Mô hình chuỗi cung ứng của iPhone

Apple là một trong những công ty dẫn đầu về đổi mới trong thiết kế, phát triển sản phẩm, thương hiệu, marketing và hệ sinh thái phần mềm. Thành công của Apple được thể hiện qua doanh thu và lợi nhuận liên tục tăng trong nhiều năm. Vậy điều gì đã giúp Apple thành công đến vậy?

Sự thành công trong ngành điện tử tiêu dùng

Apple Inc., tên trước đây là Tập đoàn máy tính Apple, được sáng lập bởi Steve Jobs, Steve Wozniak và Ronald Wayne vào ngày 01.4.1976. Dù trải qua một giai đoạn kém thành công và có thời điểm gần như phá sản vào giữa thập niên 1990, Apple đã được tái thiết với sự quay trở lại của Steve Jobs vào năm 1997. Ngày nay, Apple được xem là một trong những công ty dẫn đầu về đổi mới, thiết kế và phát triển sản phẩm, thương hiệu, marketing và hệ sinh thái phần mềm.

Thành công của Apple là rõ ràng với doanh thu và lợi nhuận liên tục tăng trong nhiều năm qua. Tuy vậy, những nhân tố chủ yếu đưa đến thành công này cũng là một đề tài có nhiều tranh luận khác nhau: vị trí tài chính của Apple, chiến lược khác biệt hóa sản phẩm, trình độ xây dựng thương hiệu và marketing, chiến lược bán lẻ với các cửa hàng bán lẻ Apple Store, quyền nắm giữ và kiểm soát cả phần cứng và phần mềm, trình độ quản trị chuỗi cung ứng.

Trong các nhân tố trên, nhiều chuyên gia tin rằng, năng lực vượt trội về quản trị chuỗi cung ứng là nhân tố quan trọng hàng đầu giúp Apple vượt lên nhiều công ty trong ngành để trở thành công ty có giá trị nhất trên thế giới. Tính đến 19/8/2020 Apple đã trở thành công ty Mỹ đầu tiên đạt mốc 2.000 tỷ USD giá trị thị trường, qua đó trở thành minh chứng mới nhất cho thấy các tập đoàn công nghệ lớn đang được hưởng lợi từ những biến động do đại dịch COVID-19.

Một năng lực cốt lõi của Apple là khả năng sáng tạo và đổi mới liên tục, yếu tố này đã mang lại lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Tuy vậy, những sản phẩm mang tính cách mạng cùng thiết kế hấp dẫn, được nhiều khách hàng yêu thích như: iPod, iPhone hay iPad sẽ không mang lại nhiều thành công đến vậy nếu như doanh nghiệp này không thể đáp ứng được yêu cầu của khách hàng về số lượng, chất lượng và thời gian. Điều này nhấn mạnh vai trò cốt lõi của quản trị chuỗi cung ứng đối với sự thành bại của doanh nghiệp trên thương trường.

Chuỗi cung ứng dẫn đầu của Apple

Ngày nay, Apple là một trong những công ty giỏi nhất trên thế giới về quản trị chuỗi cung ứng, đã giành nhiều giải thưởng về chiến lược chuỗi cung ứng. Gartner (một công ty chuyên về nghiên cứu và tư vấn có trụ sở tại Hoa Kỳ) đã liên tục xếp Apple vị trí đầu bảng trong danh sách 25 công ty dẫn đầu về quản trị chuỗi cung ứng trên toàn cầu từ 2010 – 2019.

Theo Mark và Johnson, về cơ bản, Apple quản lý chuỗi cung ứng toàn cầu với phần phát triển sáng tạo ở Hoa Kỳ và thuê ngoài các công đoạn sản xuất ở các quốc gia châu Á và mua linh kiện từ các nguồn khác nhau trên khắp thế giới. Linh kiện được chuyển đến các nhà máy lắp ráp ở Trung Quốc bằng đường hàng không để tiết kiệm thời gian và chi phí. Từ đây, thành phẩm được chuyển trực tiếp đến tay người tiêu dùng thông qua dịch vụ chuyển phát (UPS hoặc FedEx) đối với những người tiêu dùng đặt mua sản phẩm Apple qua website của công ty.

Đối với những kênh phân phối còn lại (cửa hàng bán lẻ và nhà phân phối), Apple trữ hàng tại kho trung tâm tại Elk Grove, California và giao sản phẩm từ các kho này. Cuối chuỗi này, Apple có dịch vụ bảo hành và thu hồi các sản phẩm hư hỏng, không còn sử dụng được nữa để tái chế.

