp luật có liên quan sẽ được ban hành sau. Theo đó, giai đoạn 2021-2024, Bộ Tài chính sẽ công bố 4 đợt, với 21 chuẩn mực kế toán công của Việt Nam. Sau năm 2024, sẽ công bố các chuẩn mực có những khác biệt lớn, cần được nghiên cứu để áp dụng khi đã tạo lập đầy đủ các điều kiện liên quan để giải quyết sự khác biệt phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Thứ trưởng chia sẻ: Ngày 01/9/2021, Bộ Tài chính đã có Quyết định về việc công bố 5 chuẩn mực kế toán công Việt Nam đợt 1. Chúng tôi tin rằng đây là điểm khởi đầu quan trọng trong lộ trình công bố đầy đủ hệ thống chuẩn mực kế toán công của Việt Nam trong thời gian tới. Ngoài việc là căn cứ để các đơn vị thực hiện công tác kế toán, chuẩn mực kế toán công còn là các thông lệ tốt giúp cho Việt Nam có căn cứ, định hướng thống nhất để bổ sung, sửa đổi cơ chế tài chính trong khu vực công.- Thứ trưởng tin tưởng.

Qua Hội thảo, Bộ Tài chính đề nghị các Bộ, ngành, các địa phương, các đơn vị kế toán công tổ chức nghiên cứu, đào tạo nội dung của các chuẩn mực kế toán công Việt Nam đã được công bố, thực hiện tốt các nội dung chuẩn mực được hướng dẫn trong các chế độ kế toán liên quan. Về phía Bộ Tài chính, theo thẩm quyền, sẽ nghiên cứu, sửa đổi các chế độ kế toán và các văn bản pháp luật có liên quan, phù hợp với chuẩn mực đã công bố và quy định hiện hành về cơ chế tài chính công, ngân sách nhà nước.

Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Bộ Tài chính

Phát biểu tại Hội thảo, thay mặt Lãnh đạo Bộ Tài chính, Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn đánh giá cao và cảm ơn sự phối hợp, đồng hành, giúp đỡ của Ngân hàng thế giới, Bộ Kinh tế Thụy sỹ và các tổ chức quốc tế khác trong việc hỗ trợ nhằm phát triển hệ thống kế toán, kiểm toán Việt Nam trong thời gian qua. Đặc biệt sự hỗ trợ đối với việc thực hiện chuẩn bị các điều kiện áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế và công bố chuẩn mực kế toán công Việt Nam.

Thứ trưởng chia sẻ, hiện nay, Bộ Tài chính đang xây dựng Chiến lược phát triển kế toán, kiểm toán Việt Nam từ năm 2021 đến năm 2030, phù hợp với Chiến lược tài chính cùng giai đoạn. Trong đó, xác định rõ mục tiêu phải pháp về việc xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý về kế toán kiểm toán; đổi mới hệ thống chuẩn mực và phương pháp nghiệp vụ; nâng cao năng lực quản lý giám sát tuân thủ pháp luật về kế toán, kiểm toán; nâng cao năng lực đội ngũ nhân lực về kế toán, kiểm toán; thống nhất và phát triển các hội nghề nghiệp. Bộ Tài chính mong muốn tiếp tục nhận được sự phối hợp, tham gia ý kiến của các Bộ ngành, địa phương trong cả nước; sự đồng hành, phối hợp, hỗ trợ kỹ thuật từ phía các tổ chức quốc tế về mặt kỹ thuật để triển khai thực hiện thành công, hiệu quả các mục tiêu, giải pháp của Chiến lược này.

Thay mặt Ban soạn thảo, ông Vũ Đức Chính, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán bày tỏ cảm ơn sự quan tâm, chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Tài chính; sự phối hợp, đồng hành, hỗ trợ của các thành viên tổ biên tập, ban soạn thảo, các tổ chức quốc tế trong suốt quá trình nghiên cứu, xây dựng, triển khai các chuẩn mực kế toán công, trong đó có 5 chuẩn mực kế toán công đợt 1.

Các đại biểu tham dự tại các điểm cầu khác qua phần mềm Zoom

Với Quyết định 1676/QĐ-BTC ngày 1/9/2021 về việc công bố 5 chuẩn mực kế toán công Việt Nam đợt 1, Bộ Tài chính sẽ triển khai xây dựng các thông tư hướng dẫn các chế độ kế toán đảm bảo phù hợp cơ chế tài chính công, ngân sách nhà nước, có lộ trình thực hiện cụ thể để đảm bảo tính khả thi và không tạo ra sức ép cho các đơn vị trong quá trình thực hiện.

Ông Chính cũng lưu ý, khi các đơn vị sự nghiệp công lập dần chuyển sang hoạt động tự chủ, sự ra đời của chuẩn mực công chính là sự đón đầu về mặt nguyên tắc kế toán cũng như các cơ chế tài chính để quy định kỹ thuật kế toán áp dụng cho khu vực công một cách phù hợp. Trong các chuẩn mực, không chỉ đề cập đến vấn đề kế toán mà còn bao gồm nội hàm về cơ chế tài chính, việc ban hành chuẩn mực kế toán công sẽ là căn cứ, định hướng chung để hướng đến đồng bộ cơ chế tài chính của khu vực công, phù hợp thông lệ quốc tế, khoa học, phục vụ công tác kế toán, công tác quản lý của các đơn vị trong khu vực công.

Ông Vũ Đức Chính, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán [Bộ Tài chính]

Hiện nay, cùng với việc xây dựng chuẩn mực công, Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán đang tiến hành tổng kết, đánh giá việc thực hiện Thông tư 107/2017/TT-BTC ngày 10/10/2017 hướng dẫn chế độ kế toán hành chính, sự nghiệp, để từ đó định hướng các nội dung bổ sung, sửa đổi phù hợp với cơ chế tài chính và chuẩn mực kế toán công. Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán mong muốn nhận được sự tham gia ý kiến của các đơn vị, các Bộ, ngành, địa phương để tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền.

Cũng tại Hội thảo, đại diện Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán đã trình bày những nội dung cần lưu ý để thực hiện chuẩn mực kế toán công Việt Nam; nội dung 5 chuẩn mực kế toán công Việt Nam. Các đại biểu tham dự Hội thảo cũng đã dành thời gian để trao đổi, thảo luận về nội dung của các chuẩn mực kế toán công Việt Nam.

HP

Video liên quan

Chủ Đề