Làm sao để trở thành nhà ngoại giao giỏi

Bố à, con có thể trở thành một nhà ngoại giao không bố? Bố trả lời: Tại sao không chứ? Con hoàn toàn có thể trở thành một nhà ngoại giao, thậm chí là một nhà ngoại giao giỏi. Đó là câu chuyện của hai cha con khi tôi chỉ mới là một cậu bé học sinh tiểu học. Hồi ấy, bố tôi là một cán bộ xã, vì vậy hàng tuần bố luôn mang về nhà rất nhiều những tờ báo để cho tôi đọc. Cũng từ những tờ báo quý giá ấy, bố đã vẽ lên trong trí tưởng tượng non nớt của tôi hình ảnh rất đẹp về một nhà ngoại giao, những người vẫn thường được gọi là đi mây về gió.

Trong những năm tháng ấy, bố cũng đã kể cho tôi nghe rất nhiều câu chuyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà ngoại giao thiên tài của dân tộc với những tài năng và phẩm chất tuyệt vời. Và tự lúc nào, trong tôi đã lớn dần lên một ước mơ cháy bỏng, đó là trở thành nhà ngoại giao giỏi.

Lúc nhỏ tôi nhút nhát, e dè và luôn sợ hãi khi đứng trước đám đông. Tôi sợ những ánh mắt đổ dồn về phía mình, tôi sợ cả những lời bàn tán của mọi người khi đứng trước mặt họ. Nhưng bố đã nói với tôi rằng, nếu muốn trở thành một nhà ngoại giao thì việc đầu tiên tôi phải làm đó là giao tiếp tốt. Muốn làm được điều ấy thì tôi phải vứt bỏ đi sự ngại ngùng vốn có của mình.

Rồi từ đó, đi đâu bố cũng cho tôi đi cùng, đặc biệt là tới những nơi đông người để tôi bạo dạn và mở mang hơn. Bố luôn khuyến khích tôi làm cán bộ lớp, đăng ký tham gia các cuộc thi thể thao, văn nghệ của trường. Người ta thường nói mưa dầm thấm lâu, chính ước mơ trở thành một nhà ngoại giao giỏi là đòn bẩy vô hình khiến tôi thay đổi dần.

Những năm học tiểu học, tôi đã bắt đầu tự mình hòa nhập và không còn dè dặt như trước nữa. Tôi vẫn nhớ như in lần đầu tiên khi bước lên sân khấu để tham gia một cuộc thi văn nghệ của trường. Lần đó tôi tự đăng ký tham gia mà không nói cho bố mẹ biết, đơn giản vì tôi không tự tin về cơ hội đoạt giải của mình.

Thật không may, cô giáo đi cùng với tôi hôm đó đột nhiên bị ốm, tôi phải tự biên tự diễn một mình, không phục trang, không đạo cụ, thậm chí không có ai bên cạnh để nắm lấy cánh tay đang run rẩy của tôi. Tôi ngồi thu lu trong căn phòng cuối dãy, sợ sệt như một chú mèo con bị bỏ rơi. Đột nhiên tôi nghe thấy có tiếng loa vọng lại từ sân khấu, người dẫn chương trình đang đọc tên tôi.

Tôi lưỡng lự và ngập ngừng, tôi toan chùn bước nhưng lại một lần nữa, những bài học bố dạy bỗng phát huy tác dụng như một động lực thực sự. Tôi đứng lên và chạy một mạch ra sân khấu. Sau đó tôi thể hiện tiết mục của mình bằng tất cả những gì tôi có với sự tự tin chưa bao giờ cao đến thế. Đáp trả lại tôi là những tràng pháo tay thật lớn và một giải nhất toàn khối mà có nằm mơ tôi cũng chưa từng nghĩ tới. Năm ấy tôi vừa tròn 9 tuổi.

Những năm sau đó, tôi dần bước ra khỏi vỏ ốc của mình để tiến gần hơn tới ước mơ từ thuở bé. Ý thức được rằng để trở thành một nhà ngoại giao giỏi, tôi phải có kiến thức sâu rộng và chắc chắn trên nhiều lĩnh vực, tôi luôn cố gắng học đều tất cả môn thay vì chỉ học tập trung một số môn nào đó như nhiều bạn cùng trang lứa.

