Jesus christ nghĩa là gì

1, 2. (a) Tại sao biết một người nổi tiếng không có nghĩa là bạn thật sự biết người ấy? (b)Có những ý kiến khác nhau nào về Chúa Giê-su?

TRÊN thế giới có nhiều người nổi tiếng. Một số người có danh tiếng trong cộng đồng, thành phố hay nước của họ. Những người khác thì được khắp thế giới biết đến. Tuy nhiên, chỉ biết tên một người nổi tiếng không có nghĩa là bạn thật sự biết người ấy. Và cũng không có nghĩa là bạn biết mọi chi tiết về lai lịch cũng như người ấy thật sự là người như thế nào.

2 Trên khắp thế giới, người ta đều đã nghe một điều gì đó về Chúa Giê-su Christ mặc dù ngài sống trên đất cách đây khoảng 2.000 năm. Nhưng nhiều người không biết chắc Chúa Giê-su thật sự là ai. Một số người nói ngài chỉ là một người tốt. Những người khác cho rằng ngài không có gì đặc biệt hơn một nhà tiên tri. Còn một số khác tin rằng ngài là Đức Chúa Trời và phải được tôn thờ. Nhưng có nên tôn thờ ngài không?

3. Tại sao biết sự thật về Chúa Giê-su là điều quan trọng cho bạn?

3 Biết sự thật về Chúa Giê-su là điều quan trọng cho bạn. Tại sao? Vì Kinh Thánh nói: “Vả, sự sống đời đời là nhìn biết Cha, tức là Đức Chúa Trời có một và thật, cùng Jêsus-Christ, là Đấng Cha đã sai đến”. (Giăng 17:3) Đúng vậy, biết sự thật về Giê-hô-va Đức Chúa Trời và Chúa Giê-su Christ có thể dẫn bạn đến sự sống muôn đời trong địa đàng. (Giăng 14:6) Ngoài ra, Chúa Giê-su nêu gương mẫu tốt nhất về cách sống và cách cư xử với người khác. (Giăng 13:34, 35) Trong chương đầu tiên của sách này, chúng ta đã thảo luận sự thật về Đức Chúa Trời. Giờ đây hãy xem xét Kinh Thánh thật sự dạy gì về Chúa Giê-su Christ.

ĐẤNG MÊ-SI NHƯ ĐƯỢC HỨA TRƯỚC

4. Tước vị “Đấng Mê-si” và “Đấng Christ” có nghĩa gì?

4 Từ lâu trước khi Chúa Giê-su được sinh ra, Kinh Thánh báo trước rằng Đức Chúa Trời sẽ phái một người đến để làm Đấng Mê-si tức là Đấng Christ. Tước vị “Đấng Mê-si” (theo từ Hê-bơ-rơ) và “Đấng Christ” (theo từ Hy Lạp) đều có nghĩa là “Đấng Xức Dầu”. Đấng này sẽ được xức dầu, tức là được Đức Chúa Trời bổ nhiệm vào một địa vị đặc biệt. Trong những chương sau của sách này, chúng ta sẽ học biết về vai trò quan trọng của Đấng Mê-si trong việc thực hiện lời hứa của Đức Chúa Trời. Chúng ta cũng sẽ được biết về những ân phước mà Chúa Giê-su có thể mang lại cho chúng ta ngay cả trong hiện tại. Tuy nhiên, trước khi Chúa Giê-su sinh ra, chắc hẳn nhiều người thắc mắc: ‘Ai thật sự là Đấng Mê-si?’

5. Các môn đồ của Chúa Giê-su tin chắc điều gì về ngài?

5 Trong thế kỷ thứ nhấtCN, các môn đồ của Chúa Giê-su người Na-xa-rét, đều tin chắc ngài là Đấng Mê-si mà Kinh Thánh đã báo trước. (Giăng 1:41) Một môn đồ tên là Si-môn Phi-e-rơ công khai nhìn nhận Chúa Giê-su: “Chúa là Đấng Christ”. (Ma-thi-ơ 16:16) Nhưng làm sao những môn đồ ấy—và chúng ta—có thể biết chắc Chúa Giê-su chính là Đấng Mê-si được Đức Chúa Trời hứa từ trước?

