Tại sao học sinh ứng xử sai

Hiện tượng lệch chuẩn trong môi trường giáo dục

Những sự việc đáng tiếc liên quan tới đạo đức học đường liên tục xảy ra tại một số trường học thời gian gần đây thật sự đang là "điểm nóng" gây bức xúc trong dư luận xã hội. Khi truyền thống "tôn sư trọng đạo" tốt đẹp của dân tộc có dấu hiệu bị xem nhẹ, môi trường giáo dục, kỷ cương nhà trường bị xâm phạm..., việc các cơ quan chức năng và ngành giáo dục sớm vào cuộc, kiên quyết xử lý, đồng thời có những giải pháp chấn chỉnh hợp lý, thỏa đáng và kịp thời đang trở nên hết sức cần thiết.

Mới đây, hai sự việc liên quan đến đạo đức học đường đang khiến dư luận không khỏi lo ngại. Ðó là sự việc ngày 28-2, một giáo viên ở Trường tiểu học Bình Chánh [xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, Long An] bị một phụ huynh bắt quỳ gối "chuộc lỗi" vì trước đó đã phạt con mình phải quỳ gối do vi phạm nội quy. Chưa bàn về hình thức cô giáo xử phạt học sinh là đúng hay sai nhưng thái độ và cách hành xử của vị phụ huynh trong sự việc nêu trên là không thể chấp nhận. Và khi ngay cả phụ huynh cũng không có sự tôn trọng cần thiết với thầy cô thì tất yếu sẽ đẩy tới cách hành xử thiếu chuẩn mực của chính con em họ với thầy cô giáo và sau này là với những người khác. Sự việc thứ hai xảy ra vào ngày 2-3 tại Trường THCS Tân Thạch [huyện Châu Thành, Bến Tre], một học sinh lớp 8 không chỉ có lời lẽ xúc phạm nặng nề mà còn bóp cổ cô giáo chỉ vì cô nhắc nhở một học sinh khác không tập trung trong giờ học. Dù vì lý do gì, thì hành vi bạo lực của học sinh đối với giáo viên cũng không thể chấp nhận được.

Ðáng tiếc thời gian qua, các sự việc liên quan đến đạo đức học đường dường như đang có chiều hướng gia tăng, với tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng. Nếu trước đây, sự việc thường chỉ dừng ở mức độ gây gổ, đánh nhau xảy ra giữa học sinh với học sinh, thì nay, một số vụ việc nhuốm màu bạo lực, thậm chí chuyện "dằn mặt" giữa phụ huynh với giáo viên cũng không còn là chuyện hiếm. Dẫu những sự việc như trên vẫn chỉ là cá biệt, nhưng cũng đã phần nào cho thấy, môi trường học đường đang có nguy cơ trở thành môi trường thiếu an toàn với chính thầy cô và học sinh, vai trò của người thầy ít nhiều bị xem nhẹ... Ðể rồi khi có sự kiện, hiện tượng cần giải quyết, lẽ ra cần cẩn trọng để tìm hiểu, thảo luận, bàn bạc một cách có trách nhiệm, cùng tháo gỡ thì lại có một số phụ huynh lựa chọn giải quyết bức xúc bằng cố ý xúc phạm giáo viên của con em mình với những lời lẽ và hành vi phản cảm. Ðặc biệt trong bối cảnh mạng xã hội trở thành phương tiện truyền tải có tính chất phổ biến với sức lan tỏa thông tin mạnh mẽ như hiện nay, một số sự việc như vậy thường lập tức được đưa lên mạng xã hội theo góc nhìn một chiều của phụ huynh, đôi khi chưa được kiểm chứng, đã làm méo mó bản chất sự việc, hiện tượng và tác động xấu đến nhận thức chung của xã hội.

