Luật bảo hiểm tiền gửi 2023

Sự ra đời của bảo hiểm tiền gửi là một giải pháp hữu hiệu giúp giảm bớt nỗi lo lắng bất an khi gửi tiền tiết kiệm của người dân. Vậy bảo hiểm tiền gửi là gì? Khoản tiền tiết kiệm mà bạn đang gửi ngân hàng có đang được bảo hiểm?

1. Bảo hiểm tiền gửi là gì?

Khoản 1 Điều 4 Luật Bảo hiểm tiền gửi năm 2012 đã giải thích bảo hiểm tiền gửi là sự bảo đảm hoàn trả tiền gửi cho người được bảo hiểm tiền gửi trong hạn mức trả tiền bảo hiểm khi tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền hoặc phá sản.

Có thể hiểu đơn giản, bảo hiểm tiền gửi là một loại hình hiểm nhằm mục đích đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiết kiệm bằng việc chi trả tiền bảo hiểm khi ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng gặp rủi ro dẫn đến mất khả năng trả tiền gửi hoặc bị phá sane.

Nhờ có bảo hiểm tiền gửi mà quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, đồng thời tạo dựng niềm tin cho người dân khi gửi tiền tiết kiệm tại hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng. Việc tạo dựng niềm tin sẽ giúp ngân hàng và tổ chức tín dụng huy động được nhiều vốn nhàn rỗi trong xã hội để cho vay và làm các dịch vụ tài chính khác.

2. Gửi tiết kiệm tại ngân hàng nào thì có bảo hiểm tiền gửi?

Điều 6 Luật Bảo hiểm tiền gửi đã quy định về việc tham gia bảo hiểm tiền gửi như sau:

1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được nhận tiền gửi của cá nhân phải tham gia bảo hiểm tiền gửi, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Ngân hàng chính sách không phải tham gia bảo hiểm tiền gửi.

Theo quy định này, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được nhận tiền gửi (trừ ngân hàng chính sách) đều phải tham gia bảo hiểm tiền gửi.

Trong đó, Điều 4 Nghị định 68/2013/NĐ-CP liệt kê các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được nhận tiền gửi của cá nhân bao gồm:

- Ngân hàng thương mại.

- Ngân hàng hợp tác xã.

- Quỹ tín dụng nhân dân.

- Chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Các tổ chức này phải được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng.

Các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi đều phải niêm yết công khai bản sao Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi tại các địa điểm sau:

- Trụ sở chính.

- Chi nhánh.

- Các điểm giao dịch có nhận tiền gửi của cá nhân.

Với quy định này có thể hiểu rằng, các ngân hàng, tổ chức tín dụng đang nhận tiền gửi tiết kiệm hợp pháp của cá nhân đều phải tham gia bảo hiểm tiền gửi.

bao hiem tien gui

3. Loại tiền gửi nào được hưởng bảo hiểm?

Căn cứ Điều 18 Luật Bảo hiểm tiền gửi năm 2012, tiền gửi được bảo hiểm là tiền gửi bằng đồng Việt Nam của cá nhân gửi tại ngân hàng, tổ chức tín dụng dưới các hình thức sau đây:

- Tiền gửi có kỳ hạn.

- Tiền gửi không kỳ hạn.

- Tiền gửi tiết kiệm.

- Chứng chỉ tiền gửi.

- Kỳ phiếu.

- Tín phiếu.

- Các hình thức tiền gửi khác.

Lưu ý: Tiền gửi được bảo hiểm không bao gồm:

- Tiền gửi của người sở hữu trên 5% vốn điều lệ của chính tổ chức tín dụng đó.

- Tiền gửi của cá nhân là thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó Giám đốc) của chính tổ chức tín dụng đó

- Tiền gửi của cá nhân là Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó Giám đốc) của chính chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó.

- Tiền mua giấy tờ có giá vô danh do tổ chức tín dụng phát hành.

4. Người gửi tiết kiệm được trả tiền bảo hiểm trong trường hợp nào?

Điều 22 Luật Bảo hiểm tiền gửi đã nêu rõ thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm như sau:

Nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm phát sinh kể từ thời điểm Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc văn bản chấm dứt áp dụng hoặc văn bản không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán mà tổ chức tín dụng là tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi vẫn lâm vào tình trạng phá sản hoặc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có văn bản xác định chi nhánh ngân hàng nước ngoài là tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền.

Như vậy, khi ngân hàng, tổ chức tín dụng phá sản hoặc mất khả năng chi trả tiền gửi cho khách hàng thì sẽ làm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm.

Việc trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền sẽ được thực hiện bởi tổ chức bảo hiểm tiền gửi. Căn cứ Điều 23 Luật Bảo hiểm tiền gửi, thời hạn trả tiền bảo hiểm là 60 ngày, kể từ thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm.

5. Số tiền bảo hiểm tiền gửi được trả là bao nhiêu?

Căn cứ Điều 25 Luật Bảo hiểm tiền gửi, số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm của một người tại một ngân hàng, tổ chức tín dụng bao gồm:

- Tiền gốc và tiền lãi.

- Tối đa bằng hạn mức trả tiền bảo hiểm.

Căn cứ Điều 3 Quyết định 32/2021/QĐ-TTg, hạn mức trả tiền bảo hiểm trả cho một người tại một tổ chức tin dụng khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm là tối đa 125 triệu đồng.

Lưu ý: Trường hợp người được bảo hiểm tiền gửi có khoản nợ tại ngân hàng thì số nợ đó sẽ được trừ trực tiếp vào số tiền gửi được bảo hiểm, cá nhân được nhận số tiền còn lại sau khi trừ nợ.

Trên đây là những thông tin đáng chú ý liên quan đến bảo hiểm tiền gửi. Nếu vẫn còn vướng mắc về loại bảo hiểm này, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 1900.6192 của LuatVietnam để được hỗ trợ giải đáp.