Làm thế nào để thích nghi với hoàn cảnh trong cuộc sống

Viết đoạn văn 200 chữ trình bày suy nghĩ của anh ( chị) về vấn đề : Làm thế nào để thích nghi với hoàn cảnh trong cuộc sống ? Mọi người giúp e với ạ!!

Đời sống luôn biến đổi không ngừng, vậy "Làm thế nào để thích nghi với hoàn cảnh trong cuộc sống". Để trả lời cho câu hỏi, trước hết ta cần hiểu thích nghi là gì? Đó là khả năng thích ứng của con người trước những biến động nào đó. Thực tế cho thấy, đất nước ta luôn biến đổi qua từng năm tháng. Trước tình hình đó, con người cũng phải thay đổi theo. Bởi nếu không biến đổi, ta sẽ chẳng thể nào sống và tồn tại. Sẽ chẳng một nhà tuyển dụng nào muốn tuyển một nhân viên không có kiến thức, kĩ năng. Không có khả năng thích ứng và nhạy bén với môi trường mới. Chưa dừng lại ở đó, nếu không thay đổi bản thân, bạn sẽ trở thành người vô ích của xã hội. Vậy để thích nghi với hoàn cảnh sống, ta phải làm gì? Trước hết, ta phải đặt bản thân vào những thử thách, vào ngọn lửa đang vụt cháy để ta tự tìm cách vượt qua nó bằng sức lực của mình. Bên cạnh đó, phải rèn luyện, phát triển năng lực của bản thân. Hơn hết, phải học hỏi mọi người xung quanh để có cho mình những bài học quý giá. Qua đây, mỗi chúng ta hãy gắng sức mình chăm chỉ học tập, rèn luyện phẩm chất, trí tuệ, thể lực. Có như vậy, bạn mới thích nghi với sự biến đổi không ngừng của cuộc sống.

Mỗi chúng ta sinh ra là một thiên thần của tạo hóa, thế nhưng thiên thần ấy chỉ có một cánh, muốn bay đến chân trời của ước mơ thì tài năng thiên bẩm không là chưa đủ. Cuộc sống là không gian bao la, tìm mãi chẳng thấy đường chân trời, thế nên để có thể vững vàng tìm đến ánh sáng của khát vọng thì ta cần một chiếc cánh của quan niệm sống. Khi ấy, bạn sẽ bay cao và bay xa trên chính đôi cánh diệu kì của mình. Thế nhưng, mỗi người trong chúng ta luôn có một cách ứng xử khác nhau khi gặp khó khăn, thay đổi bản thân hay thay đổi thế giới vẫn luôn là câu hỏi mà con người luôn canh cánh trong lòng. Có lẽ, câu nhận định sau sẽ cho bạn một câu trả lời: Khi không hài lòng với hoàn cảnh, việc đầu tiên chúng ta thường nghĩ đến là thay đổi nó, mà không nghĩ đến cách thay đổi quan trọng và hiệu quả hơn: thay đổi chính quan niệm của chúng ta. Nói một cách khác, chúng ta không nên lo lắng tìm cách thay đổi thế giới cho nó trở nên tốt đẹp hơn mà nên tìm cách thay đổi chính bản thân mình để phù hợp với thế giới đó.

