Mô hình tư pháp là gì

05[84]/2014

Mục lục

  • 1.Lịch sử hình thành
  • 2.Các yếu tố cấu thành mô hình tư pháp người chưa thành niên của Liên hợp quốc
  • 3.Kết luận
  • 4.Tài liệu tham khảo

Mô hình tư pháp người chưa thành niên theo định hướng của Liên Hợp Quốc

THS LÊ HUỲNH TẤN DUY*

05[84]/2014 - 2014, Trang 33-40

Ngày đăng:

  • Trích dẫn
  • Share
    • Twitter
    • Facebook
    • Zalo

TÓM TẮT

Tư pháp người chưa thành niên là một trong những vấn đề được Liên hợp quốc [LHQ] rất chú trọng và quan tâm. Điều này được chứng minh bởi quá trình LHQ xây dựng và phát triển một mô hình tư pháp mang tính toàn diện, nhân văn và hiện đại, vì mục tiêu giáo dục, cải tạo và mở ra những cơ hội, điều kiện cho người chưa thành niên tái hòa nhập cộng đồng. Dựa vào mô hình chuẩn mực này, các quốc gia thành viên có thể so sánh, đánh giá, sửa đổi và phát triển hệ thống tư pháp người chưa thành niên phù hợp với những đặc điểm riêng biệt về văn hóa, xã hội và truyền thống pháp luật của nước mình. Bài viết trình bày lịch sử hình thành và phân tích những yếu tố cấu thành mô hình tư pháp người chưa thành niên của LHQ bao gồm: khung pháp lý; cơ quan, người tiến hành tố tụng; dịch vụ hỗ trợ; phòng ngừa tội phạm và xử lý người chưa thành niên phạm tội.


ABSTRACT:

Juvenile justice is one of critical issues having been given significant consideration by the United Nations. This is illustrated by the process of establishing and improving a comprehensive, human rights-based and modern juvenile justice model which focuses on educating, training and facilitating juvenile offenders reintegration into the community. Based upon this benchmark model, Member States are able to compare, evaluate, amend and improve their juvenile justice systems compatible with distinctive features of culture, society and legal tradition. The current paper outlines the history, and analyses components, of the United Nations juvenile justice model including: special legislative framework, specialized procedure-conducting bodies and persons, specialized services, prevention of juvenile delinquency and dealing with juveniles in conflict with the criminal law.

TỪ KHÓA: không có,
KEYWORDS: no,
Trích dẫn:
×
THS LÊ HUỲNH TẤN DUY*, Mô hình tư pháp người chưa thành niên theo định hướng của Liên Hợp Quốc, Tạp chí Khoa học Pháp lý Việt Nam, 05[84]/2014, Trang 33-40

//tapchikhplvn.hcmulaw.edu.vn/module/xemchitietbaibao?oid=dc6cadde-6ccf-459e-9a72-5c6302400816

Đăng ký để tải miễn phí Đăng ký
Bài viết đã được lưu vài tài khoản.
×
Vui lòng vào mục "Quản lý tài khoản" -> "Bài viết đã lưu" để có xem tiếp ngay lần đăng nhập sau.

1. Lịch sử hình thành

Trẻ em nói chung và người chưa thành niên phạm tội nói riêng là những đối tượng nhận được sự quan tâm từ rất sớm của LHQ. Vấn đề về trẻ em, thanh niên và tội phạm luôn được đặt lên hàng đầu trong Chương trình Phòng ngừa tội phạm và tư pháp hình sự của LHQ. Từ năm 1947, những hoạt động trợ giúp về chuyên môn trong lĩnh vực phúc lợi trẻ em và quản lý phúc lợi được tiến hành trên thực tế theo chương trình của Ban thư ký[1]. Ngoài ra, các hội nghị của LHQ về phòng ngừa tội phạm và tư pháp hình sự luôn chú trọng đến những nghiên cứu và cách xử lý đối với nguyên nhân và hậu quả của những hoạt động hình sự có liên quan đến trẻ em và thanh niên. Hội nghị lần thứ nhất năm 1955 tập trung vào vấn đề phòng ngừa tội phạm chưa thành niên. Hội nghị lần thứ 2 năm 1960 xem xét những hình thức mới của tội phạm chưa thành niên như: nguồn gốc, việc phòng ngừa và xử lý. Hội nghị lần thứ 6 năm 1980 đánh giá vấn đề tư pháp người chưa thành niên trước và sau khi tấn công tội phạm. Hội nghị lần thứ 7 năm 1985 xem xét lại dự thảo của LHQ về Những quy tắc tối thiểu đối với việc quản lý tư pháp người chưa thành niên [Quy tắc Bắc Kinh]. Tại Hội nghị lần thứ 9 năm 1995, Ban thư ký trình bày một công trình nghiên cứu về những chiến lược phòng ngừa tội phạm, đặc biệt liên quan đến những tội phạm ở các đô thị, tội phạm chưa thành niên và tội phạm mang tính bạo lực. Hội nghị lần thứ 10 năm 2000 thảo luận về những giải pháp nhằm phát triển hệ thống tư pháp hình sự. Đặc biệt hội nghị còn xem xét vấn đề trách nhiệm và sự bình đẳng giữa người phạm tội và nạn nhân theo mô hình tư pháp phục hồi. Hội nghị lần thứ 12 năm 2010 thảo luận về những nguyên nhân sâu xa của tội phạm chưa thành niên và những biện pháp khắc phục. Hội nghị cũng phân tích tình trạng tra tấn và áp dụng những biện pháp xử lý hoặc hình phạt tàn nhẫn, vô nhân đạo và xúc phạm giá trị của người chưa thành niên tại một số quốc gia.

