Hướng dẫn con đọc sách

Trẻ đọc sách thế nào, thực tế mỗi đứa trẻ học cách đọc theo tốc độ của riêng mình. Học cách đọc từ những bước đơn giản, có thể giúp trẻ củng cố các kỹ năng đọc đang phát triển của trẻ và khơi dậy lòng quý trọng sách từ nhỏ.

1. Cách đọc sách cho trẻ: Hãy kiên nhẫn

Bạn đã bao giờ thấy lo lắng rằng con mình không "tự nhiên" học đọc? Bạn đã thấy trẻ dường như học đi bộ, nói chuyện và tiếp theo bạn muốn trẻ tự học đọc? Nhưng điều đó lại không xảy ra với hầu hết trẻ em.

Nhiều bậc cha mẹ lo lắng về cách phát triển kỹ năng đọc của con mình. Nhưng bạn cần biết rằng đọc sách khác với đi bộ và nói chuyện. Nó không phải là một kỹ năng tự nhiên hay cố hữu. Trong khi bộ não của con người được kết nối sinh học để cho phép chúng ta đi lại và nói chuyện, thì điều tương tự không xảy ra khi nói về việc đọc.

Con người đã biết đi và nói chuyện trong ít nhất năm triệu năm, nhưng chúng ta chỉ bắt đầu biết đọc cách đây khoảng 5.000 năm. Và chỉ trong vài thế kỷ gần đây, đa số người dân trở thành những độc giả. Vì vậy, trẻ em cần giúp đỡ dưới hình thức hướng dẫn đọc là điều đương nhiên.

Đến 3 hoặc 4 tuổi, nhiều trẻ bắt đầu thể hiện các kỹ năng đọc viết trước, chẳng hạn như nghe và tạo thành các vần, hay học bảng chữ cái. Từ đó, trẻ có thể bắt đầu hình thành kỹ năng đọc sớm, chẳng hạn như liên kết các chữ cái với âm thanh, sau đó nghe những âm thanh đó trong từ. Khi đã nắm được những kỹ năng này, trẻ có thể chuyển sang ghép các âm với nhau để đọc các từ và tách các âm đó ra để đánh vần.

Mặc dù việc đọc bao gồm nhiều bước và kỹ năng, nhưng đây không phải là một việc nhàm chán nếu bạn dạy cách đọc sách cho trẻ. Việc đọc có thể trở nên thú vị và hấp dẫn trẻ hơn với các trò chơi, câu chuyện và bài hát.

Hướng dẫn con đọc sách
Cha mẹ hãy dành thời gian và sự kiên nhẫn để đọc sách cùng con

2. Cách đọc sách cho trẻ: Hãy cho trẻ thời gian học cách đọc sách

Trẻ em không cần phải đọc trôi chảy cho đến cuối lớp hai. Bạn đã bao giờ cảm thấy áp lực khi phải đảm bảo rằng con mình sẽ đọc sách vào ngày đầu tiên đi học mẫu giáo? Hãy yên tâm, bởi mỗi đứa trẻ học cách đọc theo tốc độ của riêng mình. Một số trẻ 3 tuổi có thể học đọc chỉ với một chút hướng dẫn, trong khi những đứa trẻ khác chưa sẵn sàng đọc cho đến khi chúng được 5 tuổi hoặc thậm chí 6 tuổi.

Trẻ em trước 5 tuổi có thể không biết bảng chữ cái hoặc hiểu rằng các từ cần được chia nhỏ thành các âm để được giải mã, nhưng trẻ thường có thể nhận ra tên của chính mình hoặc các từ như "dừng lại". Chúng cũng có thể bắt đầu chơi với âm thanh, tạo ra những từ vô nghĩa, nghe các vần điệu và cố gắng thành thạo cách uốn lưỡi, tất cả đều là dấu hiệu nhận biết ngữ âm.

Đến cuối lớp mẫu giáo, trẻ em thường biết tất cả các chữ cái trong bảng chữ cái bao gồm cả chữ hoa và chữ thường và có thể đọc được chúng. Một số trẻ em, với sự hướng dẫn trực tiếp, cũng đã bắt đầu giải mã những từ đơn giản như "người", "ngồi", "nhảy",...

