Tại sao cổ tức lại bị đánh thuế

Theo số liệu của Ủy ban chứng khoán (UBCK), từ đầu năm đến nay, vốn huy động qua phát hành thêm cổ phiếu chỉ đạt 4,5 nghìn tỉ đồng, vốn huy động qua đấu giá cổ phần hóa chỉ đạt 560 tỉ đồng. Trên thị trường có tới 46% công ty niêm yết có giá thị trường thấp hơn mệnh giá. Những con số trên cho thấy, thị trường chứng khoán vẫn chưa thể phục hồi. Nhiều nhà đầu tư cho rằng, thuế chứng khoán đang là một lực cản đối với thị trường này.

Trước những băn khoăn của giới đầu tư chứng khoán về những bất cập trong lĩnh vực thuế đối với đầu tư, kinh doanh chứng khoán, cơ quan thuế vẫn giữ nguyên quan điểm, có thu nhập thì phải nộp thuế, đây là nguyên tắc không thể thay đổi, ngay cả với chứng khoán.

Giới đầu tư chứng khoán hiện đang đau đầu vì cho rằng, cách đánh thuế của Nhà nước đối với lĩnh vực này đang khá bất công. Theo ông Nguyễn Thanh Kỳ, Tổng thư kí Hiệp hội các nhà đầu tư chứng khoán, việc đánh thuế 5% trên cổ tức đối với nhà đầu tư là không nên. Bởi, khi doanh nghiệp có lợi nhuận phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp, khoản lãi sau khi nộp thuế thu nhập doanh nghiệp mới chia cổ tức. Khi nhà đầu tư nhận cổ tức, họ lại phải nộp thuế thêm một lần nữa. Như vậy, nhà đầu tư chứng khoán bị đánh thuế 2 lần. Hiệp hội các nhà đầu tư chứng khoán đề xuất, Nhà nước nên loại bỏ sắc thuế này vì nó sẽ làm giảm giá cổ phiếu. Việc bãi bỏ thuế cổ tức sẽ góp phần ổn định và khuyến khích đầu tư vốn trực tiếp vào sản xuất kinh doanh và đảm bảo bình đẳng thu nhập với lãi tiền gửi tiết kiệm tại các ngân hàng, vốn vẫn được miễn thuế.

Tuy nhiên, theo Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), xét về dòng tiền, đánh thuế cổ tức là đánh thuế 2 lần đối với cùng một món tiền. Song, xét về chủ sở hữu của món tiền đó lại khác. Pháp nhân phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp còn cá nhân có thu nhập phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Về nguyên tắc, có phát sinh thu nhập thì phải nộp thuế.

Thuế chuyển nhượng chứng khoán cũng là một vấn đề được nhiều thành viên tham gia thị trường như công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, nhà đầu tư cho rằng còn nhiều bất cập. Hiện nay, có 2 cách đánh thuế đối với hoạt động chuyển nhượng chứng khoán, nhà đầu tư có thể lựa chọn: nộp 0,1% đối với giá trị hợp đồng chuyển nhượng hoặc nộp 20% thuế đối với thu nhập có được sau khi trừ đi giá mua và các chi phí liên quan. Tuy nhiên, hầu như tất cả các nhà đầu tư cá nhân đều lựa chọn cách nộp 0,1% bởi không thể xác định các chi phí liên quan đến việc chuyển nhượng. Song, quy định này cũng khiến nhiều nhà đầu tư bức xúc vì bị thu 0,1% ngay khi phát sinh giao dịch dù nhiều khi giao dịch đó họ bị lỗ. "Nếu nói có thu nhập thì phải nộp thuế thu nhập cá nhân thì tại sao khi tôi bị lỗ, tức là không có thu nhập, vẫn phải nộp thuế?” – ông Trần Đình Dương, một nhà đầu tư chứng khoán trăn trở.

Về vấn đề này, một chuyên gia công tác trong lĩnh vực thuế giải thích, 0,1% là chỉ tạm thu. Đến hết năm, công ty chứng khoán sẽ phải làm hồ sơ, bảng kê giao dịch để tính xem nhà đầu tư có lãi hay lỗ. Nếu lỗ sẽ được hoàn thuế. Song ngay cả khi được hoàn thuế nhà đầu tư vẫn không hài lòng. Thực tế, việc hoàn thuế đối với thu nhập cá nhân thường diễn ra rất chậm. Hơn nữa, với giao dịch lớn, cơ quan thuế tạm thu từ đầu năm, nếu đến cuối năm phải hoàn thuế, liệu ngành thuế có tính đến khoản lãi, ít nhất là lãi gửi tiết kiệm, nhà đầu tư đã có thể thu được.

Không chỉ thế, có sự vênh nhau về lợi thế của cá nhân và pháp nhân trong đầu tư kinh doanh chứng khoán như phương pháp tính thuế, thủ tục nộp thuế, thủ tục quyết toán thuế mà nhà đầu tư là doanh nghiệp có nhiều lợi thế hơn. Phần cổ tức đã chịu thuế thu nhập doanh nghiệp tại công ty phát hành cổ phiếu sẽ không phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp của doanh nghiệp đầu tư chứng khoán. Điều này đã khiến hàng loạt "đại gia” chuyển cổ phiếu về công ty riêng.

Theo TS Lê Hồ Khôi, Tổng giám đốc Công ty CP chứng khoán Tràng An, Nhà nước cần có chính sách hợp lý để thị trường thứ cấp phát triển. Nếu thị trường thức cấp lình xình, đầu tư thua lỗ, thị trường sơ cấp sẽ bị ảnh hưởng và hậu quả này còn lớn hơn rất nhiều so với việc ngành thuế bị sụt giảm nguồn thu. Thực chất, nguồn thu từ chứng khoán cũng không lớn. Nhưng nếu thị trường sơ cấp bị ảnh hưởng, khi cổ phần hóa "các ông lớn”, Nhà nước sẽ thất thu hàng nghìn tỉ đồng nếu như cổ phiếu bán ra giá thấp.

Duy Chung

Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.