Nhà may xử lý hòn rọ

Khu vực Hưng Ráy - Núi Thoong có nhiều hang động cát tơ, nếu không có các biện pháp triệt để thì không thể ngăn cản được nước thải từ nhà máy rò rỉ ngấm vào nguồn nước ngầm gây ô nhiễm diện rộng.

Tháng 5/2022, Phóng viên Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường nhận được thông tin từ người dân về việc Dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt Núi Thoong (xã Tân Tiến, huyện Chương Mỹ, TP.Hà Nội) đang được chủ đầu tư là Công ty Môi trường Đô thị Xuân Mai đề nghị điều chỉnh, nâng công suất dự án.

Theo đó dự án sẽ được điều chỉnh công suất từ 240 tấn/ngày đêm lên 2.000 tấn/ngày đêm. Tổng vốn đầu tư dự án được điều chỉnh từ 117 tỷ lên 3.990 tỷ đồng, trong đó vốn tự có của chủ sở hữu là 798 tỷ đồng, vốn huy động 3.192 tỷ đồng. Nhà máy sử dụng công nghệ đốt rác phát điện, thời gian hoạt động 49 năm kể từ ngày dự án được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh. Hiện dự án đã có mặt bằng sẵn sàng cho công tác triển khai xây dựng ngay.

Dự án chậm tiến độ, từng xảy ra sự cố?

Theo tìm hiểu của Phóng viên Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường, ngày 23/01/2007 UBND huyện Chương Mỹ ra quyết định số 213 về việc chấp thuận cho Công ty Môi trường Đô thị Xuân Mai được phép triển khai xây dựng dự án Khu xử lý rác thải sinh hoạt bằng biện pháp chôn lấp có kiểm soát hợp vệ sinh, giải quyết biện pháp tình thế.

Nhà may xử lý hòn rọ
Dự án Nhà máy xử lý rác Núi Thoong được xây dựng tại khu vực Hưng Ráy - Núi Thoong có địa hình cao hơn các khu vực xung quanh. 

Dự án xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt Núi Thoong có tổng diện tích 104.175,9 m2; trong đó, diện tích giao thực hiện Dự án là 103.138,9 m2, diện tích cải tạo dòng chảy suối là 1.037 m2, được chia làm 2 giai đoạn. Trong đó giai đoạn I, Công ty Môi trường Đô thị Xuân Mai được UBND tỉnh Hà Tây cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích 20.000m2, mục đích sử dụng đất là xây dựng khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt Núi Thoong.

Tuy nhiên, sau khi tiếp nhận và chôn lấp chất thải rắn đầy ô số 1 được khoảng 30 nghìn tấn, Công ty đã tiến hành đóng bãi, phủ đất và tiếp nhận, chôn lấp sang ô số 2 được khoảng trên 1.000 tấn thì xảy ra sự cố do thủng đáy bạt, thời điểm tháng 8/2008. Việc tiếp nhận, chôn lấp dừng từ đó đến nay theo chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội để chuyển sang Dự án xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo công nghệ đốt tiêu hủy thay cho việc chôn lấp.

Về giai đoạn 2, đây là giai đoạn mở rộng diện tích để thực hiện Dự án xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo công nghệ đốt tiêu hủy. Theo đó, ngày 19/6/2014, UBND thành phố Hà Nội đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho nhà đầu tư là Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai thực hiện dự án đầu tư Xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt Núi Thoong, với công suất giai đoạn I là 240 tấn/ngày đêm tại xã Tân Tiến.

Nhà may xử lý hòn rọ
Cách địa điểm dự kiến triển khai dự án Nhà máy xử lý rác Núi Thoong không xa có rất nhiều hộ dân đang sinh sống.

Theo báo cáo tiến độ của dự án, đến ngày 29/10/2015, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã bàn giao hồ sơ mốc giới giao đất cho Công ty Môi trường Đô thị Xuân Mai để thực hiện dự án đầu tư xây dựng mở rộng dự án Khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại Núi Thoong với diện tích đất là 83.138,9m2, giao UBND xã Tân Tiến quản lý diện tích 1.037m2 đất để cải tạo dòng chảy suối. Ngày 27/11/2015, UBND huyện Chương Mỹ cấp giấy phép xây dựng số 484/GPXD cho Công ty Môi trường Đô thị Xuân Mai và được gia hạn ngày 26/10/2016.

Đến ngày 28/3/2017, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã ký Hợp đồng thuê đất số 163/HĐTĐ-STNMT-CCQLĐĐ với Công ty Môi trường Đô thị Xuân Mai. Hiện trạng sử dụng đất, Công ty Môi trường Đô thị Xuân Mai đã xây dựng hàng rào thép gai bao quanh khu đất đã được giao.