Sinh ra trong một gia đình không khá giả, tôi biết được rằng bố mẹ đã phải chắt chiu từng hạt thóc, hạt ngô, từng củ khoai, củ sắn để nuôi tôi ăn học. Tôi vẫn nhớ những đêm mẹ phải thức trắng để canh đàn lợn sắp sinh, hay những ngày mẹ phải gánh lúa chạy đua với ông trời vì dự báo thời tiết ngày mai sẽ có bão. Hơn bao giờ hết, tôi khao khát một ngày sẽ biến ước mơ của mình thành sự thật để bù đắp những tháng ngày bố mẹ vất vả vì tôi.

Những năm học cấp hai rồi cấp ba, tôi chuyển lên trường huyện. Chấp nhận đi học xa nhà hơn nhưng tôi biết đây sẽ là môi trường học tập lý tưởng để tôi có thể phát huy hết khả năng của mình cũng như tìm kiếm những cơ hội học tập tốt hơn. Trúng tuyển vào lớp chọn nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với việc tôi sẽ sống trong một tập thể với sự cạnh tranh rất cao về mọi mặt.

Hầu hết các bạn trong lớp đều đã có nền tảng kiến thức tốt hơn tôi nhưng điều đó không làm tôi nản chí vì tôi biết mình có thể theo kịp được họ, vấn đề chỉ là thời gian mà thôi. Tôi đã áp dụng rất nhiều cách để có thể học tốt, tự học, lập nhóm. Và tôi tìm gặp các anh chị học xuất sắc ở các lớp trên để xin tài liệu và nhờ họ giảng bài. Trong khi các bạn thường giữ khoảng cách với các thầy cô giáo vì e ngại thì tôi thường mua thêm sách về làm và sau đó nhờ các thầy cô sửa giùm. Với tôi đó là cách học hiệu quả mà giúp tôi nhớ bài lâu hơn.

Chưa bao giờ tôi lãng quên ước mơ của mình, có chăng tôi chỉ tạm xếp nó vào một góc, và khi nào rảnh rỗi tôi lại đem nó ra ngắm, rồi tự mỉm cười vì tôi biết rằng cứ mỗi bước tôi đi thì con đường tiến đến ước mơ ấy lại càng ngắn lại. Tôi bắt đầu tìm hiểu về những chính khách lỗi lạc, những nhà ngoại giao thiên tài của Việt Nam, những bức tượng đài mà tôi luôn kính ngưỡng và tôn thờ.

Từ thời xa xưa, dân tộc Việt Nam đã có những sứ giả được cử đi để làm công tác bang giao với bên ngoài. Rồi trải qua những thăng trầm biến cố của lịch sử, mà điển hình là hai cuộc kháng chiến thần thánh càng chứng tỏ sức mạnh to lớn của công tác ngoại giao. Mỗi khi đọc được những câu chuyện như vậy, tôi không thể giấu nổi ngạc nhiên trước sự thông minh, khéo léo cũng như tài ăn nói, ứng đối tuyệt vời của những nhà ngoại giao Việt.

Từ đó tôi tìm đến văn học. Tôi đọc rất nhiều sách văn để học sự phong phú của tiếng Việt, học cách diễn đạt sao cho ngắn gọn nhưng giàu ý nghĩa, và học cả cách dùng từ sao cho thật đắt, thật tinh tế. Tôi quyết định đăng ký đi thi học sinh giỏi Văn, vì tôi biết nếu đi thi và được gọi vào đội tuyển thì đó sẽ là cơ hội rất tốt cho tôi được thỏa sức tìm hiểu về lĩnh vực này.

Cuối cùng, tôi cũng làm được. Nhưng kết quả thi của năm đầu tiên tôi chỉ dừng lại ở giải tư thành phố. Chưa bằng lòng, năm thứ hai tôi lại thử sức, nhưng buồn thay kết quả cũng chẳng khả quan hơn. Tôi lại chỉ dừng chân tại con số bốn. Tôi quyết định tìm đến cô giáo dạy văn của tôi để tìm hiểu nguyên nhân. Bằng tâm huyết của mình, cô đã kèm cặp và giúp đỡ tôi sửa những lỗi còn chưa hoàn thiện, giúp tôi khắc phục những điểm yếu trong quá trình làm bài.

