Sau cách mạng tháng 8 năm 1945 đội tượng tác chiến của ta là

Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945, sự vùng dậy của cả dân tộc Việt Nam vì mục tiêu độc lập dân tộc

Đầu năm 1945, Chiến tranh thế giới thứ hai đã bước vào giai đoạn kết thúc. Ở châu Âu, phát xít Đức - Italia đang bị các lực lượng Đồng minh truy đuổi tới tận sào huyệt. Tại châu Á, phát xít Nhật liên tiếp thất bại trước quân Mỹ và các lực lượng kháng chiến của các quốc gia tại khu vực này.

Ở Đông Dương, mâu thuẫn giữa Nhật và Pháp càng trở nên gay gắt. Và đúng như dự đoán của Đảng ta, ngày 9-3-1945, Nhật nổ súng lật đổ Pháp. Quân Pháp ở Đông Dương chống cự yếu ớt và nhanh chóng đầu hàng. Phát xít Nhật độc chiếm thống trị Đông Dương, bày trò "trao trả độc lập" cho Bảo Đại và dựng lên Chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim.

Trước tình hình đó, ngày 12-3-1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta. Chỉ thị đã xác định: "Đế quốc phát xít Nhật là kẻ thù chính - kẻ thù cụ thể trước mắt - duy nhất của nhân dân Đông Dương". Ban Thường vụ quyết định thay đổi khẩu hiệu "Đánh đuổi Nhật - Pháp" bằng khẩu hiệu "Đánh đuổi phát xít Nhật" và đưa ra khẩu hiệu "Chính quyền cách mạng của nhân dân" để chống lại chính quyền Nhật và chính phủ bù nhìn thân Nhật. Cũng tại hội nghị này, Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định phát động một cao trào kháng Nhật, cứu nước mạnh mẽ làm tiền đề cho cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền.

Để tích cực chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa, Đảng ta càng chú ý đẩy mạnh việc mở rộng cơ sở Mặt trận Việt Minh nhằm tranh thủ mọi lực lượng yêu nước, thực hiện chính sách đoàn kết, phân hoá hàng ngũ kẻ thù. Ngày 12-4-1945, Mặt trận Việt Minh đã ra lời kêu gọi Mấy lời tâm huyết ngỏ cùng các vị quan chức ái quốc Việt Nam và Mấy lời tâm huyết ngỏ cùng các vị huynh thứ ái quốc.

Chính sách đại đoàn kết dân tộc "kháng Nhật cứu nước" của Mặt trận Việt Minh không chỉ thu hút ngày càng đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia mà còn tác động mạnh mẽ dẫn tới sự phân hoá trong các tổ chức chính trị, đảng phái ở nước ta lúc bấy giờ. Nội các Trần Trọng Kim với bánh vẽ độc lập mà Nhật đưa ra đã bị phân hoá trước thắng lợi của cao trào cách mạng, trước sức mạnh của quần chúng nhân dân. Một số thành viên của nội các này đã ngả theo cách mạng. Ngay hội "Tân Việt Nam" của giới trí thức hay "Hội nghị Tư vấn quốc gia" của Bảo Đại cũng chỉ tồn tại được một thời gian ngắn. Các trí thức có tên tuổi đã ngả theo cách mạng, một số đã trở thành thành viên của Mặt trận Việt Minh.

Với chính sách mở rộng và phát triển tổ chức Việt Minh, từ tháng 5-1945, trong phong trào thanh niên, sinh viên ở Nam Bộ đã ra đời tổ chức "Thanh niên Tiền phong". Tổ chức này được thành lập từ Sài Gòn, sau đó lan rộng ra hầu khắp các tỉnh Nam Bộ. Tính chung ở Nam Bộ đến tháng 8-1945, tổ chức này đã có trên 1 triệu đoàn viên, riêng ở thành phố Sài Gòn số đoàn viên có tới 20 vạn. Ở nhiều tỉnh trên khắp đất nước, tổ chức Việt Minh đã có cơ sở trong các công sở, các đội bảo an binh và chính các cơ sở này đã góp một phần không nhỏ vào việc giành chính quyền ở các cấp trong ngày tổng khởi nghĩa.

Trong thời gian này phải kể đến một chủ trương rất quan trọng, đúng đắn và kịp thời của Đảng và Mặt trận Việt Minh đó là chính sách "phá kho thóc của Nhật, giải quyết nạn đói". Chủ trương này đã đáp ứng đúng nguyện vọng bức thiết của nhân dân và qua phong trào này quần chúng nhân dân đã nhận rõ rằng muốn giành quyền sống cho mình phải đoàn kết dưới ngọn cờ của Việt Minh đấu tranh đánh đổ ách thống trị của phát xít Nhật và bè lũ tay sai của chúng.

