Nhiệm vụ cơ bản đầu tiến của cách mạng xã hội chủ nghĩa là gì

Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại "Phủ Chủ tịch" Việt Bắc năm 1952

1.2. Động lực cách mạng trong cách mạng xã hội chủ nghĩa

- Đại đoàn kết dân tộc với nòng cốt liên minh giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.

Động lực chủ yếu của cách mạng XHCN là các giai cấp và tầng lớp mà lợi ích của họ gắn bó với cách mạng XHCN. Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, C. Mác và Ph. Ăng ghen chỉ rõ: “Tất cả những phong trào lịch sử, từ trước đến nay, đều là do thiểu số thực hiện, hoặc là mưu lợi ích cho thiểu số. Phong trào vô sản là phong trào độc lập của khối đại đa số, mưu lợi ích cho khối đại đa số”[2]. Cách mạng XHCN với mục đích giải phóng giai cấp công nhân và nhân dân lao động khỏi tình trạng áp bức bóc lột, thu hút được sự tham gia của giai cấp công nhân và các tầng lớp nhân dân lao động khác dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân thông qua Đảng Cộng sản. Vì vậy, động lực của cách mạng XHCN là tổng hợp sức mạnh của các giai cấp, các tầng lớp, các lực lượng xã hội, trong đó động lực chủ yếu là khối liên minh giữa giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng. Tuy nhiên,  vai trò của mỗi giai cấp và tầng lớp trong cách mạng XHCN có sự khác nhau.

Công nhân vừa là giai cấp lãnh đạo, vừa là động lực chủ yếu trong cách mạng XHCN. Công nhân là sản phẩm của nền sản xuất đại công nghiệp đã phát triển cả về lượng và chất, là lực lượng lao động chủ yếu tạo nên sự giàu có trong xã hội hiện đại, là lực lượng xã hội đi đầu trong cuộc đấu tranh xóa bỏ chế độ tư bản chủ nghĩa và cải tạo, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Song,  C. Mác chỉ ra rằng: cách mạng vô sản phải là một bài đồng ca của hai giai cấp công nhân và nông dân, mà nếu không có được bài đồng ca này thì trong tất cả các quốc gia nông dân, bài đơn ca của giai cấp công nhân sẽ trở thành một bài ai điếu.

Nông dân là lực lượng đông đảo, giai cấp công nhân chỉ có thể giành được chính quyền và hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình khi lôi kéo được giai cấp nông dân theo mình. Xét về kinh tế, nông dân là lực lượng quan trọng trong xã hội. Xét về chính trị - xã hội, nông dân là lực lượng cơ bản tham gia bảo vệ chính quyền, nhà nước XHCN. Giai cấp nông dân có nhiều lợi ích cơ bản thống nhất với lợi ích của giai cấp công nhân, là một động lực to lớn trong cách mạng XHCN, nhưng không thể là lực lượng lãnh đạo cách mạng XHCN.

Trí thức là những người có vị trí rất quan trọng trong cách mạng XHCN.  V.I. Lênin đã khẳng định, không có tri thức không thể có chủ nghĩa xã hội. Trí thức là những người có đóng góp to lớn trong chăm sóc sức khoẻ nhân dân, phát triển dân trí, đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước, tham gia xây dựng đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và tổ chức nhân dân thực hiện đường lối, chính sách đó. Trong thời đại khoa học công nghệ, giá trị lao động chất xám ngày càng cao, thì vai trò động lực phát triển xã hội của trí thức lại càng to lớn hơn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Trong sự nghiệp cách mạng, trong sự nghiệp xây dựng XHCN, lao động trí óc có một vai trò quan trọng và vẻ vang; và công, nông, trí cần phải đoàn kết chặt chẽ thành một khối”[3]. Đội ngũ trí thức “phải là những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn hoá và khoa học, kỹ thuật; phải góp tài góp sức để cải biến bộ mặt xã hội của nước ta, làm cho nhân dân ta sản xuất và công tác theo khoa học và đời sống của nhân dân ta văn minh, tức là khoa học, lành mạnh và vui tươi. Đó là nhiệm vụ rất nặng nề mà cũng rất vẻ vang”[4].

Liên minh giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức làm nòng cốt của khối đại đoàn kết toàn dân tộc là động lực chủ yếu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN. Nói cách khác, khối đại đoàn kết toàn dân tộc đó chính là động lực con người trong cách mạng XHCN được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhìn nhận ở cả góc độ toàn thể cộng đồng quốc gia dân tộc và ở góc độ mỗi cá nhân con người đều cần phải được phát huy thành động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Kế thừa và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về động lực trong cách mạng XHCN, tại Đại hội toàn quốc lần thứ IX, Đảng ta khẳng định: "Động lực chủ yếu để phát triển đất nước là đại đoàn kết toàn dân trên cơ sở liên minh giữa công nhân với nông dân và trí thức do Đảng lãnh đạo, kết hợp hài hòa các lợi ích cá nhân, tập thể và xã hội, phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực của các thành phần kinh tế, của toàn xã hội"[5].

- Sức mạnh con người với tư cách cá nhân người lao động.

