Thay đổi lời khai trong quá trình điều tra

Thay đổi lời khai trong quá trình điều tra
Ngày 26/01/2022, VKSND thị xã Quảng Yên tổ chức tham dự, rút kinh nghiệm phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Vũ Văn Chót về tội “Cố ý gây thương tích” quy định tại điểm d, khoản 4, Điều 134 Bộ luật hình sự.

Đây là vụ án rất nghiêm trọng, kéo dài một năm, được dư luận xã hội quan tâm, có sự tham gia của luật sư bào chữa cho bị cáo và luật sư bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho bị hại. Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân thị xã Quảng Yên nhận định đây là vụ án hết sức phức tạp nên phân công đồng chí Vũ Minh Đức - Kiểm sát viên, Phó Viện trưởng và đồng chí Nguyễn Thị Mai Hương - Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát sát xử tại phiên tòa.

Thay đổi lời khai trong quá trình điều tra

toàn cảnh phiên toà

Theo Cáo trạng, nội dung vụ án được tóm tắt như sau: Khoảng 00 giờ 38 phút ngày 11/01/2021 tại quán bia “Bonsai” thuộc khu 9, phường Quảng Yên, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh, do mâu thuẫn anh Vũ Hữu Bằng và Vũ Văn Chót đã xảy ra xô sát với nhau, Chót dùng dao đâm nhiều nhát vào cơ thể anh Bằng làm tổn hại 75% sức khỏe.

Trong suốt quá trình điều tra, bị hại, bị can và những người làm chứng liên tục thay đổi lời khai, lời khai mâu thuẫn với nhau. Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử cách ly bị cáo để đảm bảo việc xét hỏi được khách quan, tránh thông cung. Hội đồng xét xử và đại diện Viện kiểm sát phối hợp trong việc xét hỏi, sử dụng các chiến thuật hỏi vòng quanh, hỏi đứt quãng và hỏi củng cố từng bước, đối chất làm rõ những mâu thuẫn. Quá trình xét hỏi, bị cáo, bị hại và người làm chứng khai báo không trung thực, cho rằng còn có đồng phạm khác, Kiểm sát viên đã tiến hành trình chiếu, công bố tài liệu là hình ảnh camera ghi lại hình ảnh hai bên xảy ra xô sát để đấu tranh, làm rõ. Tuy nhiên bị hại, người làm chứng (vợ bị hại) cho rằng video đã bị cắt ghép, đại diện Viện kiểm sát trình chiếu Kết luận giám định của Viện khoa học Kỹ thuật hình sự Bộ Công an thể hiện video không bị cắt, ghép, chỉnh sửa. Đồng thời, Kiểm sát viên trình chiếu lời khai của bị hại, người làm chứng thể hiện quá trình điều tra liên tục thay đổi lời khai, tại phiên tòa vẫn tiếp tục thay đổi lời khai, bên cạnh đó kết hợp với các chứng cứ, tài liệu khác chỉ ra sự bất hợp lý trong lời khai và buộc bị hại, người làm chứng thừa nhận đâu là lời khai đúng, phù hợp với chứng cứ khách quan.

Tại phần tranh luận, hai luật sư của bị hại và bị cáo kết hợp trình bày các luận điểm đề nghị Hội đồng xét xử trả hồ sơ điều tra bổ sung. Trước những ý kiến của hai luật sư, hai đồng chí Kiểm sát viên tổng hợp, đưa ra chứng cứ, lập luận đối đáp lần lượt từng ý kiến một cách chặt chẽ và có căn cứ.

Kết thúc phần tranh luận, bị cáo nói lời sau cùng cũng là lúc đồng hồ điểm 18 giờ 30 phút. Phiên tòa diễn ra trong một ngày, dưới sự làm việc nghiêm túc, đầy trách nhiệm, công minh, chính trực của Hội đồng xét xử và đại diện Viện kiểm sát. Chủ tọa phiên tòa công bố nghị án kéo dài đến 14 giờ ngày 28/01/2022 tuyên án.

