Nghĩa vụ bảo vệ nguồn tin của nhà báo

Nghĩa vụ bảo vệ nguồn tin của nhà báo

Việc giữ lời hứa với nguồn tin là rất quan trọng. Ảnh minh họa

Nhà báo thường đứng trước quyết định có hay không bảo vệ tính ẩn danh của nguồn tin khi nguồn tin đó thực sự có giá trị. Cũng có khi, nhà báo trong phạm vi đạo đức nghề nghiệp quyết định giữ bí mật cho nguồn tin chỉ vì những ảnh hưởng đối với nguồn tin nếu công khai danh tính.

Sự trung thành đối với nguồn tin

Watergate là một minh chứng cho lời hứa danh dự của nhà báo đối với nguồn tin trong lịch sử báo chí Mỹ. Nhân vật giấu tên với biệt danh Deep Throat được hai nhà báo điều tra của tờ Washington post là Bod Woodward và Carl Bernstein giữ kín trong hơn 30 năm. Hai nhà báo đã dựa trên thông tin do nhân vật ẩn danh này cung cấp cho loạt bài điều tra của mình, dẫn tới việc từ chức của Tổng thống Nixon vào năm 1974.

Ngày 9/8/1974, tờ Washington Post đã chạy tít trang nhất với tiêu đề “Nixon từ chức”. Tuy nhiên, hơn 30 năm sau đó, không một ai biết nhân vật cung cấp thông tin này thực tế là ai, cho tới năm 2005, khi chính nhân vật Mark Felt tự tiết lộ mình chính là nhân vật Deep Throat trong vụ án Watergate.'

Ở châu Âu luôn tồn tại dạng Chiến tranh Lạnh giữa báo chí và cơ quan pháp luật về vấn đề bảo vệ nguồn tin. Rất nhiều nước ở châu Âu cũng như trên thế giới, phóng viên nếu không thể tiết lộ nguồn tin khi tòa triệu đến thì có thể phải ngồi tù. Rất nhiều phóng viên ở Anh đã phải vào tù trước đây vì không tiết lộ danh tính nguồn tin (1) .

Nhà báo luôn nợ sự trung thành đối với nguồn tin. Tuy nhiên, nhà báo cũng có sự trung thành đối với độc giả. Nhà báo cần sử dụng nguồn tin hợp lý giúp độc giả nhận định đúng đắn về mức độ chính xác và độ tin cậy của sự việc. Chính vì vậy, nhà báo nên sử dụng nhiều nguồn tin để đăng tải cùng một sự việc hoặc một quan điểm trong khả năng tốt nhất. Tuy nhiên, quan điểm về việc tác nghiệp dựa trên một nguồn tin có giá trị, BBC cho rằng: ‘‘BBC sẽ tiếp tục đưa các tin bài dựa trên một nguồn tin chỉ khi câu chuyện mang lại sự quan tâm quan trọng đối với độc giả và thông qua các quy trình tác nghiệp chính xác’’ (2) .

Việc giữ lời hứa với nguồn tin là quan trọng và đôi khi không cần lời hứa, nhưng nhà báo cảm thấy có thể gây nguy hiểm cho nguồn tin nếu tiết lộ, trong phạm vi đạo đức, họ cũng sẽ giữ tính ẩn danh của nguồn tin.

Phóng viên cần kỹ năng xử lý tình huống khi xem xét nếu như thông tin đó có thể khiến người cung cấp thông tin rơi vào nguy hiểm, như nguy cơ mất việc hay bị lạm dụng hơn. Phóng viên cần tìm hiểu và khôn khéo đưa thông tin không ảnh hưởng tới đối tượng. Trong trường hợp này, thay vì tiết lộ danh tính của nguồn tin, phóng viên có thể đứng ra bảo lãnh tính trung thực của thông tin.