Chủ tịch Hồ Chí Minh vạch rõ: quy luật cơ bản của kinh tế XHCN là thoả mãn những nhu cầu vật chất và văn hóa ngày càng cao của nhân dân lao động. Vì vậy, Người luôn quan tâm việc giải quyết hài hòa nhu cầu, lợi ích của cá nhân người lao động với nhu cầu, lợi ích của giai cấp, của nhân dân và dân tộc trong hoạch định chính sách của Đảng và Nhà nước. Người chỉ rõ: "Bao nhiêu cách tổ chức và cách làm việc, đều vì lợi ích của quần chúng, vì cần cho quần chúng"[6].

 Người khẳng định: không có chế độ nào tôn trọng con người, chú ý xem xét những lợi ích cá nhân đúng đắn và bảo đảm cho nó được thoả mãn bằng chế độ XHCN. Trong chế độ XHCN là chế độ do nhân dân lao động làm chủ, thì mỗi người là một bộ phận của tập thể, giữ một vị trí nhất định và đóng góp một phần công lao trong xã hội. Lợi ích cá nhân nằm trong lợi ích của tập thể, là một bộ phận của lợi ích tập thể. Chủ tịch Hồ Chí Minh khuyến khích lợi ích cá nhân chính đáng, coi trọng động  lực cá nhân, tìm tòi cơ chế, chính sách để kết hợp hài hòa lợi ích xã hội và lợi ích cá nhân, như khoán, thưởng, phạt trong kinh tế. Người khẳng định: "Chế độ làm khoán là một điều kiện của chủ nghĩa xã hội, nó khuyến khích người công nhân luôn luôn tiến bộ, cho nhà máy tiến bộ. Làm khoán là ích chung và lại lợi riêng. Công nhân sản xuất ra nhiều vải, cố gắng nhiều, hưởng được nhiều; làm khoán tốt thích hợp và công bằng dưới chế độ ta hiện nay"[7].

 - Động lực chính trị tinh thần.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chú ý phát huy quyền và ý thức làm chủ của người lao động. Người chỉ rõ: ngày nay chính chúng ta là người chủ. Chúng ta làm chủ cuộc sống mới do chúng ta xây dựng nên. Chúng ta làm chủ tương lai của mình và của con cháu mình. Cho nên, chúng ta sẵn sàng đem hết sức mình cống hiến cho sự nghiệp chung của giai cấp, của Tổ quốc. Người lao động có quyền làm chủ trên tất cả các mặt sở hữu, quá trình sản xuất, quá trình phân phối. Người yêu cầu cán bộ lãnh đạo, quản lý phải đi sâu đi sát thực tế, gần gũi quần chúng, thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân. "Cán bộ và đảng viên càng phải nâng cao tinh thần phụ trách trước Đảng và trước quần chúng, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Phải yêu kính nhân dân. Phải thật sự tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân. Tuyệt đối không được lên mặt “quan cách mạng” ra lệnh ra oai"[8].

Thực hiện công bằng xã hội. Luôn coi công bằng là một mục tiêu cơ bản của chủ nghĩa xã hội, vì thế, Người nhắc nhở: trong công tác phân phối, lưu thông nói riêng và trong mọi công việc luôn nhớ: “Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng; Không sợ nghèo, chỉ sợ lòng dân không yên”[9]. Công bằng nhưng không phải là cào bằng một cách bình quân, giỏi kém đều như nhau, làm triệt tiêu động lực phát triển kinh tế - xã hội.

 - Sức mạnh nội sinh của văn hóa.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng các lĩnh vực văn hóa, chính trị, giáo dục, đạo đức, lối sống, pháp luật, văn học nghệ thuật, với vai trò là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực của phát triển. Chính nhờ văn hóa với hạt nhân là con người có trí tuệ, bản lĩnh, đạo đức, lối sống, phong cách lành mạnh mà chúng ta đã chiến thắng các đế quốc, đồng thời phát triển các lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội, làm cho dân giàu, nước mạnh.

 - Sức mạnh của thời đại.

Tiến lên chủ nghĩa xã hội là phù hợp với xu thế tiến bộ của thời đại. Đặc biệt, vào những năm 60 của thế kỷ XX, khi hệ thống XHCN thế giới ở vào thời kỳ hùng mạnh, đang quyết định xu hướng phát triển của xã hội loài người. Đoàn kết với các nước XHCN, chúng ta đã nhận được sự giúp đỡ cả về tinh thần, kinh nghiệm và vật chất để trực tiếp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, trở thành hậu phương vững chắc quyết định thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giành hòa bình, độc lập, thống nhất nước nhà.

Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trở thành một nguyên tắc chiến lược cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Vận dụng nguyên tắc đó trong xác định ngoại động lực của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện nay ở nước ta, đó chính là việc phải biết tranh thủ sự hợp tác song phương, đa phương với tất cả các nước và các tổ chức trên thế giới với tinh thần Việt Nam muốn "là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; vì lợi ích quốc gia dân tộc, vì một nước Việt Nam XHCN giàu mạnh"[10].

Bên cạnh đó, cần tranh thủ những thành tựu tiên tiến của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ đang phát triển như vũ bão để thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội.