Song song với các hội nghị về phòng ngừa tội phạm và tư pháp hình sự, một khung pháp lý riêng biệt xây dựng mô hình tư pháp người chưa thành niên cũng đã được ban hành. Khung pháp lý này rất đa dạng về hình thức và hiệu lực pháp lý bao gồm các tiêu chuẩn, quy tắc, hướng dẫn của LHQ và các bình luận chung của Ủy ban quyền trẻ em[2]. Bên cạnh đó, người chưa thành niên trong tư pháp hình sự quốc tế còn chịu sự điều chỉnh bởi quy định của những văn bản pháp luật nhân quyền khác[3].


*ThS Luật học, Trường ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh.

[1]Tài liệu chuẩn bị của Ban Thư ký cho Hội nghị lần thứ 12 của LHQ về phòng ngừa tội phạm và tư pháp hình sự, Trẻ em, thanh niên và tội phạm[2010], đoạn 3.

[2]Điển hình là những văn bản sau: Công ước về quyền trẻ em [1989]; Tiêu chuẩn của LHQ về những quy tắc tối thiểu đối với quản lý tư pháp người chưa thành niên [Quy tắc Bắc Kinh] [1985]; Tiêu chuẩn của LHQ về những quy tắc tối thiểu của các biện pháp không giam giữ [Quy tắc Tokyo] [1990]; Những quy tắc của LHQ về việc bảo vệ người chưa thành niên bị tước bỏ tự do [Quy tắc Havana] [1990]; Những hướng dẫn của LHQ đối với việc phòng ngừa tội phạm chưa thành niên [Hướng dẫn Riyadh] [1990]; Những hướng dẫn dành cho hành động đối với trẻ em trong hệ thống tư pháp hình sự [Hướng dẫn Vienna] [1997]; Những nguyên tắc cơ bản trong việc sử dụng các chương trình tư pháp phục hồi đối với những vụ án hình sự [2002]; Bình luận chung số 05 [2003] của Ủy ban Quyền trẻ em về những giải pháp cơ bản để thực hiện Công ước về Quyền trẻ em; Bình luận chung số 08 [2006] của Ủy ban Quyền trẻ em về quyền của trẻ em không bị áp dụng các hình phạt về thể xác và những hình phạt khác mang tính tàn nhẫn hoặc xúc phạm đến giá trị con người; Bình luận chung số 10 [2007] của Ủy ban quyền trẻ em về các quyền của trẻ em trong tư pháp người chưa thành niên. [Các bản Bình luận chung chứa đựng những hướng dẫn và kiến nghị của Ủy ban Quyền trẻ em đối với các quốc gia thành niên nhằm giúp họ xây dựng hệ thống tư pháp hình sự phù hợp với quy định của Công ước về Quyền trẻ em.

[3]Ví dụ: Công ước quốc tế về các Quyền dân sự và chính trị [1966]; Công ước Chống lại sự tra tấn; hình phạt hoặc đối xử tàn nhẫn, vô nhân đạo và xúc phạm giá trị con người [1984]; Những nguyên tắc tối thiểu tiêu chuẩn của việc đối xử tù nhân [Ban hành bởi Hội nghị lần thứ nhất của LHQ về Phòng ngừa tội phạm và Xử lý người phạm tội năm 1955 và được công nhận bởi Nghị quyết 663C [XXIV], ngày 31/7/1957 và Nghị quyết 2076 [LXII], ngày 13/5/1977 của Hội đồng Kinh tế và Xã hội]; Những quy tắc của LHQ về việc Đối xử các nữ tù nhân và những biện pháp không giam giữ đối với phụ nữ phạm tội [Quy tắc Bangkok] [2011]; Những nguyên tắc và hướng dẫn của LHQ đối với vấn đề tiếp cận sự trợ giúp pháp lý trong các hệ thống tư pháp hình sự [2012]; Các bản Bình luận chung của Ủy ban Quyền con người.


2. Các yếu tố cấu thành mô hình tư pháp người chưa thành niên của Liên hợp quốc

Thông qua khung pháp lý đã đề cập ở phần trên, có thể xác định được các thành tố của mô hình tư pháp người chưa thành niên do LHQ xây dựng. Đây là một mô hình chuẩn mực, toàn diện xử lý tất cả vấn đề liên quan đến tội phạm chưa thành niên như: chính sách và chương trình phòng ngừa tội phạm; thủ tục tố tụng áp dụng với người chưa thành niên bị buộc tội; hệ thống các biện pháp cải tạo, giáo dục, giám sát người chưa thành niên bị kết án và giúp họ tái hòa nhập vào cộng đồng. Do đó, các quốc gia thành viên nên có những sự nghiên cứu chi tiết, cụ thể và linh hoạt, vạch ra lộ trình thực hiện để có thể xây dựng được hệ thống tư pháp người chưa thành niên của quốc gia mang những đặc điểm tương đồng với mô hình mà LHQ đã định hướng.

a. Khung pháp lý riêng biệt

Theo Ủy ban Quyền trẻ em, những quy định áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội có thể được đặt trong các chương đặc biệt của Luật Hình sự và Luật TTHS hoặc trong một đạo luật riêng[4]. Vào năm 2013, Văn phòng LHQ về ma túy và tội phạm đã ban hành Luật mẫu về Tư pháp người chưa thành niên [Model Law on Juvenile Justice][6]nhằm cung cấp những hướng dẫn pháp lý cho các quốc gia thành viên trong quá trình cải cách hệ thống tư pháp người chưa thành niên và giúp đỡ họ soạn thảo luật về tư pháp người chưa thành niên. Luật mẫu chuyển hóa những tiêu chuẩn và quy định mang tính bắt buộc của tư pháp người chưa thành niên quốc tế vào một đạo luật quốc gia với mục đích hòa hợp luật quốc gia và những yêu cầu mang tính quốc tế.

