Theo Luật phòng, chống tham nhũng trình tự xác minh tài sản, thu nhập được thực hiện như thế nào

1. Tổ chức việc kê khai tài sản, thu nhập

- Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập theo Điều 34, Luật Phòng, chống tham nhũng xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện kê khai tài sản, thu nhập đảm bảo thời gian, trình tự được quy định tại Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/12/2020 của Chính phủ.

- Lập danh sách người có nghĩa vụ kê khai theo quy định tại điểm a, khoản1, Điều 37 Luật Phòng, chống tham nhũng và gửi về Thanh tra tỉnh trước ngày 15/12/2021; hướng dẫn việc kê khai tài sản, thu nhập cho người có nghĩa vụ kê khai; lập sổ theo dõi kê khai, giao, nhận bản kê khai theo quy định tại điểm b, c, khoản 1, Điều 37 Luật Phòng, chống tham nhũng (danh sách người giữ chức vụ từ Giám đốc sở và tương đương trở lên được lập riêng).

2. Thực hiện kê khai tài sản, thu nhập

2.1. Người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập; mẫu kê khai và thời gian thực hiện hiện kê khai

- Kê khai tài sản, thu nhập lần đầu thực hiện theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 36 của Luật Phòng, chống tham nhũng.

- Kê khai bổ sung được thực hiện khi người có nghĩa vụ kê khai có biến động về tài sản, thu nhập trong năm có giá trị từ 300.000.000 đồng trở lên theo định tại khoản 2, Điều 36 của Luật Phòng, chống tham nhũng.

- Kê khai hằng năm theo quy định tại khoản 3 Điều 36 của Luật Phòng, chống tham nhũng và Điều 10 Nghị định số130/2020/NĐ-CP ngày 30/12/2020 của Chính phủ.

- Mẫu bản kê khai tài sản, thu nhập lần đầu, kê khai hằng năm thực hiện theo Phụ lục I, mẫu bản kê khai tài sản, thu nhập bổ sung thực hiện theo Phụ lục II kèm theo Nghị định 130/2020/NĐ-CP ngày 30/12/2020 của Chính phủ.

- Thời gian thực hiện việc kê khai phải hoàn thành trước ngày 31/12/2021.

2.2. Việc tiếp nhận, quản lý, bàn giao bản kê khai cho cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập. Người có nghĩa vụ kê khai nộp 02 bản kê khai tài sản, thu nhập cho cơ quan quản lý, sử dụng người có nghĩa vụ kê khai theo đúng quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng và Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/12/2020 của Chính phủ. Cơ quan, đơn vị quản lý, sử dụng người có nghĩa vụ kê khai có trách nhiệm tổng hợp danh sách người có nghĩa vụ kê khai (theo mẫu gửi kèm), bàn giao 01 bản kê khai tài sản, thu nhập theo quy định tại khoản 3 Điều 38 của Luật Phòng, chống tham nhũng và danh sách người có nghĩa vụ kê khai theo mẫu về Thanh tra tỉnh trước ngày 20/01/2022 (đồng thời gửi bản mền danh sách tổng hợp vào mail công vụ: ). Đối với bản kê khai của người giữ chức vụ từ Giám đốc sở và tương đương trở lên lập danh sách riêng và bàn giao về Thanh tra tỉnh để tổng hợp bàn giao về Thanh tra Chính phủ.

*Lưu ý một số trường hợp có sự thay đổi vị trí công tác thực hiện như sau:

- Đối với các trường hợp tiếp nhận (từ các cơ quan Đảng, Đoàn thể, cơ quan ngành dọc đóng trên địa bàn tỉnh...), bầu cử, bổ nhiệm mới, bố trí vào vị trí công tác theo quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 36 Luật Phòng, chống tham nhũng thì cơ quan, đơn vị quản lý, sử dụng người có nghĩa vụ kê khai có trách nhiệm yêu cầu người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập nộp bản kê khai tài sản, thu nhập lần đầu để bàn giao về Thanh tra tỉnh (cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập).

- Đối với các trường tiếp nhận từ các cơ quan hành chính khác trong tỉnh (đã thực hiện việc kê khai tài sản, thu nhập lần đầu) thì cơ quan, đơn vị quản lý, sử dụng người có nghĩa vụ kê khai có trách nhiệm thông báo bằng văn bản (ghi rõ họ, tên, chức vụ đơn vị ở cơ quan trước khi chuyển đến) gửi về Thanh tra tỉnh để thực hiện kiểm soát tài sản, thu nhập theo quy định.