Tuy nhiên suốt nhiều năm liền, dự án đã  vấp phải sự phản đối của người dân.

Nói về lý do phản đối chủ đầu tư tiếp tục triển khai dự án Nhà máy xử lý nước thải nói trên, một người dân thôn đồi Chè, xã Tiên Tiến, huyện Chương Mỹ cho biết: “Chúng tôi phản đối chủ đầu tư tiếp tục xây dựng dự án nhà máy xử lý rác tại vị trí trên phần vì vị trí trên không phù hợp để xây dựng nhà máy xử lý rác. Một phần vì Công ty Môi trường Đô thị Xuân Mai không đủ uy tín, năng lực để triển khai dự án. Là công ty chuyên dọn dẹp, xử lý môi trường nhưng Công ty Xuân Mai lại là đơn vị gây ra nhiều sự cố môi trường. Không nhắc đâu xa, ngay tại dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Núi Thoong, công ty cũng để xảy ra sự cố nghiêm trọng trong quá trình chôn lấp gây ô nhiễm môi trường, đến nay vẫn chưa tìm ra biện pháp hữu hiệu xử lý hậu quả triệt để”.

Nhà may xử lý hòn rọ
Phía bên trong khu vực dự kiến triển khai Nhà máy xử lý rác Núi Thoong cỏ mọc um tùm.

Đến tháng 4/2021, Công ty Môi trường Đô thị Xuân Mai bất ngờ có văn bản gửi UBND TP.Hà Nội đề xuất thành lập liên doanh nghiên cứu điều chỉnh Dự án Đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt Núi Thoong. Theo đó, dự án được điều chỉnh công suất từ 240 tấn/ngày đêm lên 2.000 tấn/ngày đêm, sử dụng công nghệ đốt rác thải sinh hoạt có phát điện. Sau khi Công ty Môi trường Đô thị Xuân Mai, Sở Xây dựng và UBND huyện Chương Mỹ đã có ý kiến chấp nhận cho triển khai dự án.

Người dân phản đối

Từ thông tin trên, cuối tháng 5/2022, Phóng viên Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường đã có mặt tại địa điểm dự kiến triển khai xây dựng Nhà máy xử lý rác Núi Thoong. Phía bên ngoài dự án là những ống cống đúc sẵn nằm ngổn ngang, nhà điều hành đang xuống cấp đóng cửa im ỉm; phần diện tích đã giải phóng mặt bằng cũng bỏ hoang, cây cối mọc um tùm. Bên trong khuôn viên dự án, ngoài những đoạn tường nghiêng ngả trực chờ đổ thì còn có một hồ nước sâu được Công ty Môi trường Đô thị Xuân Mai xây dựng trước đó để làm hố chôn rác. Trong khi đó đây là địa điểm các em học sinh thường xuyên lui tới, nếu không có rào chắn cấn thận dễ để lại hậu quả đáng tiếc nếu chủ đầu tư, chính quyền địa phương không có biện pháp rào chắn, cảnh báo nguy hiểm. Phía ngoài khu bãi rác là hệ thống đường giao thông vào bãi, đèn điện, cột điện, trạm biến thế… đều bỏ không rất lãng phí. Tình trạng này kéo dài 14 năm qua sau khi dự án tạm dừng hoạt động từ năm 2008 đến nay.

Nhà may xử lý hòn rọ
Phía bên ngoài địa điểm dự kiến triển khai dự án Nhà máy xử lý rác Núi Thoong.

Trong quá trình ghi nhận thực tế tại dự án, những người dân địa phương tỏ ra khá bất ngờ khi biết tin dự án được chủ đầu tư khởi động trở lại. Trò chuyện với phóng viên, người dân địa phương tỏ ra vô cùng bất ngờ khi trong tương lai không xa, trên khu đất này sẽ mọc lên một Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt rắn có công suất 2.000 tấn rác/ngày đêm. Nhà máy sử dụng công nghệ đốt rác phát điện.

Trao đổi với ông Lưu Quang Sáng (71 tuổi, ngụ xã Tiên Tiến) cho biết từ nhiều năm qua, người dân các thôn Đồi Chè, Tiến Tiên xã Tân Tiến và nhân dân các thôn Xuân Sen xã Thủy Xuân Tiên, nhân dân thôn Nam Sơn, xã Nam Phương Tiến đã có ý kiến phản đối công ty Môi trường Đô thị Xuân Mai triển khai xây dựng Nhà máy xử lý Rác thải sinh hoạt tại khu vực Hưng Ráy – Núi Thoong, nên không có chuyện bà con ở đây đồng thuận cho họ triển khai xây dựng như ý kiến của lãnh đạo sở Xây Dựng Hà Nội khi trả lời chất vấn của đại biểu Vũ Ngọc Anh liên quan đến dự án Nhà máy xử lý rác núi Thoong trong phiên chất vất HĐND TP.Hà Nội ngày 9/12/2021. Liên quan đến sự việc trên, ông Sáng đã có ý kiến đề nghị lãnh đạo thôn, UBND xã làm rõ vấn đề nêu trên? Có hay không việc chính quyền tổ chức lấy ý kiến người dân về việc triển khai lại dự án Nhà máy xử lý rác Núi Thoong? Nếu lấy ý kiến thì lấy vào thời gian nào? Những ai tham gia lấy ý kiến?

