Theo em chúng ta cần làm gì để phát huy giá trị của những di tích khảo cổ học tại cần thơ

          Di sản văn hoá là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hoá. Di sản văn hóa còn góp phần thỏa mãn nhu cầu về sinh hoạt tâm linh của nhân dân, góp phần nâng cao ý thức tự hào dân tộc trong mỗi người dân Việt, góp phần phát triển nền kinh tế, xã hội của đất nước. Trong hệ thống di sản văn hóa của dân tộc ta, không thể không nhắc đến giá trị các di tích khảo cổ học, nó phản ánh thành quả của các thế hệ cha ông trong quá trình lao động xây dựng, chiến đấu bảo vệ quê hương trên nhiều lĩnh vực và sự đa dạng trong sắc thái văn hóa của cộng đồng dân tộc Việt Nam.

          Trên mảnh đất Đồng Nai thuộc miền Đông Nam Bộ của Việt Nam, trải qua các giai đoạn lịch sử, các thế hệ cư dân đã để lại nhiều thành tựu quan trọng trong các lĩnh vực của cuộc sống. Những di tích của tỉnh Đồng Nai. là một trong những thành quả, kết tinh truyền thống văn hóa của vùng đất này trong quá trình mở đất phương Nam của đất nước góp phần không nhỏ vào việc phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Đặc biệt là những di sản văn hóa vật thể gắn liền với đất và người Đồng Nai vẫn trường tồn với thời gian, là niềm tự hào của bao lớp người đi khai phá, mở mang, xây dựng và phát triển vùng đất mới phương Nam. Vì thế, việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích Đồng Nai đang là một nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết nhằm gìn giữ tốt nhất vốn di sản văn hóa của cha ông truyền lại cho thế hệ mai sau. Qua đó, nhằm góp phần thực hiện tốt các mục tiêu lớn về văn hóa đã được xác định trong Nghị quyết TW 5 khóa VIII, Nghi quyết Đại hội khóa X của Đảng là “Tiếp tục phát triển sâu rộng và nâng cao chất lượng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Gắn kết chặt chẽ và đồng bộ văn hóa với phát triển kinh tế – xã hội, làm cho văn hóa thấm sâu vào mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Xây dựng và hoàn thiện giá trị, nhân cách con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.

          Nhằm giữ gìn và phát huy các giá trị của di tích khảo cổ Đồng Nai trong thời gian tới, cần một quy trình đòi hỏi sự tham gia của toàn xã hội. Trong đó, nhà nước và người dân chính là nhân tố không thể tách rời. Trong khuôn khổ bài tham luận, tác giả xin nêu ra giá trị, thực trạng của di tích, di vật và đưa ra một số giải pháp cụ thể, thiết thực về công tác tuyên truyền phát huy giá trị di tích khảo cổ ở Đồng Nai qua đó tạo sự gắn kết với cộng đồng dân cư địa phương.

          1. Giá trị và thực trạng di tích di vật khảo cổ học ở Đồng Nai

          Đồng Nai đã từ lâu được biết đến là một trong những trung tâm của buổi bình minh xã hội loài người. Nơi đây, đã chứng minh được sự hình thành, phát triển của cộng đồng người cổ quần tụ và liên tục sáng tạo văn minh thời tiền sơ sử cho đến những thế kỷ sau công nguyên, trước khi cư dân Việt đến khai khẩn vào thế kỷ XVI.

          Trong thời gian qua, nghiên cứu khảo cổ học ở Đồng Nai đã đạt được nhiều kết quả đáng trân trọng như đã tìm thấy hàng trăm di chỉ khảo cổ học cùng với hiện vật số lượng lớn từ nhiều chất liệu đá, gốm, đồng, sắt… thể hiện sự phong phú của loại hình, đa dạng về kích cỡ, phong cách đã minh chứng cho sự hình thành, phát triển của người cổ ở Đồng Nai. Tiêu biểu qua bộ sưu tập hiện vật hạch đá hình hạnh nhân ở di tích Dốc Mơ (Gia Tân) được xem là một công cụ điển hình thể hiện đặc trưng thời trung kỳ A-Sơn, cuối niên đại Mindel-Riss cách đây khoảng 250.000 – 300.000 năm; cũng tại di chỉ khảo cổ Bình Đa đã phát hiện hàng chục thanh đoạn đàn đá trong địa tầng văn hoá có niên đại khoảng 3.000 – 2.700 năm đã đóng góp quan trọng cho việc nghiên cứu loại hình nhạc cụ cổ của nước ta; ngoài ra cùng với những hiện vật như bộ qua đồng với số lượng lớn những chiếc dao sắt, đồ trang sức… có niên đại cách đây 3.000 – 2.500 năm ở các di tích Suối Chồn, Long Giao, Phú Hoà khẳng định đây là đỉnh cao của thời kỳ kim khí. Điều đó cho thấy cư dân Đồng Nai xưa đã biết đến kỹ thuật luyện kim với một trình độ cao, xã hội người cổ không ngừng phát triển, tạo dựng nên một nền văn minh rực rỡ trong quá trình xuất hiện, phát triển của mình. Bên cạnh đó, cùng với những di tích khảo cổ cũng được tìm thấy ở Nam Cát Tiên và một số nơi trên vùng núi dãy Trường Sơn đã phản ánh một giai đoạn lịch sử kéo dài từ thế kỷ thứ I – XV A.D [1]đó là sự hình thành, phát triển của các quốc gia cổ Phù Nam, Chân Lạp, Chămpa…

          Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì chúng ta phải nhìn nhận đúng vào thực trạng của các di tích di vật khảo cổ hiện nay để có những bước đi nâng cao hiệu quả trong công tác bảo vệ và phát huy những di sản văn hóa của dân tộc.

          Với những kết quả từ công tác nghiên cứu khảo cổ học ở Đồng Nai cho thấy Đồng Nai là một trong ba trung tâm văn hóa của Việt Nam thời kỳ kim khí, đồng thời đã góp phần quan trọng trong việc tìm hiểu lịch sử của vùng đất này trong diễn trình phát triển của đất nước và làm sáng tỏ những thời kỳ lịch sử trong quá khứ, là cơ sở tư liệu quý giá cho công tác nghiên cứu xã hội.

          2. Công tác tuyên truyền và phát huy giá trị di tích Khảo cổ học ở Đồng Nai

         Trong sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di tích việc ban hành pháp luật, tạo hành lang pháp lý bảo vệ cùng với sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý thôi chưa đủ mà cần phải có sự ủng hộ đắc lực của quần chúng nhân dân, của các cấp các ngành. Di sản văn hóa là tài sản chung của nhân dân, mọi công dân đều có quyền sử dụng, khai thác và phát huy giá trị di tích phục vụ cho mục đích văn hóa lành mạnh. Muốn bảo vệ và phát huy tốt giá trị văn hóa chúng ta phải làm tốt công tác quản lý nhà nước về di sản văn hóa. Để làm tốt công tác quản lý nhà nước về di sản văn hóa, phải không ngừng hoàn thiện các thể chế pháp luật, hoàn thiện hệ thống tổ chức các cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục quần chúng nhân dân tại Đồng Nai tham gia quản lý di tích theo Luật Di sản Văn hóa. Tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật, nâng cao ý thức tôn trọng bảo vệ và phát huy giá trị di tích trong mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt đối với thế hệ trẻ của tỉnh Đồng Nai là hoạt động có ý nghĩa quyết định đến tương lai lâu dài của các di tích khảo cổ. Vì vậy, cần thực hiện việc tuyên truyền đến người dân sao cho thường xuyên, liên tục và đặc biệt chú trọng vào thời điểm thu hút đông đảo quần chúng nhân dân đến di tích như vào các ngày lễ, thời gian tổ chức lễ hội,… Kết hợp với các trường học trên địa bàn xã, huyện, tỉnh tổ chức các buổi học tập ngoại khóa tham quan di tích, tổ chức các buổi tuyên truyền giáo dục vào nhà trường về giá trị di tích khảo cổ, giáo dục ý thức tôn trọng, bảo vệ di sản của các tầng lớp thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên. Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu Luật Di sản Văn hóa, về nguồn gốc, truyền thống của di tích, của quê hương, những nét văn hóa đặc sắc, để thông qua đó giáo dục lòng yêu quê hương, đất nước, tinh thần tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ.

          Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giới thiệu về di tích khảo cổ học có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Trong thời gian tới, cần lựa chọn sử dụng phương tiện thông tin đại chúng (phát thanh, truyền hình, báo chí, internet, mạng xã hội…), để chuyển tải, đưa các quy định pháp luật và Luật Di sản Văn hóa thấm sâu vào mọi mặt của đời sống xã hội, đến với mọi người dân một cách hợp lý, hiệu quả giúp cho quần chúng nhân dân nâng cao ý thức chung về bảo vệ di tích, để người dân tự nguyện, tự giác tham gia vào công tác bảo vệ và giữ gìn di tích.

          Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, về ý nghĩa của hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di tích khảo cổ học nhằm tăng cường trách nhiệm của toàn xã hội đối với việc giữ gìn di sản văn hóa của dân tộc.

          Xã hội hóa công tác bảo vệ di tích, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc bảo vệ và sử dụng di tích. Công tác quản lý di tích khảo cổ học ở Đồng Nai chỉ thực hiện có hiệu quả khi được sự tham gia đóng góp tích cực của các tầng lớp nhân dân.