6. Hãy minh họa cách Đức Giê-hô-va giúp những người trung thành nhận biết Đấng Mê-si.

6 Các tiên tri của Đức Chúa Trời sống trước thời Chúa Giê-su đã báo trước nhiều chi tiết về Đấng Mê-si. Những chi tiết này sẽ giúp những người khác nhận ra ngài. Chúng ta có thể minh họa bằng cách này: Giả sử có ai nhờ bạn đón người nào đó mình chưa gặp mặt bao giờ tại bến xe hoặc ga xe lửa hay sân bay tấp nập. Muốn nhận ra người đó, chẳng phải bạn cần biết trước một vài chi tiết về người ấy hay sao? Tương tự thế, qua các nhà tiên tri trong Kinh Thánh, Đức Giê-hô-va cho khá nhiều chi tiết miêu tả về những gì Đấng Mê-si sẽ làm và phải nếm trải. Sự ứng nghiệm của nhiều lời tiên tri này giúp những người trung thành nhận biết ngài một cách rõ ràng.

7. Hai lời tiên tri nào đã ứng nghiệm về Chúa Giê-su?

7 Bây giờ chúng ta hãy xem xét hai trường hợp. Thứ nhất, nhà tiên tri Mi-chê đã báo trước hơn 700 năm là Đấng mà Đức Chúa Trời đã hứa sẽ sinh ra ở Bết-lê-hem, một thành nhỏ xứ Giu-đa. (Mi-chê 5:1) Chúa Giê-su thật sự sinh ra ở đâu? Không nơi nào khác, chính tại thành Bết-lê-hem! (Ma-thi-ơ 2:1, 3-9) Thứ hai, nhiều thế kỷ trước, lời tiên tri ghi nơi Đa-ni-ên 9:25 cho biết rõ năm mà Đấng Mê-si xuất hiện—29CN.* Sự ứng nghiệm các lời tiên tri này và những lời khác chứng tỏ Chúa Giê-su là Đấng Mê-si như đã hứa từ trước.

Vào lúc báp têm, Chúa Giê-su trở thành Đấng Mê-si, tức là Đấng Christ

8, 9. Lúc Chúa Giê-su làm báp têm, bằng chứng nào cho thấy rõ ngài là Đấng Mê-si?

8 Gần cuối năm 29CN có thêm bằng chứng cho thấy Chúa Giê-su là Đấng Mê-si. Đó là năm Chúa Giê-su đến với Giăng Báp-tít để làm báp têm ở Sông Giô-đanh. Đức Giê-hô-va đã hứa cho Giăng một dấu hiệu để ông có thể nhận ra Đấng Mê-si. Giăng thấy dấu hiệu đó lúc Chúa Giê-su làm báp têm. Kinh Thánh tường thuật như sau: “Vừa khi chịu phép báp-têm rồi, Đức Chúa Jêsus ra khỏi nước; bỗng-chúc các từng trời mở ra, Ngài thấy Thánh-Linh của Đức Chúa Trời ngự xuống như chim bồ-câu, đậu trên Ngài. Tức thì có tiếng từ trên trời phán rằng: Nầy là Con yêu-dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đàng”. (Ma-thi-ơ 3:16, 17) Sau khi nghe và thấy những gì xảy ra, Giăng tin chắc là Chúa Giê-su được Đức Chúa Trời sai đến. (Giăng 1:32-34) Vào ngày đó, khi thánh linh tức sinh hoạt lực của Đức Chúa Trời đổ xuống trên ngài, Chúa Giê-su trở thành Đấng Mê-si, tức là Đấng Christ,người được bổ nhiệm làm Vị Lãnh Đạo và Vua.—Ê-sai 55:4.

9 Sự ứng nghiệm lời tiên tri trong Kinh Thánh và chính lời chứng của Giê-hô-va Đức Chúa Trời cho thấy rõ Chúa Giê-su là Đấng Mê-si được hứa từ trước. Nhưng Kinh Thánh cũng trả lời hai câu hỏi quan trọng khác về Chúa Giê-su Christ: Ngài xuất xứ từ đâu và ngài là người như thế nào?

CHÚA GIÊ-SU XUẤT XỨ TỪ ĐÂU?

10. Kinh Thánh cho biết gì về sự hiện hữu của Chúa Giê-su trước khi ngài xuống trái đất?

10 Kinh Thánh cho biết rằng Chúa Giê-su ở trên trời trước khi xuống đất. Tiên tri Mi-chê báo trước rằng Đấng Mê-si sẽ sinh tại Bết-lê-hem và cũng nói rằng gốc tích ngài “bởi từ đời xưa”. (Mi-chê 5:1) Trong nhiều dịp, chính Chúa Giê-su nói rằng ngài ở trên trời trước khi sinh ra làm người. (Giăng 3:13; 6:38, 62; 17:4, 5) Với tư cách là tạo vật thần linh trên trời, Chúa Giê-su có mối quan hệ đặc biệt với Đức Giê-hô-va.

