Thế nào là người chân chính

Một người chân chính

Nhà văn, chiến sĩ Boris Polevoi.

Tôi  không tưởng tượng được rằng mình có vinh hạnh lớn lao và lâu dài là được làm việc với ông tại tòa soạn của một trong những tạp chí nổi tiếng nhất hồi đó - tạp chí Thanh niên. Ông tự quyết định như thế và mời tôi về làm Phó Tổng biên tập thứ nhất của ông.

Trong những năm 50-70 của thế kỷ 20, giờ đã trở thành xa vời, khi vinh quang theo từng bước chân ông, ông vẫn cứ là con người hiếm hoi giữ được sự giản dị, luôn săn sóc đến người khác. Ông không từ nan đến gõ cửa nhà lãnh đạo cao cấp để bênh vực cho ai đó bị oan sai, để xin chính quyền cấp chỗ ở cho một tài năng văn học trẻ, để bảo toàn một thiên truyện xuất sắc nào đó khỏi bị kiểm duyệt cắt xén.

Ông tự tay viết thư lên các cấp khác nhau, và chữ ký "B. Polevoi" đã có tác động huyền diệu đến các vị quan chức. Là một cựu chiến binh, một phóng viên chiến trường huyền thoại từng đến những mũi nhọn nguy hiểm nhất, Boris Polevoi không để mất lòng dũng cảm ngay cả trong cuộc sống bình thường. Ðiều này biểu hiện theo nhiều cách khác nhau - từ sự sẵn sàng giải cứu một chân lý bị vùi dập đến những hành động chính trực trong công việc hằng ngày. Bề ngoài ông có vẻ mềm mỏng, thậm chí còn đa cảm, nhưng không bao giờ ông chịu đầu hàng nếu như đụng vào những nguyên tắc của mình.

Khá lâu sau còn một chuyện nữa. E. Eptusenko mang đến tạp chí Thanh niên tác phẩm mới của mình-  Phương Bắc - một trường ca nói rất mạnh, rất sắc. Lúc đó Polevoi vừa phải nhập viện, tôi ký cho trường ca lên khuôn. Khi số tạp chí đang in, có lệnh từ Trung ương phải dừng ngay máy in và gọi tôi lên để "cạo". Nổi lên chuyện om xòm, nhưng sau tất cả các cuộc tranh luận, khiển trách và đe dọa nhằm vào tôi, rốt cuộc số tạp chí đó vẫn giữ được bản trường ca ấy. Eptusenko đến nhà tôi để cùng nhau bàn cách cứu vãn những dòng thơ hết sức quan trọng đối với tác giả đã bị gạch đi bằng bút chì theo lệnh của cấp trên. Nhà thơ cứ thắc mắc suốt, gã kỳ quặc nào lại nảy ra ý định giết chết bản trường ca? Ông biết rất rõ rằng kẻ đó không phải tôi, vì lúc tôi đưa bản thảo sang nhà in có ông chứng kiến. Song, vạch lưng cấp trên thì tôi không dám. Thời đó là như thế - cứ đi đi, chẳng biết sẽ đến đâu, cứ làm đi, dẫu chẳng biết làm gì mới phải. Giữa lúc đó thì Boris Polevoi điện về: "Hãy nói với anh bạn của anh, nhà thơ Eptusenko kính mến, ấy là tôi, cái quân bài tã tượi này, do cách nghĩ thô thiển, sợ hiểu lầm, nên đã thò bút vào trường ca của anh ấy đấy".

Tôi hiểu, Polevoi không muốn có một sự nặng nề nào đó gieo vào quan hệ giữa tôi với Eptusenko với tư cách tác giả, đồng thời, ông ra mặt bênh tôi, bảo vệ tôi trước thói tùy tiện của những bậc đế vương. Bản trường ca được in và thu được thành công lớn. Mấy năm sau, trong một tập sách của mình, Eptusenko có nhắc lại cuộc chiến bảo vệ Phương Bắc và kể về tôi một cách đầy thiện ý.

Sự chính trực và khiêm tốn của Polevoi biểu hiện một cách quán xuyến. Có đầy uy tín, nhưng ông không bao giờ áp đặt cấp dưới, biết nghe những điều phê bình, phản biện đối với mình. Ta có thể nói hết với ông nỗi lòng mình mà không sợ bị hiểu lầm. Nay còn giữ được bức thư đề ngày 3-2-1963 ông viết cho N.S. Tikhonov - Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng Lenin và Giải thưởng Nhà nước Liên Xô-xin rút tiểu thuyết Sâu trong địch hậu của mình: "Qua báo chí tôi được biết rằng tiểu thuyết Sâu trong địch hậu của tôi được đưa vào diện xét tặng Giải thưởng Lenin. Tôi chân thành cảm ơn các đồng chí đã tiến cử cuốn đó. Nhưng theo luật, thì Giải thưởng Lenin chỉ nhằm suy tôn những tác phẩm ở đỉnh cao nhất. Cuốn tiểu thuyết mới của tôi dẫu được độc giả tỏ thái độ tốt, song tôi không coi đó là đỉnh cao đến thế".

Ðó là một cử chỉ. Hồi đó, Giải thưởng Lenin là phần thưởng văn học cao nhất, và nhiều nhà văn mơ ước được nhận. Tôi còn nhớ một chuyện thế này. Vl.Tikhervinski - một cây bút văn xuôi mới toanh - mang đến tòa soạn bản thảo truyện vừa đầu tay của mình, kể về tuổi thơ trong chiến tranh. Tôi thích truyện này, nhưng Polevoi thì kịch liệt phản đối: "Vì sao?"- tôi hỏi thủ trưởng. "Toàn là chuyện bịa... Hồi chiến tranh nào có thế đâu". "Nhưng đây là tự truyện của anh ấy cơ mà" - tôi cố cãi. "Cậu có ở chiến trường đâu, Andrei. Xin lỗi đi, tớ là lính trận đấy nhé".

