Thị trường bảo hiểm là thị trường chịu sự kiểm tra giám sát của nhà nước

Hoạt động BHNT chính thức triển khai ở Việt Nam từ năm 1996 đến nay đã được 20 năm. Bên cạnh nghiệp vụ chính là kinh doanh bảo hiểm, các DNBHN còn thực hiện các hoạt động đầu tư từ nguồn vốn nhàn rỗi khi chưa phải thực hiện nghĩa vụ chi trả, thanh toán cho khách hàng theo hợp đồng. Tuy nhiên do nguồn vốn đầu tư lại chủ yếu hình thành từ phí bảo hiểm người tham gia đóng góp nên công tác kiểm tra, giám sát hoạt động Đầu tư tài chính của DNBHNT có một ý nghĩa quan trọng trong việc bảo toàn quỹ. Trong phạm vi của bài viết này, tác giả sẽ đề cập đến vấn đề kiểm tra, giám sát của Cơ quan quản lý Nhà nước về hoạt động Đầu tư tài chính của DNBHNT.

ThS. Nguyễn Thị Thu Trang
 Giảng viên Khoa Tài chính – Ngân hàng  

    Hoạt động BHNT chính thức triển khai ở Việt Nam từ năm 1996 đến nay đã được 20 năm. Bên cạnh nghiệp vụ chính là kinh doanh bảo hiểm, các DNBHN còn thực hiện các hoạt động đầu tư từ nguồn vốn nhàn rỗi khi chưa phải thực hiện nghĩa vụ chi trả, thanh toán cho khách hàng theo hợp đồng. Tuy nhiên do nguồn vốn đầu tư lại chủ yếu hình thành từ phí bảo hiểm người tham gia đóng góp nên công tác kiểm tra, giám sát hoạt động Đầu tư tài chính của DNBHNT có một ý nghĩa quan trọng trong việc bảo toàn quỹ.  Trong phạm vi của bài viết này, tác giả sẽ đề cập đến vấn đề kiểm tra, giám sát của Cơ quan quản lý Nhà nước về hoạt động Đầu tư tài chính của DNBHNT.

 

1. Tổng quan về Giám sát hoạt động đầu tư tài chính của DNBHNT


    BHNT và đầu tư tài chính của DNBHNT
    BHNT loại hình bảo hiểm bao hàm những cam kết mà sự thực hiện những cam kết đó phụ thuộc vào tuổi thọ của con người. Đặc thù của hoạt động kinh doanh bảo hiểm là phí bảo hiểm được thu trước còn cam kết chi trả bảo hiểm được thực hiện sau, ngoài ra thời hạn bảo hiểm của các hợp đồng BHNT là dài hạn nên khoản doanh thu thu được từ phí bảo hiểm sẽ không phải chi dùng ngay (bồi thường, trả tiền bảo hiểm) mà sẽ nhàn rỗi trong một khoảng thời gian tương đối dài, nên DNBHNT có thể sử dụng tiền nhàn rỗi này để đầu tư. DNBHNT sử dụng tiền nhàn rỗi từ vốn chủ sở hữu và phí bảo hiểm thu được và một số nguồn vốn khác để cung cấp vốn cho nền kinh tế như một trung gian tài chính thông qua thị trường tài chính dưới hình thức như gửi tiền ngân hàng, mua chứng khoán hay góp cổ phần.
Như vậy, Đầu tư tài chính của DNBHNT là việc doanh nghiệp sử dụng các nguồn vốn nhàn rỗi để đầu tư vào các lĩnh vực đầu tư theo luật định.  

