Review sách tâm lý học tình yêu

[Review Sách] Tâm Lý Học Tình Yêu - Thật Lòng Hay Là Đỉnh Cao Của Sự Lừa Dối? - Tập 2: Những Bóng Hình Vụn Vỡ Từ Quá Khứ

Review sách tâm lý học tình yêu
Review sách tâm lý học tình yêu


Có ai đó đã từng nói rằng: Xuân qua, thu đến, đông sang, hạ về. Cứ bình tâm mà chờ tình đến rồi hãy yêu, chứ đừng vì thèm thuồng hạnh phúc của người khác mà đang tâm cướp nó về làm của mình. Tình yêu tuy đẹp đẽ nhưng có thể khiến con người ta trở nên ngây dại, điên cuồng và ngốc nghếch. Một cuộc tình éo le, đau khổ và đầy nước mắt, một cuộc hôn nhân đứng bên bờ vực của sự tan vỡ, chắc hẳn đa phần đều thấp thoáng bóng dáng của kẻ thứ ba. Từ xưa đến nay, người thứ ba luôn được miệng đời nhắc đến với những từ ngữ, biểu cảm và thái độ không mấy tốt đẹp. Người ta luôn thắc mắc trong đầu những câu hỏi như trên đời này có biết bao nhiêu người chưa có gia đình, tại sao lại phải hạ thấp bản thân đi làm kẻ thứ ba? Cuốn sách Tâm lý học tình yêu - Thật lòng hay là đỉnh cao của sự lừa dối (tập 2) của tác giả Vũ Chí Hồng có thể thỏa đáp được phần nào những thắc mắc như vậy.

Không biết bạn đã biết đến hay đã đọc qua tập đầu tiên của quyển sách này chưa nhỉ? Tập đầu tiên của cuốn sách nhấn mạnh về vai trò của thời thơ ấu dẫn đến sự hình thành tâm lý và tình cảm của một người trong tương lai, giải thích nguyên do vì sao tình yêu khởi đầu là tốt đẹp nhưng đến cuối cùng còn lại chỉ là sự đổ vỡ và chỉ ra sự lừa dối lớn nhất trong tình yêu rốt cuộc bắt nguồn từ đâu. Những phân tích tâm lý, những câu chuyện, những thông điệp mà tác giả gửi gắm vào từng trang sách thật sự thú vị. Cuốn sách dành cho tất cả mọi người và tôi nghĩ đặc biệt là dành cho những ai đang hoang mang trong chuyện tình yêu của mình, những người ít khi có những khoảng lặng đủ để chiêm nghiệm lại mình khi yêu hay đơn giản là muốn khám phá tình yêu một cách cẩn trọng và chín chắn hơn. Nối tiếp những kiến thức tâm lý đầy uyên thâm về tình yêu ở tập một, Vũ Chí Hồng sẽ giúp người đọc được tỏ tường hơn về những trạng thái tâm lý đa chiều và đa màu sắc của con người trong tình yêu, đặc biệt là đi lý giải nguyên nhân vì sao con người ta lại muốn làm kẻ thứ ba và tại sao lại có quá nhiều người lại muốn làm kẻ thứ ba đến như vậy qua tập hai của cuốn sách Tâm lý học tình yêu - Thật lòng hay là đỉnh cao của sự lừa dối?

Tập hai của cuốn sách tiếp tục được chia thành hai phần tiếp nối hai chương đầu ở tập một. Chương ba, tác giả tập trung nhấn mạnh vào quan điểm mọi lựa chọn đều có nguyên do của nó, giải thích lý do tại sao con người ta muốn làm kẻ thứ ba, đặc biệt là phụ nữ. Còn ở chương thứ tư, tác giả đã thể hiện mong muốn hướng độc giả tới tình yêu hạnh phúc thật sự và muốn phụ nữ hãy đứng lên giải mã hạnh phúc của chính mình.