Tôi hiểu là đã va vào đá, bèn đề nghị đưa bản thảo đó cho các vị cựu chiến binh trong Hội đồng Biên tập cùng xem xét. Polevoi đồng ý, rồi ông lấy làm ngạc nhiên vì họ ủng hộ tôi. Bấy giờ, Boris Polevoi mới ngồi thừ bên tôi và bảo: "Giống như trong quân đội chúng tớ vẫn nói, chỉ huy mà không nhịp bước với toàn đơn vị thì... Thôi, in đi".

Thật ra, với tư cách nhà văn, với tư cách Tổng Biên tập, ông có thể làm khác, vẫn giữ được ý mình. Nhưng không. Ông tôn trọng ý kiến của người khác. Và hai tháng sau, cậu tác giả hân hoan hạnh phúc đến Tòa soạn lấy số tạp chí Thanh niên mới ra, và gặp Polevoi ở ngay hành lang. Tikhervinski vừa kịp nói hai tiếng "cảm ơn" đã bị Polevoi ngắt lời: "Cảm ơn gì tôi? Cảm ơn các đồng chí đồng nghiệp của mình ấy... Tôi đã không cho in đấy, mà hình như... tôi đã sai lầm..." Phải là một con người mạnh mẽ và hết sức trong sáng, không sợ mình mất uy tín mới dám nói thành lời trước một cây bút trẻ về việc làm không đúng của mình. Ðến lúc đã ở trong phòng, ông mới vui vẻ hỏi Tikhervinski: "Thế đã có ai bảo cậu chưa? Cậu giống Các Mác trong ảnh một cách kỳ lạ". "Hình như là... cũng có người nói", rồi Tikhervinski kể ngay một chuyện tức cười rằng có lần, ở cạnh trụ sở Hội Nhà văn, anh còn bị một gã say mèm níu lại, hỏi: "Ông đấy à?". "Ta đây"  Tikhervinski tinh nghịch đáp. Gã nhũn như con chi chi: " Engel này, cho tớ xin điếu thuốc...".

Polevoi sùng mộ và đánh giá rất cao tính hài hước, ông thường kể ra nhiều chuyện buồn cười trong cuộc sống của mình. Ông rất thích những ngày vui vẻ của dân biên tập, nhưng rất ngại những cuộc đón tiếp nghi thức và lễ lạt. Phải tới tận cổng điện Kremli, ông mới chịu lôi từ túi ra ngôi sao Anh hùng gói kỹ trong khăn để gài lên ve áo...

Nói chung, Boris Polevoi là một  người rất yêu đời, vui tính và hay hỏi han đến tận ngọn ngành. Ông không bao giờ cao giọng trước chỗ đông đúc và có thể uống cạn vại với một người đàn ông không quen biết trong một quán bia hơi, hoặc không cần chờ xe đến đón Tổng biên tập, mà nhảy phóc lên xe công cộng, mang theo cả tập bản thảo cần duyệt với túi thực phẩm toòng teng. Có lần, ông ào vào phòng làm việc của tôi, áo quần rất mốt, nhưng lại đi... chân không. Tôi kinh ngạc hỏi: "Sao anh tuềnh toàng thế? " - "Giữa đường, trời đổ mưa, mà tớ hẹn tác giả đến gặp"... Tôi gọi xe đưa anh về nhà thay trang phục rồi quay ra tiếp tác giả nọ. Lần khác, Hội nghị lãnh đạo Hội nhà văn, tôi với anh đến chậm, anh ngồi luôn vào bậc thang gần đấy để khỏi phiền mọi người, cho đến lúc có vị nhận ra anh và khẩn khoản nhường ghế.

Một trường hợp nữa: sau khi lang thang mãi ở các Tòa soạn khác mà vẫn không được chấp nhận, thiên truyện Trông chết cười ngạo nghễ của Vladislav Titov - một tác giả còn chưa ai biết đến - được chuyển về Tòa soạn theo đường bưu điện, Polevoi nghe chúng tôi mách liền đọc ngay và còn gửi điện tín cho tác giả. Không lâu sau đó, hai vị đã gặp nhau. Boris Polevoi đã kinh ngạc trước một anh thợ mỏ đã bị cụt cả hai tay để cứu bạn. Thiên truyện được in một cách nhanh chóng. Tổng biên tập của chúng tôi có thói quen đích thân viết thư báo tin cho tác giả là tác phẩm của họ được in ở tạp chí Thanh niên số sắp ra.

Mới đây, Vitaly Korotic có kể với tôi là hồi mới viết đã từng nhận được thư của Boris Polevoi. Bức thư đó đã đóng vai trò quan trọng như thế nào trong văn nghiệp của ông. Vấn đề ở chỗ: Ko-rô-tich vốn là một bác sĩ mê thơ và đang lưỡng lự xem mình nên chuyển hẳn sang lĩnh vực văn học hay ở lại ngành y. Boris Polevoi khuyên ông nên thay ống nghe phổi bằng chiếc bút máy. (Ðến thập niên 90, Vitaly Korotic là Tổng biên tập lâu năm của tạp chí danh tiếng Tia lửa nhỏ) ... Hàng nghìn, hàng vạn bức thư như thế, bao giờ cũng viết bằng thứ mực xanh, hy vọng là vẫn đang được bảo quản trong lưu trữ của nhà văn.