Phương pháp huấn luyện khắc phục trạng thái cực điểm trong thi đấu

Trong thể thao hiện đại, bên cạnh kỹ chiến thuật, thể lực thì yếu tố tâm lý có vai trò rất quan trọng tới kết quả thi đấu.

Thể thao Việt Nam từng chứng kiến VĐV bắn súng Nguyễn Hoàng Phương để tuột HCV tại Asiad 17 vào phút chót hay xạ thủ Hoàng Xuân Vinh cũng từng thất bại do tâm lý thi đấu chưa tốt ở những thời khắc quyết định trong cuộc thi tầm Châu lục.

Phương pháp huấn luyện khắc phục trạng thái cực điểm trong thi đấu

Có thể thấy thất bại vì tâm lý kém đáng tiếc ở chỗ, nếu đấy là thất bại về mặt chuyên môn, người ta dễ thấy đối phương hơn mình và tìm cách san lấp khoảng cách về mặt trình độ. Nhưng thất bại vì tâm lý không vững càng khiến cho người ta tiếc nuối ở chỗ đối phương không hơn mình nhưng họ vẫn thắng. Điều này càng khẳng định tầm quan trọng của huấn luyện tâm lý cho VĐV thể thao.

Đặc điểm của các môn thể thao khác nhau có ảnh hưởng nhất định đến việc phát triển các mặt tâm lý của VĐV như: Tri giác, sự quan sát, trí nhớ, sự tư duy, trí tưởng tượng, cảm xúc và các phẩm chất đạo đức, ý chí… bản thân chúng có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Trước hết phải khẳng định huấn luyện tâm lý cho VĐV thể thao là một quá trình sư phạm. Sự thành công của quá trình này phụ thuộc vào việc thực hiện đúng hàng loạt nguyên tắc sư phạm nói chung, trong đó phải nói đến các nguyên tắc giáo dục quan trọng (nguyên tắc tự giác và tích cực, nguyên tắc tuần tự và hệ thống, nguyên tắc toàn diện và vững chắc). Huấn luyện tâm lý được tiến hành cùng với huấn luyện thể lực, huấn luyện kỹ thuật, huấn luyện chiến thuật trong suốt thời kỳ hoàn thiện thể thao. Nó không chỉ nhằm chuẩn bị cho VĐV trong trận thi đấu sắp tới mà còn giải quyết các nhiệm vụ của quá trình hoàn thiện thể thao. Các nhiệm vụ chủ yếu của việc huấn luyện tâm lý là: – Giáo dục phẩm chất đạo đức và nhân cách cho vận động viên (Phần này đa số các Huấn luyện viên còn thiếu trang bị cho VĐV của mình) – Phát triển và hoàn thiện các cảm giác chuyên môn: Cảm giác với dụng cụ thi đấu (cảm giác vợt, cảm giác bóng, cảm giác lưới, cảm giác sân bãi…) – Rèn luyện sự tập trung chú ý. – Phát triển tư duy chiến thuật.

Các trạng thái tâm lý thường gặp của VĐV.
Trạng thái sẵn sàng thi đấu. Trên cơ sở ở sự chuẩn bị tốt về kỹ thuật, về chiến thuật, về thể lực, tâm lý sẽ làm cho VĐV vững tin vào bản thân, sẵn sàng bước vào thi đấu. VĐV có sự chuẩn bị tốt có các biểu hiện của trạng thái là:

– Vận động viên tin tưởng tuyệt đối vào khả năng sẽ thi đấu thắng lợi. – Khả năng huy động năng lực dự trữ tối đa của bản thân cho thi đấu.

– Hưng phấn cảm xúc ở mức độ tối ưu vào đúng thời điểm thi đấu. Độ ổn định cảm xúc cao, xử lý thông minh các tình huống thi đấu.

Phương pháp huấn luyện khắc phục trạng thái cực điểm trong thi đấu
Trạng thái sẵn sàng thi đấu là trạng thái biểu hiện cảm xút tốt, rất cần thiết cho vận động viên. Do đó cần tổ chức tốt công tác huấn luyện để có cơ sở thực tế củng cố trạng thái này.

Trạng thái “sốt vận động”:
“Sốt vận động” là một trạng thái biểu hiện sự rối loạn xuất hiện ở VĐV trước thi đấu, trong đó phản ánh mức độ cao sự xúc cảm của hệ thần kinh, kèm theo sự nóng giận. Trạng thái này biểu hiện ở VĐV sự bồn chồn, hồi hộp, lo âu, tâm lý không ổn định, không tập trung, phân tán, lúc hy vọng, khi thất vọng. Trạng thái tâm lý diễn biến phức tạp.

Thời gian kéo dài trạng thái này khác nhau. Chúng có thể kéo dài từ một vài phút đến một vài giờ và thậm chí cả ngày. Các rối loạn thần kinh thể hiện mạnh nhất vào khoảng một vài giờ trước thi đấu và ngay trước lúc thi đấu. Nguyên nhân của trạng thái “sốt vận động” có thể là: – Do VĐV còn quá trẻ chưa đủ độ chín về mọi mặt đã cho thi đấu ở các cuộc thi đấu lớn, quan trọng. – Do gặp đối thủ quá mạnh “đã có danh tiếng”, trong khi đó bản thân VĐV còn thiếu kinh nghiệm, bản lĩnh thi đấu.

