Tám chuyện là gì

Bà tám từ đâu ra?

Trong khẩu ngữ, gần đây người ta hay dùng từ tám hay hai tiếng bà tám để chỉ việc tán gẫu kéo dài; chỉ người nhiều chuyện, nhiều lời. Nguồn gốc từ tám, bà tám từ đâu?

Bà tám là một hình thức sao phỏng [loan translation], có lẽ bắt đầu ở tiếng Việt miền Nam. Mà ở miền Nam thì bắt nguồn từ tiếng Quảng Đông là pát phò

[八婆], đọc theo âm Hán Việt là bát bà, dịch đúng nghĩa gốc là bà tám. Đây là một đặc ngữ của tiếng Quảng Đông ở Hồng Kông, dùng để chỉ người phụ nữ hay để ý hoặc bàn tán đến chuyện của người khác; hiểu rộng ra, là người đàn bà nhiều chuyện. Ở những địa phương khác của Trung Quốc gọi hạng đàn bà này là trường thiệt phụ [長舌婦], nghĩa đen là con mẹ lưỡi dài.

Trực tiếp đóng góp vào sự ra đời của danh ngữ bà tám này trong tiếng Việt là dân làm ăn liên quan đến làng điện ảnh và truyền hình. Sau khi phim Tàu, đặc biệt là phim Hồng Kông nói tiếng Quảng Đông, được một vài đài truyền hình phát sóng thì phát sinh yêu cầu phải thuyết minh và lồng tiếng. Để làm vậy, trước hết phải dịch. Khốn khổ thay, người dịch có lẽ cũng chạy theo nhịp điệu hối hả của thị trường chứ nào thực sự yêu mến tiếng Việt, thực sự thấu hiểu từ nguyên. Chưa kể trong đó có thể có cả những tay người Việt gốc Hoa thì làm sao tránh khỏi chuyện pát phò trở thành bà tám! Trong khi đó, tiếng Việt đâu có thiếu từ, ngữ tương ứng với khái niệm con mẹ Tám của Tàu Quảng Đông!

Bà tám dần dần đưa đến từ tám phái sinh bằng cách ngắt bỏ từ bà đằng trước, nhiều phần cũng là do nhu cầu động từ hóa. Thế là có động từ tám và danh ngữ bà tám - mẹ đẻ của nó - tồn tại song song trong khẩu ngữ. Bà tám dùng để chỉ những người nhiều chuyện, còn tám thì dùng để chỉ hành động của những người này.                                              AN CHI

Chủ Đề