Mô hình chuỗi cung ứng của Apple

Mô hình chuỗi cung ứng của iPhone

Hoạt động lập kế hoạch trong chuỗi cung ứng của Apple là ví dụ điển hình về Quy trình phát triển sản phẩm mới (NPD – New Product Development Process). Đó là sự tích hợp của hoạt động các phòng ban, từ R&D (Nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới), Marketing và các phòng ban khác trong quản lý chuỗi cung ứng. Ngoài ra, Apple tăng tốc giới thiệu sản phẩm mới bằng cách mua lại giấy phép và hợp tác với các doanh nghiệp của bên thứ ba. Toàn bộ quá trình về cơ bản giống với các ngành khác. Điểm thú vị là Apple Inc đã thực hiện thanh toán trước cho một số nhà cung cấp để đảm bảo nguyên liệu chiến lược luôn sẵn sàng khi cần.

Mô hình chuỗi cung ứng của iPhone

Từ nguyên vật liệu đầu vào khắp nơi trên thế giới, Apple sẽ thỏa thuận vận chuyển tất cả về điểm tập trung lắp ráp tại Trung Quốc. Sau khi hoàn thành, sản phẩm xuất xưởng sẽ được vận chuyển trực tiếp tới tay người dùng qua UPS hoặc FedEx nếu họ mua trên trang chủ của Apple.

Đối với cửa hàng Apple hay các đối tác bán lẻ khác, sản phẩm Táo khuyết sẽ được vận chuyển số lượng lớn về kho hàng chính tại Elk Grove, California để chờ phân phối. Vào cuối vòng đời của mình, khách hàng có thể gửi trả các sản phẩm Apple để chúng được tái chế an toàn.

Chuỗi cung ứng Apple tỏ ra hiệu quả đến mức, đến tận hiện tại mô hình quản lý chuỗi cung ứng này vẫn không có nhiều thay đổi ở Apple, và ngày càng sẽ được tối ưu hóa cho ưu việt hơn.

Thách thức của chuỗi cung ứng Apple

Trái ngược với suy nghĩ của nhiều người: Quản lý Chuỗi cung ứng của Apple tương đối phức tạp và tiềm ẩn nhiều rủi ro, ví dụ:

  • Một số người bán lại (re-sellers) có thể phân phối sản phẩm từ các nhà sản xuất đối thủ.
  • Hàng tồn kho có thể trở thành hàng obsolete
  • Một số linh kiện điện tử được thu mua từ nhà cung cấp độc quyền hoặc từ nguồn có giới hạn.
  • Một số linh kiện tùy chỉnh chỉ được sử dụng cho một số công đoạn nhất định chứ không thể sử dụng cho phần còn lại của chuỗi cung ứng.
  • Dự trữ vừa đủ các linh kiện để sử dụng cho sản xuất.
  • Thảm họa tự nhiên (như bão, lụt…) hoặc nhân tạo có thể làm gián đoạn Chuỗi cung ứng.
  • Phụ thuộc vào các công ty dịch vụ Logistics thuê ngoài (outsourcing)
  • Công ty cũng dựa vào các đối tác để tuân thủ quy tắc ứng xử của nhà cung cấp (supplier code of conduct).

Các thông tin trên được trích dẫn từ báo cáo thường niên của công ty. Như bạn có thể thấy, hầu hết các rủi ro đều ở phía cung.

Mô hình chuỗi cung ứng của iPhone

Các yếu tố thành công của chuỗi cung ứng Apple

Thuê ngoài hiệu quả

Apple giữ lại tất cả các khâu thuộc về sáng tạo đổi mới tại Hoa Kỳ và thuê ngoài những khâu còn lại. Có thể tìm thấy dòng chữ “designed by Apple in California” (thiết kế bởi Apple tại California) ở mặt sau của những chiếc iPhone. Các hoạt động nghiên cứu, thiết kế và phát triển sản phẩm là những hoạt động tốn nhiều trí lực nhất và cũng mang lại giá trị cao nhất trong chuỗi giá trị sẽ được giữ lại, còn các hoạt động sản xuất, vận chuyển, lưu kho… sẽ được thuê ngoài.

Apple có hợp đồng với rất nhiều nhà cung ứng cho các linh kiện của một sản phẩm. Không những thế, theo Australian Institute of Company Directors (2015), Apple còn làm việc với những nhà cung cấp khác nhau cho cùng một loại linh kiện giống nhau. Ưu điểm của phương thức này là giảm thiểu sự tác động khi có một sự cố bất thường xảy đến với một nhà cung ứng cụ thể. Thêm vào đó, từ năm 1998, Apple đã cắt giảm số lượng nhà cung ứng linh kiện từ 100 xuống còn 24 và nhờ có sức mạnh thương lượng, Apple có thể khiến các nhà cung ứng cạnh tranh lẫn nhau để giành được hợp đồng cung ứng linh kiện.