Việc giữ tính ẩn danh của nguồn tin gặp phải những thách thức như có nên giữ bí mật danh tính nguồn tin đối với biên tập viên hay không. Lời hứa với nguồn tin do phóng viên đưa ra chứ không phải biên tập viên. Một biên tập tốt phải là người ủng hộ phóng viên. Quan điểm của Frost là “phóng viên không nhất thiết phải tiết lộ danh tính nguồn tin với biên tập viên mặc dù ở mức độ nào đó khi tác nghiệp thì biên tập viên chỉ biết những thông tin cơ bản về nguồn tin, như khu vực cư trú. Nếu biên tập viên không chấp nhận điều này thì có thể không sử dụng bài viết” (3) .

Tuy nhiên, trong hướng dẫn của BBC dành cho phóng viên lại đưa ra quan điểm khác khi quy định: “Biên tập viên phụ trách có quyền được biết danh tính”(4) . Đó là điều kiện của BBC cho phóng viên chỉ được phép hứa giữ bí mật danh tính đối với nguồn tin với điều kiện phóng viên cho biên tập viên phụ trách biết thông tin cụ thể của nguồn tin.

Nhà báo nên làm hết sức để mang đến thông tin chính xác nhất về nguồn tin cho độc giả và nhà báo phải đảm bảo nguồn thông tin là chính xác. Nguồn tin ẩn danh có thể sử dụng tùy từng hoàn cảnh, nhưng một nguồn tin có danh tính luôn tốt hơn cho độc giả khi tiếp cận và đánh giá tính trung thực của thông tin. Đa số các chuyên gia cũng như học giả truyền thông đều đồng ý cho rằng, nhà báo không bao giờ nên tiết lộ danh tính nguồn tin, chỉ khi điều đó cần thiết cho việc điều tra tội phạm hoặc để bảo vệ một người vô tội bị nghi ngờ có tội trước tòa.

Trong phạm vi đạo đức nghề nghiệp, rất nhiều tình huống, nhà báo cần cân nhắc kĩ khi đưa danh tính của người cung cấp thông tin dù không có lời hứa nào giữ bí mật cho nguồn tin của nhà báo. Ví dụ, trong một số trường hợp như trẻ em, nạn nhân hay những người liên quan tới vụ phạm tội, việc đưa danh tính nguồn tin nên nằm trong sự cân nhắc trong phạm vi đạo đức nhà báo.

Nghĩa vụ bảo vệ nguồn tin của nhà báo

Hai phóng viên tờ Washington Post, Bob Woodward và Carl Bernstein. Ảnh: AP

Luật Trẻ em và Thanh thiếu niên năm 1933 của Anh cấm đăng danh tính của trẻ em từ 10 đến 14 tuổi và thanh thiếu niên từ 14 tới 17 tuổi trong các trường hợp là nạn nhân hoặc nhân chứng trong các phiên tòa. (Frost 2004, tr.94). Một nhà báo có đạo đức nghề nghiệp nên cân nhắc việc khi khai thác thông tin sâu đối với trẻ em là nạn nhân.

Nếu phỏng vấn thì nên tránh đưa tên thật của nạn nhân trên các phương tiện truyền thông.

Nhà báo cũng hiểu được rằng việc bảo vệ, tôn trọng nạn nhân hay người thân của tội phạm quan trọng vì họ là những người vô tội. Đưa tên tuổi tới độc giả có ảnh hưởng nhất định đối với đời sống của họ. Trong quy trình tác nghiệp báo chí, bạn bè, người thân của tội phạm hay nạn nhân thường là một trong những người đầu tiên mà phóng viên tiếp xúc để lấy thông tin. Vô tình họ bị kéo vào guồng quay của thông tin và dư luận.

Việc báo chí tiếp xúc liên tục và khai thác thông tin từ người mẹ của tội phạm - người tự sát sau khi gây án ở Scotland năm 1996, vẫn còn gây tranh cãi khi bàn tới đạo đức nhà báo. Vụ thảm sát 16 học sinh và một giáo viên tại trường học Dunblane tại Scotland năm 1996 do người đàn ông 43 tuổi tên Thomas Hamilton gây ra trước khi tự sát. Chỉ vài phút sau khi cảnh sát thông báo tin này cho mẹ của Thomas Hamilton, thì truyền thông đã làm việc liên tục.