- Đối với các trường hợp đã nghỉ hưu, nghỉ thôi việc theo quy định, chuyển công tác sang tỉnh khác, các cơ quan quan Trung ương... thì cơ quan, đơn vị quản lý, sử dụng người có nghĩa vụ kê khai có trách nhiệm thông báo bằng văn bản (ghi rõ họ, tên, chức vụ đơn vị trước khi nghỉ, chuyển công tác; thời điểm nghỉ, thời điểm chuyển công tác) gửi về Thanh tra tỉnh để thực hiện kiểm soát tài sản, thu nhập theo quy định.

Để cụ thể hóa Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, có hiệu lực từ ngày 20/12/2020 (sau đây viết tắt là Nghị định số 130/2020/NĐ-CP) để thay thế Nghị định số 78/2013/NĐ-CP ngày 17/7/2013 của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập (sau đây viết tắt là Nghị định số 78/2013/NĐ-CP). Nghị định gồm 8 chương, 25 điều và có một số điểm mới cần lưu ý như sau:

Trước hết, Nghị định số 130/2020/NĐ-CP thay đổi cụm từ “minh bạch” thành “kiểm soát” tài sản, thu nhập.

1. Đối tượng, phương thức và thời điểm kê khai tài sản, thu nhập:

Điều 34, Điều 36 Luật PCTN năm 2018 quy định về đối tượng, 04 phương thức và thời điểm kê khai tài sản, thu nhập, gồm có:

1.1. Kê khai lần đầu:

- Cán bộ, công chức;

- Sĩ quan Công an nhân dân; sĩ quan Quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp;

- Người giữ chức vụ từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước, người được cử làm đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Người lần đầu giữ vị trí công tác phải hoàn thành việc kê khai tài sản, thu nhập chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày được tiếp nhận, tuyển dụng, bố trí vào vị trí công tác.

1.2. Kê khai hằng năm:

Người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập hằng năm theo Điều 36 Luật PCTN năm 2018 và Điều 10 Nghị định số 130/2020/NĐ-CP, gồm các nhóm đối tượng sau:

Nhóm 1: Các ngạch công chức và chức danh: Chấp hành viên, Điều tra viên, Kế toán viên, Kiểm lâm viên, Kiểm sát viên, Kiểm soát viên ngân hàng, Kiểm soát viên thị trường, Kiểm toán viên, Kiểm tra viên của Đảng, Kiểm tra viên hải quan, Kiểm tra viên thuế, Thanh tra viên và Thẩm phán.

Nhóm 2: Những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác trong một số lĩnh vực được xác định trong danh mục tại Phụ lục III được ban hành kèm theo Nghị định 130/2020/NĐ-CP.

Nhóm 3: Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Việc kê khai tài sản, thu nhập hằng năm phải hoàn thành trước ngày 31/12 hằng năm. Chi tiết danh mục người phải kê khai tài sản, thu nhập hàng năm được quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định số 130/2020/NĐ-CP.

Có thể thấy rằng, so với khoản 8 Điều 7 Nghị định số 78/2013/NĐ-CP thì thư ký tòa án không còn thuộc đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập hằng năm. Ngoài ra, Nghị định số 130/2020/NĐ-CP còn bổ sung một số đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập hằng năm gồm: kiểm lâm viên, kiểm soát viên ngân hàng, kiểm soát viên thị trường, kiểm tra viên của Đảng, kiểm tra viên hải quan, kiểm tra viên thuế.

1.3. Kê khai bổ sung:

Trừ các trường hợp đã thực hiện kê khai hàng năm, các đối tượng phải thực hiện kê khai tài sản thu nhập lần đầu thực hiện kê khai bổ sung khi có biến động về tài sản, thu nhập có giá trị từ 300.000.000 đồng trở lên. Việc kê khai phải hoàn thành trước ngày 31/12 của năm có biến động về tài sản, thu nhập.

1.4. Kê khai phục vụ công tác cán bộ:

Các đối tượng có nghĩa vụ thực thực hiện kê khai tài sản phải thực hiện kê khai để phục vụ công tác cán bộ khi dự kiến bầu, phê chuẩn, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, cử giữ chức vụ khác. Việc kê khai phải hoàn thành chậm nhất là 10 ngày trước ngày dự kiến bầu, phê chuẩn, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, cử giữ chức vụ khác.

Người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân: kê khai theo quy định của pháp luật về bầu cử.

2. Về mẫu bản kê khai:

Điều 9 Nghị định số 130/2020/NĐ-CP quy định 2 loại mẫu bản kê khai:

2.1. Đối với kê khai lần đầu, kê khai hàng năm và kê khai phục vụ công tác cán bộ: thực hiện theo Mẫu bản kê khai và Hướng dẫn việc kê khai tại Phụ lục I của Nghị định.