Theo Kraemer và cộng sự (2011), các nhà cung cấp ở Nhật Bản giành được hợp đồng cung ứng linh kiện cho các mẫu máy nghe nhạc iPod đầu tiên; tuy vậy, đến các mẫu iPod sau đó cùng với iPhone và iPad, phần lớn những nhà cung cấp linh kiện là các công ty Hàn Quốc (LG, Samsung). Dĩ nhiên sự thay đổi này một phần do Apple chuyển sang dùng bộ nhớ flash thay vì đĩa cứng trong các sản phẩm của mình. Apple cũng đã thay nhà sản xuất chip xử lý PortalPlayer ở Thung lũng Silicon bằng hợp đồng với Samsung và gần đây là TSMC ở Đài Loan.

Hiện tại số lượng nhà cung cấp cho Apple đã lên tới hơn 785 đối tác khắp 31 nước. Nhưng Apple dưới thời Tim Cook vẫn liên tục áp dụng các “chiến thuật” hợp tác chứ không đơn thuần chỉ là quan hệ mua bán.

Theo danh sách nhà cung cấp chính thức của Apple vào năm 2015, 97% chuỗi cung ứng của Apple (bao gồm cả thu mua, sản xuất và lắp ráp) chỉ nằm trong tay 200 đối tác trọng điểm. Điều này đồng nghĩa với việc 585 nhà cung cấp còn lại chỉ được hưởng 3% miếng bánh Apple, tạo nên một áp lực cạnh tranh khổng lồ.

Đối với các nhà cung cấp chính, Apple luôn ưu tiên ký các hợp đồng dài hạn và sử dụng nguồn tiền mặt “dư dả” của mình để đặt cọc trước nhằm thương lượng các chi phí thấp nhất và số lượng dự trữ lớn nhất có thể.

Chiến thuật hợp tác trên cho phép Apple:

  • Giảm thiểu rủi ro sản xuất, đảm bảo doanh thu không bị mất vào tay đối thủ.
  • Linh hoạt gia tăng sản lượng bằng cách “chia” nhỏ ra cho nhiều đối tác.
  • Khuyến khích cả nhà cung cấp lớn và nhỏ liên tục cạnh tranh với nhau.
  • Ký các hợp đồng “độc quyền” nhằm hạn chế đối thủ có thể mở rộng khả năng sản xuất.

Khả năng linh động trong thuê ngoài đã giúp Apple tập trung vào năng lực cốt lõi của mình là nghiên cứu, đổi mới, sáng tạo để liên tục tung ra những sản phẩm mới thuyết phục người tiêu dùng. Apple là một công ty sản xuất không thực sự sở hữu dây chuyền sản xuất nào.

Quản lý tồn kho độc đáo

Được mệnh danh là “Chuyên gia Chuỗi cung ứng”, Tim Cook là người dẫn đầu trong những kế hoạch cắt giảm hao phí và đưa ra các tiêu chí theo dõi tồn kho nhằm hạn chế số lượng nhà cung cấp cũng như kho hàng, tinh giản và tối ưu hóa cả Chuỗi cung ứng của Apple.

Tim Cook có một niềm tin mãnh liệt rằng tồn kho là nguyên nhân chính làm giảm giá trị các sản phẩm công nghệ như Điện thoại thông minh, máy tính bảng hay laptop. “Tồn kho là cội nguồn của tội ác” Tim Cook từng nhận định.

Vì giá trị của sản phẩm sẽ giảm 1-2% mỗi tuần trong lúc lưu kho, Tim Cook đã chia sẻ cách ông quản lý hàng tồn kho Apple: “Bạn phải coi nó như là sản phẩm bơ sữa, thời gian lưu kho chỉ làm gia tăng thêm vấn đề mà thôi.”

Theo Apple Insider: “Ngay từ những ngày đầu, Tim Cook đã ra lệnh đóng cửa 10 trong tổng số 19 kho hàng của Apple nhằm giảm số lượng tồn kho, đến tháng 9 năm 1998 (tức chỉ vài tháng sau khi ông gia nhập) thời gian tồn kho trung bình của Apple giảm từ 30 ngày xuống chỉ còn… 6 ngày.”

Một so sánh về khả năng quản lý tồn kho của các tập đoàn công nghệ hàng đầu vào năm 2011 cho thấy Apple bỏ xa các đối thủ khác như Dell, HP, Blackberry hay Motorola.