2. Điều kiện bảo đảm cho động lực trở thành sức mạnh trong xây dựng chủ nghĩa xã hội theo tư tưởng Hồ Chí Minh

2.1 Xây dựng và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng

Xác định những điều kiện phát huy sức mạnh các động lực đưa cách mạng đến thắng lợi, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội trên đất nước ta, điều quan trọng nhất, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước hết phải có Đảng. "Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”11]. Tức là phải xây dựng và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng. Đảng Cộng sản là nhân tố quyết định thành công của sự nghiệp cách mạng, của việc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đảng phải lấy chủ nghĩa Mác – Lênin làm nền tảng tư tưởng. Do đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức quan tâm tới công tác xây dựng Đảng; yêu cầu Đảng phải nâng cao bản lĩnh chính trị, tư tưởng, trí tuệ, vận dụng một cách sáng tạo những nguyên lý của chủ nghĩa Mác – Lênin về xây dựng chủ nghĩa xã hội vào hoàn cảnh thực tiễn nước ta; phải thường xuyên xây dựng Đảng vững mạnh về tổ chức chính trị, tư tưởng và đạo đức; xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, giữ gìn đoàn kết thống nhất trong Đảng "như giữ gìn con ngươi của mắt mình”; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên để mỗi cán bộ, đảng viên phải “xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”[12].

2.2 Xây dựng và tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước

 Cùng với xây dựng Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức chú trọng xây dựng, tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước, bởi đó chính là nhân tố đảm bảo cho thực hiện thắng lợi các mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Người khẳng định: “Để thực hiện tốt nhiệm vụ cách mạng, Nhà nước ta phải phát triển quyền dân chủ và sinh hoạt chính trị của toàn dân, để phát huy tính tích cực và sức sáng tạo của nhân dân, làm cho mọi người công dân Việt Nam thực sự tham gia quản lý công việc Nhà nước, ra sức xây dựng chủ nghĩa xã hội”[13]. Xây dựng nhà nước, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh thì điều quan trọng hàng đầu là nhà nước đó phải là nhà nước của nhân dân, chăm lo lợi ích của nhân dân, phục vụ nhân dân. Người khẳng định: "Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân"[14]. Cơ sở xã hội của nhà nước là khối đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh công-nông-trí do Đảng lãnh đạo. Đồng thời, phải xây dựng được bộ máy nhà nước gọn nhẹ, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả; phải nhanh chóng xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách trên các lĩnh vực.

2.3 Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể

Theo Người, sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội là sự nghiệp của toàn dân, do đó cần phát huy tính tích cực, chủ động của toàn dân tộc, của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể nhân dân; tạo điều kiện để nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân thực hiện đầy đủ vai trò của mình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội.

Người khẳng định: "Toàn dân ta phải đoàn kết rộng rãi hơn nữa trong Mặt trận Tổ quốc. Cán bộ phải đoàn kết nhất trí, giữ vững đạo đức cần, kiệm, liêm, chính; kiên quyết chống quan liêu, tham ô, lãng phí; hết lòng hết dạ phục vụ nhân dân; chấp hành nghiêm chỉnh chính sách của Chính phủ và pháp luật của Nhà nước. Các tầng lớp nhân dân ta - công nhân, nông dân, lao động trí óc, các nhà công thương, đồng bào thiểu số - ai nấy hãy làm tròn nghĩa vụ của người công dân, người chủ nước nhà; giúp chính quyền giữ gìn trật tự, an ninh, tăng cường đoàn kết, giúp sức và giám đốc cán bộ đẩy mạnh mọi công tác.

          Lực lượng của nhân dân ta mạnh mẽ.

           Sức sống của chế độ ta dồi dào.

          Tính chất của chính quyền ta tốt đẹp

Toàn dân ta từ Nam đến Bắc đoàn kết chặt chẽ, tin tưởng một lòng đấu tranh bền bỉ; lại có các nước anh em khảng khái giúp đỡ, các nước bầu bạn ủng hộ, đồng tình. Chúng ta nhất định vượt qua được mọi khó khăn. Nước nhà ta nhất định sẽ thống nhất. Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh"[15].

PGS.TS. Nguyễn Thế Thắng - Học viện Chính trị Hồ Chí Minh khu vực I

-----------------------

Ghi chú:

[1] Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 8, Nxb CTQG, H.2011, tr. 245.

[2] C.Mác và Ăngghen, toàn tập, tập 4, Nxb CTQG, H.1995, tr. 611.

[3], [7],[15] Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 10, Sđd, tr. 376, tr.537, tr. 424-425.

[4] Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 14, Sđd, tr. 97-98.

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiên Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb CTQG, H. 2001, tr. 86.

[6] Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 5, Sđd, tr. 286.

[8] Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 13, Sđd, tr. 67.

[9],[12] Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 15, Sđd, tr. 224, tr.612.

[10]  Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 236.

[11] Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 2, Sđd, tr. 289.

 [13] Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 12, Sđd, tr. 374.

[14] Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 6, Sđd, tr. 232.

tcnn.vn

Video liên quan

Chủ Đề