Đây là vụ án Cố ý gây thương tích rất phức tạp do bị hại, bị can và những người làm chứng đầu khai mâu thuẫn và liên tục thay đổi lời khai. Nếu không có các chứng cứ dữ liệu điện tử là các clip trích xuất từ camera ghi tại hiện trường thì việc dựa vào những lời khai của bị hại, bị cáo và người làm chứng không thể giải quyết vụ án một cách khách quan, toàn diện. Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong số hóa hồ sơ và trình chiếu, công bố tài liệu, chứng cứ tại phiên tòa mang lại hiệu quả cao trong việc hỗ trợ Kiểm sát viên đấu tranh, làm rõ tính khách quan của vụ án./.

                                        Vũ Thị Quỳnh Anh – VKSND thị xã Quảng Yên

1. Quy định của luật

Điều 189 BLTTHS 2015 quy định đối chất (1). Đối chất là biện pháp điều tra được Điều tra viên hoặc Kiểm sát viên thực hiện dưới hình thức cho hai hay nhiều người tham gia tố tụng trong vụ án hình sự đã được khởi tố, cùng một lúc tham gia tranh luận và chất vấn lẫn nhau dưới sự hướng dẫn trực tiếp của người tiến hành tố tụng nhằm làm rõ những tình tiết mâu thuẫn trong lời khai trước đó của họ, qua đó xác định tính đúng đắn trong lời khai giữa hai hay nhiều người để tìm ra sự thật của vụ án. Thực tiễn giải quyết án cho thấy, việc nhận thức và áp dụng biện pháp đối chất giữa các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng còn có những quan điểm khác nhau, chưa thống nhất về vấn đề có cần thiết phải tiến hành đối chất hay không? Đây là cơ sở thực tiễn đặt ra yêu cầu cần phải nghiên cứu để có nhận thức đúng và thống nhất đối với biện pháp đối chất trong hoạt động điều tra theo tố tụng hình sự.

Khi đã yêu cầu đối chất mà Điều tra viên không thực hiện hoặc kết quả đối chất chưa rõ hoặc sau khi kết thúc điều tra, Viện kiểm sát nhận hồ sơ vụ án, nếu thấy có mâu thuẫn trong lời khai của những người tham gia tố tụng hoặc trường hợp cần thiết thì Kiểm sát viên tiến hành đối chất.

Mục đích của việc đối chất là nhằm giải quyết mâu thuẫn, xác định tính đúng đắn trong lời khai giữa hai hay nhiều người để tìm ra sự thật của vụ án, có thể cho đối chất giữa bị can này với bị can khác, giữa bị can với bị hại, giữa bị hại với người làm chứng. So sánh với quy định của BLTTHS 2003, thì BLTTHS năm 2015 có một số điểm mới như sau:

Về điều kiện tiến hành đối chất: Theo quy định tại khoản 1 Điều 189 BLTTHS năm 2015: ‘‘Trường hợp có mâu thuẫn trong lời khai giữa hai người hay nhiều người mà đã tiến hành các biện pháp điều tra khác nhưng chưa giải quyết được mâu thuẫn thì Điều tra viên tiến hành đối chất. Trước khi tiến hành đối chất, Điều tra viên phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp để cử Kiểm sát viên kiểm sát việc đối chất. Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc đối chất. Nếu Kiểm sát viên vắng mặt thì ghi rõ vào biên bản đối chất”. Điều tra viên chỉ tiến hành đối chất khi thỏa mãn cả hai điều kiện: Thứ nhất, có mâu thuẫn trong lời khai giữa hai người hay nhiều người và thứ hai đã tiến hành các biện pháp điều tra khác nhưng chưa giải quyết được mâu thuẫn. Như vậy, BLTTHS 2015 quy định điều kiện tiến hành đối chất cụ thể hơn BLTTHS năm 2003 khi bổ sung thêm điều kiện: “Đã tiến hành các biện pháp điều tra khác nhưng chưa giải quyết được mâu thuẫn”. Quy định này được hiểu không phải có mâu thuẫn là tiến hành đối chất, mà trước tiên phải tiến hành các biện pháp điều tra khác để giải quyết mâu thuẫn, nếu thông qua các biện pháp điều tra có đủ căn cứ để khẳng định các tình tiết có mâu thuẫn của vụ án đã được giải quyết thì không tiến hành đối chất, trường hợp đã thực hiện các biện pháp điều tra khác mà không giải quyết được mâu thuẫn thì mới tiến hành đối chất, vì vậy Đối chất là biện pháp điều tra cuối cùng.