Ai là kẻ thứ ba?

Tiểu tam, Hồ ly tinh, Tuesday,... là những danh từ không mấy mỹ miều được mọi người dùng để gọi tên những người xen chân vào một mối quan hệ và khiến mối quan hệ đó tan vỡ - đó là kẻ thứ ba. Nhưng dưới góc nhìn phân tích của Vũ Chí Hồng, tôi nghĩ kẻ thứ ba còn rộng hơn thế nhiều. Suy cho cùng, chỉ khi đang ở trong một mối quan hệ nào đó thì con người ta mới cảm nhận được sự tồn tại của chính mình. Nhịp sống càng hối hả, những mối quan hệ chóng vánh lướt qua nhau như một cơn gió khiến nhiều người muốn tận hưởng sự cô đơn, nhưng có lẽ khó có người nào thật sự đạt được đến cảnh giới này. Nhà triết học Martin Buber đã từng nói: Tất cả căn nguyên có tính xác định đều nằm ở chỗ: Bạn tồn tại vì thế tôi cũng tồn tại!

Chẳng hạn khi chỉ có một mình, chỉ có sự cô độc vây quanh, một người sẽ có ý nghĩ muốn chết; vì không có một mối quan hệ nào cho nên cảm giác của người đó cũng gần giống như cái chết. Bởi vậy nhà triết học người Đức Friedrich Jacobi đã bày tỏ: Không có bạn thì cũng sẽ không có tôi.

Tôi tin chắc vô số người đều có những trải nghiệm thật sâu sắc, khi một khoảnh khắc nào đó họ cảm thấy thế giới này dường như không có một chút ràng buộc nào nữa thì bản thân sẽ tự nhiên nảy sinh ra ý định muốn chết. Thậm chí, ý chí đó còn thôi thúc hành động diễn ra.

Trước khi ý nghĩ này hình thành, bạn chắc hẳn đã có rất nhiều lần không thoải mái. Theo tâm lý học, điều này được gọi là sự tan rã của nhận thức. Hoặc có thể nói là mất cảm giác về sự tồn tại của bản thân.

Bởi vậy, không khó hiểu nguyên do tại sao việc kết thúc một mối quan hệ quan trọng lại khiến một người bị tổn thương nặng nề như vậy. Tất cả là vì không có ai có thể tồn tại độc lập hoàn toàn...Vì thế mà mỗi một sinh mạng mới khi vừa mới ra đời đã gắn với cùng lúc hai mối quan hệ: Mối quan hệ giữa anh/ cô ấy với mẹ và mối quan hệ giữa anh/ cô ấy với bố. Đây vốn dĩ là mối quan hệ tay ba.

Review sách tâm lý học tình yêu


Từ cuộc sống xung quanh ta, từ những bộ phim truyền hình tình cảm ta xem, những cuốn truyện tình yêu ta đọc hay những bài hát đượm chất tình ta nghe, tình yêu là câu chuyện của chỉ hai người mà thôi. Nhưng thực sự thì có như vậy không? Vũ Chí Hồng đã khẳng định mối quan hệ do hai người tạo thành đó chỉ là một sợi dây yếu đuối, mong manh, không thăng bằng và dễ bị gió giật phăng đi, mối quan hệ tam giác mới là mối quan hệ cân bằng và ổn định nhất.Tốt hơn hết những cặp đôi nên có con theo kiểu kết tinh của tình yêu, nếu không mối quan hệ giữa vợ chồng sẽ mất đi sự cân bằng. Nếu như mối quan hệ giữa người mẹ và đứa trẻ thân mật quá thì mối quan hệ tam giác đó sẽ mất đi cân bằng. Người bố sẽ cảm thấy dường như không có chỗ nào cho mình nên sẽ xuất hiện khát khao thiết lập mối quan hệ mới. Mối quan hệ tam giác đó không nhất thiết phải là người mà còn có thể là sự nghiệp hoặc sự vật khác.
Đàn ông rất dễ có một kẻ thứ ba giống nhau - đó là sự nghiệp hoặc là sở thích. Khi họ quá đam mê với những sự việc như vậy thì nửa kia của họ sẽ ghen tuông, cũng giống như ghen khi anh ta có người phụ nữ khác vậy.

