Nguyên nhân gây hạ kali

Vừa qua, tại khoa Ngoại niệu- Ghép thận, Bệnh viện Nhân dân 115 Thành phố Hồ Chí Minh đã điều trị dứt điểm bệnh lý cho một người bệnh với triệu chứng yếu cơ và hạ kali máu kéo dài hơn 8 năm, đã được điều trị tại nhiều bệnh viện trong cả nước.

1. Trường hợp bệnh:

Người bệnh nữ, 55 tuổi, quê quán tại tỉnh Cà Mau. Người bệnh than phiền hay bị hồi hộp, hai chân thường bị yếu, đi lại khó khăn nên đến khám tại khoa Ngoại Niệu-Ghép thận, Bệnh viện Nhân dân 115.

Theo lời người bệnh kể, khoảng hơn 8 năm nay, người bệnh hay bị hồi hộp, yếu chân và đã đi khám nhiều nơi, được làm các xét nghiệm máu, các phương tiện chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, CTScan… và được chẩn đoán là hạ kali máu chưa rõ nguyên nhân. Người bệnh được điều trị bằng cách bù kali qua đường uống và truyền tĩnh mạch, sau 3 đến 5 ngày điều trị người bệnh thấy khỏe, các triệu chứng bệnh biến mất và được xuất viện.

Tuy nhiên, cứ trung bình 3 đến 4 tuần sau thì bệnh lại tái phát với các triệu chứng giống nhau và giống như lần trước đó. Cứ mỗi lần như vậy, người bệnh đến bệnh viện, xét nghiệm máu và đều ghi nhận kali trong máu giảm thấp. Nếu triệu chứng nặng thì người bệnh được nhập viện và bù kali bằng đường truyền tĩnh mạch, nếu triệu chứng nhẹ hơn thì người bệnh được điều trị ngoại trú và bổ sung kali bằng đường uống. Thời gian gần đây, tác dụng phụ của thuốc bổ sung kali trên dạ dày làm cho người bệnh khó chịu, buồn nôn, ăn uống kém nên theo lời giới thiệu của người quen, người bệnh đã đến khám tại khoa Ngoại niệu-Ghép thận Bệnh viện Nhân dân 115.

Qua thăm khám bác sĩ của khoa ghi nhận kali máu của người bệnh là 2.1mmol/l (bình thường: 3.5-5mmol/l). Người bệnh được chụp MRI bụng ghi nhận có nốt tăng sinh trong tuyến thượng thận bên phải. Khảo sát về hormone thượng thận ghi nhận Aldosterone/máu: 45ng%, Cortisol/máu buổi sáng: 22µg%, Cortisol/niệu 24 giờ : 346mmol, Metanephrine/máu: 0.4nmol/L, Renin/máu:0.4ng%. Huyết áp người bệnh lúc nhập viện là 140/70mmHg, người bệnh không ghi nhận có tăng huyết áp trước đó.

Người bệnh sau đó được hội chẩn với các chuyên gia nội tiết và được chẩn đoán là u vỏ tuyến thượng thận bên phải (hội chứng Conn), hướng điều trị là phẫu thuật nội soi cắt u thượng thận phải.

Nguyên nhân gây hạ kali


Hình 1: Giải phẫu tuyến thượng thận

Nguyên nhân gây hạ kali

Hình 2: U thượng thận phải (mũi tên) trên phim MRI của người bệnh

Sau khi điều chỉnh các rối loạn điện giải, người bệnh đã được các bác sĩ phẫu thuật khoa Ngoại niệu-Ghép thận tiến hành phẫu thuật nội soi cắt u với thời gian phẫu thuật là 60 phút. Sau phẫu thuật 2 ngày người bệnh được xuất viện. Kết quả giải phẫu bệnh của khối u lấy ra là: tăng sản lành tính vùng vỏ của tuyến thượng thận.

Đến nay sau 5 tháng được phẫu thuật, người bệnh đã không còn những triệu chứng mắc phải trước đây như hồi hộp, yếu cơ và hạ kali máu mặc dù người bệnh không cần sử dụng bất cứ loại thuốc nào sau khi phẫu thuật.

Nguyên nhân gây hạ kali

Hình 3: U thượng thận phải sau khi lấy ra khỏi cơ thể người bệnh

2. Bàn luận:

Với những người bệnh bị hạ kali máu kéo dài, ngoài điều trị là bù kali, người bệnh cần được tầm soát các nguyên nhân gây hạ kali máu. Dưới đây là những nguyên nhân thường gặp:

- Những bệnh lý tại thận và tuyến thượng thận như:

+ Nhiễm toan ống thận (suy thận cấp, suy thận mạn)

+ Hẹp động mạch thận

+ Bệnh Cushing và các tổn thương của tuyến thượng thận.

- Mất kali qua dạ dày và ruột do:

+ Nôn ói nhiều

+ Tiêu chảy cấp

+ Sau phẫu thuật cắt bỏ ruột non

- Do ảnh hưởng của thuốc như: thuốc lợi tiểu, thuốc hen suyễn, một số kháng sinh, kháng nấm.

- Tái phân bố kali trong cơ thể: dùng Insulin, nhiễm kiềm máu, nghiện rượu, suy dinh dưỡng, biếng ăn…

- Những nguyên nhân khác như: lao động gắng sức mất nhiều mồ hôi, thiếu hụt magie, bệnh bạch cầu…

Khi bị hạ kali máu, người bệnh cần đến cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và tìm nguyên nhân. Việc xác định nguyên nhân hạ kali máu không phải lúc nào cũng xác định được, có thể do tính phức tạp của bệnh lý, cơ địa người bệnh hoặc thiếu các phương tiện hỗ trợ chẩn đoán. Nếu xác định nguyên nhân là những u tăng sinh một bên của tuyến thượng thận thì phẫu thuật lấy u thường được đề nghị và đem lại kết quả tốt.

ThS.BS Trần Thanh Phong

- Phó khoa Ngoại Niệu-Ghép thận, Bệnh viện Nhân dân 115