Mảnh vườn nhà bà em thế nào

"Vườn nhà bà" - hài hoà chữ "tình" và chữ "lễ"

10:31 02/05/2019
"Vườn nhà bà" là một bài thơ xinh xắn của tác giả Vũ Khánh, in trong tập "Lời cầu nguyện" (NXB Văn nghệ Vĩnh Phúc, 1991). Bài thơ chiếm cảm tình người đọc bằng sự dung dị, chân thành, trong sáng.

  • Khu vườn mưa ngâu
  • Trong khu vườn của cha mẹ


Vườn nhà bà mắt em và sao
Qua kẽ lá xanh ngời như nến
Vườn nhà bà môi em và trái chín
Treo rất gần yên ổn một tầm tay.

Bà đã già phơ phơ đầu tóc bạc
Em xanh tươi như cây lá trong vườn
Bà trầm tĩnh một vòm cây che chở
Em dịu dàng em thăm thẳm như đêm.

Đây vườn bà âu yếm bình yên
Chút xưa cũ trên đời còn sót lại
Nơi hờ hững của lắm điều thay đổi
Khuất bên đường mưa nắng rủ nhau qua.

Tất cả bây giờ đã mất chúng ta
Và chúng ta cũng mất rồi tất cả
Mong manh thế một góc vườn xưa cũ
Em dịu dàng em xinh đẹp của anh.

Ôi những vì sao run rẩy long lanh
Qua kẽ lá giờ còn hay đã tắt
Mảnh vườn xưa em bên bà tóc bạc
Anh một mình nhắm mắt hình dung....

"Vườn nhà bà" là một bài thơ xinh xắn của tác giả Vũ Khánh, in trong tập "Lời cầu nguyện" (NXB Văn nghệ Vĩnh Phúc, 1991). Bài thơ chiếm cảm tình người đọc bằng sự dung dị, chân thành, trong sáng.

Một không gian đẹp, với màu xanh vừa thực, vừa hư ảo của sao trời, nến và mắt em. Một cái đích hạnh phúc đang vẫy gọi, rất thật và rất gần: môi em, trái chín, như đang ở rất vừa tầm tay. Khổ thơ kiệm lời, không miêu tả rõ vườn gì, cây quả gì. Nhưng người đọc cứ thấy phảng phất hương thơm của quả chín và hình dung ra vẻ mọng căng đầy sức sinh sôi... "Vườn", "bà", "em" tồn tại bên nhau trong một kết hợp chặt chẽ và ngự trị suốt bài thơ, như một thực thể không thể tách rời. Kể cũng lạ.

Tình yêu không nằm trong quan hệ đối thoại anh - em như nhiều bài thơ tình khác, mà nằm trong khách thể: vườn- bà -em, được phản ánh qua chủ thể trữ tình "anh"! Càng lạ hơn, là từ "yên ổn" nằm lọt thỏm giữa câu thơ! Sao rất gần, mà lại là yên ổn, như trái được treo trong rọ để dành chờ Tết đến! Một lần nữa, kết hợp trên được láy lại.

Một kết hợp thật tự nhiên, thật đẹp: "em" như rạng ngời lên, tươi mới, đầy sức sống bên "bà tóc bạc" và "cây lá trong vườn". Tất cả là ước lệ. Mái tóc của bà. Xanh tươi, huyền hoặc của vườn. Dịu dàng, thăm thẳm của em. Không có những đặc tả cá tính. Em - bà - vườn nhà bà là một cái gì vừa xa xôi, cổ kính, thâm nghiêm, vừa gần gũi. Một cái gì thật mát lành, trong trẻo, thánh thiện, thiêng liêng. Đó là một ngôi đền.

Ý nghĩa khái quát nghệ thuật không toát ra từ câu chữ, mà mờ ảo giữa các câu chữ ấy, trong sự láy lại của bộ ba nhất thể bà - vườn - em trong hệ dọc bài thơ, và cả trong sự tương tác với những kết hợp hệ ngang làm nên sự biến đổi về ngữ nghĩa và tăng sức biểu hiện cho mỗi hình tượng: " Bà+ trầm tĩnh một vòm cây che chở. Em + xanh tươi như cây lá trong vườn"... Khổ thơ thứ tư đẩy mạch cảm xúc lên đến cao trào.