Một người bạn của tôi vô cùng yêu thích chụp ảnh mỗi lần anh ta chăm chút cho cái máy ảnh, nhẹ nhàng tỉ mẩn lau ống kính với một thái độ vô cùng yêu thích thì vợ anh ta lại nổi trận lôi đình, làm như cái máy ảnh đó chính là tình địch của mình vậy. Nhưng cô ấy cũng có kẻ thứ ba của mình - đó là con gái. Hầu như 80% sức lực và thời gian cô ấy đều dồn lên cô con gái của mình. Đây cũng là đặc điểm chung của nhiều gia đình: Kẻ thứ ba của đàn ông là sự nghiệp, còn kẻ thứ ba của người phụ nữ là con cái.

Như vậy có phải đồng nghĩa rằng, tất cả mọi người đều ở trong một mối quan hệ tam giác như vậy và chỉ có như thế thì gia đình mới trở nên ổn định? Tôi nghĩ ai cũng có những sở thích của riêng mình. Việc nghĩ sở thích cũng là một dạng của kẻ thứ ba có phải là một quan điểm đúng đắn hay không? Nếu sở thích chính là một kẻ thứ ba thì những người phụ nữ có lý trí sẽ hiểu được một điều rằng chồng mình nên có một sở thích. Như Vũ Chí Hồng đã nói với người vợ của bạn ông rằng: Tốt nhất thì cô nên chấp nhận máy ảnh, ống kính là tình địch, nếu không thì cô sẽ phải đối diện với một tình địch thật sự đấy.

Review sách tâm lý học tình yêu


Người thứ ba là tội đồ hay là nạn nhân của một cuộc tình tan vỡ?

Chúng ta vẫn thường nghĩ rằng kẻ thứ ba luôn là người đáng trách, bởi vì sự xuất hiện của họ là nguyên nhân khiến một cuộc tình tan vỡ. Nhưng đã bao giờ chúng ta thực sự nghĩ thật sâu sắc rằng liệu rằng ai mới thật là người sai hay chưa? Trong chương trình Tự tình lúc 0 giờ của Liêu Hà Trinh, có một bức thư được gửi đến nói rằng cô ấy đã vô tình trở thành kẻ thứ ba mà không hề hay biết. Trong cuốn sách này, tác giả đã phân người thứ ba thành hai dạng, một là kẻ thứ ba bị động, cái còn lại chính là kẻ thứ ba chủ động. Rơi vào vòng xoáy tình cảm rồi mới biết đối phương đã có người yêu, đó chính là kẻ thứ ba bị động. Biết đối phương có người yêu nhưng vẫn cố lao vào vòng xoáy tình cảm đó chính là kẻ thứ ba chủ động.

Tôi thường nói chuyện với rất nhiều người phụ nữ âm thầm làm kẻ thứ ba. Họ thẳng thắn bày tỏ động cơ quan trọng nhất thúc đẩy câu chuyện tình yêu của họ nảy nở chính là đánh bại một người phụ nữ khác. Động cơ này vô cùng quan trọng, thậm chí còn quan trọng hơn cả việc lấy lòng người đàn ông. Bởi vậy, một khi người đàn ông đã hạ quyết tâm ly hôn, thì những kẻ thứ ba đó sẽ lập tức chạy trốn hoặc kết thúc mối quan hệ bất chính này sau đó bắt đầu một mối tình mới, tiếp tục làm kẻ thứ ba trong một mối quan hệ khác.

Hiển nhiên những người con gái thích hoặc nghiện làm kẻ thứ ba đương nhiên là có vấn đề về tâm lý. Muốn đánh bại một người phụ nữ là một loại bệnh.