          Ngoài ra, để công tác phát huy các giá trị di tích khảo cổ đạt hiệu quả hơn cần tăng cường công tác quãng bá hình ảnh di tích bằng nhiều hình thức chẳng hạn như viết các mẫu chuyện dựa trên các thông tin khoa học về các di tích, di vật khảo cổ, trừu tượng hóa các hình tượng di tích nâng tính huyền bí thu hút độc giả, du khách, xuất bản sách, truyện tranh, ảnh hoặc ghi đĩa, làm phim,… góp phần làm phong phú thêm cho sản phẩm văn hóa du lịch của địa phương, sân khấu hóa trong công tác tuyên truyền các di tích…để công tác tuyên truyền bảo vệ di tích và quãng bá hình ảnh di tích thật sự đi vào cuộc sống người dân địa phương.

          3. Sự gắn kết chặt chẽ giữa những di tích khảo cổ học ở Đồng Nai và cộng đồng dân cư địa phương

          Bên cạnh việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng và thu hút đầu tư, thì công tác giáo dục, vận động khuyến khích các tầng lớp nhân dân cùng tham gia bảo vệ, phát huy giá trị di sản kết hợp với phát triển kinh tế, xã hội đang trở thành hình mẫu được cộng đồng Di sản thế giới áp dụng rộng rãi. Qua thực tế ở nhiều nước cho thấy mô hình này đã đem lại hiệu quả rõ rệt trên nhiều mặt từ công tác bảo tồn, khai thác du lịch đến việc nâng cao chất lượng đời sống người dân tại địa phương. Để thực hiện được điều này, yếu tố “gắn kết” giữa giá trị di sản và đời sống cộng đồng phải được xây dựng, bồi đắp và duy trì nhằm tạo một môi trường văn hóa sống động, có tính lịch sử và tính kế thừa. Mà nền tảng của sự liên kết đó phụ thuộc vào “tiếng nói chung” của các phát hiện khoa học và việc thực hành truyền thống văn hóa tại địa phương. Có thể thấy yếu tố “gắn kết” giữa quá khứ với hiện tại, giữa di sản với cộng đồng đóng vai trò vô cùng quan trọng, khẳng định “tính xác thực” của một Di sản văn hóa[2]. Điều đó chỉ ra rằng những phát hiện khoa học về di tích, di chỉ, di vật khảo cổ (xưởng chế công cụ, một táng và nhiều hiện vật là công cụ sản xuất, săn bắt, vũ khí, đồ trang sức, nhạc cụ…) thể hiện được mối liên hệ với niềm tin, nghi lễ và lối sống của cộng đồng dân cư hiện nay của vùng đất Đồng Nai.

          Di sản văn hóa không chỉ là những tài sản vô giá của mỗi quốc gia, dân tộc mà còn là những tài sản chung của nhân loại. Việc bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa ở Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng cần được đông đảo các tầng lớp cộng đồng nhân dân tự nguyện tham gia một cách tích cực bằng nhiều hình thức sáng tạo phong phú nhằm tạo điều kiện để Đồng Nai tiến hành các hoạt động có hiệu quả vào sự nghiệp bảo tồn và phát huy những di sản chung của nhân loại.

          Hiện tượng vi phạm di tích sẽ được giảm đi rất nhiều di tích sẽ được bảo vệ và phát huy tốt hơn. Đó là đưa di tích đến với cộng đồng, có ý nghĩa là cộng đồng dân cư địa phương phải tham gia vào hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích. Sự ủng hộ của cộng đồng, vai trò của quần chúng nhân dân là một trong những yếu tố quan trọng, bởi vì chính cộng đồng tạo ra di tích và cũng chính cộng đồng là người sử dụng di tích, hiện nay cộng đồng phải là người quản lý, bảo vệ di tích.

          Giải quyết các mối quan hệ giữa trách nhiệm và lợi ích của các cộng đồng cư dân trong toàn bộ các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Người dân không chỉ là chủ nhân có trách nhiệm giữ gìn di sản văn hóa mà họ còn cần được thực sự hưởng lợi từ những hoạt động khai thác, phát huy giá trị di sản văn hóa của cộng đồng. Điều đó góp phần đưa thương hiệu của Đồng Nai lan tỏa ngày càng rộng rãi, phổ biến trên toàn cầu.

