Tại sao lại khóc vì một người

Vì sao chúng ta rớt nước mắt?

Tôi là người hay khóc. Tôi không xấu hổ vì điều đó. Đàn ông khóc thì đã sao?

Tất nhiên tôi không khóc trong cuộc sống thật, mà chỉ khi xem phim. Tôi không thực sự hiểu nguyên nhân là do đâu, nhưng thường là do những đoạn phim nói về quan hệ giữa cha mẹ và con cái.

Giả dụ như bộ phim Field of Dreams, một câu chuyện kỳ dị trong đó nhân vật Kevin Costner đã xây một sân bóng chày giữa cánh đồng ngô chỉ bởi vì ông nghe thấy một giọng nói nào đó.

Costner nghĩ mình đã đưa tay bóng chày tai tiếng Shoeless Joe Jackson trở về từ cõi chết, thế nhưng ông lại bắt gặp bố mình thời còn trẻ. Tôi đã khóc như mưa trong những cảnh cuối phim.Quảng cáo

Field of Dreams là một bộ phim cố tình gây xúc động cho khán giả. Thế nhưng tôi cũng khóc trong phim Star Wars: The Force Awakens. Tôi ngồi nắm tay con gái và cả hai cùng khóc. Nếu theo những định kiến của xã hội thì tôi không thể mít ướt giống như một cô bé 10 tuổi ngồi cạnh mình.

Có thực sự lạ kì khi tôi là đàn ông nhưng hay khóc không? Đó chỉ là một trong những câu hỏi mà tôi đã tìm kiếm lời giải cho chương trình 'The Curious Cases of Rutherford and Fry' của BBC Radio 4.

Cùng với Hannah, người đồng dẫn chương trình, tôi đã tìm hiểu những vấn đề khoa học đằng sau nước mắt: Liệu đàn ông có ít khóc hơn phụ nữ hay không và nếu có, vì sao? Lợi ích của việc khóc là gì? Và xét về khía cạnh tiến hoá, vì sao chúng ta lại khóc?

Theo hầu hết những nghiên cứu từng được thực hiện, phụ nữ khóc nhiều hơn đàn ông.

Nhà tâm lý học William Frey đã thực hiện một nghiên cứu vào năm 1982, trong đó cho thấy phụ nữ khóc trung bình 5,3 lần một tháng, trong khi đàn ông chỉ khóc trung bình 1,3 lần một tháng. Phụ nữ khóc trong bình 5-6 phút mỗi lần, trong khi đàn ông khóc trung bình từ 2-3 phút mỗi lần.

Nhà tâm lý học người Hà Lan Ad Vingerhoets từ Tilberg University là người được biết đến nhiều bởi những công trình nghiên cứu về nước mắt. Ông là một trong số ít những nhà nghiên cứu về đề tài nước mắt.

Tất cả các nghiên cứu của ông đều chỉ ra là nước mắt bị tác động bởi yếu tố giới tính, và điều này bắt đầu từ thời niên thiếu (trẻ sơ sinh đều khóc như nhau).

Vậy điều gì tạo ra sự khác biệt về giới tính trong hành động khóc khi trẻ em lớn lên, trở thành người trưởng thành?

Rõ ràng là các yếu tố văn hoá đóng vai trò quan trọng.

Các kết quả nghiên cứu cho thấy ở nhiều nước, người ta khóc nhiều hơn nếu như điều đó không vấp phải nhiều thành kiến trong xã hội.

Vingerhoets cũng chỉ ra rằng người ta thường khóc nhiều ở những nước giàu - có lẽ vì sự thịnh vượng cho phép con người có đủ sự tự do để thể hiện cảm xúc của mình ra bên ngoài.

Tuy nhiên ông nghĩ rằng không chỉ các yếu tố xã hội khiến đàn ông ít khóc, mà còn do testosterone nữa.

Ông cho biết những bệnh nhân được cho thuốc điều trị ung thư tuyến tiền liệt - vốn làm hạ testosterone - sẽ khóc nhiều hơn, mặc dù tình trạng mắc ung thư cũng làm họ trở nên dễ bị tổn thương hơn.

Quay trở lại chủ đề phim - có một câu nói khá dở trong Terminator, một bộ phim rất hay trong đó có cảnh nhân vật robot do Arnold Schwarzenegger thủ vai hỏi đứa bé mà nó đang bảo vệ - vốn đang khóc sau một ngày mệt mỏi: 'Tại sao cậu lại khóc?'

Câu trả lời: Chúng tôi không biết.

Nhân loại là một trong số ít những loài khóc vì cảm xúc.

Điều khá ngạc nhiên là có rất ít nghiên cứu về đề tài này.

Chúng ta không biết vì sao mình khóc khi bị đau, chúng ta không biết vì sao mình khóc khi bị chấn động về cảm xúc, hay khi cảm thấy hạnh phúc.

Vì con người là những sinh vật xã hội, nước mắt có thể là tín hiệu biểu lộ những thông điệp quan trọng về tình trạng hiện tại của tinh thần. Nhưng tất cả chỉ là giả thiết.

Một trong những nghiên cứu gần đây của Vingerhoet đã xem xét vì sao người ta cảm thấy khá hơn sau khi khóc.

Vào năm 2015, ông đã yêu cầu những người tình nguyện báo cáo về cảm xúc của mình sau khi xem một trong hai bộ phim gây xúc động.

Một phim là 'Life is Beautiful', bộ phim thắng giải Oscar nói về một người đàn ông người Do Thái vượt qua cuộc thảm sát người Do Thái thời Đức Quốc xã, với những tình tiết hài hước và cảm động. Bộ phim còn lại là 'Hachi: A Dog's Tale'.

Họ được yêu cầu điền vào một tờ khảo sát 20 phút sau khi xem xong phim. Kết quả khá rõ: Nhưng người không khóc nói họ cảm thấy cảm xúc không có gì thay đổi. Trong khi những người khóc nói họ cảm thấy tâm trạng khá hơn nhiều sau đó.

Trên chương trình radio The Curious Case of Rutherford and Fry, chúng tôi thường thực hiện những thử nghiệm nho nhỏ và tìm cách tái hiện các nghiên cứu và trả lời những câu hỏi mà thính giả gửi đến, và chúng tôi đã quyết định tái hiện lại nghiên cứu sử dụng phim ảnh.

Tôi đã phải trải qua cảnh kẹt xe trên đường M25, tôi đã bị ngất, và trong chương trình gần đây thì tôi đã phải tẩy lông sau lưng, thế nhưng tất cả những điều này không tồi tệ bằng việc bị buộc phải xem Hachi: A Dog's Tale để khóc.

Đây là đánh giá của tôi về bộ phim: Hachi là một chú chó được Richard Gere mang về nuôi. Richard Gere qua đời, Hachi tỏ ra đau buồn. Hết phim. Có lẽ Richard Gere đã cầu xin người viết kịch bản cho chết sớm để được giải phóng khỏi bộ phim này. Tôi đã không khóc vì Hachi, và tôi cũng không cảm thấy tâm trạng khá hơn. Điều này đúng theo kết quả nghiên cứu của Vingerhoet. Có lẽ tôi nên khóc.

Bản tiếng Anh bài này đã đăng trên BBC Future.

Video liên quan