Phóng viên thường trú tại Ukraine là ai

(06/04/2022 14:13:28)

Với mỗi phóng viên và biên tập viên, cơ hội được tham gia tác nghiệp ở những sự kiện dư luận trong nước đặc biệt quan tâm là dấu ấn quan trọng trong cuộc đời làm báo. Đi đến một địa bàn mới lạ tất nhiên sẽ gặp nhiều khó khăn, song ở đâu chúng tôi cũng nhận được sự nể trọng và hỗ trợ hết lòng, kể cả với Cơ quan đại diện hay với cộng đồng địa phương. Không nói ra nhưng chúng tôi thực sự thấy rất tự hào khi được khoác lên mình chiếc áo phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN).

Phóng viên thường trú tại Ukraine là ai
Trưởng CQTT TTXVN tại Berlin Trần Mạnh Hùng đưa tin về tình hình Romania tiếp nhận người sơ tán từ Ukraine, tháng 3/2022

Quyết định gấp gáp   Sáng sớm 4/3, tôi nhận thông báo bất ngờ của Trưởng ban biên tập tin Thế giới Đoàn Thị Tuyết Nhung về khả năng phóng viên Cơ quan thường trú (CQTT) Berlin (CHLB Đức) sẽ được cử sang Romania để đưa tin về công tác bảo hộ công dân, đưa bà con sơ tán từ Ukraine sang Romania để về Việt Nam. Khoảng 15 giờ chiều cùng ngày, cán bộ Trung tâm Kỹ thuật Thông tấn nhắn tin thông báo sau 15 phút nữa sẽ họp trực tuyến với Tổng giám đốc Vũ Việt Trang và CQTT Praha (Cộng hòa Czech). Sau khi nghe hai CQTT báo cáo sơ bộ, Tổng giám đốc quyết định cử hai phóng viên CQTT Praha đi Vacsava (Ba Lan) và hai phóng viên CQTT Berlin sang Bucharest (Romania). Đồng thời, lưu ý chúng tôi một số nhiệm vụ cụ thể khi sang địa bàn, trong đó cần nêu bật được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với công dân Việt Nam cũng như công tác bảo hộ công dân, ý kiến và tình cảm bà con sơ tán.   Quyết định của lãnh đạo ngành đưa ra rất nhanh do tình hình thực tế và với anh em CQTT chúng tôi có phần bất ngờ, bởi cần phải nhanh chóng lên đường ngay trong ngày hôm sau. CQTT đã họp và phân công nhiệm vụ cho hai  phóng viên sẽ lên đường, phóng viên còn lại sẽ giữ địa bàn. Công việc tiếp theo của chúng tôi là tìm cách liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam để nắm thông tin ban đầu cũng như đề nghị được tư vấn một số vấn đề liên quan. Rất may, thông qua sự kết nối của Trưởng CQTT Praha Nguyễn Hồng Kỳ, chúng tôi đã liên lạc được với Đại sứ Việt Nam tại Romania Đặng Trần Phong cũng như nhóm phóng viên VOV được cử sang Romania từ ngày 4/3.   Ngay sau đó, lãnh đạo ngành đã có công văn gửi Bộ Ngoại giao và các đại sứ quán liên quan, đề nghị hợp tác, hỗ trợ cho nhóm phóng viên TTXVN tác nghiệp. Chúng tôi tiếp tục tìm chuyến bay phù hợp sang Romania, cũng như đi lùng sục, tìm kiếm nơi tiến hành xét nghiệm PCR, bởi cần có ngay kết quả, kịp thời trước chuyến bay. Các nơi xét nghiệm đều thông báo, do hôm đó là chiều thứ Sáu nên phải đến thứ Hai mới có kết quả PCR. Đúng lúc đó, chúng tôi nhận được thông báo, Romania vừa dỡ bỏ quy định kiểm soát COVID-19 và những người đã tiêm đủ ba mũi vaccine không cần phải làm xét nghiệm. Chúng tôi thở phào, quay về và chuẩn bị thiết bị tác nghiệp cùng một số vật dụng cá nhân... Thực tế, theo nguồn tin chúng tôi tìm hiểu, chính quyền Romania không hề kiểm tra việc đã tiêm hay chưa, chỉ yêu cầu khai báo trực tuyến kế hoạch đi, về, nơi ở tại Romania và số điện thoại liên hệ.   Khoảng 18 giờ 30 phút, tối 5/3, chúng tôi đặt chân xuống sân bay quốc tế Henri Coandă ở thủ đô Bucharest sau hơn 3 tiếng bay. Một người trung niên bản địa, dáng dong dỏng, mặt hiền lành, tay cầm tờ A4 có ghi tên chúng tôi, đang đứng đợi. Hỏi mới biết, ông là lái xe cho Đại sứ quán, được cử ra sân bay đón chúng tôi và ngoài tiếng mẹ đẻ thì ông cũng có thể nói tiếng Pháp. Ngay khi về Đại sứ quán, chúng tôi ăn bát mì tôm được chuẩn bị sẵn cho nhóm phóng viên. Đại sứ quán còn chuẩn bị cả nồi cơm, gạo, trứng... cho chúng tôi. Sau khi ăn xong, chúng tôi lao ra khu nhà ga chính Gara de Nord ở Bucharest - nơi đầu mối tiếp nhận, phân bổ người chạy nạn Ukraine tới các trại tị nạn hoặc đi tiếp sang nước thứ ba.
Phóng viên thường trú tại Ukraine là ai
Phỏng vấn một Việt kiều sơ tán từ Odessa, Ukraine, tháng 3/2022