Đã có lúc trong một ngày tôi phải viết tới hàng chục trang văn, khiến cổ tay đau nhức vì mỏi và lạnh. Có những bài tôi đã nộp nhưng nhận lại là những gạch đỏ chi chít vì cô sửa lỗi. Tôi lại viết lại, lần một, lần hai, rồi lần ba, viết đến khi nào bài tôi nhận lại không còn gạch đỏ nữa thì thôi. Năm ấy đi thi, tôi được giải ba, mọi người nhìn vào chỉ thấy rằng đó là sự tiến bộ không đáng kể, nhưng với tôi đó là thành quả cho những nỗ lực không mệt mỏi. Ít nhất nó đã an ủi tôi vì tôi biết rằng mình đã cố gắng hết sức.

Nhưng muốn trở thành một nhà ngoại giao, tôi không thể không học ngoại ngữ, đó là chìa khóa cho sự thành công của bất kỳ ai muốn theo đuổi con đường này. Và tôi quyết tâm học tiếng Anh cũng vì lẽ đó. Tôi bắt đầu việc học tiếng Anh với những tờ giấy dán quanh nhà, đặc biệt xung quanh bàn học. Trên đó, tôi ghi những từ mới và cấu trúc câu mới.

Tôi cố ý chọn lựa những nơi hay đi qua nhất để dán vì đó là cách khiến tôi nhớ chúng lâu hơn. Tôi nhờ những anh chị đã học đại học ở ngoài thành phố mua giùm từ điển, sách dạy kỹ năng học tiếng Anh và cả sách nâng cao vì ở quê tôi tài liệu học tiếng Anh rất hiếm. Tôi mạnh dạn lên gặp thầy giáo dạy tiếng Anh để xin chép nhờ tài liệu. Những câu nào không hiểu khi làm bài tập, tôi ghi lại trong một quyển sổ và mang lên hỏi thầy.

Năm cuối cấp ba tôi đăng ký thi học sinh giỏi thành phố cả hai môn Văn và tiếng Anh. Quá may mắn, tôi giành luôn hai giải, đó là bàn đạp để tôi nghĩ tới việc sẽ đăng ký thi đại học khối D và tất nhiên sẽ là một ngôi trường mà ở nơi ấy tôi có thể tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ từ nhỏ của mình.

Quảng cáo

Ngày cầm trong tay giấy báo trúng tuyển Học viện Ngoại giao, tôi thấy bố mẹ mỉm cười, đó là nụ cười đẹp nhất mà tôi từng thấy trên gương mặt họ. Bởi họ hiểu, ước mơ của tôi cháy bỏng như thế nào và tôi đã cố gắng ra sao để có thể chạm đến ước mơ ấy. Tôi biết, tất cả mới chỉ là bắt đầu, sẽ còn những chông gai đang chờ đón tôi ở phía trước.

Ngẫm lại, tôi thấy mình bây giờ không còn là chú cá nhỏ đứng trong cái ao làng nữa rồi, tôi đã bơi ra biển lớn, ra đại dương mênh mông. Ở nơi ấy, tôi sẽ tự bơi bằng vây của chính mình, tự quẫy bằng đuôi của chính mình để tìm được thành công và hạnh phúc. Bởi tôi luôn tin rằng: Hãy luôn vươn tới bầu trời, vì nếu không chạm đến những ngôi sao thì bạn cũng sẽ ở giữa những vì tinh tú.

Đặng Thành Đạt

Thể lệ cuộc thi viết "Tôi lập trình tương lai"

- Đối tượng tham gia: Là công dân đang sinh sống, học tập và làm việc trên lãnh thổ Việt Nam có độ tuổi 16-30.

Quảng cáo

- Bài viết dài không quá 2.000 từ. Không giới hạn số lượng bài dự thi của một người.

- Người dự thi cam kết và hoàn toàn chịu trách nhiệm về bản quyền bài dự thi của mình.

- Bài dự thi phải là tác phẩm chưa được đăng trên các ấn phẩm báo, tạp chí. Ban tổ chức được quyền biên tập các bài dự thi.

- Người dự thi gửi kèm bài dự thi, thông tin cá nhân của mình bao gồm: tên; ngày sinh; số CMT; địa chỉ và điện thoại liên hệ.

- Ban tổ chức khuyến khích các tác giả dự thi gửi kèm ảnh của mình theo bài viết.

- Cuộc thi do VnExpress.net, iOne.net và chương trình Cử nhân Top-up [ĐH FPT] phối hợp tổ chức.

- Từ ngày 25/11/2011 đến 25/02/2012, bạn có thể gửi bài viết về: và .

Video liên quan

Chủ Đề