Kinh Tâm bào là gì

Kinh thủ quyết âm tâm bào [PC]

  • Tác giả: Học viện Quân y
  • Chuyên ngành: Y học cổ truyền
  • Nhà xuất bản:Học viện Quân y
  • Năm xuất bản:2008
  • Trạng thái:Chờ xét duyệt
  • Quyền truy cập: Cộng đồng

Kinh thủ quyết âm tâm bào [PC]

Đường đi.

Từ núm vú ra 1 thốn [bờ trên xương sườn V, phía ngoài đường giữa đòn 1 thốn], ra cạnh sườn tới nách, rồi dọc theo giữa mặt trước cánh tay, khuỷu tay, cẳng tay, cổ tay, bàn tay và ngón tay, tận cùng ở đầu chót ngón tay giữa.

Liên quan.

Liên quan tiết đoạn ở ngực : D3 - D4 - D2 và C4; ở cẳng cánh tay : C7.

Tâm bào lạc và tam tiêu có tương quan biểu lý [trong tạng và đầu ngón tay 5], tiết đoạn C7 liên quan với rối loạn chức năng thần kinh tim.

Chỉ định điều trị chung:

Tại chỗ: đau thần kinh liên sườn, đám rối thần kinh cánh tay, khớp cổ tay, bàn tay, khuỷu; liệt chi trên, liệt đau thần kinh giữa.

Toàn thân: mất ngủ, rối loạn chức năng thần kinh tim, điều trị các cơn đau nội tạng.

Huyệt vị thường dùng.

Thiên trì [PC1]:

Thiên trì là hội của kinh quyết âm ở tay, chân, kinh thiếu dương ở chân.

Vị trí: ở trước ngực, ngoài núm vú 1 thốn, bờ trên xương sườn 5.

Điều trị: tức ngực, bồn chồn, đau sườn, nách sưng đau, tràng nhạc.

Cách châm cứu: châm sâu 0,2 - 0,3 thốn [không châm sâu và không kích thích mạnh vì có thể gây tổn thương phổi].

Thiên tuyền [PC2] :

Vị trí: ở đầu dưới nếp nách trước 2 thốn, giữa khe phần ngắn, phần dài cơ nhị đầu cánh tay [hơi co khuỷu tay để xác định phần ngắn phần dài của cơ nhị đầu cánh tay].

Điều trị: đau mặt trong cánh tay, đau vùng trước tim, đau ngực.

Cách châm cứu: châm sâu 0,5 - 0,7 thốn; cứu 5 - 7phút.

Khúc trạch [PC3]:

Khúc trạch là huyệt hợp thuộc thủy.

Vị trí: ở chính giữa lằn chỉ khuỷu tay, nằm sát bờ trong gân cơ nhị đầu cánh tay.

Điều trị: sưng đau khuỷu tay, đau cẳng tay, cánh tay, đau vùng tim. Miệng khô, phiền táo, ra mồ hôi ở đầu, nôn do cảm hàn hay thai nghén, thổ tả.

Cách châm cứu: châm sâu 0,3 - 0,5 thốn; cứu 5 - 10phút.

Khích môn [PC4]:

Khích môn là huyệt hích

Vị trí: từ lằn chỉ cổ tay [huyệt đại lăng] đo lên 5 thốn. Huyệt nằm giữa gân cơ gan tay lớn và gân cơ gan tay bé [gấp bàn tay nghiêng vào trong sẽ rõ].

Điều trị: đau vùng trước tim có nôn mửa, tim đập hồi hộp, ngũ tâm phiền nhiệt [hai lòng bàn chân, hai lòng bàn tay, vùng trước tim phiền nhiệt], tinh thần uể oải.

Cách châm cứu: châm sâu 0,3 - 0,5 thốn; cứu 5 - 10phút.

Giản sử [PC5]:

Giản sử là huyệt kinh thuộc kim.

Vị trí: trên nếp gấp cổ tay 3 thốn, giữa hai gân cơ gan tay lớn và bé.

Điều trị: đau cánh tay, nóng gan bàn tay, bệnh nhiệt có tâm phiền, đau vùng tim, hồi hộp; trúng phong đờm dãi nhiều, nôn, khản tiếng, điên cuồng, sốt rét.

Cách châm cứu: châm sâu 0,3 - 0,5 thốn; cứu 5 - 10phút.

Nội quan [PC6]:

Nội quan là huyệt lạc nối kinh tam tiêu, huyệt hội của kinh quyết âm tay, mạch âm duy.

Vị trí: từ Đại lăng đo lên 2 thốn, giữa khe của gân cơ gan tay lớn và bé.

Điều trị: đau cẳng tay, đau vùng tim, đau sườn ngực, tâm phiền, hồi hộp. Nôn, đầy trướng bụng, tiêu hóa kém, điên cuồng.

Cách châm cứu: châm sâu 0,3 - 0,5 thốn [không nên kích thích mổ cò, có thể làm tổn thương dây thần kinh Giữa]; cứu 5 - 10phút.

Đại lăng [PC7]:

Đại lăng là huyệt nguyên.

Vị trí: chính giữa lằn chỉ cổ tay [giữa hai gân cơ gan tay lớn và bé]

Điều trị: khuỷu tay co, đau cổ tay, lòng bàn tay nóng; đau sườn ngực, đau vùng tim, tâm phiền ; đau bụng nôn, dễ sợ hãi, cười vô cớ [cười mãi không hết]. Kết hợp với nhân trung, hợp cốc để chữa hysteria. Cách châm cứu: châm sâu 0,2 - 0,3 thốn ; cứu 5 - 7phút.

Trung xung [PC9]: trung xung là huyệt tỉnh thuộc mộc.

Vị trí: chính giữa đầu mút ngón tay giữa [cách bờ tự do móng tay 2 ly, là một trong huyệt thập tuyên].

Điều trị: lòng bàn tay nóng. Cứng lưỡi, đau vùng tim, tâm phiền, trúng phong, bất tỉnh, hôn mê, sốt không ra mồ hôi.

Cách châm cứu: châm sâu 0,1 thốn [khi chữa bệnh cấp nặn ra một ít máu]; cứu 2 - 3phút.

Chủ Đề