Trong khi đó, theo ý kiến của một người dân thôn Đồi Chè (xin được dấu tên) thì khu vực Hưng Ráy – Núi Thoong có địa hình cao hơn các khu dân cư lân cận của xã Nam Phương Tiến, Tân Tiến, Thủy Xuân Tiên. Chưa kể khu vực Núi Thoong có nhiều hang động cát tơ, nếu không có các biện pháp triệt để thì không thể ngăn cản được nước thải từ nhà máy rò rỉ ngấm vào nguồn nước ngầm gây ô nhiễm diện rộng. Trong khi đó, đa số người dân trong khu vực vẫn sử dụng nước giếng khoan phục vụ sinh hoạt, ăn uống nên việc triển khai dự án tại khu vực trên là không phù hợp.

Nhà may xử lý hòn rọ
Trụ sở Công ty Môi trường Đô thị Xuân Mai.

Cũng theo người dân địa phương, thì các cơ quan chức năng cũng cần xem xét lại năng lực thực sự của doanh nghiệp này khi ngoài khả năng tài chính, thì doanh nghiệp này đã nhiều lần để xảy ra sự cố trong quá trình thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải trên địa bàn. Với một doanh nghiệp nhiều “tai tiếng” như vậy, liệu có thực sự đủ tâm, đủ tầm để triển khai xây dựng vận hành dự án nhà máy xử lý rác có công suất lên tới 2.000 tấn/ngày đêm?

Liên quan đến sự việc trên, Phóng viên Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường đã liên hệ đặt lịch làm việc với công ty Môi trường Đô thị Xuân Mai. Sau nhiều lần “khất” vì bận, không có mặt tại công ty, ông Tiến – Phó Giám đốc Công ty Môi trường Đô thị Xuân Mai từ chối trả lời vì không nắm rõ mảng dự án, đồng thời liên hệ với ông Oanh (Nguyễn Ngọc Oanh – PV) giám đốc công ty.

Trao đổi nhanh với Phóng viên Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường qua điện thoại, ông Oanh cho biết hiện dự án Nhà máy xử lý rác thải Núi Thoong đang trong quá trình xin điều chỉnh chủ trương đầu tư. Ông Oanh cũng cho biết hiện bản thân đang rất bận nên không có thời gian tiếp, trả lời các nội dung phóng viên muốn tìm hiểu liên quan đến quá trình triển khai dự án Nhà máy xử lý rác Núi Thoong.

Cũng liên quan đến nội dung trên, phóng viên Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường đã liên hệ đặt lịch làm việc với UBND huyện Chương Mỹ. Sau khi nhận được nội dung của phóng viên, Lãnh đạo UBND huyện Chương Mỹ đã có chỉ đạo giao Phòng TN&MT huyện Chương Mỹ, UBND xã Tân Tiến trả lời nội dung thông tin.

"Không có địa phương nào muốn có bãi rác ở địa phương mình vì người ta ngại sự cố. Mà sự cố có xảy ra không? Xin thưa là có chứ, ở Việt Nam đã có nhiều rồi chứ. Vấn đề này, các cơ quan chức năng cần làm việc hết sức cẩn thận, mời các nhà khoa học tham gia và cũng cần có các kiểm tra, thanh tra để làm rõ ràng vấn đề.

Người dân thường sẽ có ý kiến về các dự án xây dựng nhà máy xử lý rác. Tuy nhiên, ở đây chính quyền phải lắng nghe ý kiến của dân, xem dân họ yêu cầu cái gì? Nhà nước có thế mạnh gì để giải quyết? Nhà nước phải phê duyệt dự án một cách có cơ sở khoa học và được thể hiện rõ trong ĐTM.

Đứng về mặt khoa học, thì công nghệ có thể đủ đảm bảo về chất lượng môi trường cho khu vực xung quanh không bị ảnh hưởng nhiều. Có điều các cấp có thẩm quyền làm thế nào để thực hiện được các điều ấy”.

GS.TS Hoàng Xuân Cơ - Trưởng Ban nghiên cứu khoa học, Trung ương Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam.

Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.

Hà Nam