Hiện nay, ở các quốc gia thành viên nơi đã thiết lập hệ thống tòa án chuyên biệt xét xử người chưa thành niên, phần lớn những quy định về thủ tục tố tụng và biện pháp xử lý thường được đặt trong một đạo luật riêng với tên gọi là Luật Tòa án người chưa thành niên [Youth Courts Law], hoặc Luật Tòa án người chưa thành niên và gia đình [Juvenile and Family Courts Law], hoặc Luật Tòa án trẻ em, thanh niên và gia đình [Children, Youth and Families Act][6]. Tên gọi các đạo luật này phản ánh phạm vi thẩm quyền xét xử của các tòa án chịu sự điều chỉnh của chúng. Trong khi đó, những quy định về các tội phạm cụ thể vẫn được đặt trong Bộ luật Hình sự. Đối với các quốc gia chưa có hệ thống tòa án người chưa thành niên, luật hình sự và TTHS thường có những chương đặc biệt chứa đựng một số quy định dành riêng cho người chưa thành niên phạm tội[7].

b. Cơ quan, người tiến hành tố tụng chuyên trách

Bên cạnh khung pháp lý chuyên biệt, một hệ thống tư pháp người chưa thành niên toàn diện còn đòi hỏi sự thành lập những đơn vị chuyên trách trong các cơ quan tiến hành tố tụng. LHQ đã có những quy định, giải thích nhất quán về vấn đề này. Thông qua Điều 12 và 22 của Quy tắc Bắc Kinh, Đại hội đồng LHQ nhấn mạnh nhu cầu đào tạo đặc biệt cho đội ngũ nhân viên thi hành pháp luật, nhất là cảnh sát [điểm tiếp xúc đầu tiên trong hệ thống tư pháp người chưa thành niên]; cũng như sự cần thiết phải thành lập các đơn vị cảnh sát chuyên trách tại các thành phố lớn. Ngoài ra, Ủy ban Quyền trẻ em kiến nghị các quốc gia thành viên thành lập Tòa án người chưa thành niên như những cơ quan độc lập hoặc là một bộ phận của các Tòa án cấp khu vực [regional]/cấp quận [district][8]. Đối với một số quốc gia, vì những lý do thực tiễn không thể thành lập ngay Tòa án người chưa thành niên, thì nên bổ nhiệm các Thẩm phán chuyên trách [specialized judges] để xử lý những vụ án do người chưa thành niên thực hiện[9].

Yêu cầu về tính chuyên trách còn đặt ra đối với tất cả cá nhân khác có tiếp xúc hoặc chịu trách nhiệm đối với người chưa thành niên trong hệ thống tư pháp hình sự bao gồm: công tố viên, luật sư, nhân viên hành chính, cán bộ trại giam, nhân viên xã hội Những người này phải được giáo dục và đào tạo một cách có hệ thống và thường xuyên về quyền con người; các nguyên tắc và quy định của Công ước quyền trẻ em; những tiêu chuẩn, hướng dẫn khác của LHQ về tư pháp người chưa thành niên[10]; nguyên nhân xã hội và những nguyên nhân khác của tội phạm chưa thành niên, sự phát triển về tâm lý của người chưa thành niên; những biện pháp xử lý người chưa thành niên phạm tội, đặc biệt là những biện pháp không thông qua quá trình TTHS[11]. Ủy ban quyền trẻ em nhấn mạnh rằng chất lượng của những người có liên quan đến việc quản lý tư pháp chưa thành niên là chìa khóa quyết định sự thực thi có hiệu quả và đúng đắn các quyền của người chưa thành niên[12].

c. Những dịch vụ hỗ trợ

Những dịch vụ đặc biệt được cung cấp cho người chưa thành niên trước, trong và sau quá trình TTHS bao gồm: tư vấn, bào chữa, giám sát. Ủy ban Quyền trẻ em kiến nghị các quốc gia thành viên cung cấp đến mức cao nhất có thể sự trợ giúp pháp lý bởi các luật sư chính thức hoặc tập sự[13]. Sự trợ giúp của những người khác [ví dụ nhân viên xã hội] cũng được chấp nhận với điều kiện họ phải có kiến thức đầy đủ về quá trình TTHS và phải được đào tạo để làm việc với người chưa thành niên phạm tội[14]. Bên cạnh đó, các trung tâm, cơ sở đặc biệt dùng để chăm sóc và điều trị cho người chưa thành niên phạm tội nên được xây dựng[15]. Trong hệ thống tư pháp người chưa thành niên, sự hợp tác hiệu quả về hoạt động giữa các cơ sở, dịch vụ này nên được thực hiện liên tục và lâu dài. Các cá nhân, tổ chức tự nguyện, các cơ quan địa phương và những nguồn lực cộng đồng khác nên được điều động vì sự đóng góp có hiệu quả vào quá trình tái hòa nhập của người chưa thành niên[16].

d. Phòng ngừa tội phạm do người chưa thành niên thực hiện

Một chính sách tư pháp người chưa thành niên không có những biện pháp phòng ngừa tội phạm là một thiếu sót nghiêm trọng. Liên quan đến lĩnh vực này, Ủy ban quyền trẻ em yêu cầu các nước chuyển hóa đầy đủ những Hướng dẫn về phòng ngừa tội phạm chưa thành niên của LHQ [Hướng dẫn Riyadh]vào chính sách tư pháp người chưa thành niên quốc gia[17]. Theo Điều 12 Hướng dẫn Riyadh, các quốc gia thành viên cần chú trọng xây dựng những chính sách phòng ngừa tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình xã hội hóa và hội nhập của người chưa thành niên, đặc biệt thông qua gia đình, cộng đồng, nhóm bạn bè, nhà trường, đào tạo nghề nghiệp, việc làm, cũng như những tổ chức tự nguyện.

e. Xử lý người chưa thành niên bị buộc tội

Xử lý người chưa thành niên bị buộc tội là một vấn đề mà theo đánh giá của Ủy ban Quyền trẻ em còn nhiều quốc gia hiện nay vẫn chưa tuân thủ đầy đủ các quy định của Công ước về quyền trẻ em. Về cơ bản, có hai hình thức xử lý người chưa thành niên phạm tội bao gồm: những biện pháp không thông qua quá trình TTHS hay còn gọi là xử lý chuyển hướng [diversion] và thủ tục TTHS [judicial proceedings].