Cuộc sống quanh ta có thể được ví như một bức tranh muôn màu sắc mà mỗi con người là một nét vẽ vô cùng sống động. Ai trong chúng ta cũng mong muốn khẳng định vị trí của mình trong xã hội rộng lớn bao la, để trở thành nét chấm phá nhiệm màu trên bức tranh cuộc đời ấy. Thế nhưng, khi chúng ta giương ánh mắt đầu tiên ngắm nhìn cuộc đời, khi chúng ta ghi tên mình vào quyển sổ con người đó cũng là lúc ta phải hình dung ra đoạn đường mình sẽ bước. Nó không ngọt ngào như thanh kẹo hay ăn thuở bé, cũng không nhiệm màu như câu chuyện cổ bà hay kể, mà đó là một thế giới thực, đầy khó khăn, chông gai thử thách. Vì vậy, để có thể tồn tại giữa cuộc đời này con người cần phải có một thế giới quan sinh động và phải luôn thay đổi một cách linh hoạt. Khi gặp phải những khó khăn trong cuộc sống, con người trở nên bi quan, bó gối ngồi khóc trong góc khuất của cuộc đời và đổ lỗi cho số phận. Họ chỉ có thể nhìn thấy những mất mát, đau thương mà họ đang phải gánh chịu là do hoàn cảnh đẩy đưa, là do dòng đời nghiệt ngã, mà than, mà trách, mà hờn, mà dỗi, và rồi muốn thay đổi nó đi. Liệu thay đổi hoàn cảnh thực tại là cách chọn lựa tốt nhất? Mọi chuyện sẽ tốt hơn nếu cứ một lần vấp ngã là ta lại một lần tìm lối đi mới cho mình? Cuộc sống vốn không trải đầy hoa hồng, cuộc đời con người thực chất là một chuỗi ngày hữu hạn, bước đi trên một con đường đầy gai nhọn hay bão táp phong ba, tất cả đều đã được định sẵn. Con người sinh ra không cùng với nhau trên một xuất phát điểm nhưng điểm kết của họ luôn là đỉnh cao của sự thành công, của những ước mơ. Vì vậy, nếu đã chọn hoàn cảnh hay hoàn cảnh đã chọn bạn, mà bạn lại bỏ cuộc trên con đường ấy thì thực chất bạn đã thua rồi. Sau cơn mưa, trời lại sáng cũng như vết thương sớm muộn cũng sẽ lành.

Khi rơi vào tình huống tưởng chừng không lối thoát, bạn hãy nhớ rằng không có gì là mãi mãi. Mọi thứ trong cuộc sống đều mang đến một khởi đầu và kết thúc, qua giai đoạn này sẽ đến giai đoạn khác. Nỗ lực để làm điều gì tuyệt vời nhưng thất bại thường mang đến cho chúng ta nhiều cảm xúc hơn việc chẳng làm gì mà thành công. Dành hôm nay để phàn nàn về hôm qua không thể khiến ngày mai tươi sáng hơn. Vì thế, thay vì dậm chân tại chỗ và than vãn, buồn rầu, bạn hãy bước tiếp từ chính những rào cản mình gặp phải. Hạnh phúc chỉ đến khi chúng ta ngừng kêu ca và thậm chí phải tiếc nuối vì không gặp trở ngại nào để học hỏi. Thế mà, đáng buồn thay Khi không hài lòng với hoàn cảnh, việc đầu tiên chúng ta thường nghĩ đến là thay đổi nó, mà không nghĩ đến cách thay đổi quan trọng và hiệu quả hơn: thay đổi chính quan niệm của chúng ta. Tự thay đổi chính mình hoà vào thế giới xung quanh để có cuộc sống bình yên và đạt được mong muốn của riêng mình, tức là thay đổi sức mạnh nội tại để tìm nên sức mạnh vươn ra thế giới. Quả thật vậy, cuộc sống không phải được tạo nên chỉ bởi một người. Con người cũng không thể tách mình ra khỏi tập thể, khỏi cộng đồng, phải làm nên sự liên kết với mọi người để tồn tại và hạnh phúc cũng như cái nhiệt kế luôn thay đổi để phù hợp với môi trường. Khi ấy, bản thân bạn sẽ nhận ra những điều kỳ diệu ở hoàn cảnh thực tại, nơi mà đã từng muốn dìm bạn xuống hố sâu của sự tuyệt vọng. Cuộc sống có rất nhiều điều tuyệt vời mà không đợi bản sẵn sàng thì nó mới xuất hiện. Do đó, theo tác giả chúng ta không nên lo lắng tìm cách thay đổi thế giới cho nó trở nên tốt đẹp hơn mà nên tìm cách thay đổi chính bản thân mình để phù hợp với thế giới đó