Mẫu bản kê khai lần đầu, kê khai hằng năm, kê khai phục vụ công tác cán bộ cơ bản vẫn có 3 phần chính về thông tin chung, thông tin mô tả về tài sản, giải trình sự biến động của tài sản, thu nhập tăng thêm, có một số điểm mới so với mẫu bản kê khai ban hành kèm theo Nghị định số 78/2013/NĐ-CP, như sau:

- Về thông tin chung: bổ sung thêm nội dung kê khai số căn cước công dân hoặc giấy chứng minh nhân dân, ngày cấp, nơi cấp của người kê khai tài sản, thu nhập và của vợ (hoặc chồng), con chưa thành niên của người kê khai tài sản, thu nhập.

- Về thông tin mô tả về tài sản:

+ Nội dung kê khai về quyền sử dụng thực tế đối với đất là mục tài sản đầu tiên phải kê khai (trước đây mục tài sản đầu tiên kê khai là nhà ở và công trình xây dựng); đối với nhà ở bỏ nội dung kê khai về cấp công trình.

+ Bổ sung mục tài sản khác gắn liền với đất phải kê khai (cây lâu năm, rừng sản xuất, vật kiến trúc gắn liền với đất).

+ Bổ sung đối tượng kê khai là vàng, kim cương, bạch kim có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên (trước đây chỉ kê khai kim loại quý, đá quý) và tách riêng phần cổ phiếu, trái phiếu, vốn góp, các loại giấy tờ có giá khác mà tổng giá trị quy đổi từ 50 triệu đồng trở lên.

+ Đối với các tài sản khác (đồ mỹ nghệ, đồ thờ cúng, bàn ghế, cây xanh, tranh ảnh) yêu cầu khi kê khai phải ghi cụ thể năm bắt đầu sở hữu.

+ Bỏ nội dung kê khai các khoản nợ (các khoản phải trả, giá trị tài sản quán lý hộ, giữ hộ có tổng giá trị quy đổi từ 50 triệu đồng trở lên).

+ Về tổng thu nhập: tổng thu nhập phải kê khai được xác định giữa hai lần kê khai (trừ kê khai lần đầu), đồng thời tách riêng kê khai từng khoản thu nhập của người kê khai, thu nhập và thu nhập của vợ (chồng), thu nhập của con chưa thành niên của người kê khai.

2.2. Đối với kê khai bổ sung: thực hiện theo Mẫu bản kê khai và Hướng dẫn việc kê khai bổ sung tại Phụ lục II của Nghị định số 130/2020/NĐ-CP.

3. Về thời điểm, hình thức và việc tổ chức công khai bản kê khai ở cấp địa phương:

3.1. Việc công khai bản kê khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị

Điều 11 Nghị định số 130/2020/NĐ-CP quy định:

- Bản kê khai của người có nghĩa vụ kê khai (bao gồm  Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân các cấp; người có nghĩa vụ kê khai thuộc sở, ngành cấp tỉnh, phòng, ban cấp huyện, người có nghĩa vụ kê khai thuộc Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp xã) được niêm yết tại trụ sở cơ quan hoặc công khai tại cuộc họp bao gồm toàn thể cán bộ, công chức, viên chức cơ quan, đơn vị.

  -  Bản kê khai được công khai chậm nhất là 05 ngày kể từ ngày cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng người có nghĩa vụ kê khai bàn giao bản kê khai cho Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập.

  - Thời gian niêm yết bản kê khai là 15 ngày. Vị trí niêm yết phải bảo đảm an toàn, thuận tiện cho việc đọc các bản kê khai.

 - Cuộc họp công khai bản kê khai phải bảo đảm có mặt tối thiểu 2/3 số người được triệu tập.

3.2. Công khai bản kê khai của người dự kiến được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại cơ quan, tổ chức, đơn vị

Điều 12 Nghị định số 130/2020/NĐ-CP quy định:

 Bản kê khai của người dự kiến được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại cơ quan, tổ chức, đơn vị được công khai bao gồm bản kê khai lần đầu, bản kê khai phục vụ việc bổ nhiệm và bản kê khai hàng năm hoặc bản kê khai bổ sung liền trước đó. Việc công khai được thực hiện bằng hình thức công bố tại cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm. Trước khi lấy phiếu tín nhiệm, người chủ trì cuộc họp thực hiện việc công khai bản kê khai như sau:

- Phát cho những người bỏ phiếu tín nhiệm bản sao của các bản kê khai.

