Lãi suất thị trường năm 2020

Mặt bằng lãi suất đang ở mức thấp

ĐẶNG HÀ MY        Thứ Sáu, 18-12-2020, 14:53                    + | Print

Lãi suất thị trường năm 2020

Lãi suất có xu hướng giảm nhẹ hoặc đi ngang do nhu cầu vốn dài hạn có phần giảm bớt. Ảnh: NAM HẢI

Thanh khoản của các ngân hàng (NH) đang ở trạng thái khá dồi dào. Đặc biệt là thời gian qua, nhiều NH tập trung huy động vốn dài hạn nhằm đáp ứng quy định về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, nên nhu cầu vốn dài hạn đến nay có phần giảm, lãi suất huy động (LSHĐ) cũng vì thế mà có xu hướng giảm nhẹ hoặc đi ngang.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia tài chính - NH, trong bối cảnh thanh khoản dồi dào nhưng tăng trưởngtín dụng(TTTD) thấp, cácNHđang cơ cấu lại biểu LSHĐ theo hướng tiếp tục giảm lãi suất với mức giảm phổ biến 0,1-0,2%/năm, đồng thời hạn chế huy động những kỳ hạn dài. Đặc biệt, mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm online, loại hình mà trước đây thường được NH ưu ái lãi cao, cũng giảm mạnh. Có NH huy động ở mức 5,2%/năm áp dụng cho kỳ 12 tháng. Diễn biến này trái ngược với trước đây, khi các NH khuyến khích người dân gửi dài hạn để ổn định nguồn vốn và thiết lập đường cong lãi suất theo hướng kỳ hạn càng dài lãi suất càng cao.

Bước vào tháng cuối của năm 2020, nhiều NH đã chủ động tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất cả huy động lẫn cho vay. Đây là tín hiệu khả quan, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phục hồi của nền kinh tế sau những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 từ đầu năm đến nay. Theo báo cáo tình hình hoạt động các tổ chức tín dụng (TCTD) của NHNN tuần cuối cùng tháng 11-2020, mặt bằng lãi suất tiền gửi bằng VND của TCTD tiếp tục xu hướng giảm. Hiện, lãi suất tiền gửi bằng VND phổ biến ở mức 3,3 - 3,9%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ một tháng đến dưới sáu tháng; 4,2 - 6%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ sáu tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 5,8 - 6,9%/năm.

Tại các NH có vốn nhà nước, hiện lãi suất tiết kiệm online kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên tại VietinBank có mức cao nhất 6%/năm. Trong khi đó, BIDV vẫn giữ biểu lãi suất như tháng trước, hiện ở mức 5,8%/năm; Vietcombank đang huy động ở mức 5,9%/năm.

Tại các NHTM nhỏ như VPBank đang huy động ở mức thấp nhất cho kỳ hạn dài từ 12 tháng đến 24 tháng. Cụ thể, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng ở mức 5,1%/năm, kỳ hạn 24 tháng là 5,2%/năm. Trong khi đó, huy động cùng kỳ hạn, NCB niêm yết mức lãi khá cạnh tranh, lần lượt là 7%/năm và 7,4%/năm, là NH đang huy động vốn online cao nhất trên thị trường. Cũng nằm trong nhóm NH có mức LSHĐ online cao trên hệ thống hiện nay còn có OCB với mức lãi suất 7,1%/năm; SCB và VietCapital Bank ở mức 7%/năm.

Bên cạnh đó, vẫn có NH phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao. Cụ thể, SHB vừa phát hành 2.000 tỷ đồng chứng chỉ tiền gửi dành cho khách hàng cá nhân với mức lãi suất lên đến 7,5%/5 năm đầu tiên cho kỳ hạn tám năm. Trường hợp mua chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn sáu năm, lãi suất năm đầu tiên lên đến 7,3%/năm. Có thể thấy, mức lãi suất cao nhất được các NH huy động không còn dành cho các kỳ hạn dài hơn 36 tháng như trước, mà tập trung chủ yếu vào kỳ hạn từ 12 đến 24 tháng. Thậm chí, có NH còn hạ LSHĐ kỳ hạn 36 tháng xuống mức thấp hơn LSHĐ 24 tháng.

Theo các chuyên gia kinh tế, hiện nay thanh khoản của các NH khá dồi dào. Đặc biệt là thời gian qua, nhiều NH tập trung huy động vốn dài hạn nhằm đáp ứng quy định về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của NHNN, nên nhu cầu vốn dài hạn đến nay có phần giảm bớt, lãi suất cũng vì thế mà có xu hướng giảm nhẹ hoặc đi ngang. Trong khi đó, nhu cầu khách hàng gửi tiết kiệm online ngày càng tăng không chỉ nhờ mức lãi suất đang được áp dụng cao hơn so LSHĐ thông thường tại quầy, mà còn bởi thủ tục khá đơn giản, thao tác giao dịch gửi tiết kiệm online chỉ cần thực hiện trong từ 3 đến 5 phút.

Về xu hướng trong thời gian tới, nhiều chuyên gia và các NH cho rằng, lãi suất sẽ tiếp tục giảm từ nay đến cuối năm và sang cả năm 2021.

Cụ thể, Phó Tổng giám đốc OCB Đào Minh Anh đánh giá, dịch Covid-19 đang được khống chế rất tốt, doanh nghiệp (DN) Việt Nam so các nước khác cũng không bị ảnh hưởng quá nhiều. Tuy nhiên, sự thông thương với quốc tế đã và sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng, nên năm 2021 sẽ là năm vô cùng khó khăn đối với cả các DN, các cá nhân cũng như đối với NH.

Từ tình hình thực tế về lạm phát, thanh khoản, TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định, LSHĐ vẫn có thể giảm thêm, tạo điều kiện NH giảm lãi suất cho vay, tiết kiệm chi phí vốn hỗ trợ DN. Tuy nhiên, các NH cần phải cân nhắc liều lượng giảm lãi suất bởi hiện mặt bằng LSHĐ đang ở mức rất thấp, nên nếu giảm thêm có thể khiến người gửi tiền rút tiền để chuyển sang kênh đầu tư khác, đặc biệt là các kênh đầu tư rủi ro như: vàng, bất động sản, chứng khoán (CK)... làm tăng độ rủi ro cho nền kinh tế. Thời gian gần đây thị trường CK tăng trưởng nhanh, thu hút dòng tiền. Dù vẫn ở trong biên độ kiểm soát nhưng nếu lãi suất tiếp tục giảm có thể thúc đẩy NĐT đầu tư mạnh hơn vào CK, nên có thể tạo ra bong bóng CK.

Cùng quan điểm nêu trên, một chuyên gia NH cũng nhận định, trong điều kiện bình thường thì giảm lãi suất là một công cụ hữu hiệu để thúc đẩy TTTD hỗ trợ nền kinh tế. Nhưng thời điểm này, dù mặt bằng lãi suất đã giảm rất sâu, song tín dụng vẫn tăng chậm do cầu tín dụng yếu khi sản xuất, kinh doanh vẫn đình trệ vì dịch bệnh. Bởi vậy thời điểm này, giảm lãi suất mạnh có thể là con dao hai lưỡi, không những không hỗ trợ nền kinh tế mà còn tạo ra nguy cơ bong bóng tài sản một số lĩnh vực. Trong thời điểm này, việc giảm lãi suất không phải là công cụ hữu hiệu để thúc đẩy TTTD, vì nút thắt tín dụng là tổng cầu vẫn suy giảm. Bên cạnh đó, các NH đang cẩn thận trong hoạt động cho vay nhằm hạn chế nợ xấu mới phát sinh.