  • Các nhà phân tích đã đưa ra nhận định trên dựa vào Hệ số vòng quay hàng tồn kho (Giá vốn / Hàng tồn kho bình quân), với chỉ số của Apple cao gấp 2 lần so với Dell, 4,5 lần Blackberry, 5 lần HP, và 5,5 lần Motorola, thể hiện khả năng quản trị hàng tồn kho “đỉnh cao” của Táo Khuyết.
  • Hơn thế nữa, vào tháng 7 năm 2011, Apple còn làm nên điều “không tưởng” khi bán sạch tất cả iPad 2 vừa cho ra lò, loại bỏ toàn toàn chi phí lưu kho.
  • Không những giữ vững được “phong độ” mặc cho thị trường ngày một cạnh tranh. Vào năm 2012, Apple còn giảm số ngày tồn kho trung bình xuống chỉ còn … 5 ngày. Con số ấn tượng này đã nhanh chóng đưa tên tuổi Apple lên hàng “bậc thầy” Chuỗi cung ứng, bỏ xa hai đối thủ xếp thứ 2 và 3 trong ngành công nghệ là Dell (10 ngày tồn kho) và Samsung (21 ngày tồn kho).

Số ngày tồn kho kỷ lục này còn là một lợi thế cạnh tranh cực kỳ “nguy hiểm” trong thị trường công nghệ của Apple. Vì mỗi khi có yếu tố đột phá xuất hiện trên thị trường, các sản phẩm “lỗi thời” trong kho sẽ nhanh chóng bị mất giá trị, trở thành một “cục nợ” không ai mong muốn.

Mô hình chuỗi cung ứng của iPhone

Sở hữu người tiêu dùng

Theo Montgomerie và Roscoe, yếu tố hoàn hảo nhất trong mô hình kinh doanh của Apple nằm ở khả năng “sở hữu người tiêu dùng” của hãng. Mô hình kinh doanh của Apple được thiết kế để lôi kéo người tiêu dùng tham gia vào hệ sinh thái phần cứng – phần mềm – dịch vụ. Vì các vấn đề liên quan đến chi phí chuyển đổi, người tiêu dùng sẽ ít có khuynh hướng chuyển sang các hệ sinh thái của đối thủ cạnh tranh. Điều này mang lại cho Apple sức mạnh to lớn trong một chuỗi cung ứng mà Apple nằm ở cả hai phía (nhà cung cấp và người tiêu dùng).

Việc sở hữu người tiêu dùng không chỉ giúp Apple quản trị thành công chuỗi cung ứng vật chất mà còn giúp hãng thâm nhập một thị trường mới là cung cấp nội dung trực tiếp đến người tiêu dùng. Trong thị trường đó, Apple bán các sản phẩm đến người tiêu dùng không phải qua bất kỳ kênh trung gian nào. Apple đã và đang kiếm được những nguồn lợi nhuận khổng lồ từ việc cung cấp nhạc trên iTunes Music Store, ứng dụng trên kho ứng dụng App Store và kho phim & nhạc cho thuê.

Lý do quan trọng cho sự thành công từ chuỗi cung ứng điện tử sáng tạo của Apple là những nhà sở hữu nội dung có thể tiếp cận dễ dàng với khối lượng người tiêu dùng đông đảo và có mức độ sẵn sàng chi trả cao mà Apple sở hữu. Người tiêu dùng thì lại dễ dàng mua hoặc thuê được nội dung yêu thích thông qua những thiết bị thông minh.

Từ số lượng đơn đặt trước của mình, Apple kết hợp với những cuộc khảo sát người dùng, vòng đời của iPhone có mặt trên thị trường, và nhiều số liệu không được công bố khác để dự đoán số lượng “táo” cần được sản xuất trong mỗi 150 ngày tới.

Tiến xa hơn thế, không chỉ dự đoán số lượng sản phẩm bán ra, Apple còn nghiêm túc xem xét các công nghệ mà các đối thủ đang theo đuổi và có thể ra mắt ngay trong năm tới.

Bằng các dự báo này, Apple sẽ chủ động thương thuyết các hợp đồng dài hạn để giảm thiểu hơn nữa chi phí đầu vào, và xa hơn nữa là “giành” trước khả năng sản xuất của các nhà cung cấp, giảm thiểu lượng nguyên vật liệu có thể đến tay đối thủ.

Bài học ở đây chính là việc xây dựng lợi thế “sở hữu người tiêu dùng” đồng thời tạo ra phương thức giao dịch thuận tiện nhất, và trải nghiệm mua hàng tốt nhất cho khách hàng để tận dụng tối đa lợi thế đó.

Các kết quả từ phân tích các quy trình của Apple, các vấn đề phức tạp và thách thức cho thấy sự thành công trong các hoạt động chuỗi cung ứng của nó phụ thuộc vào cách họ quản lý tốt mối quan hệ nhà cung cấp. Điều này bao gồm sự tham gia của nhà cung cấp trong giai đoạn đầu của việc phát triển sản phẩm mới, cải thiện và mức độ thân thiết mối quan hệ với nhà cung cấp và đánh giá. Theo đó, Apple được mệnh danh là “King of Outsourcing” .