Việc tiếp xúc với mẹ của Thomas Hamilton cũng rất nhạy cảm và khéo léo vì mẹ của tôi phạm cũng chỉ là người vô tội và bà cũng phải chịu nỗi đau mất con. Khi bàn tới những trường hợp như vậy, trong các hướng dẫn của BBC có nêu: “Mặc dù việc cung cấp thông tin đầy đủ về sự thật có thể liên quan tới gia đình và người quen của tội phạm, tuy nhiên không nên gây áp lực không cần thiết cho những người vô tội” (5) .

Nghĩa vụ bảo vệ nguồn tin của nhà báo

Ở châu Âu có điều khoản 10 trong Luật Nhân quyền của Tòa án Nhân quyền châu Âu bảo vệ quyền giữ bí mật danh tính nguồn tin của nhà báo. Ảnh minh họa

Cách hành xử của nhà báo chuyên nghiệp

Nhà báo chỉ nên sử dụng nguồn tin giấu tên khi họ phải hoặc không có sự lựa chọn nào khác.

Một người sẵn sàng đăng danh tính của mình sẽ mang lại mức độ đáng tin cậy cho độc giả hơn nguồn tin giấu tên.

Một nhà báo chuyên nghiệp trong các trường hợp như vậy thường phải đánh giá và cân nhắc khi chấp nhận rủi ro đối với tính ẩn danh của nguồn tin chỉ khi nguồn tin đó xác thực và có giá trị quan tâm lớn đối với độc giả. Nhà báo phải biết chắc chắn nguồn tin đó là đáng tin cậy và không còn cách nào khác để biết sự thật khi buộc phải giữ bí mật cho nguồn tin.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là một nhà báo đồng ý thỏa hiệp vì nhân vật đó đôi khi không muốn công khai danh tính, nhưng có thể cung cấp cho nhà báo những mối quan hệ hoặc nhân vật khác để tiếp xúc, khai thác sự thật.

Khi nhà báo chấp nhận lời hứa không công khai danh tính của nguồn tin thì nên thỏa hiệp điều kiện đó trước với biên tập viên và các nhân vật cao cấp khác trước khi đưa ra lời hứa này. Nếu như toàn bộ tòa soạn đều đứng sau ủng hộ phóng viên đó thì sẽ là điều thuận lợi cho phóng viên.

Tuy nhiên, cũng có những trường hợp việc không tiết lộ danh tính nguồn tin cũng không phải là một việc làm đúng đắn. Ví dụ những thông tin nguy hiểm đến tính mạng con người đôi khi cần phải được chuyển qua cho giới chức hay cảnh sát xử lý kịp thời. Sự mâu thuẫn này là vấn đề nằm trong tầm tay của nhà báo, đôi khi không phải của pháp luật.

Mỗi quốc gia đều có những quy định luật pháp liên quan tới việc bảo vệ nguồn tin của nhà báo. Ví dụ, ở Áo, trong điều 31, Luật Truyền thông năm 1981, quy định nhà báo được quyền giữ kín danh tính nguồn tin. Nhà sản xuất, biên tập viên, phóng viên và các nhân viên khác trong các tổ chức tin tức khi được gọi làm chứng trước tòa có quyền từ chối trả lời câu hỏi liên quan tới danh tính nguồn tin. Đức hay Pháp cũng đều có những luật riêng đưa ra bảo vệ nhà báo khi không muốn công khai danh tính của nguồn tin. Về cơ bản, ở châu Âu có điều khoản 10 trong Luật Nhân quyền của Tòa án Nhân quyền châu Âu bảo vệ quyền giữ bí mật danh tính nguồn tin của nhà báo.

Xét trong phạm vi đạo đức nghề nghiệp, những trường hợp nhạy cảm như nạn nhân là trẻ em hay người nhà tội phạm, nhà báo cần giữ bí mật thông tin cho nguồn tin khi khai thác tin bài. Thực tế cho thấy xu hướng thương mại hóa báo chí đang làm cho danh giới mong manh trong phạm vi đạo đức nghề nghiệp của nhà báo mờ đi.

TS. Phạm Hải Chung

Tài liệu tham khảo:
(1)Frost, C., 2000. Journalism ethics and regulation. England: Pearson Education (2)http://www.bbc.co.uk/info/policies/pdf/neil_report.pdf (accessed 18/7/12) (3)Frost, C., 2000. Journalism ethics and regulation. England: Pearson Education, p. 122 (4)http://www.bbc.co.uk/guidelines/editorialguidelines/edguide/accuracy/anonymoussources.shtml (accessed 18/7/06)

(5) BBC producers’ guidelines, 1966

Sáng nay (30/9), tại TP Đà Nẵng, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, Quốc hội Khóa XIII tổ chức phiên họp lần thứ 9, thẩm tra Dự án Luật Báo chí sửa đổi.

Báo cáo thẩm tra Dự án Luật cho rằng, về cơ bản Dự thảo Luật đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, đồng thời nhất trí với việc cần thiết sửa đổi Luật Báo chí, cụ thể hóa tinh thần và nội dung của Hiến pháp năm 2013 về quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí, khắc phục những hạn chế bất cập trong thực tiễn thi hành luật; tạo khung pháp lý phù hợp để sắp xếp, tổ chức lại hệ thống báo chí, tạo điều kiện cho báo chí phát triển lành mạnh, hiệu quả và đúng định hướng.

Nghĩa vụ bảo vệ nguồn tin của nhà báo
Nghĩa vụ bảo vệ nguồn tin của nhà báo

Toàn cảnh phiên họp

Báo cáo thẩm tra Dự án Luật Báo chí sửa đổi đề nghị Ban soạn thảo làm rõ hai vấn đề, đó là: Chủ thể của quyền tự do báo chí là ai, nội dung quyền tự do báo chí là gì. Qua giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về báo chí, các đại biểu cho rằng, dự thảo Luật Báo chí (sửa đối) cần quy định theo hướng sắp xếp, tổ chức lại hệ thống các cơ quan báo chí, đặc biệt là các cơ quan báo chí của cơ quan, tổ chức hưởng ngân sách nhà nước nhằm nâng cao chất lượng báo chí và giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước.

Về khoản 3, Điều 37 Dự thảo Luật Báo chí sửa đổi quy định: “Cơ quan báo chí và nhà báo có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ người cung cấp thông tin nếu có hại cho người đó, trừ trường hợp có yêu cầu của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân, Chánh án Tòa án Nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra xét xử tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng”, báo cáo thẩm tra dự án luật cho rằng, việc bảo vệ nguồn tin của báo chí là vô cùng quan trọng đối với người làm báo.

Trong khi đó, thực tế hiện nay, loại tội phạm nghiêm trọng rất phổ biến và đa dạng. Nếu quy định như Dự thảo Luật sẽ gây khó khăn cho người làm báo trong việc bảo vệ nguồn tin. Do đó, Ủy ban đề nghị chỉ nên yêu cầu việc tiết lộ nguồn tin đối với tội phạm rất nghiệm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. 

Nghĩa vụ bảo vệ nguồn tin của nhà báo

Ông Vũ Hải, Phó Tổng Giám đốc Đài TNVN, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Khóa XIII phát biểu tại phiên họp

Về thanh tra, xử phạt báo chí, ông Vũ Hải, Phó Tổng Giám đốc Đài TNVN, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, Quốc hội Khóa XIII cho rằng: “Tôi nhất trí là phải thanh tra báo chí. Thế nhưng quy định ai thanh tra báo chí trong Dự thảo luật chưa nói rõ. Theo tôi, chúng ta nên quy định nếu xử phạt các hiện tượng về vi phạm về Luật Báo chí là Bộ TT&TT. Nếu không, Sở Thông tin và Truyền thông cũng xử phạt nhà báo, thậm chí các cấp khác cũng có thể xử phạt. Theo tôi, nên để Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan quản lý nhà nước cao nhất về báo chí chịu trách nhiệm xử phạt”./.