Tâm an lạc là gì

Sống khỏe là thân tâm an lạc

Nhiều người tán dương không ăn đạm động vật như heo, bò, gia cầm để cải thiện môi sinh và hạn chế bệnh tật

Béo phì tăng nguy cơ phổi tắc nghẽn mạn tính

Phát hiện bệnh ung thư phổi bằng công nghệ 3D

Vào năm 1946, Tổ chức Y tế Thế giới đưa ra định nghĩa về sức khỏe: Sức khỏe không chỉ là không bệnh tật mà là trạng thái hoàn toàn sảng khoái về thể chất, tinh thần và xã hội. Định nghĩa này cho thấy thân và tâm của con người gắn liền với nhau như hình với bóng và sống khỏe có nghĩa là thân tâm an lạc.

Hơn ngàn năm trước, trong Nam Hoa kinh, Trang Tử đã đưa ra lời bàn giúp nuôi dưỡng cuộc sống khỏe mạnh: Kỳ tẩm bất mộng, kỳ giác vô ưu, kỳ thực bất cam, kỳ tức cam cam. Nói nôm na, lời bàn ấy có nghĩa: Ngủ không mộng mị, thức chẳng lo âu, ăn không cầu kỳ, thở thật thâm sâu.

Ngủ không mộng mị

Tâm an lạc là gì

Thân và tâm con người gắn với nhau như hình với bóngẢnh: Tấn Thạnh

Giấc ngủ không phải là sự ngưng nghỉ hoạt động hoàn toàn mà là một dạng đặc biệt của hoạt động cơ thể giúp phục hồi năng lượng đã tiêu hao khi thức. Giấc ngủ không mộng mị là giấc ngủ đủ, sâu và là cách phục hồi sinh lực tốt nhất. Ngủ có đủ thì mới say giấc nồng, nếu ngủ sâu thì dù có nằm mộng, khi thức dậy chẳng nhớ gì hết. Thời lượng trung bình của giấc ngủ đủ khoảng 8 giờ nhưng không nhất thiết luôn luôn như vậy (có người ngủ đủ với ít hơn hoặc nhiều hơn so với 8 giờ). Dấu hiệu cho biết ngủ đủ là có sự sảng khoái, tươi tỉnh, thoải mái khi thức giấc, làm việc bình thường vào ban ngày. Ngày nay, khoa học đã chứng minh ngủ đủ sẽ có sức khỏe tốt, còn thiếu ngủ sẽ bị đủ thứ bệnh. Ngủ không sâu sẽ bị mộng mị và cơ thể không khỏe dễ bị ác mộng, vốn được coi là một loại rối loạn giấc ngủ làm khổ sở nhiều người. Như vậy, ngủ không mộng mị là điều mà mọi người hướng tới.

Thức chẳng lo âu

Trong cuộc sống hiện nay, làm sao từ lúc sáng sớm thức dậy đến lúc tối mịt ngủ vùi mà hoàn toàn không có giây phút lo âu quả là chuyện rất khó. Chính cái gọi là stress thường xuyên trĩu nặng trong tâm hồn mà ta cứ cảm thấy lo âu chẳng ít thì nhiều.

Stress là những áp lực về mặt tâm lý và những biến động trong gia đình, xã hội tác động lên con người gây ra tình trạng mất cân bằng. Đáp ứng của người bị stress là cảm thấy có sự căng thẳng, lo âu.

Ta cần lưu ý stress không phải luôn luôn là điều xấu. Với liều lượng vừa phải, chính stress giúp ta có sự hưng phấn, cảnh giác, tập trung cao độ để đối phó lại tình huống không thuận lợi. Ta sẽ có những suy nghĩ tích cực, tìm cách làm chủ thực tế, quyết tâm giải quyết khủng hoảng đó và thường là thành công trong việc vượt qua stress mà chẳng cảm thấy quá lo âu.