- Đọc hoặc phân công người đọc bản kê khai phục vụ bổ nhiệm và Kết luận xác minh tài sản, thu nhập (nếu có).

Người kê khai có quyền giải thích các ý kiến nêu tại cuộc họp liên quan tới bản kê khai (nếu có). Việc công khai bản kê khai tài sản, thu nhập phải được ghi vào biên bản cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm.

4. Về phê duyệt và thực hiện kế hoạch xác minh tài sản hàng năm ở cấp địa phương :

Điều 15 Nghị định số 130/2020/NĐ-CP quy định:

- Trước ngày 31/01 hằng năm, Chánh thanh tra tỉnh ban hành kế hoạch xác minh hàng năm sau khi trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt nội dung kế hoạch.

 - Kế hoạch xác minh hàng năm phải bảo đảm số cơ quan, tổ chức, đơn vị được tiến hành xác minh tối thiểu bằng 20% số cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền kiểm soát của mình.

 - Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày kế hoạch xác minh được ban hành. Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập tổ chức lựa chọn ngẫu nhiên người được xác minh. Việc lựa chọn được thực hiện công khai bằng hình thức bốc thăm hoặc sử dụng phần mềm máy tính.

+ Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập mời đại diện Ủy ban kiểm tra Đảng và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp dự và chứng kiến việc lựa chọn ngẫu nhiên người được xác minh.

+  Số lượng người được lựa chọn để xác minh ngẫu nhiên phải bảo đảm tối thiểu 10% số người có nghĩa vụ kê khai hàng năm tại mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị được xác minh, trong đó có ít nhất 01 người là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị.

5. Về xử lý hành vi vi phạm đối với người kê khai tài sản, thu nhập:

Trước kia, đối tượng kê khai chỉ là trưởng phòng cấp huyện trở lên thì theo Nghị định số 130/2020/NĐ-CP, tất cả cán bộ công chức kể cả mới tuyển dụng đều phải kê khai; riêng viên chức thì từ cấp phó phòng. Như vậy, số lượng người phải kê khai rất lớn, nhưng điểm khác căn bản là trước kia năm nào cũng phải kê khai, còn bây giờ chỉ kê khai lần đầu và chỉ kê khai bổ sung khi tài sản tăng thêm 300 triệu đồng.

Trước đây, các bản kê khai tài sản được xác minh trong một số trường hợp như có khiếu nại tố cáo theo quy định của pháp luật về bầu cử và trong vài tình huống đặc biệt, thì số 130/2020/NĐ-CP cho phép các cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập được xác minh ngẫu nhiên; bất cứ người nào cũng có thể bị xác minh vào bất cứ lúc nào và không vì lý do gì.

Luật PCTN năm 2018 quy định có 8 cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập, trong đó cơ quan thanh tra giữ vai trò quan trọng vì diện phải kê khai thuộc quyền kiểm soát của cơ quan này lớn nhất. Thanh tra Chính phủ sẽ kiểm soát tài sản thu nhập từ giám đốc sở và tương đương trở lên; ở cấp dưới là thanh tra tỉnh. Một số cơ quan khác: Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Kiểm toán nhà nước, kể cả các tổ chức chính trị xã hội sẽ kiểm soát tài sản thu nhập của những người thuộc quyền quản lý.

Điều 20 Nghị định số130/2020/NĐ-CP quy định người có nghĩa vụ kê khai nếu kê khai không trung thực; giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì tùy theo tính chất, mức độ mà bị xử lý theo Điều 51 Luật PCTN năm 2018. Các hình thức xử lý kỷ luật cụ thể như sau: cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc hoặc bãi nhiệm; nếu được quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo, quản lý thì còn bị đưa ra khỏi danh sách quy hoạch; trường hợp xin thôi làm nhiệm vụ, từ chức, miễn nhiệm thì có thể xem xét không kỷ luật.

Điều 20 Nghị định số130/2020/NĐ-CP quy định: Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thiếu trách nhiệm trong tổ chức việc kê khai, công khai bản kê khai, nộp bản kê khai thì tùy theo tính chất, mức độ mà bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, giáng chức.

Người đứng đầu cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập, tổ trưởng và thành viên tổ xác minh tài sản, thu nhập có hành vi vi phạm trong việc tiếp nhận bản kê khai, quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu về kiểm soát tài sản, thu nhập, tiến hành xác minh, kết luận xác minh, công khai kết quả xác minh thì tùy theo tính chất, mức độ mà bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức. Đồng thời cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ, không kịp thời yêu cầu của cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật.

Trên đây là một số nội dung cần lưu ý trong quá trình triển khai thực hiện Luật PCTN năm 2018 và Nghị định số130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị./.