Một công bố mới đây của Viện nghiên cứu Y - Xã hội [ISMS] cho thấy thực trạng một số biểu hiện xuống cấp của đạo đức học đường chủ yếu tập trung ở nhóm đối tượng học sinh. Theo khảo sát của ISMS thì 80% số học sinh ở các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông trên địa bàn Hà Nội cho biết từng là nạn nhân của bạo lực học đường. Bạo lực không chỉ diễn ra ngoài nhà trường qua hình thức gây gổ, đánh nhau mà nay, ở nhiều sự việc còn có sự manh động, sử dụng đến cả vũ khí như: dao, kiếm... Ngoài ra, trong trường học, nhiều học sinh cũng tỏ ra coi thường nội quy, cư xử thiếu lễ phép, không tôn trọng, thậm chí hỗn hào với thầy cô, phản ứng tiêu cực trước sự nhắc nhở của thầy cô [dọa dẫm, thậm chí đánh đập, gây thương tích cho thầy cô của mình], nghiện game, in-tơ-nét, mắc vào tệ nạn xã hội, quan hệ nam - nữ thiếu lành mạnh... Bên cạnh sự xuống cấp về đạo đức của một bộ phận học sinh thì đáng buồn là cũng có một số sự việc liên quan nhân cách giáo viên đã xảy ra như: nhập nhằng về tiền nong, vật chất với phụ huynh và đồng nghiệp, thiếu trong sáng trong nâng đỡ và đánh giá học sinh, thậm chí có cô hiệu trưởng lái xe trong sân trường gây thương tích cho học sinh nhưng không nhận trách nhiệm, thầy giáo tát học sinh thủng màng nhĩ, cô giáo phạt học sinh ăn ớt,... gây phẫn nộ trong dư luận. Những hành vi không đúng chuẩn dù xuất phát từ phía giáo viên hay học sinh đều cần có sự nhắc nhở, thậm chí xử phạt nghiêm khắc, có tính răn đe. Chỉ như vậy mới giữ được sự tôn nghiêm "tôn sư trọng đạo" mà môi trường giáo dục trong xã hội nào cũng cần phải có, để từ đó các hoạt động dạy và học thật sự hiệu quả.

Cần phải khẳng định rằng biểu hiện lệch chuẩn trong môi trường giáo dục thời gian qua không phải là mới xuất hiện. Thậm chí, nguyên nhân của các hiện tượng này cũng từng được chỉ ra. Tuy nhiên, vì thiếu hành động quyết liệt, đồng bộ từ các cơ quan chức năng và cả bản thân ngành giáo dục nên những tiêu cực chưa được giải quyết triệt để, gây tác động xấu đến môi trường giáo dục, khiến phụ huynh và học sinh mất lòng tin vào nhà trường, giáo viên không yên tâm đứng trên bục giảng. Ðiều này rất dễ dẫn tới thói quen hình thành trong nhận thức của một số người là đổ lỗi cho ảnh hưởng của kinh tế thị trường làm thay đổi mối quan hệ thầy - trò, cho đó là mối quan hệ có thể mua - bán. Bởi vậy, tôn sư trọng đạo cũng không nhất thiết cần được gìn giữ như trước đây. Phải thẳng thắn nhìn nhận rằng sự tác động của yếu tố kinh tế thị trường đến môi trường giáo dục là có thật. Ðồng thời môi trường văn hóa - xã hội cũng ít nhiều thay đổi; ở đây đó, cả ở không ít người có vị trí, ảnh hưởng xã hội, lối sống thực dụng lên ngôi khiến một số giá trị đạo đức, tinh thần có xu hướng xuống cấp. Chưa kể tới sự xâm lấn của văn hóa ngoại lai, các yếu tố kích động bạo lực, đồi trụy từ in-tơ-nét cũng tác động đáng kể đến giới trẻ. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng chương trình giáo dục trong nhà trường chưa phù hợp, nhất là nội dung giáo dục đạo đức còn quá vĩ mô, chưa thiết thực, gần gũi với lứa tuổi học sinh