i. Tội phạm ít nghiêm trọng

Khoản 3 Điều 40 Công ước về Quyền trẻ em quy định các quốc gia thành viên nên tăng cường áp dụng những biện pháp xử lý chuyển hướng khi thấy cần thiết và thích hợp. Đây là một phần không thể thiếu trong hệ thống tư pháp người chưa thành niên. Mặc dù theo quan điểm của Ủy ban Quyền trẻ em, những biện pháp này nên được sử dụng trong hầu hết các vụ án do người chưa thành niên thực hiện, pháp luật các nước thường chỉ cho phép các cơ quan có thẩm quyền áp dụng việc xử lý chuyển hướng đối với những trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội lần đầu. Các quốc gia thành viên được quyền tự quyết định bản chất và nội dung của các biện pháp xử lý không thông qua quá trình TTHS với điều kiện các quyền con người của người chưa thành niên và những đảm bảo pháp lý phải được tôn trọng và bảo vệ đầy đủ[18]. Thực tiễn cho thấy một số nước đã xây dựng và áp dụng những chương trình dựa trên nền tảng cộng đồng [community-based programmes] trong việc xử lý người chưa thành niên. Vì mục đích chính của những chương trình này là khắc phục hậu quả của tội phạm nên thường được gọi là tư pháp phục hồi [restorative justice].

Nhằm giúp đỡ các quốc gia thành viên, Hội đồng Kinh tế và Xã hội của LHQ đã ban hành Những nguyên tắc cơ bản trong việc sử dụng các chương trình tư pháp phục hồi đối với những vụ án hình sự. Theo đó, các quốc gia thành viên nên xây dựng những hướng dẫn và tiêu chuẩn điều chỉnh việc áp dụng các chương trình tư pháp phục hồi trên cơ sở tôn trọng những nguyên tắc cơ bản được ban hành bởi Hội đồng Kinh tế và Xã hội. Quá trình phục hồi [restorative process] bao gồm tất cả quá trình trong đó nạn nhân, người phạm tội và những cá nhân, thành viên khác của cộng đồng bị ảnh hưởng bởi một tội phạm tích cực cùng nhau tham gia giải quyết những vấn đề phát sinh của tội phạm, thông thường với sự trợ giúp của một người tổ chức[19]. Những quá trình phục hồi này có thể là: sự dàn xếp [mediation], hòa giải [conciliation], hội nghị [conferencing] và vòng tròn kết án [sentencing circles][20].

ii. Tội phạm nghiêm trọng

Đối với những trường hợp người chưa thành niên phạm tội nghiêm trọng, pháp luật các nước thường áp dụng thủ tục TTHS để giải quyết. Khi đó, nguyên tắc xét xử công bằng và bình đẳng phải được tuân thủ triệt để. Theo Ủy ban Quyền trẻ em, các quốc gia thành niên nên có nhiều quy định tạo cơ hội xử lý người chưa thành niên bằng những biện pháp mang tính giáo dục và xã hội, hạn chế nghiêm ngặt việc tước bỏ tự do [đặc biệt là giam giữ trước khi xét xử], phải xem đây là lựa chọn cuối cùng[21].

Để đảm bảo việc xét xử được công bằng và bình đẳng, Điều 37 và 40 Công ước về quyền trẻ em đã ghi nhận khá đầy đủ các quyền của người chưa thành niên bị buộc tội trong quá trình tố tụng, bao gồm: quyền không bị tước bỏ tự do một cách tùy tiện và trái pháp luật, quyền được suy đoán vô tội, quyền bào chữa, quyền được xét xử nhanh chóng, quyền đối chất và kiểm tra nhân chứng, quyền có người phiên dịch, quyền được đảm bảo về thông tin cá nhân,quyền kháng cáo. Điều 7 Quy tắc Bắc Kinh còn ghi nhận cho người chưa thành niên quyền im lặng, quyền có cha mẹ hoặc người giám hộ tham gia trong quá trình TTHS. Ngoài ra, Công ước quốc tế về các Quyền dân sự và chính trị cũng ghi nhận nguyên tắc xét xử công khai, quyền bình đẳng trước Tòa án cho người bị buộc tội nói chung. Trong phạm vi bài viết, tác giả chỉ tập trung trình bày và phân tích những quy định đặc thù của LHQ dành riêng cho người chưa thành niên bị buộc tội trong quá trình TTHS như: quyền được bảo vệ thông tin cá nhân[22], quyền có sự tham gia của cha mẹ hoặc người giám hộ, quyền không bị tước bỏ tự do một cách trái pháp luật và tùy tiện, quyền được xét xử nhanh chóng.

- Quyền có cha mẹ hoặc người giám hộ tham gia

Quyền có cha mẹ hoặc người giám hộ tham gia là một quyền đặc thù của người chưa thành niên bị buộc tội, được quy định tại khoản 1 Điều 7, khoản 1 Điều 10 và khoản 2 Điều 15 Quy tắc Bắc Kinh. Cơ sở pháp lý sau cùng quy định: Cha mẹ hoặc người giám hộ được quyền tham gia vào quá trình tố tụng và có thể được yêu cầu tham gia bởi cơ quan có thẩm quyền vì lợi ích của người chưa thành niên. Tuy nhiên, việc tham gia của những người này cũng có thể bị từ chối bởi cơ quan có thẩm quyền nếu có những căn cứ để cho rằng sự từ chối này là cần thiết vì lợi ích của người chưa thành niên.

Ủy ban Quyền trẻ em cho rằng cha mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp nên có mặt trong quá trình tố tụng vì họ có thể cung cấp những sự giúp đỡ về mặt tâm lý và tình cảm cho người chưa thành niên[23]. Sự tham gia của cha mẹ không có nghĩa rằng họ có thể bào chữa hoặc có liên quan đến quá trình ra quyết định. Ngoài ra, thẩm phán hoặc những người có thẩm quyền có thể giới hạn, hạn chế hoặc loại trừ sự có mặt của cha mẹ trong quá trình tố tụng trong những trường hợp như: theo yêu cầu của người chưa thành niên hoặc của sự trợ giúp pháp lý hoặc những trợ giúp thích hợp khác; hoặc đi ngược lại những lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên[24].

