Quan tâm bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ

Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 25/7/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá chỉ rõ: Chăm lo, bồi dưỡng, giáo dục thanh niên thành lớp người “vừa hồng vừa chuyên” theo tư tưởng Hồ Chí Minh là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, vai trò quan trọng của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, gia đình, nhà trường và xã hội...

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với đại biểu Thanh niên xung phong dự Đại hội Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước toàn miền Bắc [tháng 1/1967]. Nguồn: TTXVN

Tiếp đó, Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 24/3/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015-2030”, khẳng định: Các cấp các ngành cần nhận thức đúng, đầy đủ tính cấp bách và tầm quan trọng của công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hoá cho thế hệ trẻ; từ đó, xác định trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân và toàn xã hội đối với công tác này. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII chỉ rõ: “Tăng cường giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh niên”.

Thực hiện quan điểm, chủ trương của Đảng, các cấp, các ngành, đặc biệt là Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tập trung giáo dục truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc cho các thế hệ thanh niên Việt Nam. Bên cạnh đó, công tác giáo dục lịch sử cách mạng cho thế hệ trẻ được các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, tổ chức Đoàn các cấp triển khai dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại; tổ chức các buổi trao đổi, tọa đàm, mít tinh kỷ niệm, nghe nói chuyện về truyền thống lịch sử nhân các ngày lễ lớn của đất nước; đẩy mạnh các chương trình, cuộc vận động “Tiếp lửa truyền thống”, “Tôi yêu Tổ quốc tôi”, “Thắp nến tri ân các Anh hùng liệt sĩ”; chăm sóc và chỉnh trang các nghĩa trang liệt sĩ; di tích lịch sử cách mạng…Thông qua các hoạt động trên đã góp phần giáo dục lịch sử cách mạng, hình thành nhân cách, vun đắp lý tưởng, bản lĩnh và lối sống đẹp cho thanh, thiếu niên; đồng thời, nhắc nhở thế hệ trẻ luôn ghi nhớ lịch sử cách mạng, tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì nền độc lập, tự do của dân tộc; qua đó, cống hiến sức mình để xây dựng và phát triển đất nước giàu mạnh, văn minh.

Quán triệt quan điểm “xây dựng Đoàn là xây dựng Đảng trước một bước”, tổ chức Đoàn cần phát huy vai trò xung kích, sáng tạo của đoàn viên, thanh niên, sinh viên trong thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về giáo dục lịch sử cách mạng cho thế hệ trẻ; từ đó, bồi đắp tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc và sẵn sàng kế tục sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chủ trương, chính sách của Nhà nước và các chương trình giáo dục lịch sử cách mạng cho thế hệ trẻ còn nhiều hạn chế, chất lượng, hiệu quả chưa cao.

Trong bối cảnh hiện nay, các thế lực thù địch ra sức lợi dụng các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là internet, các trang mạng xã hội để tuyên truyền, xuyên tạc, bôi đen, bóp méo lịch sử dân tộc, phủ nhận những giá trị lịch sử cách mạng nhằm chống phá Đảng, Nhà nước và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đối tượng mà chúng nhắm đến là thế hệ trẻ, vì vậy, giáo dục lịch sử dân tộc nói chung, lịch sử cách mạng nói riêng cho các tầng lớp thanh niên trong bối cảnh hiện nay cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bồi dưỡng, giáo dục lịch sử cách mạng cho thế hệ trẻ: Thường xuyên nâng cao nhận thức của cấp ủy đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên đối với công tác giáo dục lịch sử cách mạng cho thế hệ trẻ. Cấp ủy đảng các cấp cần xây dựng kế hoạch cụ thể trong công tác bồi dưỡng, giáo dục lịch sử cách mạng cho thế hệ trẻ; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các cấp, các ngành thực hiện nhiệm vụ giáo dục lịch sử cách mạng cho thế hệ trẻ. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng bằng những chủ trương, đường lối phù hợp; phát huy vai trò gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên trong công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử cách mạng cho thế hệ trẻ.

Thứ hai, phát huy vai trò tiên phong của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội sinh viên Việt Nam và Hội đồng Đội Trung ương trong công tác giáo dục lịch sử cách mạng cho thế hệ trẻ: Các tổ chức Đoàn, Hội từ Trung ương đến địa phương phải giữ vai trò chủ chốt, tiên phong, có trách nhiệm trong việc giáo dục lịch sử cách mạng đối với thế hệ trẻ. Thông qua các hoạt động của tổ chức Đoàn, Hội để giáo dục lịch sử cách mạng cho thế hệ trẻ.