          Sự gắn kết giữa người dân và di tích thể hiện qua hoạt động xã hội hóa đây là việc làm rất cần thiết, với tinh thần nhà nước và nhân dân cùng làm nhằm bảo tồn phát huy các giá trị của di tích. Nhà nước khuyến khích huy động các cá nhân, tổ chức doanh nghiệp đóng góp kinh phí để tu bổ di tích, hiến tặng hiện vật cho bảo tàng nhà nước, tổ chức truyền dạy di sản văn hóa … Vì vậy, ngành chức năng về văn hóa ở Đồng Nai cần tham mưu cho cấp có thẩm quyền bổ sung các quy định cụ thể về ưu đãi đầu tư, hỗ trợ, giảm hoặc miễn thuế cho các hoạt động được thực hiện từ các nguồn kinh phí ngoài ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về thuế. Bên cạnh đó, cần chú ý biểu dương, khen thưởng kịp thời đối với những tổ chức, cá nhân có đóng góp thiết thực mà không vì mục đích lợi nhuận. Thông qua đó thực hiện có hiệu quả hơn nữa sự đóng góp của nhân dân cho bảo tồn và phát huy giá trị di tích khảo cổ học ở Đồng Nai. Thường xuyên tuyên truyền về xã hội hóa với hình thức đa dạng, có chiều sâu, phổ biến các mô hình xã hội hóa hoạt động tốt và được phổ biến đến người dân ở mọi địa bàn trên toàn quốc. Để phong trào xã hội hóa tiếp tục phát triển đạt hiệu quả cao, trong thời gian tới thì Đồng Nai tập trung thực hiện công tác vận động tuyên truyền thường xuyên hơn, các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân tham gia đóng góp tích cực, vận động họ góp công, kinh phí vào việc tu bổ, tôn tạo di tích khảo cổ.

          Kết luận

          Ngày nay, với sự phát triển của nền kinh tế, đời sống vật chất và tinh thần của con người ngày càng phong phú thì nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tìm hiểu cội nguồn văn hóa dân tộc mà trong đó có di tích khảo cổ học càng trở nên bức thiết. Gìn giữ những di tích khảo cổ không chỉ đơn thuần là giữ những thành quả vật chất của cha ông để lại mà hơn thế là tiếp tục thừa kế phát huy sáng tạo những giá trị văn hóa mới, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại. Chính vì vậy, ngày nay vấn đề bảo vệ và phát huy giá trị của di tích khảo cổ đã góp phần làm đẹp thêm truyền thống của dân tộc luôn được ngành văn hóa quan tâm, đẩy mạnh xã hội hóa, ứng dụng công nghệ thông tin, thu hút đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa như: bảo tàng thực tế ảo, khu trưng bày, khu chế tác, khu trình diễn nghi lễ, hệ thống mô phỏng đền đài,… Trong đó, mô hình hiệu quả cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đó là sự hợp tác chặt chẽ giữa nhà nước và người dân. Với sự nỗ lực chung tay của toàn xã hội, chúng ta có cơ sở để tin tưởng rằng trong tương lai không xa, di tích khảo cổ học ở Đồng Nai sẽ trở thành một trong những Di sản văn hóa của nhân loại. Đồng thời, mang đến cho người dân vùng đất Đồng Nai sự phát triển thịnh vượng, sung túc và bền vững./.

Phạm Thị Hương

Ban Quản lý Khu di tích Gò Tháp (Đồng Tháp)

Tài liệu tham khảo:

  1. Ts. Huỳnh Văn Tới, Ths Phan Đình Dũng, PGS Ts Phan Xuân Biên, Văn hóa Đồng Nai (Sơ khảo), Nxb. Đồng Nai 2005.
  2. Lê Ngọc Dòng (2005), Tổ chức, quản lý và khai thác các di tích và danh thắng ở Việt Nam trong cơ chế thị trường, Nxb VHTT, Hà Nội.
  3. Giá trị di sản của Văn hóa Óc eo-An Giang trong tiến trình phát triển kinh tế xã hội, Nxb ĐHQGTPHCM 2016.
  4. Nhiều tác giả 2017, Kỷ yếu Hội thảo quốc gia“Giá trị di sản văn hóa Óc Eo – An Giang trong tiến trình phát triển kinh tế xã hội”. Nxb. Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.
  5. Nhiều tác giả 2018, Kỷ yếu Hội thảo phát huy giá trị di tích Văn hóa Óc Eo-Ba Thê thành du lịch trong điểm của tỉnh An Giang giai đoạn 2018-2025.
  6. http: www.disandongnai.com

     [1] A.D: Sau Công nguyên

     [2] Ths Huỳnh Thị Diễm – Giá trị di sản văn hóa Óc Eo và sự gắn kết trong cộng đồng- Kỷ yếu Hội thảo phát huy giá trị di tích Văn hóa Óc Eo- Ba Thê thành du lịch trong điểm của tỉnh An Giang giai đoạn 2018-2025 năm 2018 , tr 58.