Khi đứng trước vách núi cheo leo, ai cũng tự nhủ thầm: do vách núi này cao quá! Khi trôi giữa biển khơi, tất cả đều do đại dương rộng, con sóng xô, cơn gió mạnh. Con người vẫn luôn luôn là như thế, luôn đổ lỗi cho hoàn cảnh dù trong bất kì khoảnh khắc nào. Đứng trước thực tế phũ phàng, con người chỉ như một hạt cát giữa sa mạc mênh mông, như một giọt nước giữa đại dương rộng lớn, nên họ luôn có cảm giác mình trơ trọi trước cuộc sống này. Nếu một lúc nào đó, cuộc sống trao cho bạn những điều khó khăn thì đó chính là điều hiển nhiên và bạn không có cách nào ngoài cách chấp nhận nó là một điều tất yếu. Ta cứ sống và chìm đắm trong suy nghĩ ấy để trốn tránh thực tại là do bản thân mình không chịu cố gắng từng ngày, không có dũng cảm để chinh phục ước mơ và không có niềm tin để đứng lên sau khi vấp ngã. Sống một cuộc đời như thế, ta không bằng cả một con lật đật khi luôn đổ lỗi cho hoàn cảnh, tìm cách trốn tránh và thay đổi nó. Có những chuyện, những người xuất hiện trong cuộc đời ta là do định mệnh, nhưng ta cứ tìm cách chối bỏ nó để đi tìm một con đường mới, liệu như thế ta có thật sự tìm được hạnh phúc không? Tôi hiểu,tôi hiểu cảm giác bơ vơ khi giữa dòng đời vô định khó khăn biết nhường nào nhưng không vì điều ấy mà ta sống như một đám cỏ dại bên đường. Hãy sống như một loài hoa kiêu hãnh dưới ánh mặt trời bằng lối sống của một con người thông minh, linh hoạt là hãy: thay đổi quan niệm sống của bản thân. Ta đang sống trong một tập thể, trong một xã hội của cái ta chung, có những việc ta thích nhưng không theo ý mình được, có những việc muốn làm nhưng nó lại không phù hợp với chuẩn mực của xã hội. Nếu ta không thể thay đổi những gì đã gọi là bất biến thì tại sao ta lại không tự thay đổi bản thân mình? Martha Washington đã cho rằng: Phần lớn hạnh phúc và đau khổ của chúng ta phụ thuộc vào các định hướng, chứ không phải hoàn cảnh hoàn cảnh chỉ là một bức phông nền cho cuộc đời ta thêm phần hấp dẫn thôi, còn chính ta mới là nhân tố chính quyết định cuộc đời mình. Thay đổi quan niệm của chính mình sẽ giúp ta hài hòa với cuộc sống hiện tại, dễ dàng hòa nhập với cảnh sống đa dạng của cuộc đời hơn. Khi ấy, ta sẽ không còn có cảm giác cô đơn, trơ trọi, lạc loài. Mặt khác, khi chúng ta hòa nhập với cộng đồng, với môi trường thì ta sẽ trang bị cho bản thân một cuốn sổ tay đắt giá của cuộc sống, rèn luyện cho bản thân tính thích nghi cao, dễ dàng theo kịp sự phát triển của xã hội, không bị lạc hậu. Năm 2006, cả thế giới đã chứng kiến sự bùng nổ của bộ sách nổi tiếng luôn đứng trong danh sách bán chạy nhất nước Anh với cái tên Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi. Tác giả đưa ra quan điểm rằng mỗi người phải tự thay đổi chính mình hoà vào thế giới xung quanh để có cuộc sống bình yên và đạt được mong muốn của riêng mình, tức là thay đổi sức mạnh nội tại để tìm nên sức mạnh vươn ra thế giới. Trở về với dòng chảy thời gian, với những trang sử hào hùng của dân tộc, những chiếc máy ảnh thời đại đã ghi lại đậm nét những con người đã biết người biết ta mà làm nên kỳ tích. Đó là một Lý Thường Kiệt với bài thơ thần bất hủ tránh cảnh máu chảy đầu rơi. Đó là một Nguyễn Trãi với Thư dụ Vương Thông lần nữa, để bảo toàn lực lượng. Thế nên, nếu bạn luôn canh cánh một nỗi niềm: tại sao một đất nước, đất không rộng, người không động lại có thể chiến thắng những thế lực hùng mạnh? Thì tôi sẽ trả lời, do có những người lãnh đạo biết thức thời, biết thay đổi chiến lược của mình tùy vào hoàn cảnh. Muôn đời vẫn thế. Chắc hẳn chúng ta vẫn chưa quên Renato Soru  người con thân yêu của đất nước Italia, đồng thời là ông chủ tập đoàn Tiscali nổi tiếng đã thất bại ra sao khi thâm nhập vào thị trường nước Đức rộng lớn với biết bao đối thủ cạnh tranh. Không hề lùi bước, Renato Sorn đã thay đổi chiến lược kinh doanh của mình, để biến Tiscali thành tên tuổi hàng đầu thế giới và đưa tên ông vào danh sách những con người thành công nhất thế giới. Mỗi chúng ta cũng cần điều chỉnh để phù hợp với môi trường như thế.