Đến cuối lớp một, trẻ em thường có thể đọc nhiều từ đơn âm tiết và bắt đầu phát âm những từ khác. Vào cuối lớp hai, nhiều trẻ đã bắt đầu đọc những từ dài, không quen thuộc. Mỗi đứa trẻ là một cá thể khác biệt, vì vậy đừng quá ép trẻ phải đạt được những cột mốc quan trọng này. Tuy nhiên, nếu bạn lo lắng về sự tiến bộ của trẻ khi học đọc, hãy nói chuyện với bác sĩ nhi khoa hoặc giáo viên của trẻ.

3. Cách đọc sách cho trẻ: Chấp nhận sự lặp lại

Đọc đi đọc lại cùng một cuốn truyện giúp trẻ xây dựng kỹ năng đọc. Rất nhiều trẻ em, đặc biệt là trẻ mẫu giáo, thích nghe đọc đi đọc lại cùng một câu chuyện. Điều này là hoàn toàn bình thường và bạn nên vui mừng về điều đó.

Có vẻ như chúng đang bỏ lỡ cơ hội đọc những câu chuyện khác, nhưng khi trẻ nghe lặp lại cùng một câu chuyện, chúng sẽ học được nhịp điệu và cấu trúc của ngôn ngữ. Trẻ cảm thấy có quyền sở hữu câu chuyện, dự đoán điều gì xảy ra tiếp theo và đánh giá cao việc dành thời gian cho một cuốn sách đã trở thành một người bạn tốt. Lặp lại cũng giúp trẻ hiểu cấu trúc cơ bản của câu chuyện, như cách các cốt truyện diễn ra và cách các nhân vật phát triển. Đó là bước đầu tiên quan trọng trong hành trình học đọc của trẻ.

Đọc đi đọc lại cùng một câu chuyện không nhất thiết phải lặp đi lặp lại. Bạn có thể thêm một số phần bổ sung, cùng với việc tạo ra một số khác biệt khi đọc, bằng cách sử dụng giọng nói ngớ ngẩn hoặc thậm chí diễn xuất các phần của câu chuyện.

Tốt hơn hết, bạn và trẻ hãy thay phiên nhau "đọc" các trang của quyển truyện. Ngay cả khi con bạn không thể đọc được các từ trên trang, rất có thể trẻ đã ghi nhớ câu chuyện. Bạn cũng có thể thử đọc sai một số phần và để xem trẻ có thể phát hiện ra sự khác biệt hay không. Nếu thực sự bạn không thể tiếp tục đọc cùng một câu chuyện lần thứ một trăm, hãy nhờ sự giúp đỡ của ông bà, cô dì, chú bác để đọc lại câu chuyện cho trẻ nghe. Bằng cách đó, bạn được nghỉ ngơi và trẻ vẫn có thể chia sẻ câu chuyện yêu thích của mình với gia đình.

Hướng dẫn con đọc sách
Đọc đi đọc lại cùng một cuốn truyện giúp trẻ xây dựng kỹ năng đọc

4. Chia sẻ sách: Đọc to cho trẻ nghe giúp thúc đẩy niềm yêu thích đọc sách của trẻ

Đọc to cho trẻ nghe và để trẻ đọc to cho bạn nghe sẽ giúp trẻ thích đọc hơn. Điều này cũng giúp trẻ mở rộng vốn từ vựng và giúp trẻ hiểu cấu trúc câu chuyện. Không bao giờ là quá sớm để bắt đầu biến việc đọc sách trở thành một phần đặc biệt trong ngày của trẻ.

Bất kỳ thời gian nào trong ngày đều có thể sử dụng để dạy cách đọc sách cho trẻ như: sau giờ học, trước khi ăn tối, hay đó là việc làm đầu tiên vào buổi sáng. Trước khi đi ngủ thường là thời gian tốt nhất cho các gia đình, vì giúp trẻ ổn định và chuẩn bị cho giấc ngủ. Một câu chuyện vào ban đêm, cùng với những lời âu yếm, cũng có thể giúp giảm bớt bất kỳ sự lo lắng nào mà trẻ có thể có thể gặp phải trước khi đi ngủ. Một đến hai cuốn sách ngắn mỗi đêm là một cách tốt để bắt đầu dạy trẻ đọc sách. Nếu trẻ quan tâm đến sách dài, có nhiều chương, thì một chương cho mỗi đêm có thể sẽ tốt hơn.