Ủy ban Quyền trẻ em kiến nghị các quốc gia thành viên quy định rõ trong luật những khả năng cao nhất cho sự tham gia của cha mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp vào quá trình tố tụng chống lại người chưa thành niên[25]. Sự tham gia này về cơ bản đóng góp một sự phản hồi có hiệu quả đối với người chưa thành niên phạm tội. Nhằm tăng cường sự tham gia của cha mẹ, họ phải được thông báo nhanh chóng về việc bắt giữ người chưa thành niên.

- Quyền không bị tước bỏ tự do một cách trái pháp luật và tùy tiện

Quyền này của người chưa thành niên được ghi nhận tại Điều 37 Công ước Quyền trẻ emvà được giải thích cụ thể trong Những quy tắc của LHQ về bảo vệ người chưa thành niên bị tước bỏ tự do. Sự tước bỏ tự do bao gồm bất kỳ hình thức nào của việc giam giữ và phạt tù hoặc đưa một người vào một nơi giam giữ công cộng hoặc tư nhân mà người đó không được phép rời khỏi theo quyết định của bất kỳ cơ quan xét xử, quản lý hoặc các cơ quan nhà nước khác[26]. LHQ luôn nhấn mạnh rằng việc tước bỏ tự do của người chưa thành niên chỉ được sử dụng như là giải pháp cuối cùng và chỉ trong thời gian cần thiết tối thiểu và nên giới hạn trong những trường hợp ngoại lệ[27].

Ngoài ra, biện pháp này chỉ được thực hiện trong những điều kiện và trường hợp đảm bảo tôn trọng các quyền con người của người chưa thành niên[29]. Người chưa thành niên bị giam giữ trong các cơ sở nên được đảm bảo lợi ích của những chương trình và hoạt động có ý nghĩa với mục đích phát triển, duy trì sức khỏe và lòng tự trọng của họ, và việc cổ động cho nhận thức về trách nhiệm, khuyến khích những thái độ và kỹ năng sẽ giúp họ trong việc phát triển tiềm năng trở thành những thành viên của xã hội[29]. Trên cơ sở đó, LHQ đã đưa ra những quy định cụ thể đối với việc giam giữ người chưa thành niên trong giai đoạn trước khi xét xử như sau[30]:

* Người chưa thành niên bị giam giữ theo quyết định bắt người hoặc đang chờ xét xử được suy đoán vô tội và được đối xử theo nguyên tắc này. Vì vậy, việc giam giữ trước khi xét xử nên được hạn chế đến mức có thể và nên cố gắng áp dụng những biện pháp thay thế. Tuy nhiên, khi việc giam giữ mang tính phòng ngừa được sử dụng, các Tòa án người chưa thành niên và cơ quan điều tra phải ưu tiên giải quyết nhanh chóng vụ án nhằm đảm bảo thời gian giam giữ có thể được ngắn nhất. Những người bị giam giữ để chờ xét xử phải được cách ly với những người chưa thành niên đã bị kết án.

* Những điều kiện giam giữ người chưa thành niên nên phù hợp với các quy tắc dưới đây, với những quy định bổ sung cụ thể nếu thấy cần thiết và thích hợp, trên cơ sở nguyên tắc suy đoán vô tội, thời hạn giam giữ, tình trạng pháp lý và những trường hợp của người chưa thành niên. Những quy định này bao gồm [không chỉ hạn chế] các vấn đề sau: [a] Người chưa thành niên được quyền có luật sư bào chữa và nộp đơn được trợ giúp pháp lý miễn phí khi có thể, được liên lạc thường xuyên với người tư vấn pháp lý. Đời tư và sự bí mật của việc liên hệ này được đảm bảo; [b] Người chưa thành niên nên được [khi có thể] cho cơ hội tiếp tục làm việc có hưởng thu nhập, tiếp tục được giáo dục và đào tạo [điều này không mang tính bắt buộc]. Công việc, sự giáo dục và đào tạo không phải là nguyên nhân dẫn đến việc tiếp tục bị giam giữ; [c] Người chưa thành niên nên được nhận và giữ các đồ vật phục vụ cho việc giải trí phù hợp với những lợi ích của việc quản lý tư pháp.

Bên cạnh những quy tắc cơ bản trên, LHQ còn có những hướng dẫn rất cụ thể về việc tổ chức và quản lý các cơ sở giam giữ cũng như những vấn đề liên quan đến chế độ giam giữ người chưa thành niên như giáo dục, dạy nghề, lao động, giải trí, chăm sóc sức khỏe[31]

- Quyền được xét xử nhanh chóng

Quyền của người chưa thành niên được xét xử nhanh chóng được quy định tại khoản 1 Điều 7 Quy tắc Bắc Kinh; điểm b [iii] khoản 2 Điều 40 Công ước về Quyền trẻ em. Ủy ban Quyền con người và Ủy ban Quyền trẻ em cũng đã có những hướng dẫn về việc bảo vệ quyền này[32].

Trong Bình luận chung số 32 [2007], Ủy ban quyền con người giải thích rằng Quyền được xét xử nhanh chóng không chỉ được ghi nhận nhằm tránh việc giữ một người quá lâu trong tình trạng không biết chắn chắn về số phận của người đó và để đảm bảo rằng sự tước bỏ tự do không kéo dài hơn mức cần thiết [nếu bị giam giữ trong suốt quá trình xét xử], mà còn để phục vụ cho những lợi ích của tư pháp. Quyền này không chỉ liên quan đến thời hạn tính từ khi buộc tội chính thức bị can cho đến khi việc xét xử được tiến hành, mà còn bao gồm cả thời hạn đến khi có quyết định cuối cùng của cấp phúc thẩm. Theo Ủy ban Quyền con người thì thời hạn đó phải hợp lý. Để xác định tính hợp lý cần phải dựa vào ba yếu tố: tính phức tạp của vụ án, hành vi của bị can, và cách thức mà vấn đề được giải quyết bởi các cơ quan hành chính và xét xử. Ủy ban Quyền con người còn lưu ý rằng trong trường hợp tòa án từ chối việc bảo lĩnh thì bị can phải được xét xử càng sớm càng tốt.