Một bé gái từ ba đến năm tuổi sẽ mong muốn được ưu tiên trong mối quan hệ tam giác giữa nó và bố mẹ, tức là nó sẽ có khát vọng rằng người bố sẽ yêu mình hơn yêu mẹ (hoặc yêu hơn những thành viên nữ khác trong gia đình), nếu như nguyện vọng này không thành sự thực (hoặc được thực hiện một cách thái quá) thì nó sẽ trở thành một nguyện vọng cố chấp, ẩn thân trong phần sâu thẳm của tiềm thức, sẽ khiến cho đứa trẻ đó không hề hứng thú với người đàn ông độc thân khi trưởng thành, bởi vì họ không tìm được cơ hội đánh bại một người phụ nữ khác ở những người đàn ông độc thân đó.

Vì thế mà một người đàn ông có gia đình đã nói với tình nhân của mình: Anh yêu em và muốn ly hôn để được sống cùng em, nhưng anh không dám làm như vậy bởi vì anh cảm giác nếu như mình làm như vậy thì em sẽ rời bỏ anh mà đi

Review sách tâm lý học tình yêu


Tại sao các cô gái lại luôn muốn trở thành kẻ thứ ba?

Trước đây đã có nhiều hơn một lần tôi tự hỏi tại sao khi nhắc đến người thứ ba, mặc nhiên mọi người đều cho rằng đó là phụ nữ vậy? Liệu rằng đó có phải là một định kiến trọng nam khinh nữ theo lề thói phong kiến hay không? Hay là vì đàn ông dễ thay lòng đổi dạ, còn đàn bà thì lại thèm khát tình yêu? Nhưng tôi nghĩ, bất cứ ai cũng đều thèm khát tình yêu mà thôi, bất kể là đàn ông hay là đàn bà. Và trên đời này thiếu gì những người đàn ông hay đàn bà độc thân mang trên mình những điều tốt đẹp cơ chứ, tại sao cứ phải muốn đâm đầu vào đập tan những mối quan hệ của người khác rồi để trở thành một kẻ méo mó về đạo đức bị người ta miệt thị khinh thường. Làm như vậy, họ có hạnh phúc không? Bằng góc nhìn của nhà tâm lý học, tác giả đã đưa ra những phân tích cụ thể về vấn đề này.

Nói một cách tương đối thì đàn ông chủ động làm kẻ thứ ba dường như không nhiều. Trong nền văn hóa của chúng ta thì phụ nữ chủ động làm kẻ thứ ba chiếm con số nhiều hơn. Chẳng hạn, trong số những bài viết về kẻ thứ ba trên Baidu thì những bài đăng và bình luận đều là phụ nữ, cho nên một tài khoản đã buồn bực hỏi: Tại sao 90% người thứ ba đều là phụ nữ vậy?

Nữ nhà văn Thịnh Khả Dĩ đã khắc họa tâm lý phức tạp của những người phụ nữ chủ động làm kẻ thứ ba trong cuốn tiểu thuyết Đạo đức tụng của mình. Chỉ Ba, nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết này có một cuộc tình với người đàn ông bốn mươi tuổi Thủy Kinh Thu có một người vợ là Mai Ca Mã, vì thế Chỉ Ba trở thành kẻ thứ ba.

Từ tình tiết đó thấy là Thủy Kinh Thu đã đi dụ dỗ Chỉ Ba trước, nhưng từ góc độ trái tim thì thấy, làm kẻ thứ ba là một loại đam mê của Chỉ Ba.