    Giám sát hoạt động đầu tư tài chính của DNBHNT


    Ở góc độ vĩ mô, hoạt động đầu tư của các DNBH nói chung và DNBHNT nói riêng chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan giám sát (Phòng quản lý giám sát bảo hiểm, Vụ quản lý giám sát bảo hiểm, Cục quản lý giám sát bảo hiểm hay Ủy ban giám sát dịch vụ tài chính thuộc Bộ Tài chính hoặc Ngân hàng Nhà nước hoặc Chính phủ). Các cơ quan giám sát này sẽ trực thuộc các cấp có thẩm quyền khác nhau phụ thuộc vào mô hình giám sát các nước lựa chọn như: Mô hình giám sát theo định chế (Institutional); Mô hình giám sát theo chức năng (Functional); Mô hình giám sát theo lưỡng đỉnh (Twin peak); Mô hình giám sát hợp nhất: Gồm hợp nhất hoàn toàn (full integration) và hợp nhất một phần (partial integration).
    * Phương thức giám sát: Hiện nay trên thế giới có hai phương thức giám sát hoạt động đầu tư là: Phương thức giám sát tuân thủ là phương thức giám sát trên cơ sở Luật định (phân tích các chỉ tiêu từ hoạt động kinh doanh, đầu tư từ các báo cáo tài chính) và so sánh với chỉ tiêu giám sát theo quy định của pháp luật. Còn Phương thức giám sát trên cơ sở rủi ro là phương thức định lượng hóa quy mô rủi ro phát sinh từ tình hình kinh doanh và năng lực quản lý của DNBH trên cơ sở đánh giá đồng bộ nhằm phát hiện những yếu kém của doanh nghiệp trong quá khứ và tương lai (sử dụng mô hình phân tích định lượng, cảnh báo sớm, kiểm định rủi ro).
Giám sát trên cơ sở rủi ro tập trung vào chất lượng quản lý đầu tư (quá trình đầu tư từ thiết lập chính sách, thực thi và giám sát đầu tư) hơn là kết quả đầu tư (đầu ra, giới hạn đầu tư và tỷ suất sinh lợi) của phương thức giám sát tuân thủ.
    * Quy trình giám sát: Để thực hiện giám sát thị trường, cho dù thực hiện phương thức giám sát nào thì việc giám sát cũng được thực hiện theo các quy trình: Giám sát từ xa (phân tích đánh giá hoạt động của DNBHNT dựa trên thông tin thu thập được, cảnh báo nhận định rủi ro sớm) và giám sát tại chỗ (kiểm tra và thanh tra ngay tại doanh nghiệp).
    * Nội dung giám sát: Giám sát về nguồn vốn đầu tư (vốn điều lệ, quỹ dự trữ bắt buộc, quỹ dự trữ tự nguyện, các khoản lãi từ năm trước chưa sử dụng đặc biệt là nguồn vốn nhàn rỗi từ dự phòng nguồn vốn (DPNV) - thực chất là tiền của các khách hàng mua bảo hiểm mà DNBH tạm thời quản lý); Cơ cấu đầu tư (các tài sản có hoạt động đầu tư) và tỷ suất lợi nhuận. DPNV thực chất là tiền của các khách hàng mua bảo hiểm mà DNBH tạm thời quản lý.
2. Thực trạng giám sát hoạt động đầu tư tài chính của DNBHNT
    Hoạt động đầu tư của các DNBHNT trên thị trường bảo hiểm Việt Nam chịu sự quản lý, giám sát của Cục quản lý giám sát bảo hiểm thuộc Bộ Tài chính. Mô hình giám sát thị trường BHNT là mô hình giám sát theo định chế, phù hợp với sự phát triển thị trường tài chính Việt Nam nói chung và thị trường BHNT ở thời điểm hiện tại.
    Bên cạnh các văn bản quy phạm pháp luật, Việt Nam đang dần từng bước hướng tới việc áp dụng các nguyên tắc, chuẩn mực giám sát bảo hiểm do Hiệp hội các nhà quản lý bảo hiểm quốc tế (IAIS) ban hành. Tuy nhiên các nguyên tắc, chuẩn mực giám sát do IAIS ban hành chủ yếu áp dụng cho các nước thực hiện giám sát thị trường theo phương thức giám sát trên cơ sở rủi ro, việc áp dụng các nguyên tắc giám sát bảo hiểm của Việt Nam chỉ dừng lại ở mức độ nhất định do Việt Nam hiện đang áp dụng theo phương thức giám sát tuân thủ. Công tác kiểm tra, giám sát DNBH được triển khai theo kế hoạch với mục đích hỗ trợ DNBH hiểu đúng và tuân thủ quy định pháp luật.
    Quy trình giám sát hoạt động đầu tư của DNBHNT được thực hiện ở cả hai quy trình giám sát từ xa và giám sát tại chỗ (kiểm tra trực tiếp).
   Đối với công tác giám sát từ xa, giai đoạn 2011-2015, Cục quản lý giám sát Bảo hiểm đã tiến hành thực hiện giám sát 100% hoạt động đầu tư tài chính của các DNBHNT về quy định tuân thủ nguồn vốn đầu tư và cơ cấu đầu tư. Việc sai phạm trong đầu tư vẫn còn rải rác ở các DNBHNT, việc sai phạm này được phát hiện qua các đợt kiểm tra, thanh tra hoặc được giám sát thông qua báo cáo tài chính đã kiểm toán. Các DNBHNT thường có những sai phạm phổ biến là: Cho vay nhưng hết thời hạn chưa thu hồi được khoản vay; ủy thác cho công ty quản lý quỹ đầu tư nhưng việc theo dõi hợp đồng ủy thác chưa tốt; thậm chí các khoản lãi vay và lãi chậm trả cuối năm không được ghi nhận vào doanh thu hoạt động tài chính.
   Theo báo cáo của cơ quan giám sát, hoạt động đầu tư của các DNBHNT giai đoạn 2011 - 2015 nhìn chung là an toàn, tuân thủ đúng pháp luật với tài sản đầu tư tập trung lớn vào trái phiếu chính phủ và gửi tiền tại các tổ chức tín dụng và cho vay theo hợp đồng bảo hiểm (HĐBH) khoảng 60% đến 90% tổng vốn đầu tư. Các hình thức đầu tư có rủi ro cao như bất động sản, cho vay chiếm tỷ lệ rất nhỏ 6% - 8% tổng vốn đầu tư.  