Theo Ủy ban Quyền trẻ em, có một sự đồng thuận toàn thế giới rằng đối với trẻ em vi phạm pháp luật hình sự, thời gian từ lúc thực hiện hành vi phạm tội cho đến khi có quyết định cuối cùng về hành vi này nên càng ngắn càng tốt, bởi vì quá trình này càng dài thì tác dụng mang tính tích cực và giáo dục của việc xử lý càng giảm sút và khả năng đứa trẻ bị bêu xấu sẽ tăng thêm. Trên cơ sở đó, Ủy ban Quyền trẻ em kiến nghị các quốc gia thành viên đặt ra và thực hiện những thời hạn nhất định cho quá trình từ khi thực hiện hành vi phạm tội cho đến khi hoàn tất việc điều tra của cảnh sát, có quyết định buộc tội của công tố viên [hoặc người có thẩm quyền khác] và quyết định cuối cùng của Tòa án hoặc những cơ quan tư pháp có thẩm quyền khác. Những thời hạn này nên ngắn hơn nhiều so với thời hạn áp dụng cho người đã thành niên. Nhưng đồng thời, những quyết định nhanh chóng này nên là kết quả của của một quá trình trong đó những quyền con người của trẻ em và những đảm bảo pháp lý khác được tôn trọng đầy đủ. Trong quá trình ra quyết định không bị chậm trễ này, sự trợ giúp pháp lý hoặc những trợ giúp thích hợp khác phải được thực hiện. Sự trợ giúp này không nên bị giới hạn tại phiên tòa trước tòa án hoặc những cơ quan xét xử khác, mà còn áp dụng cho tất cả các giai đoạn khác của quá trình tố tụng, bắt đầu từ việc hỏi cung đứa trẻ của cảnh sát.

g. Hệ thống các biện pháp áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội

i. Những nguyên tắc cơ bản

Những vấn đề liên quan đến thi hành án hình sự của người chưa thành niên được rất nhiều nhà nghiên cứu quan tâm. Mục đích là tìm ra các biện pháp riêng biệt, thích hợp để áp dụng cho người chưa thành niên phạm tội; đảm bảo vừa có thể giám sát, quản lý và vừa tạo điều kiện để họ tự giáo dục, rèn luyện và cải tạo để sớm hòa nhập với cộng đồng. Công ước về Quyền trẻ em đã có những quy định cơ bản về việc thi hành án của người chưa thành niên[33]. Ngoài ra, Ủy ban Quyền trẻ em cũng đưa ra những giải thích mang tính nguyên tắc đối với lĩnh vực này[34].

Theo Ủy ban Quyền trẻ em, những biện pháp được liệt kê tại khoản 4 Điều 40 Công ước về Quyền trẻ em không phải là tất cả. Việc phản hồi lại một tội phạm luôn phải tương xứng không chỉ đối với những hoàn cảnh và mức độ nguy hiểm của tội phạm, mà còn phải xem xét tuổi, trách nhiệm nhẹ hơn và hoàn cảnh, nhu cầu của trẻ em; cũng như những nhu cầu khác nhau và lâu dài của xã hội. Cách thức tiếp cận mang tính trừng phạt không phù hợp với những nguyên tắc chủ đạo của tư pháp người chưa thành niên được quy định tại khoản 1 Điều 40 Công ước về Quyền trẻ em. Ủy ban Quyền trẻ em cũng lưu ý rằng đối với những tội phạm đặc biệt nguy hiểm được thực hiện bởi trẻ em, thì những biện pháp tương xứng với hoàn cảnh của người phạm tội và mức độ nguy hiểm của tội phạm, nhu cầu về an toàn công cộng và trừng phạt có thể được xem xét. Tuy nhiên, những vấn đề đó không có giá trị bằng nhu cầu bảo đảm sự khỏe mạnh, những lợi ích tốt nhất của trẻ em và thúc đẩy sự tái hòa nhập của họ[35]. Cơ quan này cũng đề nghị các quốc gia thành viên nên học tập kinh nghiệm về việc áp dụng những giải pháp thay thế cho sự tước bỏ tự do,trên cơ sở đó, phát triển và thực hiện những biện pháp này bằng cách điều chỉnh cho phù hợp với văn hóa và truyền thống của nước mình.

Quy tắc Bắc Kinh đã chia những biện pháp xử lý người chưa thành niên phạm tội thành 3 nhóm mang tính cơ quan [institutional treatment], mang tính bán cơ quan [semi-institutional arrangements]và không mang tính cơ quan [non-institutional treatment][36]. Nguyên tắc áp dụng là: các biện pháp mang tính cơ quan luôn là lựa chọn cuối cùng và được thi hành trong thời hạn cần thiết tối thiểu[37]. Trong trường hợp này, các quy định có liên quan đến người chưa thành niên trong Những nguyên tắc tối thiểu về tiêu chuẩn của việc đối xử tù nhân phải được tuân thủ. Ngược lại, những biện pháp không mang tính cơ quan được khuyến khích ưu tiên áp dụng, bao gồm: lệnh chăm sóc, hướng dẫn và giám sát; án treo; lệnh dịch vụ cộng đồng; những hình phạt về tài chính, bồi thường thiệt hại; lệnh tham gia vào nhóm tư vấn và những hoạt động tương tự; lệnh liên quan đến chăm sóc cổ động, chung sống với cộng đồng và những môi trường giáo dục khác[38]

ii. Quyền không bị áp dụng những hình phạt tàn nhẫn và vô nhân đạo

Quyền này được ghi nhận tại khoản 3 Điều 17 Quy tắc Bắc Kinh; Điều 19, điểm a Điều 37 Công ước về Quyền trẻ em. Ngoài ra, Ủy ban Quyền trẻ em cũng đã có những hướng dẫn cụ thể về quyền này thông qua Bình luận chung số 08 [2006]. Điểm a Điều 37 Công ước về Quyền trẻ em quy định: Không một đứa trẻ nào bị tra trấn hoặc bị áp dụng những biện pháp xử lý hoặc hình phạt tàn nhẫn, vô nhân đạo và xúc phạm giá trị con người. Không được áp dụng hình phạt tử hình hoặc tù chung thân mà không có khả năng được trả tự do đối với những tội phạm do người dưới 18 tuổi thực hiện.

