(ĐCSVN) - Tri thức là yếu tố quan trọng của nền kinh tế để đẩy mạnh quá trình CNH, HĐH đất nước. Đảng và Nhà nước ta không ngừng quan tâm và coi trọng đến sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo, coi phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển. Một trong những nội dung phát triển giáo dục là đổi mới phương pháp giáo dục theo hướng phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo của học sinh.

Định hướng đổi mới phương pháp dạy học đã được xác định trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa VII (01/1993), Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII (12/1996), được thể chế hóa trong Luật Giáo dục sửa đổi năm 2009, được cụ thể hóa trong các văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong Luật Giáo dục sửa đổi năm 2010, điều 28.2, đã nêu rõ: Phương pháp giáo dục phổ thông phải phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của học sinh; phù hợp với đặc điểm của từng lớp học, môn học; bồi dưỡng phương pháp tự học, rèn luyện kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn, tác động đến tình cảm, đem lại niềm vui, hứng thú, học tập cho học sinh. Có thể nói cốt lõi của đổi mới dạy và học là hướng tới hoạt động học tập chủ động, chống lại thói quen học tập thụ động.

Tính tích cực chủ động học tập có vai trò quan trọng trọng việc nâng cao hiệu quả học tập của người học. Trong dạy học, tích cực hóa hoạt động học tập của người học là một hướng đổi mới đã được đông đảo các nhà nghiên cứu, nhà lý luận và các thầy cô giáo quan tâm. Tính tích cực là một trạng thái hoạt động của người hành động. Tính tích cực nhận thức là trạng thái hoạt động của người học được đặc trưng bởi khát vọng học tập, sự cố gắng với nghị lực cao trong quá trình nắm vững tri thức cho bản thân.

Bản chất của dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động và sáng tạo của người học phải xuất phát từ nhu cầu, động cơ và điều kiện của bản thân người học. Chúng ta cần phải chú ý đến đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi của người học, nhất là cần chú ý đến trình độ tư duy của họ. Trong dạy học, không được bắt ép, gò bó một lối suy nghĩ chung cho tất cả mọi người.

Từ dạy và học thụ động sang dạy và học tích cực, giáo viên không còn đóng vai trò đơn thuần là người truyền đạt kiến thức, giáo viên trở thành người thiết kế, tổ chức, hướng dẫn, gợi mở, xúc tác, động viên, cố vấn, trọng tài các hoạt động độc lập hoặc theo nhóm nhỏ để học sinh tự lực chiếm lĩnh nội dung học tập, chủ động đạt các mục tiêu kiến thức, kĩ năng, thái độ theo yêu cầu của chương trình.

Để đạt được mục đích của việc đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực chủ động, sáng tạo của học sinh, cần có sự vào cuộc, phối hợp của các nhà quản lý, người dạy và chính bản thân người học.

Về phía nhà quản lý

Tăng cường cơ sở vật chất, cung cấp đầy đủ các trang thiết bị cho việc dạy và học. Xây dựng thư viện trường có đầy đủ sách báo, tạp chícho học sinh đọc tham khảo, nghiên cứu. Để đạt kết quả tốt nhất trong học tập, đòi hỏi học sinh không những nghiên cứu nội dung sách giáo khoa của môn học mà cần nghiên cứu thêm các tài liệu, các sách báo, tạp chí có liên quan đến môn học. Chính vì vậy, việc trang bị đầy đủ các sách báo, tạp chí trong thư viện trường cho học sinh mượn đọc tham khảo là cần thiết. Việc đọc các tài liệu thạm khảo, sách báo không những giúp sinh viên mở rộng thêm kiến thức mà còn giúp học sinh thấy được ý nghĩa thực tiễn của môn học, từ đó góp phần nâng cao hứng thú học tập của học sinh.

Về phía giáo viên

Giáo viên phải kích thích được nhu cầu, khơi gợi hứng thú học tập cho người học thông qua tất cả các giai đoạn của tiết lên lớp.

Việc kích thích nhu cầu, khơi gợi hứng thú khám phá tri thức cho người học cần phải được thực hiện duy trì trong tất cả các giai đoạn của tiết lên lớp. Đặt vấn đề vào bài, tổ chức lĩnh hội tri thức mới, củng cố hướng dẫn hoạt động nối tiếpCách thức tổ chức lớp học khoa học giúp người học dễ tiếp thu bài giảng, tích cực tham gia giờ học.

Xác định mục đích và xây dựng động cơ, thái độ học tập

Trong quá trình hình thành và nâng cao năng lực tự học cho người học, vai trò của người thầy là rất quan trọng. Người dạy cần hướng dẫn, tổ chức để người học sinh xác định được động cơ học tập một cách đúng đắn. Tăng cường các hình thức dạy học nhóm, trao đổi thảo luận, nêu lên chính kiến của mình... Điều này sẽ buộc người học phải nghiên cứu tài liệu, phân tích, mổ xẻ các vấn đề trên nhiều khía cạnh khác nhau để có thể tham gia đóng góp hoặc tranh luận để bảo vệ ý kiến của mình.

Để định hướng cho người học vạch ra kế hoạch tự học cá nhân, giáo viên cần đề ra kế hoạch dạy học cụ thể toàn bộ môn học (hoặc từng chương), cung cấp trước để người học nghiên cứu để biết mình sẽ làm gì và làm như thế nào trong quá trình học tập bộ môn.

Tổ chức bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên

Cần chú trọng bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên về lý luận dạy học hiện đại, về các phương pháp giảng dạy tiên tiến nhằm phát huy tính tích cực, chủ động và sáng tạo của học sinh

Giáo viên hướng dẫn người học vận dụng, ứng dụng những kiến thức đã học vào cuộc sống bản thân.

Mục đích của việc dạy học không chỉ dừng lại ở chỗ truyền đạt tri thức, kỹ xảo mà còn phải giúp người học biết cách vận dụng những tri thức, kỹ năng kỹ xảo đã học được vào việc giải quyết những vấn đề trong công việc, trong cuộc sống. Qua đó giúp người học thấy được ý nghĩa thực tiễn và sự cần thiết của môn học.

Về phía người học

Cần chủ động rèn luyện tính tự học

Tự học có thể hiểu là tự mình lao động trí óc để chiếm lĩnh kiến thức. Bước đầu quá trình tự học có thể sinh viên còn có nhiều lúng túng nhưng đó cũng chính là động lực giúp người học tư duy để thoát khỏi những khó khăn, lúng túng đó, nhờ vậy mà thành thạo lên.

Trong quá trình tự học của người học, đọc sách được coi là khâu quan trọng đầu tiên giúp người học tiếp thu tri thức và phát triển phương pháp tự học hiệu quả.

Tăng cường tổ chức và quản lý hoạt động tự học của người học

Giao nhiệm vụ tự học cho người học một cách đầy đủ, rõ ràng với yêu cầu từ dễ đến khó. Khi giao nhiệm vụ học tập, cần hướng dẫn tài liệu học tập cho người học và nêu rõ phần nào cần đọc kỹ, phần nào đọc tham khảo.

Tăng cường công tác kiểm tra việc tự học của người học một cách hệ thống, thường xuyên; nên kiểm tra việc tự học của người học hàng ngày, hàng tuần để có thể nhận được thông tin phản hồi từ phía người học, từ đó đề ra các biện pháp điều chỉnh kịp thời nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng học tập của học sinh.

Để đổi mới phương pháp giáo dục theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học thì cần phải kết hợp các nhóm biện pháp giữa nhà quản lý, người dạy, người học. Như vậy, chất lượng giáo dục mới có thể nâng cao.