BLTTHS 2015 bổ sung quy định về điều kiện tiến hành đối chất giữa bị hại là người dưới 18 tuổi với bị can, bị cáo tại khoản 6 Điều 421; với trường hợp đối chất giữa bị hại là người dưới 18 tuổi với bị can, bị cáo thì BLTTHS năm 2015 quy định cụ thể điều kiện: Chỉ cho phép người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiến hành đối chất nếu không đối chất thì không thể giải quyết được vụ án. Quy định này nhằm bảo vệ, tránh gây tổn thương cho bị hại là người dưới 18 tuổi trong các vụ án hình sự, nhất là bị hại trong các vụ án xâm hại tình dục.

Tại khoản 4 Điều 189 BLTTHS bổ sung thêm quy định việc đối chất có thể ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh.

Trong vụ án hình sự có thể có nhiều tình tiết mà lời khai của những người tham gia tố tụng mâu thuẫn với nhau, nhưng không phải tất cả các tình tiết mâu thuẫn đều tiến hành đối chất, mà chỉ tiến hành đối chất những tình tiết thuộc vấn đề cần phải chứng minh trong vụ án hình sự theo quy định tại Điều 85 BLTTHS. Ví dụ: Bị can A và B đi xe ô tô từ huyện C đến thành phố D rồi cùng phạm tội Cướp tài sản, A và B khai mâu thuẫn với nhau về biển số và loại xe ô tô đã đi, ttrường hợp này không cần phải tiến hành đối chất vì tình tiết có mâu thuẫn nêu trên chỉ là diễn biến của vụ án mà không phải là tình tiết có ý nghĩa cho việc giải quyết vụ án.

Một vấn đề cần lưu ý: Các tình tiết của vụ án có mâu thuẫn và đã tiến hành các biện pháp điều tra khác để giải quyết, nhưng chưa giải quyết được hay trong một số vụ án quan điểm giữa những người tiến hành tố tụng và giữa các cơ quan tiến hành tố tụng còn chưa thống nhất, vì đây là vấn đề đánh giá chứng cứ nên quan điểm đánh giá chứng cứ là khác nhau, nếu đánh giá đủ căn cứ để giải quyết mâu thuẫn thì không cần phải tiến hành đối chất, nếu chưa đủ căn cứ để giải quyết mâu thuẫn thì phải tiến hành đối chất.

Ví dụ: Trong vụ án ma túy, các đối tượng nghiện và các bị can khác khai phù hợp với nhau về việc bị can P nhiều lần thực hiện hành vi mua bán trái phép chất ma túy, nhưng P khai chỉ một lần thực hiện hành vi mua bán trái phép chất ma túy, trường hợp này mặc dù lời khai của P và lời khai của các đối tượng khác có mâu thuẫn với nhau về tình tiết phạm tội nhiều lần hay một lần, nhưng căn cứ các biện pháp điều tra khác (lời khai của các bị can và đối tượng khác) đủ căn cứ để khẳng định P phạm tội nhiều lần, do đó không thuộc trường hợp phải tiến hành đối chất.

Biện pháp đối chất chỉ đạt hiệu quả trong trường hợp những người tham gia đối chất không có xung đột lợi ích, không có quan hệ gia đình, họ hàng, bạn bè, không cố tình che dấu về các tình tiết của vụ án, việc khai mâu thuẫn về các tình tiết của vụ án là do khả năng tri giác, ghi nhớ của những người tham gia đối chất khác nhau, trường hợp này, Điều tra viên và Kiểm sát viên chỉ cần có cách tác động phù hợp để những người tham gia đối chất nhớ lại chính xác về các tình tiết của vụ án.

Vụ án thuộc trường hợp phải tiến hành đối chất, một trong các đối tượng tham gia đối chất cố tình che dấu thông tin về các tình tiết của vụ án, trường hợp này Điều tra viên, Kiểm sát viên phải đưa ra tài liệu, chứng cứ để đấu tranh, việc đối chất mới có hiệu quả; quá trình cho các đối tượng tham gia đối chất trình bày ý kiến, hỏi lẫn nhau và tranh luận với nhau, Điều tra viên và Kiểm sát viên cần phải quan sát thái độ, biểu hiện tâm lý của các đối tượng tham gia đối chất để đánh giá lời khai nào là đúng, lời khai nào không đúng, gian dối, từ đó có niềm tin nội tâm để thu thập, củng cố các tài liệu, chứng cứ đảm bảo tính chính xác, đúng đắn và khách quan.

