Hồi kỹ thuật là gì

Hồi kỹ thuật là gì

Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Phiên giao dịch ngày 29/1, thị trường chứng khoán kết thúc tuần trong sắc xanh với VN-Index tăng 32,67 điểm (+3,19%) và lên mức 1.056,61 điểm đồng thời HNX-Index cộng được 11,17 điểm (+5,5%) và phục hồi ở mức 214,21 điểm.

Tuần này, chỉ số VN-Index đã giảm điểm tuần thứ hai liên tiếp với bốn phiên đi xuống và một phiên hồi phục vào cuối tuần. Tổng kết cả tuần, VN-Index đã giảm 110,17 điểm (-9,4%) và chốt mức1.056,61 điểm. Cụ thể, mức cao nhất và thấp nhất của VN-Index trong tuần lần lượt là 1.172,18 điểm và 988,33 điểm.

Bên cạnh đó, chỉ số HNX-Index cũng mất tổng cộng 25,91 điểm (-10,8%) và về ngưỡng 214,21 điểm. Mức cao nhất và thấp nhất trong tuần lần lượt tại 240,283 điểm và 195,187 điểm.

Chứng khoán lao dốc nhưng thanh khoản giảm nhẹ

Nhìn lại diễn biến chung, thanh khoản trên hai sàn giảm nhẹ so với tuần trước đó nhưng vẫn cao hơn mức trung bình 20 tuần và đạt khoảng 19.300 tỷ đồng/phiên. Cụ thể, giá trị giao dịch trên HoSE xuống 2,3%, tương ứng giá trị 85.065 tỷ đồng với khối lượng giao dịch 3.848 triệu cổ phiếu, giảm 5,2%.

Cùng xu thế đó, giá trị giao dịch trên HNX đạt 11.461 tỷ đồng, giảm 9,9% và khối lượng tương ứng 825 triệu cổ phiếu, giảm 8,2%.

Về các nhóm ngành, cổ phiếu ngành nguyên vật liệu giảm mạnh nhất, giảm 14,8% giá trị vốn hóa, với các đại diện HPG (-10,3%), HSG (-11,9%), DPM (-14,3%), DCM (-10,8%)...

Tiếp theo là giá cổ phiếu nhóm dầu khí mức giảm 11,9%, cụ thể như PLX (-9,8%), PVD (-16,9%), PVS (-16,6%), PVB (-21,6%), OIL (-18,6%), BSR (-19,3%)...

Thậm chí nhóm trụ cột thị trường là ngân hàng, giá cổ phiếu cũng lùi bước trên 11,7%, với hầu hết các cổ phiếu tiêu biểu đều mang sắc đỏ như VCB (-9,7%), CTG (-18,9%), BID (-11,8%), VPB (-17,8%), MBB (-8,4%), ACB (-6,5%), SHB (-16,1%)...

Các nhóm ngành còn lại cũng phải chịu áp lực đi xuống, cụ thể hàng tiêu dùng (-9,5%), công nghiệp (-6,4%), công nghệ thông tin (-6,4%), tài chính (-6,9%), dịch vụ tiêu dùng (-4%), dược phẩm và y tế (-2,9%).

Khối ngoại tranh thủ "bắt đáy"

Trong tuần qua, cổ phiếu RIC đã lội ngược xu hướng lao dốc của cả thị trường và là mã có mức tăng giá mạnh nhất 39% (từ 9.370 đồng lên 13.000 đồng/cổ phần). Tiếp theo là cổ phiếu PTC, với mức tăng 31% (từ 8.410 đồng lên 11.000 đồng/cổ phiếu). Tuy nhiên ở chiều ngược lại, FIT là cổ phiếu giảm mạnh nhất tuần, 30% (từ 20.250 đồng xuống 14.200 đồng/cổ phiếu).

Bên phía đầu Hà Nội, cổ phiếu HTP tăng tốc ấn tượng khi giá nâng 37% (từ 14.600 đồng lên 20.000 đồng/cổ phiếu); tiếp theo là VE4, với mức tăng 30% (từ 13.700 đồng lên 17.800 đồng/phiếu). Trái lại, TDT là cổ phiếu có mức rớt thảm hại nhất, với 40% (từ 15.400 đồng xuống 9.300 đồng/cổ phiếu).

Trên HoSE, khối ngoại mua ròng với giá trị 1.246 tỷ đồng tương ứng với khối lượng ròng 46,07 triệu đơn vị. Xét theo khối lượng ròng, mã được mua ròng nhiều nhất là FUESSVFL với 14,1 triệu chứng chỉ quỹ, tiếp theo là FUEVFVND là11,5 triệu chứng chỉ quỹ. Ở chiều ngược lại, HPG là mã bị bán ròng nhiều nhất đạt 13,8 triệu cổ phiếu.

Tại HNX, các nhà đầu tư nước ngoài cũng mua ròng với giá trị xấp xỉ 31 tỷ đồng tương ứng khối lượng 960.000 cổ phiếu. Xét theo khối lượng ròng, mã SHB là được mua ròng nhiều nhất và đạt 2,7 triệu cổ phiếu, kế đến là ACM với 853.000 cổ phiếu. Bên cạnh đó, SHB lại là cổ phiếu bị bán ròng nhiều nhất với 2,6 triệu cổ phiếu.

Áp lực bán tháo suy yếu tại ngưỡng 1.000 điểm

Theo ông Nguyễn Đình Thắng, chuyên viên phân tích, Công ty chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội, việc thị trường thất bại trước ngưỡng kháng cự 1.170 điểm trong phiên đầu tuần xác nhận nhịp hồi kỹ thuật kết thúc. Điều này khiến áp lực bán gia tăng mạnh trong ba phiên sau đó.

Trên thực tế, thanh khoản trong tuần tuy suy giảm so với tuần trước đó nhưng vẫn cao hơn mức trung bình 20 tuần, cho thấy mặc dù áp lực bán tháo rất mạnh nhưng đã suy yếu sau khi chỉ số giảm về những ngưỡng thấp hơn.

Ông Thắng phân tích dưới góc nhìn kỹ thuật, với phiên hồi phục vào cuối tuần thì đáy của sóng 4 đã được xác lập quanh ngưỡng 1.000 điểm và từ tuần sau thị trường có thể sẽ hồi phục kỹ thuật, tích lũy trở lại trước khi bước vào sóng 5 tăng cuối của chu kỳ này. Theo đó, thị trường có khả năng sẽ duy trì được nhịp hồi phục đủ T+3. Điều này sẽ giúp những nhà đầu tư "bắt đáy" trong phiên 28/1 có lãi. Theo đó, mức kháng cự trong quá trình đi lên này của chỉ số lần lượt là vùng 1.090 điểm-1.100 điểm (MA50-ngưỡng tâm lý) và 1.140 điểm (MA20).

Nhà đầu tư đã tham gia giải ngân một phần danh mục quanh ngưỡng 1.040 điểm trong phiên 28/1 có thể chốt lời ngắn hạn khi thị trường tiến tới các ngưỡng kháng cự trong tuần tới. Do đó, các nhà đầu tư nên hạn chế sử dụng đòn bảy trong bối cảnh kỳ nghỉ Tết kéo dài 1 tuần đang đến gần, ông Thắng cảnh báo./.

Hạnh Nguyễn (Vietnam+)