Tuy nhiên, biết thay đổi chính mình là đáng quý, nhưng ta cũng cần biết thay đổi thế giới xung quanh để tạo lập cuộc sống tốt đẹp hơn. James Allen có ý kiến: Nơi bạn đang đứng hôm nay hay ngày mai đều do chính suy nghĩ của bạn dẫn đường. Cuộc đời không bày sẵn cho ta những thành quả, mà chính chúng ta phải kiếm tìm và chinh phục những thành quả ấy. Vì vậy mà vị trí của chúng ta hôm nay chính là do cách sống, cách suy nghĩ của ta tạo dựng nên. Ta không chỉ chờ đợi cơ hội, mà phải biết tự mình tạo ra cơ hội. Ai sẽ nghĩ rằng một cậu bé từng được đánh giá là thiểu năng, từng bị đuổi học, từng bị cả xã hội xem là tên đần, một kẻ vô dụng lại có thể trở thành nhà bác học thiên tài sau đó? Ai sẽ nghĩ rằng một người phụ nữ muốn tự tử ở tuổi ba mươi vì không chấp nhận nổi dư luận và những nỗi đau do thế giới hiện tại gây ra có thể viết được bộ truyện nổi tiếng mang tầm vóc thời đại? Và Có lẽ ai trong chúng ta cũng biết đến Ho Ching  đệ nhất phu nhân Singapore, thay vì yên vị là một phu nhân của thủ tướng, tháp tùng chồng và hoạt động chính trị, Ho Ching lại tham gia vào lĩnh vực kinh doanh. Dù không được nhiều sự ủng hộ của dư luận, bà vẫn vực dậy tập đoàn Temasek và chứng tỏ bản lĩnh của mình trên thế giới. Sự thành công của Temasek ngày hôm nay bắt nguồn từ quyết tâm thay đổi thế giới của Ho Ching. Mỗi chúng ta cũng có thể thay đổi cuộc sống của mình, bởi một học sinh chủ động kiếm tìm tri thức trong học tập sẽ năng động hơn, sáng tạo hơn và vững vàng hơn trên con đường xây dự tương lai.

Hai cách sống điều đáng quý, đều góp phần tạo nên con người linh hoạt, bản lĩnh bởi cuộc sống đặt ra bao khó khăn, thử thách cho mỗi con người. Tùy thuộc vào hoàn cảnh mà mỗi chúng ta đều có cách giải quyết và chọn lựa một sự thay đổi riêng cho chính mình. Ai chẳng muốn sống vui vẻ, không buồn rầu nhưng sức mạnh sẽ đến khi chúng ta trải qua tận cùng của nỗi đau và ta tự đứng lên thay đổi chúng. Những điều lý thú luôn ẩn trong mọi khó khăn, người trẻ phải mở rộng trái tim và tâm trí mới thấy được chứng sau khi đã thay đổi ánh nhìn chủ quan về thế giới. Con người không thể ngăn chặn mọi chuyện đến với mình mà chỉ có thể học cách đối mặt. Có thể bạn không đến được cái đích theo dự định nhưng sẽ dừng tại nơi cần đến, chấp nhận số phận và không cố thoát ra nó biết đâu hạnh phúc sẽ vẫy tay với bạn. Hãy luôn mỉm cười dù nhiều người đang cố dìm mình xuống. Đừng để những tiêu cực khiến chúng ta phiền lòng. Đừng thay đổi bản thân vì muốn làm hài lòng người khác, chỉ thay đổi khi chắc rằng mình sẽ tốt hơn. Hãy nghĩ về chính bản thân trước khi quan tâm thái độ của người đời, điều đó đồng nghĩa với việc thay đổi cuộc sống để giữ trọn cái tôi của chính mình cũng là điều rất tốt. Nếu tin vào điều gì đó, bạn đừng ngại đấu tranh cho nó. Kiên nhẫn không chỉ là chờ đợi mà còn là giữ những suy nghĩ tích cực trên hành trình chinh phục ước mơ. Luôn nỗ lực trong từng bước đi dù gặp nhiều thất bại hay phản đối, một ngày ngoảnh lại, bạn sẽ nhận ra các cuộc tranh đấu không thể tìm thấy trên đường mình đi, thế mới hiểu hoàn cảnh sống dù có khó khăn, nhưng có niềm tin thì mọi việc sẽ lại tốt đẹp. Đừng xấu hổ về những vết sẹo trong cuộc đời vì chúng là minh chứng cho thấy "thân chủ" đã vượt qua nhiều nỗi đau, là hình xăm của sự thành công đáng tự hào. Bạn không thể làm sẹo biến mất nhưng có thể thay đổi cách nhìn về nó. Đó không phải niềm đau mà là sức mạnh. Nhà thơ Rumi khẳng định: "Vết thương là nơi dẫn ánh sáng vào con người" những gì bạn có thể làm để cuộc sống mình tốt đẹp hơn chính là thay đổi quan niệm sống của chính mình và cải tạo lại thế giới. Và tất cả những điều trên đều là kết quả của quá trình nỗ lực và phấn đấu không ngừng, luôn tìm cách thay đổi bản thân hoặc hoàn cảnh để phù hợp với bản thân, gia đình và cuộc sống sau này.