Bởi vì, ba năm trước khi quen Thủy Kinh Thu, Chỉ Ba đã từng trở thành kẻ thứ ba một lần. Cô đã hủy hoại thành công một gia đình. Khi đối phương chuẩn bị kết hôn cùng cô thì cô lại cảm thấy tất cả đều vô vị nên cắt đứt tình cảm với anh ta một cách vô tình nhất. Cái mà cô ấy cần dường như không phải là hôn nhân, mà chỉ là sự đánh bại một người phụ nữ khác mà thôi (một tình địch). Chỉ Ba từng nói đùa rằng, yêu người đàn ông chưa kết hôn nhàm chán vô vị cùng cực, qua lại với người đàn ông bằng tuổi lại càng chán nản và vô vị hơn. Còn yêu người đàn ông đã kết hôn thì hàng ngày đều có cảm xúc, đều có nhiều tình huống có thể xảy ra, điều này khiến cho cô ấy có đủ sự dằn vặt, giày vò.

Mọi người thường cho rằng, khát vọng của kẻ thứ ba chính là chiếm hữu người yêu làm của riêng mình. Đối với kẻ thứ ba bị động thì điều đó có thể là sự thật, nhưng đối với kẻ thứ ba chủ động thì mục đích thật sự của họ chính là trở thành một vai trong mối quan hệ tay ba đó. Một khi quan hệ này trở thành chuyện của hai người thì họ cảm thấy cuộc tình đó mất hết ý nghĩa , vô vị, nhàm chán, vì thế mà cũng quay lưng bỏ đi không hối tiếc.

Tranh giành với người yêu của người yêu chính là mục đích sâu xa của những người phụ nữ chủ động rơi vào vòng xoáy của mối tình tay ba hết lần này đến lần khác như Chỉ Ba.

Review sách tâm lý học tình yêu


Sự mất cân bằng trong tình yêu thúc giục kẻ thứ ba xuất hiện

Chúng ta đều biết, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, tình yêu vẫn luôn là chuyện của hai người. Người thứ ba là kẻ tự tạo ra đau khổ, dằn vặt cho chính mình. Mỗi chúng ta đều có quyền làm người duy nhất trong cuộc tình của chính bản thân, vì thế đừng bao giờ chen chân vào chuyện tình của người khác! Dù cho cuộc sống có xô đẩy khiến bạn bị lâm vào hoàn cảnh đó thì hãy tỉnh táo để thoát ra khỏi mối quan hệ không chính đáng này. Bởi lẽ, người thiệt thòi sau cùng vẫn là bạn! Mối tình tay ba rất dễ bị đưa vào trong văn chương để mà bị bêu xấu, bị coi là một con mãnh thú cực đoan, nhưng như tác giả đã viết trong cuốn sách: Trên thực tế, khi lần đầu tiên chúng ta yêu một người, cơ hồ sẽ bị cuốn vào một mối tình tay ba.

Mối quan hệ tay ba này chính là giữa đứa con và bố, mẹ của chúng.Trong hoàn cảnh bình thường, người đầu tiên đứa trẻ yêu phải là mẹ ruột của nó. Bởi vì, mẹ không chỉ nuôi dưỡng, đáp ứng nhu cầu vật chất mà còn mang lại cho đứa trẻ đó sự ấm áp, an toàn và thỏa mãn nhu cầu tình cảm của nó.

Nhưng bước vào giai đoạn từ ba đến năm tuổi, tình yêu của nó đối với bố mẹ đạt đến cao trào. Freud gọi thời kỳ này là phức cảm Oedipus. Ở giai đoạn này, con trai khao khát mẹ yêu mình hơn cả yêu bố, còn con gái sẽ mong muốn bố yêu mình hơn cả yêu mẹ. Nếu người bố, người mẹ nhạy cảm thì sẽ cảm nhận rất rõ đặc điểm tâm lý giai đoạn này của trẻ. Chẳng hạn người mẹ có thể sẽ cảm giác cậu con trai của mình rất bám mẹ, có lúc còn cố tình rời xa bố, còn người bố sẽ phát hiện con gái rất bám mình, có lúc lại cố ý lảng tránh mẹ.