Ngay cả khi trẻ đã đủ lớn và có thể tự đọc, bạn vẫn có thể tiếp tục đọc cho trẻ nghe, chứ không cần phải dừng công việc này lại. Thay vào đó, bạn hãy thử chia sẻ bài đọc cùng với trẻ như: bạn sẽ đọc một hoặc hai trang và sau đó sẽ đến lượt trẻ.

Việc nghe đọc to giúp phát triển khả năng mang một câu chuyện vào cuộc sống của trẻ. Những đứa trẻ có thể đặt mình vào những câu chuyện và sử dụng trí tưởng tượng của mình để tạo ra một thế giới tuyệt vời dành riêng cho trẻ.

Để có thêm thời gian đọc trong ngày, hãy đem theo một cuốn sách bên người khi đi bất cứ đâu. Bằng cách đó, bạn có thể đọc to nó cùng nhau khi xếp hàng chờ đợi, lúc nhận hoặc chờ bắt đầu cuộc hẹn.

5. Cách đọc sách cho trẻ: Đừng ép buộc

Trẻ em học tốt nhất khi chúng khám phá sở thích của chúng. Dù là ngày nào trẻ cũng đọc câu chuyện về công chúa, cổ tích,... bạn cũng nên khuyến khích trẻ làm điều đó. Khi trẻ đọc về những chủ đề khiến chúng hứng thú, chúng sẽ học cách đọc và thích đọc hơn.

Một cách dễ dàng để thay đổi danh sách đọc của trẻ, trong khi vẫn bám sát các chủ đề yêu thích của trẻ là kết hợp hài hòa giữa tiểu thuyết và những câu chuyện thật. Sách và truyện thật giúp trẻ hiểu biết sâu sắc hơn về thế giới xung quanh và điều này đã được chứng minh là có thể mở rộng khả năng hiểu của trẻ.

Sách hư cấu giúp trẻ học cấu trúc câu chuyện và kỹ năng tường thuật, đồng thời hấp dẫn khi đọc. Nếu bạn muốn thêm nhiều chủ đề hơn vào thói quen đọc sách của trẻ, hãy tìm lời khuyên từ thư viện địa phương về những cuốn sách mà liên quan đến chủ đề trẻ thích.

Bạn cũng có thể tạo một giá sách xoay có một vài cuốn sách yêu thích với một số cuốn mới xen lẫn. Bằng cách đó, bạn nhẹ nhàng nhắc trẻ tìm kiếm một số lựa chọn mới mà không buộc trẻ ngừng đọc về những chủ đề mà trẻ đã thích.

Hướng dẫn con đọc sách
Cha mẹ hãy để con đọc sách dựa trên sự tự nguyện và không ép buộc

6. Cách đọc sách cho trẻ: Chia sẻ thói quen đọc sách

Khi bạn đọc, trẻ cũng sẽ được truyền cảm hứng để đọc sách. Chính vì vậy việc bạn dành thời gian để đọc một cuốn sách hay chính là một dấu hiệu của việc nuôi dạy con cái tốt!

Trẻ em rất thông minh, vì vậy chúng có thể nhanh chóng nhận ra khi chúng được cho thứ gì đó "tốt cho chúng" so với thứ gì đó chỉ để vui. Vì vậy, nếu bạn làm gương với một thái độ tích cực về việc đọc sách, trẻ sẽ bắt đầu coi việc đọc sách là một hoạt động thú vị. Khi bạn nói về những cuốn sách bạn đang đọc, bạn đang dạy trẻ làm điều tương tự.

Lần tới khi trời mưa, hãy pha cho mình một tách trà và ngồi đọc một cuốn sách hay, tạp chí, báo hoặc thiết bị đọc sách điện tử, điều này có thể truyền cảm hứng cho trẻ làm điều tương tự. Hoặc bạn có thể bắt đầu liên kế hoạch về thời gian đọc sách cho gia đình, lên kế hoạch từ 15 đến 30 phút sau bữa tối hoặc vào sáng thứ Bảy để mọi người cùng ngồi xuống và đọc sách.