2. Một số vướng mắc

Thứ nhất, đối chất là biện pháp điều tra được áp dụng trong trường hợp có mâu thuẫn trong lời khai giữa hai hay nhiều người tham gia tố tụng hình sự, điều này có nghĩa là đối chất chỉ có thể được tiến hành giữa những người có tư cách là người tham gia tố tụng trong vụ án hình sự được khởi tố và đồng thời phải là những người đã có lời khai về các tình tiết của vụ án, không thể đối chất giữa những người chưa có lời khai hoặc những người không buộc phải khai báo trước các cơ quan tiến hành tố tụng. Vấn đề này còn có quan điểm nhận thức chưa thống nhất.

Ví dụ: Trong vụ án cố ý gây thương tích, bị can A không khai nhận đã thực hiện hành vi phạm tội, nhưng các bị can khác và các đối tượng liên quan khai A có thực hiện hành vi phạm tội. Trường hợp này có những quan điểm khác nhau, quan điểm thứ nhất cho rằng cần phải tiến hành đối chất giữa bị can A với các bị can khác và các đối tượng liên quan để làm rõ hành vi phạm tội của A. Quan điểm thứ hai cũng là quan điểm của tác giả: Tình huống nêu trên không thuộc trường hợp phải tiến hành đối chất, vì A không khai nhận hành vi phạm tội của mình cần được xác định là không có lời khai của A về các tình tiết của vụ án nên không có cơ sở để tiến hành đối chất theo quy định; trường hợp này cũng đồng nghĩa với việc bị can không khai báo, bị can im lặng nên không thuộc trường hợp phải tiến hành đối chất.

Thứ hai, vụ án đang trong quá trình giải quyết tin báo về tội phạm, chưa có quyết định khởi tố vụ án hình sự, chưa có quyết định khởi tố bị can, cơ quan điều tra, điều tra viên có được tiến hành đối chất hay không. Vấn đề này cũng có những quan điểm khác nhau. Quan điểm thứ nhất cho rằng: Vụ án đang trong quá trình xử lý, giải quyết tin báo về tội phạm, chưa có quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, cơ quan điều tra không được tiến hành biện pháp đối chất, vì nếu tiến hành đối chất trong giai đoạn giải quyết tin báo về tội phạm là vi phạm thủ tục tố tụng. Quan điểm thứ hai cũng là quan điểm của tác giả: Vụ án đang trong quá trình giải quyết tin báo về tội phạm, mặc dù chưa có quyết định khởi tố vụ án hình sự, chưa có quyết định khởi tố bị can, nhưng xét thấy có những mâu thuẫn mang tính chất quyết định để xem xét có khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can hay không, cần thiết cơ quan điều tra, điều tra viên cho tiến hành đối chất để xác định có hay không có hành vi phạm tội, tội phạm và kết quả đối chất là cơ sở, nguồn chứng cứ để xem xét giải quyết vụ án.

Thứ ba, BLTTHS năm 2015 chưa có quy định đối chất của Thẩm phán tại phiên tòa, mặc dù hoạt động đối chất tại phiên tòa trên thực tế có thực hiện. Quá trình xét hỏi, tùy tính chất, mức độ phức tạp của từng vụ án xét thấy lời khai của các bị cáo mâu thuẫn với lời khai có trong hồ sơ vụ án hoặc tại phiên tòa, bị cáo phản cung không nhận tội. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa cho đối chất giữa các bị cáo hoặc giữa bị cáo với bị hại, với người làm chứng và những người có liên quan, để làm rõ những tình tiết còn mâu thuẫn, Thẩm phán công bố lời khai của họ tại giai đoạn điều tra nếu thấy lời khai tại phiên tòa có mâu thuẫn, cho cách ly giữa bị cáo này với bị cáo khác, sau đó cho đối chất giữa các bị cáo để làm sáng tỏ bản chất, sự thật của vụ án.