Sục sạo để lấy tin   Chúng tôi nhờ anh Phan Thành Long, một cán bộ rất nhiệt tình trong Đại sứ quán đưa ra nhà ga trung tâm. Anh Long nói có thể chờ hoặc anh sẽ về và quay lại đón khi chúng tôi xong việc. Nhưng chúng tôi thống nhất sẽ ở ngoài nhà ga để săn tin và sẽ tự đi về. Lúc đó đã là 21 giờ, hầu như không còn đoàn bà con người Việt nào tới, dù vẫn còn rất nhiều đoàn người sơ tán từ Ukraine sang. Đúng là cảnh chạy nạn chiến tranh, điều mà chúng tôi mới chỉ được biết qua phim ảnh. Từng đoàn người xách theo ba lô, va li, lỉnh kỉnh những thứ có thể mang theo khi chạy nạn.   Không khí hỗn độn, căng thẳng và hoảng loạn hiện rõ trên nét mặt của những người đã đặt chân an toàn tới Romania. Nhà ga trung tâm vận hành hết công suất, từng đoàn tàu nối tiếp nhau vào bến, rồi lại rời bến để đón những người mới hoặc chở người di tản sang nước thứ ba. Chúng tôi thực hiện ngay tin về tình hình tiếp nhận người sơ tán từ Ukraine ở Romania bằng các loại hình báo chí. Bản tin hình đã được phát trong ngày 6/3 trên kênh VNews. Ngoài ra, chúng tôi cũng phỏng vấn một nghiên cứu sinh Đại học Bucharest tham gia hỗ trợ bà con Việt Nam sơ tán, thực hiện thông tin gửi về Tổng xã bằng ba loại hình: tin văn bản, ảnh và truyền hình. Trong đó, nêu bật những việc mà Đại sứ quán Việt Nam và các hội đoàn người Việt ở Bucharest đã làm được để hỗ trợ, bảo hộ công dân, giúp đỡ bà con sơ tán.   Ngay sáng hôm sau, chúng tôi nhờ một Việt kiều dẫn tới một trại tị nạn cách Bucharest chừng 30 km, nơi có khoảng 200 bà con người Việt đang lánh nạn chờ chuyến bay về nước. Tận mắt chứng kiến cảnh ăn ở của bà con, lắng nghe những câu chuyện ranh giới giữa sự sống và cái chết, phải chịu cảnh đói rét, xếp hàng ròng rã nhiều tiếng, thậm chí nhiều ngày để qua cửa khẩu (khó khăn nhất là từ Ukraine sang Moldova, sau đó vào Romania thì dễ dàng hơn), mới thấy chiến tranh thật nghiệt ngã.   Mỗi mảnh đời là một câu chuyện cảm động. Phỏng vấn bà con mà chúng tôi cũng xúc động không cầm được nước mắt. Về bóc băng, nghe lại, nhìn những giọt nước mắt lăn trên gò má của bà con càng khiến chúng tôi nao lòng. Họ là những người đã sinh sống, làm ăn trên dưới 30 năm ở Odessa, Kharkov, Kiev... đã có cơ ngơi và tài sản nhất định, song ra đi lúc này chỉ có hai bàn tay trắng với vài bộ quần áo trên người. Không phải người nào cũng có tiền mang theo, bởi họ không thể tới ngân hàng hay ra cây rút tiền. Hầu hết các ngân hàng ở Ukraine đã đóng cửa, hệ thống thông tin liên lạc, mạng Internet nhiều vùng bị ngắt, thậm chí hệ thống điện, sưởi ấm cũng mất. Mà người có sẵn ít tiền mang theo thì khi đổi sang tiền Romania hoặc Euro, giá trị cũng mất 3-4 lần.   Trước khi sơ tán, phần lớn bà con trú ẩn dưới hầm và khi tình hình cho phép ra ngoài thì mới được chạy tới nơi an toàn. Do vậy, nhiều người không thể lấy được giấy tờ tùy thân. Các trường hợp sơ tán sau có vẻ đỡ vất vả hơn, bởi bà con nhận được giúp đỡ, hỗ trợ từ chính quyền các địa phương cũng như hoạt động của Đại sứ quán Việt Nam và các hội đoàn người Việt lúc này đã khá trơn tru.
Phóng viên thường trú tại Ukraine là ai
Trò chuyện với một gia đình người Việt ở Bucharest (Romania) cho hàng chục bà con tá túc đợi chuyến bay, tháng 3/2022
Chúng tôi đến thăm nhà của một người Việt cho bà con tạm lánh nạn chờ chuyến bay - nơi có khoảng 20 người đang tá túc. Dường như ai cũng muốn nói, muốn kể bản thân và gia đình đã trải qua những ngày như thế nào. Họ muốn nói với chúng tôi, nói để nhiều người biết hơn, về cuộc sống của họ những ngày qua. Nguy hiểm, khó khăn, vất vả là vậy và khi được Đại sứ quán và kiều bào ta ở Bucharest hỗ trợ, giúp đỡ, họ rất xúc động. Đặc biệt, sự quan tâm của Đảng và Nhà nước khi sớm tổ chức nhiều chuyến bay miễn phí sang đưa bà con sơ tán về nước khiến họ càng cảm thấy ấm lòng bởi tình người, nghĩa đồng bào cao quý, thân thương.  