Một cách tuyệt vời khác để chia sẻ niềm yêu thích đọc sách với trẻ là cùng nhau đưa ra "danh sách mong muốn". Sau bữa ăn, bạn có thể bắt đầu cuộc trò chuyện bằng những lời nhắc như "bố/mẹ nghĩ tiếp theo bố/mẹ muốn đọc một câu chuyện về cướp biển. Còn con muốn đọc cuốn sách nào?". Sau đó, bạn có thể đưa trẻ đi mua hoặc mượn những cuốn sách trong danh sách muốn đọc đã viết ra trước đó.

7. Cách đọc sách cho trẻ: Chơi cùng sách

Trẻ em xây dựng kỹ năng đọc khi giả vờ đọc những cuốn sách, truyện tranh yêu thích của trẻ. Khi trẻ giả vờ đọc, trẻ đang xây dựng những kỹ năng đầu tiên trên hành trình học đọc của mình. Cầm một cuốn sách và lật trang sách không chỉ là những kỹ năng vận động cần được phát triển mà chúng còn thể hiện sự hiểu biết về cách các câu chuyện tiến triển theo một thứ tự.

Nếu trẻ biết mở sách đúng cách và dùng ngón tay di chuyển theo các chữ cái từ trái sang phải, điều đó cho thấy khả năng nhận biết chữ in. Nếu bạn nhận thấy trẻ đang nhặt một món đồ chơi nhồi bông và có thời gian kể chuyện của riêng mình, điều đó cho thấy rằng trẻ biết rằng sách chứa đựng những câu chuyện để chia sẻ!

Khi trẻ lướt qua các bức tranh và tạo nên câu chuyện của riêng mình, trẻ đang thực hành các kỹ năng kể chuyện không chỉ phát triển khả năng sáng tạo của trẻ mà còn giúp ích cho sau này khi trẻ bắt đầu hiểu cấu trúc câu chuyện. Loại trò chơi giả vờ này nên được khuyến khích. Thỏa thích và vui chơi là một phần quan trọng của việc học đọc.

Một cách tuyệt vời để củng cố việc đọc giả vờ là chơi cùng trẻ: bất cứ khi nào trẻ giả vờ đọc, hãy tham gia với trẻ và yêu cầu trẻ đọc cho bạn một câu chuyện. Ngay cả những đứa trẻ chưa biết nói cũng có thể "đọc" cho bạn một câu chuyện bằng những biểu cảm, cử chỉ và sự bập bẹ của chúng. Nếu bạn có một đứa trẻ lớn hơn, bạn có thể tạo lớp học của trẻ bằng cách đưa tay lên và đặt câu hỏi, để trẻ trở thành giáo viên.

Hướng dẫn con đọc sách
Khi trẻ giả vờ đọc, trẻ đang xây dựng những kỹ năng đầu tiên trên hành trình học đọc của mình

Đọc sách cho trẻ là một công việc được nhiều bậc phụ huynh thực hiện, tuy nhiên không phải ai cũng biết đọc sách cho trẻ thế nào? Biết cách đọc sách cho trẻ sẽ giúp trẻ tạo niềm yêu thích với sách và hình thành một thói quen tốt sau này.

Đọc sách là một thói quen tốt mà trẻ cần được duy trì thường xuyên, tuy nhiên trẻ nhỏ luôn rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương, bởi những lời nói và hành động, vì thế cha mẹ hãy kiên nhẫn và lắng nghe suy nghĩ trong quá trình dạy trẻ. Nếu nhận thấy trẻ có những dấu hiệu bất thường so với độ tuổi hay gặp khó khăn trong vấn đề đọc hiểu, gia đình có thể đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nhận được sự giúp đỡ từ các bác sĩ và các chuyên gia tâm lý đến từ các bệnh viện lớn trên cả nước.

Để được tư vấn trực tiếp, Quý Khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đăng ký lịch trực tuyến TẠI ĐÂY. Tải ứng dụng độc quyền MyVinmec để đặt lịch nhanh hơn, theo dõi lịch tiện lợi hơn!

Nguồn tham khảo: babycenter.com