11. Kinh Thánh nói gì để cho thấy Chúa Giê-su là Con hết sức yêu quý của Đức Giê-hô-va?

11 Có lý do chính đáng để nói rằng Chúa Giê-su là Con hết sức yêu quý của Đức Giê-hô-va. Ngài được gọi là “Đấng sanh ra đầu hết thảy mọi vật dựng nên” vì ngài được Đức Chúa Trời tạo ra trước nhất.* (Cô-lô-se 1:15) Người Con này còn đặc biệt vì một lý do khác nữa. Ngài là “Con một”. (Giăng 3:16) Điều này có nghĩa là chỉ một mình Chúa Giê-su được Đức Chúa Trời trực tiếp tạo ra. Chúa Giê-su cũng là đấng duy nhất được Đức Chúa Trời dùng để tạo dựng nên muôn vật. (Cô-lô-se 1:16) Và Chúa Giê-su cũng được gọi là “Ngôi-Lời”. (Giăng 1:14) Điều này cho chúng ta biết rằng ngài phát ngôn cho Đức Chúa Trời, chắc chắn là truyền thông điệp và những chỉ thị cho các con khác của Cha ngài, cả thần linh lẫn loài người.

12. Làm sao chúng ta biết Con đầu lòng không ngang hàng với Đức Chúa Trời?

12 Con đầu lòng có ngang hàng với Đức Chúa Trời như một số người tin không? Kinh Thánh không dạy điều đó. Như chúng ta thấy ở đoạn trên, Con đã được dựngnên. Vậy hiển nhiên là ngài có sự khởi đầu, trong khi Giê-hô-va Đức Chúa Trời không có khởi đầu hay cuối cùng. (Thi-thiên 90:2) Con một này không hề xem mình ngang hàng với Cha. Kinh Thánh dạy rõ ràng là Cha lớn hơn Con. (Giăng 14:28; 1Cô-rinh-tô 11:3) Chỉ một mình Đức Giê-hô-va là “Đức Chúa Trời toàn-năng”. (Sáng-thế Ký 17:1) Vì vậy, không ai ngang hàng với Ngài.*

13. Kinh Thánh hàm ý gì khi nói Con là “hình-ảnh của Đức Chúa Trời không thấy được”?

13 Đức Giê-hô-va và Con đầu lòng gần gũi nhau hàng tỷ năm—rất lâu trước khi các từng trời và trái đất được dựng nên. Cha và Con thương yêu nhau biết dường nào! (Giăng 3:35; 14:31) Người Con yêu dấu này thật giống Cha. Vì thế Kinh Thánh nói Con là “hình-ảnh của Đức Chúa Trời không thấy được”. (Cô-lô-se 1:15) Đúng vậy, nói về loài người, con có thể rất giống cha về nhiều phương diện, tương tự thế, Con trên trời này phản ánh những đức tính và cá tính của Cha.

14. Làm sao Con một của Đức Giê-hô-va được sinh ra làm người?

14 Con một của Đức Giê-hô-va sẵn lòng rời địa vị trên trời để xuống trái đất làm người. Nhưng có lẽ bạn thắc mắc: ‘Làm sao một tạo vật thần linh có thể sinh ra làm người được?’ Để thực hiện điều này, Đức Giê-hô-va làm một phép lạ. Ngài chuyển sự sống của Con đầu lòng từ trên trời vào lòng một trinh nữ Do Thái tên Ma-ri. Việc này không cần đến một người cha trên đất. Do đó Ma-ri sinh ra một con trai hoàn toàn và đặt tên là Giê-su.—Lu-ca 1:30-35.

CHÚA GIÊ-SU LÀ NGƯỜI NHƯ THẾ NÀO?