Theo LHQ, hình phạt về thể xác và những hình phạt khác mang tính tàn nhẫn hoặc xúc phạm đến giá trị con người[39]được cho là những hình thức thực tế của sự bạo lực chống lại trẻ em. Trong khi đó, Công ước về Quyền trẻ em và các công cụ nhân quyền quốc tế khác đã ghi nhận quyền của trẻ em được tôn trọng giá trị con người, sự toàn vẹn về thể chất và sự bảo vệ công bằng trước pháp luật. Vì vậy, LHQ yêu cầu các quốc gia thành viên phải nhanh chóng ngăn cấm và loại trừ tất cả những hình phạt về thể xác và những hình phạt khác mang tính tàn nhẫn hoặc xúc phạm đến giá trị con người của trẻ em. Bên cạnh đó, LHQ cũng đồng thời phác thảo những giải pháp mang tính lập pháp, tăng cường nhận thức, giáo dục và kiến nghị các quốc gia thành viên phải thực hiện[40].

Tuy nhiên, Ủy ban Quyền trẻ em[41]cũng nhận thấy có những trường lợp ngoại lệ trong đó những người như: giáo viên, người tiếp xúc với trẻ em phạm tội có thể đứng trước những hành vi nguy hiểm mà việc áp dụng sự cưỡng chế hợp lý để kiểm soát có thể được xem là thỏa đáng. Đối với vấn đề này cần phân biệt rõ giữa việc sử dụng vũ lực với mục đích bảo vệ một đứa trẻ hoặc những người khác và việc sử dụng vũ lực để trừng phạt. Nguyên tắc sử dụng sức mạnh cần thiết tối thiểu trong thời gian cần thiết ngắn nhất phải luôn được tuân thủ. Những hướng dẫn chi tiết và đào tạo cần được thực hiện để vừa giảm thiểu sự cần thiết phải sử dụng biện pháp cưỡng chế, vừa đảm bảo rằng bất kỳ giải pháp nào được áp dụng luôn an toàn và tương xứng với từng trường hợp và không liên quan đến việc cố ý gây thương tích như là một cách thức để kiểm soát.

iii. Hình phạt tử hình và hình phạt tù chung thân

Về hình phạt tử hình, điểm a Điều 37 Công ước về Quyền trẻ em tái khẳng định[42]sự chấp nhận mang tính quốc tế rằng hình phạt này không được áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội. Mặc dù quy định khá rõ ràng nhưng hiện nay một số quốc gia suy luận rằng nguyên tắc này chỉ ngăn cấm việc áp dụng hình phạt tử hình đối với người chưa đủ 18 tuổi tại thời điểm thi hành án[43]. Về vấn đề này, Ủy ban Quyền trẻ em giải thích hình phạt tử hình không được áp dụng đối với người chưa đủ 18 tuổi tại thời điểm thực hiện tội phạm mà không kể đến độ tuổi của người đó khi xét xử, kết án hoặc thi hành hình phạt[44].

Liên quan đến hình phạt tù chung thân, điểm a Điều 37 Công ước về Quyền trẻ em quy định không được áp dụng hình phạt tù chung thân mà không có khả năng được phóng thích đối với người chưa thành niên. Ủy ban Quyền trẻ em nhắc nhở các quốc gia thành viên phải tuyệt đối tuân thủ quy định này và thường xuyên kiểm tra lại quá trình phát triển của các trẻ em đang thi hành án để quyết định về khả năng được thả ra của họ[45]. Tuy nhiên, theo cơ quan này, ngay cả trường hợp được phóng thích thì mục tiêu của tư pháp hình sự người chưa thành niên cũng rất khó thực hiện được[46]. Chính vì vậy, Ủy ban Quyền trẻ em mạnh mẽ kiến nghị các quốc gia thành viên bỏ tất cả các hình thức của tù chung thân đối với những tội phạm do người chưa thành niên thực hiện[47].


[4]Ủy ban quyền trẻ em, Bình luận chung số 10 [2007]: Các quyền của trẻ em trong tư pháp người chưa thành niên, 44thsess, UN Doc CRC/C/GC/10 [25/04/2007], đoạn 91.

[5]Văn bản này có thể truy cập tại địa chỉ: . Trước đây, vào năm 1997, trung tâm Phòng ngừa tội phạm quốc tế của LHQ cũng đã ban hành một Luật mẫu về Tư pháp người chưa thành niên.

[6]Ví dụ: các quốc gia Châu Âu, Úc [bang Victoria], Thái Lan.

[7]Ví dụ: Việt Nam, Trung Quốc.

[8]Ủy ban Quyền trẻ em, chú thích số 4, đoạn 93. Kiến nghị này trước đây đã được Hội đồng Kinh tế và Xã hội của LHQ đưa ra trong Những hướng dẫn cho hành động đối với trẻ em trong hệ thống tư pháp hình sự [1997], đoạn 14[d].

[9]Ủy ban Quyền trẻ em, chú thích số 4, đoạn 93.

[10]Hội đồng Kinh tế và Xã hội, chú thích số 8, đoạn 24.

[11]Ủy ban quyền trẻ em, chú thích số 4, đoạn 97.