Niềm vui của phóng viên

  Trong dòng chảy ấy, những sản phẩm từ nhiều góc độ của chúng tôi lần lượt ra đời. Ban ngày đi khai thác thông tin; đêm về viết, dựng hình cho tới gần sáng. Các phóng sự, phản ánh, những dòng tin và hình ảnh chính thống của TTXVN từ Bucharest liên tục được chuyển về trong nước. Rất may là trong suốt quá trình tác nghiệp, chúng tôi luôn nhận được sự chỉ đạo sát sao của Ban lãnh đạo ngành; sự hỗ trợ, phối hợp rất kịp thời của các đơn vị thông tin nguồn: Ban biên tập tin Thế giới, Ban biên tập Ảnh, Trung tâm Truyền hình Thông tấn. Vậy nên, tất cả các sản phẩm của chúng tôi đều được xử lý, đăng phát kịp thời.  

Đại sứ Đặng Trần Phong từng công tác tại Vụ Thông tin Báo chí, Bộ Ngoại giao; từng làm Tổng biên tập báo Quê Hương, nên rất tinh ý trong các đề tài, câu chữ. Dù rất bận song ông vẫn dành riêng một buổi để chúng tôi trao đổi, phỏng vấn, lấy thông tin. Khi lên chào Đại sứ để rời Romania về Berlin, chúng tôi được ông đánh giá rất cao công tác thông tin trong những ngày qua. Đại sứ Đặng Trần Phong tâm sự: “Các cậu cũng như chúng tôi thôi, đều thực hiện công việc chung mà Đảng và Nhà nước giao phó. Chúng ta đều đã làm tốt công việc của mình”. Đại sứ cho rằng, nhóm phóng viên TTXVN đã góp phần vào thành công chung của chiến dịch sơ tán bà con về nước, thể hiện được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với bà con ở nước ngoài, cũng như góp phần lan tỏa hình ảnh kiều bào ta ở Bucharest đoàn kết, hết lòng vì đồng bào mình đang gặp khó khăn.

  Chúng tôi thấy ấm lòng vì những gì mình đã cố gắng trong những ngày qua. Phó chủ tịch thường trực Hội người Việt ở Romania Phạm Duy Hưng cũng gửi lời cảm ơn tới nhóm phóng viên TTXVN đã kịp thời chuyển tải những hình ảnh, câu chuyện hỗ trợ bà con sơ tán, trong đó nhiều cá nhân và hội đoàn người Việt ở Romania đã nhiệt tình tham gia và là nòng cốt trong các hoạt động này. Thông qua những phản ánh trung thực của TTXVN, tấm lòng và sự đoàn kết của bà con tại Romania đã được lan tỏa. Không nhớ rõ đã bao nhiêu lần, trong chuyến công tác này, chúng tôi cảm thấy thật tự hào khi nói to lên với mọi người rằng: chúng tôi là những phóng viên TTXVN!
Phóng viên thường trú tại Ukraine là ai
Phỏng vấn người dân tại nhà chờ sân bay ở thủ đô Bucharest, Romania, tháng 3/2022

Chuyến công tác tại Romania là trải nghiệm hết sức quý giá đối với những phóng viên thường trú như chúng tôi. Nếu không được Ban lãnh đạo ngành tin tưởng giao nhiệm vụ, không được gặp gỡ, tiếp xúc với các nhân vật trong bối cảnh đặc biệt như vậy, chúng tôi đâu có được những gạch đầu dòng quý giá, làm hành trang cho những bước đường sau này./.

Trần Mạnh Hùng - Trưởng CQTT tại Berlin (CHLB Đức)

Nội san Thông tấn số 3/2022