Người việt đọc bao nhiêu cuốn sách một năm

Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, văn hóa đọc ngày càng có điều kiện phát triển khi người đọc có thể tiếp cận những cuốn sách mọi lúc, mọi nơi thông qua các thiết bị thông minh.

Theo số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam chỉ có 30% số người đọc sách thường xuyên, 26% không đọc sách và 44% thỉnh thoảng mới đọc sách. Thế nhưng, chúng ta lại có đến 70% người dân sử dụng Internet, nằm trong nhóm đầu thế giới.

Mặc dù, thị trường sách Việt Nam vẫn thường xuyên tổ chức, phát động những phong trào đọc sách thông qua nhiều hoạt động thiết thực như ngày hội đọc sách, triển lãm sách,... nhưng theo thống kê, trung bình một người Việt Nam chỉ đọc 4 cuốn sách/năm. Trong số đó có đến 2,8 cuốn là sách giáo khoa; 1,2 cuốn còn lại là thể loại sách khác.

So sánh với Singapore, trung bình người dân nước này đọc 14 cuốn sách mỗi năm, người Nhật là 20 cuốn. Qua đó, có thể thấy việc đọc sách của người Việt Nam có tỷ lệ thấp.

.jpg) Sách giấy truyền thống và sách điện tử cần tồn tại song hành.

Khi nhắc đến thư viện, mọi người thường liên tưởng đến những căn phòng, thư viện chất đầy sách. Nhưng thực tế hiện nay xu hướng chuyển đổi số đang từng bước thay đổi phương thức hoạt động của các thư viện truyền thống, mở ra một kỷ nguyên mới mà ở đó, sách giấy không còn vị trí độc tôn.

Phương thức đó là sách điện tử hay còn được gọi là thư viện số. Cùng với sách điện tử, thói quen đọc của nhiều người cũng bắt đầu thay đổi, họ tiếp cận được với văn hóa đọc trên nền tảng số, đặc biệt là giới trẻ.

Quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam cũng đang hình thành một thói quen mới cho người đọc sách hiện đại - thói quen “nghe sách”. Đây được cho là kết quả xuất phát từ chính nhu cầu có thực của những người trẻ hiện đại, những người không có nhiều thời gian nhưng vẫn muốn được trau dồi kiến thức.

Để thích ứng với xu hướng chuyển đổi số, nhiều nhà xuất bản đã mở thêm kênh xuất bản sách điện tử, từ thể loại lật đơn giản như sách truyền thống đến sách tương tác, sách 3D, hay gần đây nhất là podcast. Dù có những ưu điểm như cập nhật nhanh, lưu trữ tốt, nhiều người cũng đặt ra những lo ngại liên quan đến loại hình sách điện tử như ảnh hưởng đến sức khỏe nếu sử dụng thiết bị điện tử để đọc sách quá lâu, chất lượng sách.

Theo nghiên cứu của hãng Global English Editing, năm 2021, doanh thu sách điện tử trên toàn thế giới đã tăng 8% so với năm 2019. Thị trường sách điện tử trên toàn thế giới hiện có quy mô khoảng 5,4 tỷ USD và tốc độ tăng trưởng kép đạt tới 26,3% từ nay đến đến 2030.

Sách giấy truyền thống và sách điện tử cần tồn tại song hành và phát triển để mang đến cho người đọc trải nghiệm tốt hơn. Nhận định về vấn đề này nhiều chuyên gia cho rằng, để thúc đẩy văn hóa đọc phát triển, sẽ không thể chỉ kêu gọi người dân đọc nhiều hơn, mà điều quan trọng nằm ở việc nâng cao chất lượng sách từ tác giả đến các nhà xuất bản.

Bên cạnh đó, để đẩy mạnh phát triển sách điện tử thành mũi nhọn trong lĩnh vực xuất bản, để sách điện tử tiếp tục phát huy vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy văn hóa đọc, và đồng thời để gia tăng số lượng xuất bản phẩm điện tử trong những năm tiếp theo, một số giải pháp nên tập trung:

Thứ nhất, cùng với chiến lược dành cho sách in, cần sớm có chiến lược quốc gia về xuất bản sách điện tử, đó là các loại sách dựa trên nền tảng công nghệ như ebook, audiobook, VR book (sách thực tế ảo),... Có được chiến lược này, chúng ta mới tận dụng được nguồn lực và lợi ích to lớn của công nghệ để đưa được nhiều sách hơn nữa tới đông đảo bạn đọc.

Thứ hai, hoàn thiện hệ thống pháp lý để sớm tăng cường số lượng đơn vị được phép xuất bản sách điện tử. Bên cạnh đó, cần triệt để các hành vi chia sẻ lậu, bất hợp pháp các ebook, audiobook, mạng xã hội,...

Thứ ba, cần quan tâm, hỗ trợ đầu tư công nghệ cho các đơn vị xuất bản sách điện tử. Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nền tảng công nghệ để sản xuất và phát hành sách điện tử rất nhanh lỗi thời, do đó các đơn vị phải cần nguồn vốn lớn để liên tục cập nhật, nâng cấp.

Thứ tư, tăng cường đào tạo nhân lực làm sách điện tử có chất lượng cao, am hiểu về xuất bản lẫn công nghệ. Bên cạnh đó, có thể tăng cường giao lưu học hỏi kinh nghiệm từ các nước phát triển vốn có ngành sách điện tử đã và đang đi vào hoạt động hiệu quả.

Nếu những hạn chế được khắc phục, sách điện tử sẽ sớm phát huy tối đa vai trò của mình, không chỉ thúc đẩy văn hóa đọc, tạo điều kiện sản xuất - kinh doanh cho các đơn vị xuất bản, mà còn giới thiệu lịch sử, văn hóa, con người Việt Nam ra nước ngoài một cách hiệu quả và nhanh chóng.