Có quan điểm cho rằng: Việc xét hỏi của Thẩm phán đối với bị cáo tại phiên tòa để làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án, sử dụng các chứng cứ có tại hồ sơ và qua xét hỏi công khai tại phiên tòa để kết luận bị cáo có phạm tội như Cáo trạng đã truy tố hay không thể hiện kỹ năng về nghiệp vụ, bản lĩnh của người Thẩm phán và đó là kỹ năng nghiệp vụ cần phải có, nên không cần thiết phải quy định riêng điều luật đối chất tại phiên tòa.

Quan điểm tác giả: Cần phải có một điều luật riêng quy định về trình tự, thủ tục tiến hành đối chất tại phiên tòa của Thẩm phán, trên cơ sở quy định của luật, trường hợp có mâu thuẫn, xét thấy cần thiết Thẩm phán cho tiến hành đối chất giữa các bị cáo hoặc giữa bị cáo với bị hại và những người làm chứng, những người có liên quan để làm rõ sự thật khách quan của vụ án, để kết luận bị cáo có tội hay không.

3. Đề xuất, kiến nghị

Qua một số vướng mắc đã nêu ở trên, Cơ quan có thẩm quyền cần có văn bản hướng dẫn để các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng thực hiện thống nhất khi tiến hành đối chất trong điều tra, giải quyết vụ án hình sự, cụ thể những vấn đề sau:

Thứ nhất, bổ sung quy định về trình tự, thủ tục trường hợp Thẩm phán tiến hành hoạt động đối chất tại phiên tòa.

Thứ hai, hướng dẫn cụ thể trường hợp nào Điều tra viên, Kiểm sát viên phải tiến hành đối chất; không đối chất giữa những người chưa có lời khai hoặc những người không buộc phải khai báo trước các cơ quan tiến hành tố tụng.

Thứ ba, quy định Cơ quan điều tra, điều tra viên được tiến hành đối chất trường hợp vụ án đang trong quá trình giải quyết tin báo về tội phạm, để quyết định có khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can hay không.

Tóm lại: Nhận thức đúng và đầy đủ về biện pháp đối chất có ý nghĩa rất quan trọng về mặt lý luận cũng như thực tiễn, có nhận thức đúng thì việc áp dụng mới đạt hiệu quả để giải quyết vụ án, nếu nhận thức không đúng thì dẫn đến việc áp dụng tùy tiện gây tốn kém về thời gian và công sức cho những người tiến hành tố tụng.

Tòa án nhân dân tp Sông Công, Thái Nguyên xét xử vụ án “Mua bán trái phép chất ma túy” - Ảnh: Trần Ngọc Huyền

(1) ‘‘1. Trường hợp có mâu thuẫn trong lời khai giữa hai hay nhiều người mà đã tiến hành các biện pháp điều tra khác nhưng chưa giải quyết được mâu thuẫn thì điều tra viên tiến hành đối chất. Trước khi tiến hành đối chất, Điều tra viên phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp để cử Kiểm sát viên kiểm sát việc đối chất. Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc đối chất. Nếu kiểm sát viên vắng mặt phải ghi rõ vào biên bản đối chất.

2. Nếu có người làm chứng hoặc bị hại tham gia thì trước khi đối chất Điều tra viên phải giải thích cho họ biết trách nhiệm về việc từ chối, trốn tránh khai báo hoặc cố tình khai báo gian dối. Việc này phải ghi vào biên bản.

3. Khi bắt đầu đối chất, Điều tra viên hỏi về mối quan hệ giữa những người tham gia đối chất, sau đó hỏi họ về những tình tiết cần làm sáng tỏ. Sau khi nghe đối chất, Điều tra viên có thể hỏi thêm từng người.

 Trong quá trình đối chất, Điều tra viên có thể đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật có liên quan; có thể để cho những người tham gia đối chất hỏi lẫn nhau; câu hỏi và trả lời của những người này phải ghi vào biên bản.

Chỉ sau khi những người tham gia đối chất đã khai xong mới được nhắc lại những lời khai trước đó của họ.

4. Biên bản đối chất được lập theo quy định tại Điều 178 của Bộ luật này. Việc đối chất có thể ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh.

5. Trường hợp cần thiết, Kiểm sát viên có thể tiến hành đối chất. Việc đối chất được tiến hành theo quy định tại Điều này.’’