Những câu thơ xô đẩy. Không gian "vườn nhà bà" cũng trở nên xao động như chính những vì sao bỗng xô dạt vào nhau giữa bầu trời. Như những giọt nước mắt bỗng long lanh. Hai câu thơ đầu cuối tương ứng diễn tả cái bàng hoàng như chợt ngộ của chàng trai. Khu vườn là chốn thực, bình yên, hằng tại là thế mà cũng trở thành mong manh trong sự đe dọa biến thiên: "Mong manh thế một góc vườn xưa cũ". Có thể là khu vườn ấy đã lâu anh không còn thấy lại. Có thể là khu vườn đã chìm khuất những dấu chân "Em dịu dàng, em xinh đẹp của anh"!

Trước giới hạn mất còn, sinh tử, anh đã không còn cảm giác "yên ổn" ban đầu. Trái tim anh đã bật thành tiếng gọi, dẫu có mang một chút vơ vào. Anh nhất định phải chộp bắt cái hằng tại lung linh, đẹp đẽ này để làm vật thế chấp cho sự vô thường kia.

Mạch cảm xúc bài thơ dồn nén, vỡ òa trong nhạc điệu ngân nga. Không còn sự miêu tả khách quan ban đầu. Không còn là mảnh vườn xưa và bà tóc bạc như bất kì mảnh vườn hay người bà cổ tích nào. Tình yêu đã lên tiếng khẳng định cái quyền cá biệt hóa, duy nhất thiêng liêng của nó. Những vì sao run rẩy hay trái tim run rẩy? Những vì sao long lanh hay mắt lệ long lanh? Câu chữ như nhòe đi. Và nghĩa cũng nhòe đi

Thay bằng "còn hay đã mất" cũng không xa với logic mất - còn. Nhưng sẽ mất đi hoàn toàn cái lấp lánh đầy vi diệu. "Tắt" nghĩa là đã được thắp lên và rực cháy. Là nến, là sao... ngời sáng chứ không thể như sự diệt đi của bất cứ thực thể nào trong cõi ta bà này. Cái mà anh đuổi bắt, tôn thờ phải là ngôi đền thiêng, cái đẹp ảo huyền không với được, là cái nhiệm mầu, trong veo, tinh khiết, tỏa hương! Tình yêu hay chính là tôn giáo? Nhen nhóm một tình yêu hay đi tìm một đức tin?

Mọi thứ đều có thể đổi thay. Chính vì thế mà anh cần một giá trị vĩnh hằng, tốt đẹp để vịn vào, như Acsimet đã cần một điểm tựa để bẩy tung quả đất lên! Và điểm tựa bất biến đó như một cái kết khó có thể nào có hậu hơn: Vườn - Bà - Em mãi mãi trong nhau, thách thức tàn phai.

"Mảnh vườn xưa +em+ bên bà tóc bạc" là một kết hợp trọn vẹn như một nhất thể ba ngôi bền vững với thời gian. Ngôi đền của niềm tin. Vì thế mà anh nhất định xây. Mà anh nhất định tin. Nhất định tôn thờ. Nếu không thể đến được, không thể chạm tay vào, thì anh vẫn "Một mình nhắm mắt hình dung"... "Một mình" là người lữ hành đơn côi trên con đường lữ thứ.

"Nhắm mắt" là trạng thái giao tiếp với cái thiêng. Và "hình dung" là cách thức để thấy được thần linh. "Vườn nhà bà" với nhạc điệu trong sáng, du dương mà tha thiết đã kết hợp hài hòa chữ Tình và chữ Lễ, hòa nhập tình yêu với tôn giáo lung linh, huyền diệu, một "tôn giáo" có thể hòa hợp mọi tôn giáo khác và bất cứ những ai khát khao cuộc sống đích thực của con người!

# Lời cầu nguyện Vũ Khánh Vườn nhà bà
Facebook Twitter Link gốc