Tất cả những nguyên nhân này đều có cơ sở, song cần thấy rõ rằng, ở tất cả những vụ việc, hiện tượng nổi cộm xảy ra, nguyên nhân chủ quan, xuất phát từ nhận thức, hành xử của mỗi cá nhân vẫn là nguyên nhân chính. Ðối với lứa tuổi học sinh, thầy cô và cha mẹ chính là những tấm gương rõ ràng nhất, phản chiếu cách cư xử, thái độ của con trẻ. Thực tế, cũng có trường hợp thầy cô cư xử thái quá, bạo lực và áp đặt với học sinh, đề ra nguyên tắc quá cứng nhắc, thiếu linh hoạt dẫn đến sự đối đầu từ phía học sinh. Khi giáo viên có những hành vi phản giáo dục mà không bị nhà trường, ngành giáo dục xử lý sẽ rất dễ dẫn đến phản ứng tiêu cực của xã hội. Cũng có thầy cô sử dụng các hình phạt, lời lẽ chưa chuẩn mực khiến phụ huynh, học sinh không nể phục, dẫn đến mất niềm tin. Về phía phụ huynh, một số trường hợp nuông chiều con mù quáng, luôn cho rằng con mình đúng, bất hợp tác với nhà trường. Hành xử kiểu này khiến nhà trường khó có thể thực hiện việc giáo dục trẻ em trong sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường, khiến học sinh thiếu tôn trọng thầy cô, coi mình là "trung tâm vũ trụ". Chưa kể khi ở nhà, một số phụ huynh chưa chú trọng giáo dục con em, dẫn đến lối sống tự do, suồng sã trong cách cư xử, lời ăn tiếng nói. Do quá bận việc, mải mê tập trung kiếm tiền, phát triển kinh tế, không ít phụ huynh còn bỏ mặc, khoán trắng việc giáo dục trẻ cho nhà trường hay người giúp việc. Một số không ít chưa quan tâm thích đáng đến việc gần gũi con, nắm bắt tâm sinh lý lứa tuổi từ đó có định hướng đúng đắn cho con, mà thường sử dụng phương pháp áp đặt, bắt buộc con phải nghe lời. Trong khi đó, lứa tuổi học sinh là giai đoạn quan trọng trong quá trình hình thành nhân cách, nhưng cũng lại là giai đoạn tâm lý có nhiều bất ổn, dễ nảy sinh phản kháng, chống đối khi có sự ép buộc. Bản thân các em nếu được nuông chiều quá thường dễ ỉ lại, hống hách, coi thường người khác, thiếu chừng mực trong ứng xử.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, GS, TSKH Ðào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: "Dạy chữ là trang bị kiến thức. Còn khái niệm dạy người phải hiểu rộng hơn, không nên chỉ giới hạn trong phạm vi giáo dục đạo đức, lối sống mà còn bao hàm cả trang bị kỹ năng sống, hiểu biết về khoa học xã hội để từ đó hình thành, rèn luyện và phát triển nhân cách cho học sinh. Hiện tại, chúng ta đang thiên về dạy chữ mà chưa quan tâm đúng mức tới dạy người, hay nói cách khác là chưa cân đối giữa hai mục tiêu ấy".

Rõ ràng, dù điều kiện kinh tế xã hội - văn hóa có thay đổi đến đâu thì nhà trường vẫn phải là môi trường an toàn, lành mạnh cho cả thầy cô, học sinh. Ðể làm được điều này, cần giữ gìn, phát huy truyền thống tôn sư trọng đạo từ phụ huynh, học sinh tới toàn xã hội. Ngành giáo dục cần chú trọng xây dựng nội dung giáo dục đạo đức, lối sống bảo đảm thiết thực, hiệu quả, phù hợp từng cấp học và trình độ. Nhà trường cần chú trọng giáo dục hành vi, chuẩn mực đạo đức, ý thức tuân thủ pháp luật, kỹ năng sống, giá trị sống đúng đắn. Mỗi giáo viên cần tự ý thức để trở thành tấm gương về đạo đức, nghề nghiệp, chuẩn mực trong ứng xử với học sinh, với đồng nghiệp. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp khéo léo, linh hoạt, thường xuyên giữa nhà trường và phụ huynh để tăng cường mối liên kết giữa nhà trường và gia đình, nâng cao hiệu quả của công tác giáo dục. Những vi phạm từ phía học sinh cần được báo cho phụ huynh, đồng thời có biện pháp xử lý đúng mực, đủ sức răn đe, tránh xử phạt bằng hình thức phản cảm và bạo lực; quy tắc hay hình thức xử phạt cần rõ ràng, nhất quán, được xây dựng với sự tham gia của học sinh và phụ huynh, bảo đảm có sự thống nhất từ phía học sinh, tránh tâm lý áp đặt. Ðối với những trường hợp phản cảm, thiếu văn hóa ứng xử đối với các thầy, cô giáo như đã nêu trên, bên cạnh việc lên án, phê phán, các cơ quan chức năng cũng cần có sự xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng bản chất vấn đề. Cùng với sự nỗ lực từ phía nhà trường, các gia đình cần phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm trong việc chăm sóc và giáo dục con em mình, dành nhiều thời gian hơn cho con, hướng dẫn và cùng các em xây dựng nếp sống tốt đẹp, hướng theo hành xử văn minh, nhằm tạo môi trường tốt nhất để con em phát triển, hoàn thiện nhân cách. Mỗi học sinh cũng cần tự ý thức về vai trò, trách nhiệm của bản thân, tự học tập, rèn luyện để trở thành người có ích cho xã hội. Sự phối kết hợp đồng bộ, hiệu quả giữa gia đình - nhà trường - học sinh và xã hội sẽ giúp nâng cao chất lượng giáo dục và góp phần gìn giữ đạo đức học đường.

MINH ANH

Video liên quan

Chủ Đề