Kỹ năng giao tiếp học đường

Ở trường THPT Xuân Huy (Yên Sơn), việc dạy văn hóa giao tiếp, ứng xử cho học sinh được đặc biệt coi trọng. Theo cô giáo Nguyễn Thị Hòa, Hiệu trưởng nhà trường, để góp phần trao đổi kinh nghiệm và tìm những giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục văn hóa giao tiếp trong nhà trường, trường thường xuyên tổ chức những chương trình ngoại khóa giúp học sinh nâng cao kỹ năng giao tiếp, ứng xử. Vừa qua, trường đã tổ chức diễn đàn Xây dựng tình bạn đẹp - Nói không với bạo lực học đường. Tại đây, các em được trực tiếp tham gia vào các vở kịch với những đề tài sát thực tế, mỗi vở kịch không chỉ mang đến tiếng cười mà cả sự suy ngẫm, giúp các em có cái nhìn đúng hơn về lứa tuổi học trò, về cuộc sống xung quanh để ứng xử đúng chuẩn mực.

Kỹ năng giao tiếp học đường


Tiểu phẩm Hãy nói lời hay của học sinh trường THPT Xuân Huy (Yên Sơn) tại buổi ngoại khóa.

Hiện nay, hầu hết các trường học đều chú trọng giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, ứng xử cho học sinh thông qua một số chương trình, hoạt động cụ thể. Việc xây dựng nội quy của giáo viên, học sinh và ban hành quy tắc ứng xử văn hóa của cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh trong trường đã tạo môi trường giáo dục thân thiện, phòng ngừa bạo lực và tệ nạn xã hội tốt hơn. Việc thành lập và duy trì hoạt động của các câu lạc bộ học tập, văn nghệ, thể thao trong trường học đã góp phần thiết thực vào việc rèn luyện những kỹ năng giao tiếp, ứng xử cho học sinh. Sau 2 năm tham gia câu lạc bộ trong trường, em Hoàng Hà Trang, lớp 12A, trường Phổ thông Dân tộc nội trú ATK Sơn Dương thấy mình mạnh dạn hơn trong giao tiếp, biết thêm nhiều bạn và anh chị lớp trên. Trang chia sẻ, trường em có nhiều câu lạc bộ như: Câu lạc bộ em yêu lịch sử Việt Nam, Câu lạc bộ khoa học kỹ thuật, Câu lạc bộ tiếng Anh, Câu lạc bộ văn hóa - văn nghệ... Các Câu lạc bộ thường tổ chức các buổi hoạt động ngoại khóa tập thể vào buổi chiều hoặc tối với nhiều hình thức như: Đóng kịch, văn nghệ, cuộc thi English speaking, các trò chơi với mục đích tuyên truyền bổ ích. Qua đó, giúp học sinh nâng cao hiểu biết, kỹ năng và rèn luyện khả năng giao tiếp.

Tuy nhiên, hiện cũng có nhiều ý kiến cho rằng, văn hóa giao tiếp học đường tại các trường học đang bị xem nhẹ. Nhà trường quá tập trung vào việc giảng dạy kiến thức mà quên đi giáo dục nhân cách cho học sinh. Nhiều khi trò gặp thầy không chào hay có những thái độ phản ứng không tốt. Không chỉ học sinh thiếu văn hóa giao tiếp mà một số thầy, cô giáo hành xử với học trò cũng chưa đúng mực, tạo nên sự rạn nứt trong quan hệ thầy trò, gây bất bình trong xã hội.

Cô giáo Lâm Thị Nga, giáo viên dạy văn hóa của trường Tiểu học Trung Minh (Yên Sơn) cho rằng, để học sinh biết cách ứng xử có văn hóa, mỗi giáo viên luôn phải cố gắng để hoàn thiện bản thân và làm gương cho học sinh. Thay vì gương mặt nghiêm nghị và cái gật đầu cứng nhắc khi nhận được lời chào của các em, thầy cô giáo luôn chào lại các em bằng một câu nói với nụ cười thân thiện và cởi mở. Đôi khi một cử chỉ nhỏ của thầy cô cũng làm thay đổi, tạo nên sự khác biệt trong nhận thức của các em. Có như vậy, các em mới thấy được văn hóa ứng xử được thể hiện qua từng hành vi nhỏ nhất.

Trường học là nơi truyền dạy những nét đẹp của văn hóa. Vì vậy, việc xây dựng chuẩn mực về lời nói, hành vi trong giao tiếp, ứng xử một cách mẫu mực trong môi trường sư phạm ở các trường học là rất cần thiết. Qua đó, giúp học sinh tránh xa những thói hư, tật xấu, dần hoàn thiện nhân cách và phát triển toàn diện.

Video liên quan