Ngày 11-8-1945, Chính phủ Nhật chấp nhận đầu hàng Đồng minh không điều kiện, và đúng như dự kiến của Đảng ta, cơ hội "ngàn năm có một" để giành độc lập cho dân tộc đã đến. Ngày 13-8, nhận được tin Nhật đầu hàng, Trung ương Đảng đã thành lập Uỷ ban khởi nghĩa toàn quốc, và ngay trong đêm 13-8, Quân lệnh số I - Lệnh tổng khởi nghĩa đã được phát đi trong cả nước. Ngày 16-8-1945, Đại hội Quốc dân Tân Trào đã quyết định tổng khởi nghĩa và kêu gọi nhân dân toàn quốc hãy đứng lên "giành lấy chính quyền, xây dựng một nước Việt Nam dân chủ cộng hoà trên nền tảng hoàn toàn độc lập". Uỷ ban Giải phóng dân tộc Việt Nam tức Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hoà do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch đã kêu gọi đồng bào cả nước đứng dậy "đem sức ta mà tự giải phóng cho ta", "dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập".

Tuy phát xít Nhật đã đầu hàng Đồng minh không điều kiện, nhưng vào thời điểm này ở Đông Dương quân đội Nhật vẫn có khoảng 10 vạn và đóng chủ yếu ở Việt Nam. Trong khi đó, chính phủ tay sai thân Nhật đang tìm mọi cách chống lại cách mạng hòng duy trì địa vị của chúng. Các nước Đồng minh đang chuẩn bị tiến vào Đông Dương, đặc biệt một sư đoàn Pháp đang trên đường tới Đông Dương để thực hiện mưu đồ xâm lược khu vực này lần thứ hai.

Cũng vào thời điểm này, chúng ta mới có 5.000 đảng viên mà một số khá đông còn nằm trong nhà tù, trại tập trung và bị đày biệt xứ. Lực lượng vũ trang cách mạng do Đảng lãnh đạo cũng chỉ mới có khoảng 5.000 người.

Thực tế đó càng khẳng định chính sách đại đoàn kết dân tộc mà Đảng và Mặt trận Việt Minh đề ra và thực hiện từ trước tới nay là đúng đắn, vấn đề quan trọng nhất lúc này là phải huy động được sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết đó vào cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền khi điều kiện đã chín muồi.

Cuộc míttinh, tuần hành rầm rộ đầu tiên biểu hiện sức mạnh của quần chúng nhân dân và có tính quyết định đường lối và hình thức tổng khởi nghĩa của Đảng ta là cuộc míttinh ngày 17-8-1945 của nhân dân Hà Nội tại Quảng trường Nhà hát lớn thành phố. Cuộc biểu tình với các khẩu hiệu "Ủng hộ Việt Minh", "Đả đảo bù nhìn", "Việt Nam hoàn toàn độc lập" đã đi qua gần khu vực Trụ sở khai trí tiến đức, nơi "Hội đồng Tư vấn Bắc Kỳ" của nguỵ quyền thân Nhật đang họp, đi qua trước cửa Phủ Toàn quyền - trụ sở của viên Toàn quyền Nhật lúc đó nhưng quân đội Nhật không có phản ứng gì. Cuộc biểu tình đó đã giúp Uỷ ban quân sự cách mạng Hà Nội có những nhận định chính xác về tình hình lực lượng giữa ta và địch, thái độ án binh bất động của Nhật, tâm trạng hoang mang lo sợ của bọn phản động và chính quyền bù nhìn, và đi đến quyết định tiến hành tổng khởi nghĩa ở Hà Nội. Về phương thức khởi nghĩa, Uỷ ban đã xác định là: Mặc dù về quân sự có sự chênh lệch lớn giữa ta và địch, song lực lượng quần chúng cách mạng đang ở thế áp đảo, vì vậy ta có khả năng dùng lực lượng chính trị áp đảo của quần chúng cách mạng là chủ yếu để tiến hành khởi nghĩa, kết hợp chĩa mũi nhọn chính vào chính quyền bù nhìn với sách lược mềm dẻo nhằm vô hiệu hoá sự phản ứng của Nhật, giành chính quyền về tay nhân dân.

Chính nhờ vận dụng tốt phương thức đó mà chỉ trong ngày 19-8, cuộc tổng khởi nghĩa ở Hà Nội đã thành công rực rỡ. Khi quần chúng cách mạng tiến vào chiếm trại Bảo an binh, mặc dù quân Nhật đã huy động xe tăng và binh lính ngăn chặn các ngả đường, song trước sức mạnh của quần chúng khởi nghĩa, quân Nhật đã khoanh tay để lực lượng khởi nghĩa chiếm trại Bảo an binh và các công sở khác.

Phương thức khởi nghĩa độc đáo của Hà Nội với lực lượng chính trị áp đảo của quần chúng cách mạng là chủ yếu, vô hiệu hoá sự phản ứng của quân đội Nhật đã được Trung ương Đảng phê chuẩn và trở thành phương thức khởi nghĩa của hầu hết các địa phương trong cả nước.