Tỷ trọng đầu tư của từng nhóm đầu tư phân chia theo mức độ rủi ro


Đơn vị: %

Mức độ rủi ro Năm 2011 Năm 2012 Năm 2013 Năm 2014 Năm 2015
1. Rủi ro thấp (TG tại các TCTD, TPCP, TPDN có bảo lãnh) 73,5 66,8 89,1 88,5 89,7
2. Rủi ro trung bình (TPDN không có bảo lãnh, góp vốn DN, ĐTCK, ủy thác đầu tư, khác) 19 26,2 4,6 5,9 5,5
3. Rủi ro cao (BĐS, cho vay) 7,5 7 6,3 5,6 4,8
Tổng vốn đầu tư 100 100 100 100 100

Nguồn: Cục quản lý giám sát bảo hiểm.  

   Với cơ cấu phân bổ vốn đầu tư như vậy, các DNBHNT đã đảm bảo được nguyên tắc an toàn theo đúng quy định pháp luật mặc dù việc đầu tư vốn còn tập trung vào một số danh mục đầu tư nhất định.


    Đối với hoạt động giám sát tại chỗ, giai đoạn 2011-2015, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm đã thực hiện liên tục các buổi kiểm tra chuyên đề đối với các DNBHNT được lựa chọn. Trong năm 2015, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đã hoàn thành kiểm tra chuyên đề đối với 05 DNBHNT (Generali, Phú Hưng Life, PVI Sun Life, VCLI, Vietinbank Aviva) về trích lập dự phòng nghiệp vụ, biên khả năng thanh toán, hoạt động khai thác, thẩm định và chi trả quyền lợi bảo hiểm, hoạt động đầu tư, công tác kế toán. Trong năm 2016 tiến hành kiểm tra 03 DNBHNT (Prudential, Dai-Ichi, Cathay). Kết quả kiểm tra đã góp phần giúp các DNBHNT hiểu thống nhất các quy định pháp lý có liên quan. Các doanh nghiệp thuộc diện kiểm tra đã tiến hành rà soát, hoàn thiện tổ chức, hoạt động theo kiến nghị của Cục quản lý giám sát bảo hiểm.
3. Đánh giá hoạt động giám sát về đầu tư tài chính của các DNBHNT
 Kết quả đạt được
   Từ phân tích thực trạng cho thấy công tác giám sát của cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động đầu tư tài chính của BHNT được thực hiện một cách đầy đủ, phù hợp với mô hình giám sát theo phương thức tuân thủ. Việc ra đời của Cục quản lý giám sát bảo hiểm đã thể hiện được vị trí, vai trò của cơ quan giám sát trên thị trường. Hoạt động giám sát ngày càng được hoàn thiện và nâng cao chất lượng, thanh tra kiểm tra có trọng tâm, xử lý sát sao, kịp thời. Công tác giám sát đã kịp thời hướng dẫn, chấn chỉnh DNBHNT tăng cường tuân thủ pháp luật, phòng chống trục lợi. Đồng thời ra soát, kiến nghị, sửa đổi những điểm bất cập trong cơ chế chính sách và tăng cường năng lực quản lý.
Những tồn tại, hạn chế
   Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động kiểm tra giám sát của cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động đầu tư tài chính của các DNBHNT vẫn còn những hạn chế nhất định. Ở góc độ doanh nghiệp, việc giám sát hoạt động đầu tư đối với đa phần DNBHNT chỉ dừng lại ở việc tuân thủ lĩnh vực đầu tư mà pháp luật cho phép và tính toán các chỉ số lợi nhuận, còn góc độ quản lý Nhà nước thì cơ quan giám sát mới chỉ chú trọng đến khâu giám sát từ xa thông qua hệ thống báo cáo tài chính được gửi lên định kỳ. Hoạt động giám sát tại chỗ mới chủ yếu tập trung ở trụ sở chính mà chưa tiến hành ở các chi nhánh. Tần suất thực hiện giám sát tại chỗ còn thấp. Các cuộc kiểm tra, thanh tra chủ yếu là phát hiện và xử phạt chứ không thực hiện phát hiện và ngăn ngừa. Do vậy hoạt động giám sát chưa đáp ứng được quy mô và mức độ phức tạp của thị trường.
--------------------------
Tài liệu tham khảo
1. Quốc hội (2012), Luật kinh doanh bảo hiểm, ban hành ngày 9/12/2000
3. IAIS (2005), Standard on disclosures concerning investment risks and performance for insurers and reinsurers.
Website
1.                  www.mof.gov.vn
2.                  www.iaisweb.org