Tuy nhiên, nếu stress cứ lặp đi lặp lại và ta không làm chủ được nó, không thích ứng với những biến đổi do nó đưa đến, cơ thể ta sẽ bị rối loạn về mặt thể chất và tâm thần. Người bị stress thường xuyên ăn uống kém, hoạt động thể chất kém và dễ tìm đến rượu, thuốc gây nghiện (có người tìm đến ma túy) dùng làm phương tiện giảm thiểu stress, do đó dễ trở thành người nghiện.

Có thức chẳng lo âu thì rất dễ dàng ngủ không mộng mị.

Ăn không cầu kỳ

Ăn không cầu kỳ là ăn đủ và ăn lành. Trước hết là ăn uống sao cho đầy đủ và cân bằng 5 nhóm chất dinh dưỡng (nhóm chất đạm, chất béo, chất đường bột, vitamin và chất khoáng). Chữ cân bằng trong ăn uống rất quan trọng. Ta không nên ăn thừa mứa quá nhiều mà thật vừa đủ chất đạm, chất béo, chất đường bột (nhiều người tán dương không ăn đạm động vật như heo, bò, gia cầm để cải thiện môi sinh và hạn chế bệnh tật). Nên ăn nhiều rau cải tươi, trái cây, các loại ngũ cốc còn nguyên vì những thứ này rất tốt cho sức khỏe. Ăn lành còn có nghĩa là biết cách ăn uống như: luôn thực hiện ăn chín, uống sôi; thức ăn cũ cần nấu chín kỹ trước khi ăn; bảo quản tốt thực phẩm đã chế biến, chống ruồi, gián, bụi bặm xâm nhập; rửa tay bằng xà bông trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh hay lao động

Thở thật thâm sâu

Nhờ hô hấp thở ra hít vào mà cơ thể ta mới được cung cấp đủ dưỡng khí (tức ôxy) từ khí trời đưa vào và thải bỏ thán khí (tức CO2) từ trong cơ thể ra ngoài. Nhờ hít thở mà duy trì sự sống. Hít thở bình thường chỉ dùng 1/2 lá phổi. Còn thở thật thâm sâu là hít thở với gần trọn cả 2 lá phổi, với cơ hoành hoạt động tích cực xoa bóp các phủ tạng ở bụng.

Để thở thật thâm sâu, ta hãy dành thời gian cho vận động. Có vận động cơ bắp, nhờ tập các bài tập thích hợp mà ta sẽ thở nhiều và sâu hơn, đồng thời giúp máu huyết lưu thông tốt, làm giảm nguy cơ tim mạch, điều hòa mỡ trong máu, điều hòa đường huyết, kiểm soát cân nặng, ngừa loãng xương

Thở thâm sâu không chỉ cho ta nguồn sống nhờ thu thật nhiều khí ôxy, thải cho gần hết khí CO2 ở phổi mà còn tác động giúp thanh lọc tâm ý. Thở thật thâm sâu là hít thở với trạng thái tỉnh thức hoàn toàn: Hít vào, thấy bụng phình ra; thở ra, thấy bụng xẹp lại. Và với tâm ý thanh tịnh: Hít vào tâm tĩnh lặng; thở ra miệng mỉm cười.

Chú tâm hoàn toàn vào các hơi hít vào, thở ra là bước đầu đi vào thiền. Ngồi thở thiền trước hết là để không phải làm gì hết và để được buông xả. Khi nắm vững nghệ thuật theo dõi hơi thở và mỉm cười thì càng ngồi thiền càng thấy thích thú. Rồi nhờ năng lượng của niệm và định, ta sẽ bắt đầu quán chiếu sâu sắc vào thân thể, tâm thức và hoàn cảnh để đem lại an lạc, hạnh phúc cho ta và cho cả thế gian này. Khi đó, Ngủ không mộng mị, thức chẳng lo âu, ăn không cầu kỳ, thở thật thâm sâu sẽ hòa điệu, vận hành trôi chảy trong cuộc sống.                                                                                       PGS-TS Nguyễn Hữu Đức