Thứ ba, đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền, giáo dục lịch sử cách mạng cho thế hệ trẻ: Trước sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, việc giáo dục lịch sử cách mạng cho thanh niên thông qua các phương tiện truyền thông hiện đại, mạng xã hội được xác định là giải pháp quan trọng nhằm đổi mới phương thức giáo dục của tổ chức Đoàn. Trong đó, chú trọng giáo dục truyền thống lịch sử, những tấm gương anh hùng tiêu biểu; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về lịch sử dân tộc, lịch sử Đảng, lịch sử cách mạng cho thế hệ trẻ. Thường xuyên tổ chức các hoạt động về nguồn, đến với địa danh lịch sử, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc, tôn tạo và phát huy giá trị các khu di tích lịch sử. Tổ chức Đoàn các cấp cần đặc biệt coi trọng giáo dục lịch sử cách mạng cho thanh niên, khơi dậy trong thế hệ trẻ lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, lý tưởng cách mạng để tiếp nối xứng đáng truyền thống hào hùng của cha anh.

Thứ tư, các cơ quan truyền thông, ngành văn hóa tăng cường tuyên truyền, giáo dục lịch sử cách mạng, góp phần hình thành nhân sinh quan cách mạng cho thế hệ trẻ: Các cơ quan truyền thông khuyến khích các trang mạng xã hội mở các chuyên mục, diễn đàn: “Tìm hiểu lịch sử cách mạng”, “phổ biến kiến thức lịch sử Đảng”, “câu chuyện lịch sử cách mạng”, “tìm hiểu nhân vật lịch sử Đảng”… nhằm thu hút những nhà nghiên cứu và ham mê lịch sử chân chính, trong đó có các tầng lớp thanh niên; đồng thời, đấu tranh với những thông tin xuyên tạc lịch sử Đảng, lịch sử cách mạng.

Thứ năm, ngành giáo dục cần đổi mới căn bản “Chương trình giáo dục phổ thông mới”; nhận thức sâu sắc sự cần thiết phải dạy và học môn lịch sử: Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nhận thức sâu sắc vị trí, tầm quan trọng của việc dạy và học môn lịch sử và không coi đó là môn học tự chọn. Bởi lẽ, nếu môn lịch sử không phải là môn học chính, bắt buộc ở bậc học phổ thông thì sẽ dẫn đến tình trạng người thầy không muốn dạy và học sinh không muốn học. Đồng thời, cần biên soạn lại sách giáo khoa lịch sử phổ thông với phương pháp và tư duy khoa học, sao cho dễ nhớ, dễ hiểu, trọng tâm là làm rõ ý nghĩa của các sự kiện lịch sử và tổng kết những kinh nghiệm để bồi dưỡng nhân cách, khơi dậy tinh thần yêu quê hương, đất nước; giúp học sinh hiểu và nắm được các sự kiện trọng đại của đất nước.

PGS, TS Nguyễn Danh Tiên [Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh]

Bài viết phân tích, làm rõ quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chăm lo bồi dưỡng thế hệ trẻ, qua đó đưa ra các giải pháp góp phần từng bước xây dựng thế hệ trẻ thực sự là lực lượng xã hội to lớn, xung kích, sáng tạo, đi đầu trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Ảnh tư liệu

Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chăm lo bồi dưỡng chính trị cho thế hệ trẻ đối với cách mạng Việt Nam

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đặc biệt và đặt niềm tin sâu sắc vào thế hệ trẻ, đặt thế hệ trẻ ở vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Người khẳng định vai trò to lớn của tuổi trẻ trong sự phát triển và trường tồn của dân tộc: “Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên”[1]. Trước lúc đi xa, trong Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, Người căn dặn: “Đảng cần phải chǎm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội  “vừa hồng, vừa chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”[2].

Sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập tháng 9/1945, trong Thư gửi các học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”[3]. Người chỉ rõ cách mạng là sự nghiệp vĩ đại, lâu dài của nhiều thế hệ nối tiếp nhau, mỗi thế hệ chỉ có thể làm được một phần nhất định, trong đó: “Thanh niên là người tiếp sức cách mạng cho thế hệ thanh niên già, đồng thời là người phụ trách dìu dắt thế hệ thanh niên tương lai - tức các cháu nhi đồng”[4].

Quán triệt quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chăm lo bồi dưỡng thế hệ trẻ, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn đề cao vị trí, vai trò của thế hệ trẻ, xác định thế hệ trẻ là lực lượng xung kích cách mạng; công tác thanh niên là vấn đề sống còn của dân tộc, luôn phát huy vai trò thanh niên trong đấu tranh giải phóng dân tộc và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng nêu rõ: Tiền đồ rạng rỡ của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa nằm trong tay thanh niên, thiếu niên và nhi đồng. 

Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 25/7/2008, Hội nghị lần thứ bẩy Ban Chấp hành Trung ương Đảng [khóa X] về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nhấn mạnh: “Thanh niên là rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội”. Chăm lo, bồi dưỡng, giáo dục thanh niên thành lớp người “vừa hồng, vừa chuyên” theo tư tưởng Hồ Chí Minh là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, vai trò quan trọng của Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, của gia đình, nhà trường và xã hội.

Nghị quyết Đại hội ĐBTQ lần thứ XIII của Đảng đánh giá: “Sau 35 năm đổi mới, thế và lực, sức mạnh tổng hợp quốc gia, uy tín quốc tế, niềm tin của nhân dân ngày càng được nâng cao, tạo ra những tiền đề quan trọng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”[5]. Trước xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, thế hệ trẻ Việt Nam luôn kiên định ý chí; đang chứng tỏ bản lĩnh, sức trẻ, sự sáng tạo và tinh thần dám nghĩ, dám làm; không ngừng tu dưỡng, học tập và rèn luyện về mọi phương diện để cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện công cuộc đổi mới. 

Tuy nhiên, do tác động, ảnh hưởng từ những mặt trái của nền kinh tế thị trường cũng như xu thế toàn cầu hóa; đặc biệt, do một số thanh, thiếu niên thiếu nghiêm túc trong rèn luyện, phấn đấu; có nơi, có lúc còn một bộ phận không nhỏ thế hệ trẻ có những biểu hiện giảm sút niềm tin, phai nhạt lý tưởng cách mạng, sống thực dụng, xa rời truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc; một số ít thanh niên bị các thế lực thù địch lôi kéo, kích động nên đã có những việc làm đi ngược lại, thậm chí chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta. Mặt khác, công tác giáo dục của tổ chức Đoàn thanh niên tuy rộng nhưng chưa sâu, một số hoạt động còn nặng hình thức; một số phong trào mới chỉ thu hút đoàn viên tích cực, thanh niên tiên tiến tham gia, kết quả thiếu tính bền vững. 

Giải pháp tiếp tục chăm lo bồi dưỡng chính trị cho thế hệ trẻ ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay

Một là, cần nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò của thế hệ trẻ trong giai đoạn cách mạng mới.

Thế hệ trẻ là lực lượng hùng hậu, có mặt ở tất cả các địa bàn, trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh, quốc phòng của đất nước, với độ tuổi sung sức nhất về thể chất và phát triển trí tuệ, luôn năng động, sáng tạo, đảm nhiệm những công việc đòi hỏi hy sinh, gian khổ, là lực lượng có tiềm năng to lớn, đã và đang giữ vai trò quan trọng trong quá trình phát triển đất nước hiện nay và tương lai. Nghị quyết Đại hội ĐBTQ lần thứ X của Đảng đã nêu rõ quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa là phải: “Chăm lo, phát triển thanh niên vừa là mục tiêu, vừa là động lực bảo đảm cho sự ổn định và phát triển vững bền của đất nước”[6]. 

Trước yêu cầu đối với cách mạng Việt Nam hiện nay, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nêu rõ: “Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa”[7], với mục tiêu: “Đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”[8]. Đây là điều kiện thuận lợi để thế hệ trẻ thể hiện trí tuệ, tài năng, sức trẻ, nhiệt huyết, khả năng cống hiến hết mình vì Tổ quốc. Sự nghiệp đổi mới có thành công hay không, đất nước có hội nhập và sánh vai với các cường quốc năm châu hay không, cách mạng Việt Nam có vững bước theo con đường xã hội chủ nghĩa hay không, phần lớn nhờ vào việc đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện thế hệ trẻ. Vì vậy, thế hệ trẻ cần nhận thức sâu sắc hơn nữa vị trí, vai trò và sứ mệnh của mình, nâng cao ý thức trách nhiệm, không ngừng nỗ lực, phấn đấu học tập, tu dưỡng, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn, đạo đức cách mạng để thực hiện được sứ mệnh lịch sử, đi đầu trong cuộc đấu tranh chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu, đáp ứng yêu cầu cách mạng, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Hai là, thường xuyên đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị, văn hóa, đạo đức cho thế hệ trẻ.

Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng và Nhà nước ta để giúp thế hệ trẻ giác ngộ, nâng cao nhận thức về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giáo dục những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc, chuẩn mực đạo đức gia đình và xã hội. Góp phần tích cực đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ có đủ phẩm chất, năng lực làm nhiệm vụ xung kích, sáng tạo, kế tục sự nghiệp vẻ vang của Đảng, thực hiện thắng lợi công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2017-2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh yêu cầu: “Cần tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ. Đây vừa là nhiệm vụ cấp thiết trước mắt, thường xuyên, vừa là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài, đòi hỏi phải có sự quan tâm, đầu tư thỏa đáng”[9]. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Tăng cường giáo dục thế hệ trẻ về lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc, nuôi dưỡng hoài bão, khát vọng vươn lên; nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với đất nước, với xã hội”[10].

Đồng thời, cần tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015-2030; Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và tổ chức Đoàn trong đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ toàn diện về mọi mặt; trong đó, chú trọng nguyên tắc đào tạo gắn với bồi dưỡng, tin tưởng giao nhiệm vụ, tạo điều kiện để cán bộ trẻ được tham gia trải nghiệm, kết hợp cán bộ giàu kinh nghiệm với cán bộ trẻ.

Ba là, phát huy vai trò xung kích, sáng tạo của thế hệ trẻ.

Để phát huy vai trò xung kích, sáng tạo của thế hệ trẻ trong tham gia các phong trào hành động cách mạng, các cơ quan, tổ chức cần có nhiều hình thức và biện pháp phù hợp để khơi dậy tiềm năng to lớn của thế hệ trẻ, động viên đi đầu thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị.

Cần có nhiều hình thức hoạt động phong phú, đa dạng, phù hợp với thế hệ trẻ, lôi cuốn thế hệ trẻ tham gia tích cực trên các lĩnh vực, các địa bàn khó khăn, thể hiện rõ vai trò xung kích của thanh niên với tinh thần: đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên. Bồi dưỡng thế hệ trẻ gắn với các phong trào thực tiễn; tiếp tục triển khai hiệu quả các phong trào hành động cách mạng như: “Thanh niên tình nguyện”, “Tuổi trẻ sáng tạo”, “Tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc” trong từng nhóm đối tượng và duy trì các phong trào đặc thù. Từ đó xây dựng và nhân rộng các mô hình hay, cách làm sáng tạo của các gương điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt trong cha mẹ, thầy cô, Nhân dân và trong chính thế hệ trẻ.

Thông qua các phong trào hành động cách mạng, sẽ tạo ra môi trường lành mạnh để thế hệ trẻ tự rèn luyện, tìm được lẽ sống cao đẹp cho chính bản thân mình. Các cấp, ban, ngành và từng cơ quan, đơn vị cần thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho thế hệ trẻ; chú trọng học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn trong đào tạo, bồi dưỡng văn hóa, khoa học - kỹ thuật, công nghệ, quân sự, ngoại ngữ và thường xuyên bồi dưỡng thể chất, rèn luyện thân thể cho thế hệ trẻ để đủ sức khỏe, trí tuệ tham gia các phong trào hành động cách mạng.

Bốn là, tạo môi trường thuận lợi, nâng cao năng lực hội nhập quốc tế cho thanh niên.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nêu rõ: “Xây dựng môi trường, điều kiện học tập, lao động, giải trí, rèn luyện để phát triển lành mạnh, toàn diện, hài hòa cả về trí tuệ, thể chất và giá trị thẩm mỹ. Tạo động lực cho thanh niên xung kích trong học tập, lao động sáng tạo, khởi nghiệp, lập nghiệp; làm chủ các kiến thức khoa học - công nghệ hiện đại, phát huy vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”[11]. Vì vậy, cần tạo điều kiện để thanh niên chủ động tham gia vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như tham gia có hiệu quả vào giải quyết các vấn đề toàn cầu, như: giữ gìn hòa bình, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, chống khủng bố, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu, phòng ngừa và đẩy lùi các dịch bệnh hiểm nghèo... góp phần nâng cao vị thế, tầm ảnh hưởng của Việt Nam trên trường quốc tế./.

--------------------------

Ghi chú:

[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.216.

[2] Sđd, tập 15, tr.622.

[3] Sđd, tập 4, tr.35.

[4] Sđd, tập 13, tr.298.

[5],[7],[8],[10],[11] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb CTQG-ST, H.2021, tr.106, tr.11, tr.11, tr.167, tr.167.

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 67, Nxb CTQG, H.2009, tr.759.

[9] Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI, nhiệm kỳ 2017-2022, ngày 11/12/2017.

ThS Nguyễn Xuân Tâm - Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

tcnn.vn

Video liên quan

Chủ Đề