15. Tại sao có thể nói rằng qua Chúa Giê-su chúng ta biết nhiều hơn về Đức Giê-hô-va?

15 Những gì Chúa Giê-su nói và làm lúc còn trên đất giúp chúng ta biết rõ về ngài. Hơn thế nữa, qua Chúa Giê-su chúng ta biết nhiều hơn về Đức Giê-hô-va. Tại sao có thể nói thế? Hãy nhớ rằng người Con này hoàn toàn phản ánh Cha. Vì thế mà Chúa Giê-su phán cùng môn đồ: “Ai đã thấy ta, tức là đã thấy Cha”. (Giăng 14:9) Trong Kinh Thánh, bốn sách Phúc Âm—Ma-thi-ơ, Mác, Lu-ca và Giăng—nói cho chúng ta biết nhiều về đời sống, hoạt động và đức tính của Chúa Giê-su Christ.

16. Thông điệp chính của Chúa Giê-su là gì, và đạo lý của ngài từ đâu đến?

16 Chúa Giê-su nổi tiếng là một bậc “Thầy”. (Giăng 1:38; 13:13) Ngài dạy những gì? Thông điệp chính của ngài là “tin-lành của nước Đức Chúa Trời”. Nước Đức Chúa Trời là chính phủ trên trời sẽ cai trị khắp đất và sẽ mang lại ân phước bất tận cho những người biết vâng lời. (Ma-thi-ơ 4:23) Thông điệp này từ đâu đến? Chính Chúa Giê-su trả lời: “Đạo-lý của ta chẳng phải bởi ta, nhưng bởi Đấng đã sai ta đến”, đó là Đức Giê-hô-va. (Giăng 7:16) Chúa Giê-su biết rằng Cha ngài muốn loài người nghe tin mừng về Nước Trời. Trong Chương 8, chúng ta sẽ học biết về Nước Đức Chúa Trời và những gì Nước ấy thực hiện trong tương lai.

17. Chúa Giê-su dạy dỗ ở đâu, và tại sao ngài dành nhiều công sức và thời giờ dạy người khác?

17 Chúa Giê-su dạy dỗ ở đâu? Bất cứ nơi nào ngài gặp người ta—ở thôn quê cũng như thành phố, làng mạc, chợ búa và tại nhà họ. Chúa Giê-su không chờ người ta đến với ngài, nhưng ngài đến với họ. (Mác 6:56; Lu-ca 19:5, 6) Tại sao Chúa Giê-su bỏ ra nhiều công sức và thời giờ để rao giảng và dạy dỗ? Vì đó là ý muốn của Đức Chúa Trời đối với ngài. Chúa Giê-su luôn luôn làm theo ý muốn của Cha. (Giăng 8:28, 29) Nhưng còn lý do khác cho biết tại sao ngài rao giảng. Ngài thương xót đám dân đông đến với ngài. (Ma-thi-ơ 9:35, 36) Họ bị giới lãnh đạo tôn giáo bỏ bê, những người đáng lẽ phải dạy dân chúng lẽ thật về ĐứcChúaTrời và ý định của Ngài. Chúa Giê-su biết dân chúng rất cần nghe thông điệp Nước Trời.

18. Bạn thấy đức tính nào của Chúa Giê-su thu hút nhất?

18 Chúa Giê-su là người nồng hậu và đầy tình cảm sâu sắc. Vì thế người ta thấy ngài tử tế và dễ đến gần. Ngay cả trẻ con cũng cảm thấy thoải mái với ngài. (Mác 10:13-16) Chúa Giê-su không thiên vị. Ngài ghét sự tham nhũng và bất công. (Ma-thi-ơ 21:12, 13) Vào thời mà phụ nữ bị xem thường và có ít quyền lợi, thì ngài đối xử với họ một cách tôn trọng. (Giăng 4:9, 27) Chúa Giê-su thật sự khiêm nhường. Có lần ngài rửa chân cho các sứ đồ, mà thông thường ấy là việc làm của người đầy tớ thấp kém.

Chúa Giê-su rao giảng bất cứ nơi nào ngài gặp người ta

19. Trường hợp nào cho thấy Chúa Giê-su nhạy cảm trước nhu cầu của người khác?

19 Chúa Giê-su là người nhạy cảm trước nhu cầu của người khác. Chúng ta thấy rõ điều này khi ngài chữa lành bằng phép lạ nhờ thánh linh Đức Chúa Trời. (Ma-thi-ơ 14:14) Thí dụ, một người mắc bệnh phung đến với Chúa Giê-su và nói: “Nếu Chúa khứng, có thể khiến tôi sạch được”. Chính ngài cảm nhận sự đau đớn và khổ sở của người này. Động lòng thương xót, ngài giơ tay rờ người ấy và phán: “Ta khứng, hãy sạch đi”. Thế là người bệnh đã được chữa lành! (Mác 1:40-42) Bạn có thể tưởng tượng người ấy cảm thấy thế nào không?