Các biện pháp khắc phục trạng thái “sốt vận động” :
– Huấn luyện cần tìm cách áp dụng các biện pháp tâm lý thích hợp, chuyển suy nghĩ của VĐV sang một hướng khác, không nên để VĐV suy nghĩ quá nhiều về trận đấu, về đối thủ. Cần tổ chức các cuộc dã ngoại vui chơi giải trí, đưa VĐV ra xa với khu vực thi đấu.

– Trước khi vào thi đấu nên sử dụng thủ thuật xoa xát, xoa vuốt nhẹ nhàng, chậm, đều để chống sự run rẩy tiêu hao quá nhiều năng lượng. – Tổ chức các buổi họp đấu pháp, có thể tọa đàm trao đổi, phân tích hạ thấp vai trò của đối phương. Khi đánh giá đối phương nên tránh nói về những điểm mạnh của đối phương, mà khoét sâu vào những điểm yếu của đối phương.

Trạng thái thờ ơ:
Trạng thái thờ ơ là một dạng biểu hiện xúc cảm tâm lý của VĐV, thể hiện ở thái độ bàng quan như: thờ ơ, lãnh cảm, thả lỏng, xuống sức rất nhanh, mau mệt mỏi, sự tập trung chú ý giảm. Quá trình phán đoán phân tích đưa ra quyết định xử lý các tình huống thi đấu chậm, dễ phạm lỗi khi nhận định phán đoán dẫn đến các lỗi kỹ thuật làm giảm hiệu suất thi đấu.


Trạng thái thờ ơ có thể kéo dài từ một vài ngày tới một vài tháng.

Phương pháp huấn luyện khắc phục trạng thái cực điểm trong thi đấu
Trong nhiều trường hợp điển hình nguyên nhân của trạng thái này là lượng vận động và thi đấu cao, cơ quan nội tạng có bệnh, sử dụng đồ uống có chất cồn, chất kích thích… Khi gặp các trường hợp trên cần: – Tham khảo ý kiến bác sĩ thể thao. – Ổn định các chu kỳ tập luyện thi đấu. – Cho tập theo chế độ riêng với lượng vận động nhỏ hơn. – Chuyển sang tập môn thể thao khác trong một vài tuần.

Các biện pháp khắc phục trực tiếp trạng thái thờ ơ trước thi đấu:

– Giải thích động viên kích thích điểm mạnh của vận động viên, có yêu cầu riêng về mục tiêu phấn đấu. – Khởi động kỹ, xoa bóp mạnh, cho xem thi đấu sớm. – Cho làm quen dần với điều kiện thi đấu như thi đấu kiểm tra, thi đấu tập với nhiều đối tượng. – Cho tham quan các giải đấu, trận đấu quan trọng. – Điều hòa tâm lý theo phương pháp tự tập. Huấn luyện tâm lý thường xuyên cho VĐV tập một bài tập cơ bản để tự điều chỉnh khắc phục trạng thái thờ ơ.

Trạng thái tâm lý quá tự tin:
Biểu hiện của trạng thái này là đánh giá thấp mức độ phức tạp, khó khăn của cuộc thi đấu sắp tới, trận đấu sắp tới. Đánh giá quá cao về năng lực của mình, đội mình. VĐV thường quá tự tin vào thắng lợi một cách dễ dàng, dẫn tới coi thường đối thủ.

Trạng thái này có ảnh hưởng bất lợi đến năng lực thi đấu, đến sự huy động sức lực, trí tuệ vào thi đấu, do đó làm giảm hiệu quả của trận đấu.

Trạng thái này thường xuất hiện ở những VĐV ít kinh nghiệm thi đấu, kiêu căng, tự mãn dẫn tới kết quả thường là thất bại.

Phương pháp huấn luyện khắc phục trạng thái cực điểm trong thi đấu

Biện pháp khắc phục:
– Xác định cho vận động viên hiểu rõ tầm quan trọng của cuộc thi.
– Phân tích các ưu thế của đối thủ và lường trước các khả năng bất lợi của bản thân.

Đối với các VĐV trẻ, trạng thái thi đấu cũng hay phụ thuộc vào kết quả của trận thi đấu trước (thành công hay thất bại). Có thể nói đây là nguyên nhân cơ bản nhất ảnh hưởng đến diễn biến tâm lý sau thi đấu. Nếu thành tích thi đấu tốt sẽ làm cho VĐV có trạng thái phấn khởi thoải mái, vui mừng, song thắng lợi cũng dễ làm xuất hiện tâm lý say sưa, thổi phồng, tự mãn với chiến thắng, điều này sẽ có ảnh hưởng rất lớn đế hoạt động chuẩn bị cho lần thi đấu tiếp theo.
Nếu kết quả thi đấu thất bại, không đạt được kết quả đề ra, dễ làm cho VĐV xuất hiện tâm lý buồn chán, bi quan, mất lòng tin vào chính mình.

Một cách nữa có thể giúp VĐV trẻ  khắc phục điểm yếu tâm lý là cho họ cọ xát thật nhiều giải đấu quốc tế, làm quen với môi trường thi đấu hiện đại, bởi môi trường, điều kiện cơ sở vật chất ở trong nước và ở các giải đấu quốc tế khác xa nhau, nên khi ra những đấu trường lớn, đứng giữa khung cảnh bề thế của đấu trường quốc tế, VĐV của trẻ cũng hay bị… ngợp.

Khi thấy xuất hiện các trạng thái tâm lý xấu, huấn luyện viên cần áp dụng các biện pháp huấn luyện tâm lý chuyên môn, đặc biệt để hồi phục dần và duy trì trạng thái tâm lý thăng bằng ở mức cần thiết./.

Thuộc chuyên mục: Thư Viện