[12]Như trên, đoạn 40.

[13]Như trên, đoạn 49.

[14]Như trên.

[15]Như trên, đoạn 94.

[16]Điều 25 Quy tắc Bắc Kinh.

[17]Ủy ban quyền trẻ em, chú thích số 4, đoạn 17.

[18]Ủy ban Quyền trẻ em, chú thích số 4, đoạn 27.

[19]Hội đồng Kinh tế và Xã hội, Những nguyên tắc cơ bản trong việc sử dụng các chương trình tư pháp phục hồi đối với những vụ án hình sự[2002], đoạn 2, phần I.

[20]Như trên.

[21]Ủy ban Quyền trẻ em, chú thích số 4, đoạn 28.

[22]Tham khảo bài viết: Quyền được bảo vệ về thông tin cá nhân của người chưa thành niên bị buộc tội trong luật quốc tế và luật tố tụng hình sự Việt Nam của tác giả,Tạp chí khoa học pháp lý, số 2/2013, tr. 22-28.

[23]Ủy ban Quyền trẻ em, chú thích số 4, đoạn 53.

[24]Như trên.

[25]Như trên, đoạn 54.

[26]Những quy tắc của LHQ về bảo vệ người chưa thành niên bị tước bỏ tự do, ban hành bởi Nghị quyết 45/113, ngày 14/12/1990 của Đại hội đồng LHQ, điểm b, Điều 11.

[27]Như trên, Điều 2.

[28]Như trên, Điều 12.

[29]Những quy tắc của LHQ về bảo vệ người chưa thành niên bị tước bỏ tự do, chú thích số 26, Điều 12.

[30]Như trên, Điều 17-18.

[31]Như trên, phần IV. Tham khảo thêm Ủy ban quyền trẻ em, chú thích số 4, mục F phần IV.

[32]Ủy ban quyền con người, Bình luận chung số 32 [2007]: Điều 14: Quyền bình đẳng trước các Tòa án và được xét xử công bằng, đoạn 34; Ủy ban quyền trẻ em, chú thích số 4, đoạn 51-52.

[33]Khoản 4 Điều 40 Công ước về Quyền trẻ em yêu cầu: Những biện pháp xử lý khác nhau như: các lệnh chăm sóc, hướng dẫn và giám sát; sự tư vấn; án treo; sự chăm sóc mang tính động viên; giáo dục và những chương trình đào tạo nghề cũng như những giải pháp thay thế cho sự chăm sóc mang tính cơ quan, sẽ được áp dụng để đảm bảo trẻ em được xử lý bằng một cách thức phù hợp với sự phát triển tốt đẹp của họ, tương xứng với từng trường hợp cụ thể và hành vi phạm tội.

[34]Ủy ban Quyền trẻ em, chú thích số 4, đoạn 70-74.

[35]Về những nguyên tắc định hướng cho việc xét xử và quyết định biện pháp xử lý người chưa thành niên phạm tội, tham khảo thêm Điều 17 Quy tắc Bắc Kinh.

[36]Phần IV, V Quy tắc Bắc Kinh.

[37]Điều 19 Quy tắc Bắc Kinh.

[38]Điều 18 Quy tắc Bắc Kinh.

[39]Khái niệm về những hình phạt và cách đối xử này được quy định tại khoản 1 Điều 1 Công ước chống lại sự tra tấn; hình phạt hoặc đối xử tàn nhẫn, vô nhân đạo và xúc phạm giá trị con người; Đoạn 11, Bình luận chung số 08 [2006]: Quyền của trẻ em không bị áp dụng các hình phạt về thể xác và những hình phạt khác mang tính tàn nhẫn hoặc xúc phạm đến giá trị con người, 42ndsess, UN Doc CRC/C/GC/8 [2/3/2007] của Ủy ban Quyền trẻ em.

[40]Xem Ủy ban Quyền trẻ em, chú thích số 39, phần V.

[41]Như trên, đoạn 15.

[42]Việc bỏ hình phạt tử hình đã được quy định tại khoản 5 Điều 6 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị.

[43]Ủy ban Quyền trẻ em, chú thích số 4, đoạn 75.

[44]Như trên.

[45]Như trên, đoạn 77.

[46]Như trên.

[47]Như trên.


3. Kết luận

Tư pháp người chưa thành niên là một bộ phận không thể thiếu trong hệ thống tư pháp hình sự của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, theo đánh giá của Ủy ban Quyền trẻ em, nhiều quốc gia thành viên vẫn còn một chặng đường dài để có thể tuân thủ tất cả những quy định của Công ước về Quyền trẻ em, đặc biệt là việc đảm bảo các quyền tố tụng; sự phát triển và thực thi những biện pháp xử lý người chưa thành niên phạm tội không sử dụng đến thủ tục TTHS; việc tước bỏ tự do được áp dụng như là giải pháp cuối cùng.[48]Sau hơn 20 năm thực thi Công ước về quyền trẻ em, đã đến lúc các quốc gia thành viên phải nghiêm túc xem xét lại những khiếm khuyết trong hệ thống tư pháp người chưa thành niên của quốc gia mình. Trên cơ sở đó, tiến hành công cuộc cải cách tư pháp nhằm hướng đến việc xây dựng mô hình tư pháp người chưa thành niên đáp ứng được những tiêu chuẩn, quy tắc do LHQ đã đề ra.


[48]Như trên, đoạn 1.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

©

Bài viết được đăng tải dưới sự cho phép của Tạp chí Khoa học Pháp lý Việt Nam, mọi quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến bài viết được bảo lưu. Chi tiết xin vui lòng liên email

Vui lòng đăng nhập tài khoản để tải miễn phí.

Gmail

Đăng ký

Quên mật khẩu?

Đặt mua

Bản giấy tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam

Bài viết liên quan trên

Google scholar

Trích dẫn bài viết qua

Google scholar Crossref

  • Bài báo mới

Video liên quan

Chủ Đề