TRUNG THÀNH CHO ĐẾN CÙNG

20, 21. Chúa Giê-su nêu gương về việc hết lòng vâng lời Đức Chúa Trời như thế nào?

20 Chúa Giê-su nêu gương tốt nhất về việc hết lòng vâng lời Đức Chúa Trời. Ngài giữ lòng trung thành với Cha trên trời dưới mọi hoàn cảnh và bất chấp mọi hình thức chống đối và đau khổ. Chúa Giê-su đứng vững và kháng cự được sự cám dỗ của Sa-tan. (Ma-thi-ơ 4:1-11) Có lần, một số người thân thuộc không tin ngài mà còn nói rằng ngài “mất trí-khôn”. (Mác 3:21) Nhưng Chúa Giê-su không để họ ảnh hưởng ngài, nhưng cứ tiếp tục làm công việc Đức Chúa Trời. Bất kể sự mắng nhiếc và ngược đãi, ngài giữ tính tự chủ, không bao giờ tìm cách làm hại những người chống đối mình.—1Phi-e-rơ 2:21-23.

21 Chúa Giê-su giữ lòng trung thành đến chết—một cái chết tàn nhẫn và đau đớn trong tay những kẻ thù. (Phi-líp 2:8) Hãy xem những gì ngài phải chịu đựng vào ngày cuối cuộc đời trên đất. Ngài bị bắt, bị những kẻ làm chứng dối buộc tội, bị quan tòa kết án, đám đông chế giễu và bọn lính hành hạ. Lúc bị đóng đinh trên cây gỗ, ngay trước khi trút hơi thở cuối cùng ngài kêu lớn: “Mọi việc đã được trọn”. (Giăng 19:30) Tuy nhiên, vào ngày thứ ba sau khi Chúa Giê-su chết, Cha trên trời cho ngài sống lại trong thể thần linh, hay “thần khí”. (1Phi-e-rơ 3:18, NTT) Vài tuần sau, ngài trở về trời rồi ‘ngồi bên hữu Đức Chúa Trời’ và đợi ngày nhận quyền làm vua.—Hê-bơ-rơ 10:12, 13.

22. Chúa Giê-su thực hiện được điều gì khi giữ vẹn lòng trung thành cho đến chết?

22 Chúa Giê-su thực hiện được điều gì bằng cách giữ lòng trung thành đến chết? Cái chết của ngài thật sự mở ra cho chúng ta cơ hội sống muôn đời trong địa đàng, phù hợp với ý định ban đầu của Đức Giê-hô-va. Làm sao cái chết của Chúa Giê-su thực hiện điều ấy sẽ được bàn luận trong chương kế tiếp.

^ đ. 7 Muốn biết rõ lời tiên tri Đa-ni-ên được ứng nghiệm như thế nào về Chúa Giê-su, xin xem Phụ Lục, trang 197-199.

^ đ. 11 Đức Giê-hô-va được gọi là Cha vì Ngài là Đấng Tạo Hóa. (Ê-sai 64:8) Vì Chúa Giê-su được Đức Chúa Trời dựng nên, ngài được gọi là Con Đức Chúa Trời. Vì lý do tương tự, các tạo vật thần linh khác và ngay cả người đàn ông A-đam cũng được gọi là con của Đức Chúa Trời.—Gióp 1:6; Lu-ca 3:38.

^ đ. 12 Muốn biết thêm bằng chứng Con đầu lòng không ngang hàng với Đức Chúa Trời, xin xem Phụ Lục, trang 201-204.

NHỮNG ĐIỀU KINH THÁNH DẠY

  • Lời tiên tri được ứng nghiệm và chính lời chứng của Đức Chúa Trời chứng tỏ Chúa Giê-su là Đấng Mê-si, tức Đấng Christ.—Ma-thi-ơ 16:16.

  • Trước khi xuống trái đất, Chúa Giê-su sống trên trời rất lâu với tư cách là một tạo vật thần linh.—Giăng 3:13.

  • Chúa Giê-su là một bậc thầy, một người nồng hậu và gương mẫu về việc hoàn toàn vâng lời Đức Chúa Trời.—Ma-thi-ơ 9:35, 36.