Nếu như đứa trẻ là một sự thất bại trong mối quan hệ tam giác ở thời kỳ phức cảm Oedipus thì khi trưởng thành đứa trẻ này rất dễ dàng trở thành kẻ thứ ba trong tình cảm.

Có thể nói, làm kẻ thứ ba chính là một dạng bù đắp tình cảm. Thời niên thiếu đứa trẻ đó là kẻ thất bại trong mối quan hệ tam giác Oedipus, sau khi trưởng thành nó khao khát được rơi vào một vòng luẩn quẩn của mối tình tay ba, mong muốn cướp đi một người đàn ông hoặc người đàn bà nào đó từ một người cùng giới, khi vừa thành công thì cảm thấy như được bù đắp những thất bại của thời niên thiếu.

Có những người phụ nữ mê luyến kẻ sát nhân.

Trong cuốn sách Tâm lý học tình yêu - Thật lòng hay là đỉnh cao của sự lừa dối? tác giả đã không ít lần nhắc tới quan điểm cho rằng thời niên thiếu của mỗi người có ảnh hưởng mạnh mẽ thế nào tới chúng ta của hiện tại và tương lai. Nếu thời niên thiếu chúng ta phải chịu đau khổ, sau khi trưởng thành thông thường ta ít nhất cũng phải lặp lại nỗi đau ấy thêm một lần nữa. Thuở nhỏ khi phải chịu khổ, chúng ta còn non nớt, yếu ớt không thể chạy trốn, không thể chống cự, không thể bảo vệ mình, chỉ biết ngậm ngùi mà chấp nhận. Sau khi trưởng thành, ta lại chịu một lần đau khổ như vậy nữa.

Kỳ thực là chúng ta đang cố giấu một nguyện vọng:Lần này ta sẽ làm chủ, ta muốn sửa chữa sai lầm của thời thơ ấu. Cho nên người con gái có người bố bạo lực, ngược đãi rất dễ mê luyến những người đàn ông có khuynh hướng bạo lực. Họ làm như vậy chính là vì họ muốn chứng minh rằng bản thân họ có thể sửa chữa những sai lầm đó của thời thơ ấu. Mặc dù đối với người khác, họ cảm thấy người đàn ông bạo lực kia thật sự không thể nào cứu chữa được nữa. nhưng họ vẫn ôm ấp một giấc mộng đơn thuần rằng  tôi có thể dùng tình yêu của mình để thay đổi anh ấy.

Review sách tâm lý học tình yêu

Lời kết

Những người phải chịu đựng nỗi đau sẽ càng khao khát tình yêu và những điều tốt đẹp. Khi những điều tốt đẹp mà bạn hằng ao ước ùa đến và vẫy chào, liệu bạn có đủ dũng khí để mở cánh cửa tâm hồn đón nhận nó hay không? Nếu bạn chưa chắc chắn với câu trả lời từ tận sâu đáy lòng mình, có thể việc đọc cuốn Tâm lý học tình yêu - Thật lòng hay là đỉnh cao của sự giả dối (tập 2) có thể giúp bạn gợi mở, nới lỏng những nơi chật hẹp tăm tối của tâm hồn. Biết đâu đấy bạn có thể tỉnh táo, thoải mái về tâm trí hơn và có thể tìm được lối đi cho bản thân mình đúng không? Tôi tin mỗi người chúng ta đều có thể mở rộng cánh cửa của trái tim mình đón nhận những điều tươi đẹp nhất.

Review chi tiết bởi: Đặng Trà My - Bookademy

Review sách tâm lý học tình yêu


--------------------------------------------------

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy

Bạn đam mê viết lách, yêu thích đọc sách và muốn lan tỏa văn hóa đọc tới cộng đồng của YBOX.VN? Đăng ký để trở thành CTV Bookademy tại link: http://bit.ly/bookademy_ctv

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ "Tên tác giả - Bookademy." Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership