Môi trường kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay

Khoa học - Công nghệ
Môi trường kinh doanh và doanh nghiệp đang thay đổi mạnh mẽ
Môi trường kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay
Viện phát triển doanh nghiệp thuộc Phòng TM & CN Việt Nam và Ngân hàng Thế giới vừa tổ chức Lễ công bố Báo cáo Thường niên doanh nghiệp Việt Nam 2010. Với chủ đề năm Một số xu hướng tái cấu trúc doanh nghiệp Việt Nam. Báo cáo đã cung cấp những thông tin tổng thể phản ánh thực trạng môi trường kinh doanh, hoạt động của các doanh nghiệp trong nền kinh tế Việt Nam năm 2010.


Môi trường kinh doanh được cải thiện rõ rệt

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng TM & CN Việt Nam cho biết; môi trường kinh doanh được cải thiện là nhờ những nỗ lực rất lớn, từ việc thực hiện một cách rộng rãi và quyết liệt Đề án 30 về cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ. Môi trường kinh doanh của Việt Nam được cải thiện rõ rệt. Môi trường kinh doanh trong năm 2010, tiến 10 bậc so với năm 2009, đứng thứ 78/183 nước và đứng thứ 4/10 nền kinh tế cải cách nhiều nhất về mức độ thuận lợi của môi trường kinh doanh. Trong những thành tựu Việt Nam đạt được phải kể đến là tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mức cao - 6,78%, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 25,5% so với năm 2009.

Cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu đang có những dấu hiệu chuyển biến theo hướng tích cực: tăng dần tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp chế tạo, nhóm hàng có hàm lượng công nghệ và chất xám cao, giảm dần xuất khẩu hàng thô. Tuy nhiên nhập siêu có xu hướng phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc là một vấn đề cần phải được quan tâm thỏa đáng trong bối cảnh cơ cấu xuất nhập khẩu được cải thiện chưa nhiều. Ngoài ra, việc cải thiện môi trường pháp lý với những thay đổi quan trọng liên quan đến gia nhập thị trường, quản trị doanh nghiệp, đặc biệt là về đăng ký kinh doanh cũng đã góp phần giúp môi trường kinh doanh được cải thiện rõ rệt. Con số doanh nghiệp đăng ký mới tiếp tục gia tăng minh chứng cho điều này, tính đến hết năm 2010, tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập đã đạt 544.394 doanh nghiệp vượt mục tiêu đề ra của Chính phủ.

Nhận định về mức độ cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam, bà Victoria Kwakwwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam ngày càng hội nhập hiệu quả và hấp dẫn hơn trong mắt cộng đồng nhà đầu tư quốc tế, nhờ việc kiên trì mục tiêu kinh tế, áp dụng những chính sách thông thoáng, qua đó đã cải thiện môi trường kinh doanh liên tục trong những năm gần đây.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, vẫn còn những yếu tố tác động không tốt đến hoạt động của doanh nghiệp năm 2010 như: lãi suất ngân hàng luôn ở mức độ cao, có lúc lên đến 17-18%/năm; tình trạng lạm phát cao, chỉ số CPI tháng so với tháng 12 năm 2009 tăng 11,75%, bỏ xa chỉ tiêu 7% do Quốc hội đề ra. Nền kinh tế luôn phải đối phó với tình trạng nhập siêu, bội chi ngân sách ngày càng gia tăng, cũng cần thấy rằng việc điều hành kinh tế vĩ mô còn nhiều bất cập

Ngoài ra, kinh tế thế giới trong năm 2010 và các năm tiếp theo sẽ chứng kiến sự suy giảm vai trò của các nền kinh tế lớn Mỹ, EU, Nhật Bản và sự vươn lên mạnh mẽ của các nước mới nổi (BRIC) và các nước đang phát triển. Việt Nam đang có thời cơ rõ rệt trong việc tận dụng những lợi thế khách quan và chủ quan trong việc vươn lên tham gia vào nền sản xuất khu vực và toàn cầu.

Tái cấu trúc doanh nghiệp xu hướng tất yếu

Đề cập về cơ cấu doanh nghiệp Việt Nam, Báo cáo chỉ rõ: mặc dù tỷ trọng của các doanh nghiệp khu vực tư nhân chiếm trên 95% và ngày càng tăng về số lượng, tuy nhiên sự đóng góp của các doanh nghiệp này chưa tương xứng với số lượng doanh nghiệp, ngoại trừ đóng góp tạo việc làm, với gần 60% số lượng lao động của khu vực doanh nghiệp. Các doanh nghiệp ngoài quốc doanh xét cả về lao động và nguồn vốn đều nhỏ bé hơn nhưng lại đang có sự chuyển dịch tích cực theo hướng tăng trưởng về quy mô về tài sản và đặc biệt, hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp này cao hơn hẳn so với các doanh nghiệp nhà nước.

Trước môi trường kinh doanh đó, để có thể nắm bắt được những cơ hội này, các doanh nghiệp cần phải tiến hành tái cấu trúc để cải thiện năng suất lao động, hội nhập tốt hơn với kinh tế quốc tế, tạo cơ sở cho tăng trưởng bền vững và ổn định lâu dài. Do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính thế giới, các doanh nghiệp ngoài quốc doanh đã có xu hướng chuyển dịch vào các ngành có đòi hỏi cao về chất lượng lao động như thông tin truyền thông, dịch vụ chuyên môn & KHCN, giáo dục đào tạo, dịch vụ hành chính & hỗ trợ kinh doanh, kinh doanh bất động sản. Đây là những ngành mới phát triển và chiếm tỷ trọng không lớn trong cơ cấu lao động của các doanh nghiệp khu vực tư nhân.

Trong năm 2010, với các doanh nghiệp nhà nước, một cách thức mới để thực hiện quá trình sắp xếp đổi mới là thông qua hoạt động mua bán nợ của công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp Bộ Tài chính (DATC). Thông qua hoạt động này, nhiều doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ, mất hết vốn chủ sở hữu nhà nước, không đủ điều kiện cổ phần hóa, đã được DATC tái cơ cấu, chuyển đổi thành các CTCP. Việc niêm yết cổ phiếu là bước cuối cùng của quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp thông qua hoạt động mua bán nợ. Tính đến 31/12/2010, DATC đã có 34 doanh nghiệp được hình thành từ hoạt động chuyển nợ thành vốn góp gắn với tái cơ cấu.

Hoạt động mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M &A) năm 2010 diễn ra không sôi động như năm 2009, tuy nhiên đã có sự khởi sắc vào cuối năm. Trên thực tế môi trường pháp lý của Việt Nam vẫn chưa thực sự thuận lợi cho hoạt động này.

Nhằm cải thiện môi trường kinh doanh trong năm 2011 và các năm tiếp theo, các doanh nghiệp được khảo sát cho rằng, nhiệm vụ trước tiên và quan trọng nhất của Chính phủ là ổn định kinh tế vĩ mô.

Theo: Báo công thương điện tử