Ngày 23-8-1945, tại Huế, hàng vạn nhân dân thành phố và các huyện lân cận đã xuống đường míttinh, tuần hành buộc chính quyền trung ương của địch phải đầu hàng, vua Bảo Đại phải thoái vị, đánh dấu sự sụp đổ của chế độ phong kiến ở Việt Nam.

Tại Sài Gòn, ngày 25-8, hàng triệu nhân dân nội thành và các vùng ven đô đã tổ chức cuộc míttinh, tuần hành khổng lồ với lực lượng "Thanh niên Tiền phong" làm xung kích lật đổ chính quyền tay sai Nhật ở Sài Gòn, lập chính quyền cách mạng.

Cũng cần phải nhấn mạnh thêm rằng, dưới áp lực mạnh mẽ của quần chúng cách mạng, không chỉ quân đội Nhật "án binh bất động", chính quyền bù nhìn hoang mang lo sợ, mà không ít các quan chức và những người làm việc trong bộ máy nguỵ quyền, một số người cầm đầu các tôn giáo, dân tộc thiểu số, một số phú nông, địa chủ, tư sản đã ngả theo cách mạng, tìm cách liên hệ với Việt Minh và sẵn sàng trao chính quyền cho lực lượng khởi nghĩa.

Ở Hà Nội, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Ninh Bình, Quảng Nam, một số binh lính đã ngả theo cách mạng; một số nơi họ đã nộp súng, thậm chí còn vác súng nhập vào lực lượng khởi nghĩa. Tại Bắc Giang, Kon Tum, Hà Tiên, Nam Định, Thanh Hoá, một số tri huyện, chánh tổng, lý trưởng và các công chức tiến bộ, tư sản dân tộc, địa chủ đã liên hệ với Việt Minh, ủng hộ tiền bạc, thuốc men cho lực lượng khởi nghĩa. Tại Nam Định, Long Xuyên, Sơn La, Thanh Hoá, Sa Đéc, các lãnh tụ tôn giáo như Cao Đài, Hoà Hảo, Phật giáo, các lang đạo, đã đồng tình ủng hộ cách mạng khởi nghĩa giành chính quyền.

Như vậy, chỉ trong vòng gần hai tuần lễ, tổng khởi nghĩa đã thành công trong cả nước. Từ thực tế của Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, chúng ta có thể khẳng định rằng hình thái khởi nghĩa chung nhất là toàn dân nổi dậy đồng loạt và gần như đồng thời trong cả nước. Cuộc Cách mạng Tháng Tám là cuộc tổng khởi nghĩa của toàn dân, của cả dân tộc Việt Nam vì mục tiêu độc lập dân tộc.

Cách mạng Tháng Tám giành thắng lợi oanh liệt và nhanh chóng do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do chính sách đại đoàn kết dân tộc của Mặt trận Việt Minh do Đảng Cộng sản Đông Dương và lãnh tụ Hồ Chí Minh thành lập và lãnh đạo. Mặt trận Việt Minh đã giương cao ngọn cờ dân tộc, xác định đúng kẻ thù, có những chủ trương, chính sách đúng đắn, những khẩu hiệu đấu tranh thích hợp, đáp ứng yêu cầu cách mạng, phù hợp với nguyện vọng và quyền lợi bức thiết của mọi tầng lớp nhân dân.

Chính nhờ mục tiêu và đường lối đúng đắn đó, Mặt trận Việt Minh chẳng những đã huy động được hàng triệu công nhân, nông dân, thanh niên, phụ nữ, học sinh, trí thức xuống đường khởi nghĩa, mà còn tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của một số các thành phần khác, như địa chủ, tư sản dân tộc, của nhiều lý trưởng, chánh tổng, tri huyện, tri phủ của chính quyền nguỵ.

Mặt trận Việt Minh trở thành ngọn cờ tập hợp sức mạnh của toàn dân, trở thành động lực cơ bản của Cách mạng Tháng Tám. Dưới ngọn cờ của Việt Minh, "hàng chục triệu hội viên, gồm đủ các tầng lớp sĩ, nông, công, thương, binh, gồm đủ các dân tộc Việt, Thổ, Nùng, Mường, Mán" đứng dậy làm cuộc tổng khởi nghĩa vĩ đại giành độc lập cho dân tộc.

Cách mạng Tháng Tám là con đẻ của nhân dân Việt Nam, là sản phẩm của chính sách đoàn kết, tập hợp lực lượng toàn dân tộc của Đảng ta. Tinh thần của Cách mạng Tháng Tám đã được phát huy và nâng cao trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giải phóng đất nước. Tinh thần của Cách mạng Tháng Tám đang cùng chúng ta đi lên trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh.

NT [Theo Đảng Cộng sản Việt Nam - 80 năm xây dựng và phát triển]

Video liên quan

Chủ Đề