Thế nhưng hoà hợp không có nghĩa là hoà tan. Ta tìm thấy trong xã hội bao người không dám thể hiện mình, cứ để bản thân trôi theo dòng chảy chung, theo cái mode nhất thời mà không có chính kiến riêng, con đường riêng. Họ trở nên mờ nhạt, thậm chí là sống vô nghĩa, gió chiều nào theo chiều ấy". Bên cạnh đó, chủ động điều chỉnh môi trường xung quanh cũng không đồng nghĩa với việc áp đặt cái tôi cá nhân lên mọi người hay bắt ép người khác thay đổi vì lợi ích cá nhân mình. Ta vẫn thấy nhiều nơi trên đất nước, biết bao con người sống trong những căn nhà giải toả kém chất lượng, còn nhà cũ của họ thì bị bỏ hoang vô nghĩa chỉ vì những dự án treo. Ta vẫn đọc thấy trên báo hàng ngày những kẻ tham ô để thoả mãn về mặt vật chất cho mình mà gây nguy hiểm cho những con người vô tội đang sống trong những công trình xây dựng. Đó hoàn toàn không phải biểu hiện của lối sống tích cực. Thay đổi cuộc sống xung quanh để phù hợp với bản thân phải là điều mang ý nghĩa đối với cộng đồng, vì lợi ích chung đối với xã hội.

Tôi từng tâm niệm trước câu nhận định của Dale Carnegie: Không quan trọng bạn có gì, bạn là ai hay bạn đang ở đâu, hay điều bạn đang làm có làm bạn hạnh phúc không. Chúng chỉ là cách bạn nghĩ thôi. Bản thân tôi và bạn đều là những con người sinh ra với khát khao được hạnh phúc và luôn chênh vênh giữa con đường dẫn đến lâu đài cổ tích kia. Quãng đời không quá dài nhưng nó sẽ không ngắn nếu ta biết sống trọn từng phút giây ta được sống. Muốn được như thế, không có gì ngoài bản thân chúng ta tự nỗ lực, tự tìm ra những hướng đi và cách thay đổi phù hợp với chính mình. Hãy thay đổi thế giới này nếu nó làm cho bạn tốt hơn, nhưng hãy thay đổi chính bạn nếu bạn vì cuộc đời để mà sống.

Ta có thể đóng lại vô vàn quyển sách, có thể khép lại trang truyện đầu giường, nhưng dù thế nào ta cũng không gấp lại hết những quan điểm về triết lý nhân sinh, về đạo đức con người, nuôi dưỡng tâm hồn ta mỗi ngày một phong phú thêm. Và Khi không hài lòng với hoàn cảnh, việc đầu tiên chúng ta thường nghĩ đến là thay đổi nó, mà không nghĩ đến cách thay đổi quan trọng và hiệu quả hơn: thay đổi chính quan niệm của chúng ta. Nói một cách khác, chúng ta không nên lo lắng tìm cách thay đổi thế giới cho nó trở nên tốt đẹp hơn mà nên tìm cách thay đổi chính bản thân mình để phù hợp với thế giới đó là một ý đẹp như thế. Bụi thời gian có thể cuốn trôi đi mọi thứ nhưng câu nhận định ấy vẫn sống mãi muôn đời, ở đâu? Ở trong tim những con người khát khao sống đẹp!