Hình thành nên cầu nối giữa nhà trường và gia đình học sinh,là trách nhiệm của

Hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh là cần thiết

Nhiều năm làm công tác giáo viên chủ nhiệm và có con nhỏ đi học, cô Trần Thị Thảo, Tổ trưởng chuyên môn, giáo viên Ngữ Văn, Trường THCS Ban Mai - Hà Đông [Hà Nội], được trải nghiệm, nhìn nhận Ban đại diện cha mẹ học sinh, từ góc độ phụ huynh trường ngoài công lập và góc độ nhà trường.

Với câu hỏi “Ban đại diện cha mẹ học sinh có thực sự cần thiết không, hoạt động có hiệu quả không? Câu trả lời của cô Thảo là: “Vai trò Ban đại diện cha mẹ học sinh rất quan trọng trong hoạt động giáo dục của trường, của lớp”.

Từ trải nghiệm của một phụ huynh, cô Trần Thị Thảo chia sẻ: Trường con tôi, giáo viên chủ nhiệm không phải thu các khoản phí của nhà trường. Về tài chính, cha mẹ học sinh làm việc độc lập và trực tiếp với kế toán trường nên khá minh bạch. Thậm chí, mỗi kì học hoặc đầu năm học, khi nhà trường đưa ra khoản thu nào/tăng học phí không hợp lí, đại diện ban phụ huynh lớp lắng nghe, tổng hợp ý kiến cha mẹ học sinh để trao đổi và làm việc với nhà trường…

Trong quá trình học sinh học tập và ăn ngủ bán trú tại trường, Ban đại diện cha mẹ học sinh phối hợp trao đổi với nhà trường về các vấn đề an toàn trường học và vệ sinh thực phẩm.

Trong mỗi hoạt động của các con như sinh nhật, trung thu, sơ kết, tổng kết lớp… Ban đại diện cha mẹ học sinh đều đại diện phụ huynh cùng giáo viên chủ nhiệm tổ chức hoạt động cho các con; đồng thời thay mặt cha mẹ học sinh lớp chúc mừng thầy cô dịp lễ tết, thăm hỏi động viên học sinh ốm đau…

“Trên góc độ này, bản thân tôi thấy cần có Ban đại diện cha mẹ học sinh, vì đó là cầu nối thông tin hai chiều giữa nhà trường với cha mẹ học sinh; là tổ chức đồng hành cùng thầy cô và nhà trường trong các hoạt động giáo dục và giúp đỡ các cha mẹ học sinh khác khi không có điều kiện tham gia cùng.” - cô Trần Thị Thảo cho biết.

Ở vai trò người đã hơn 10 năm đảm nhiệm công tác giáo viên chủ nhiệm ở trường ngoài công lập, cô Trần Thị Thảo cũng đánh giá cao vai trò của Ban đại diện cha mẹ học sinh trong việc đồng hành cùng thầy cô, nhà trường.

Nếu Ban đại diện cha mẹ học sinh được bầu lên là những cá nhân tích cực, có tinh thần xây dựng và nhiệt tình với các hoạt động của lớp, giáo viên chủ nhiệm sẽ được hỗ trợ nhiều. Ngược lại, Ban đại diện cha mẹ học sinh bầu lên chỉ cho có, giáo viên chủ nhiệm rất vất vả trong việc tổ chức hoạt động cho học sinh [góc độ giáo viên chủ nhiệm trường ngoài công lập, có nhiều hoạt động trong năm học].

Nếu có Ban đại diện cha mẹ học sinh mạnh/tốt, giáo viên chủ nhiệm dễ dàng triển khai các hoạt động và nhận được sự đồng thuận/góp ý trên tinh thần xây dựng. Từ đó, việc phối hợp giáo dục học sinh thuận lợi hơn.

Đối với trường ngoài công lập, Ban đại diện cha mẹ học sinh tập hợp ý kiến, đối thoại với nhà trường về các vấn đề chưa thống nhất/chưa phù hợp…[ảnh hưởng đến học sinh] để đi đến sự thống nhất hài hòa giữa nhà trường và cha mẹ học sinh. Tuy nhiên, cô Thảo cũng chia sẻ, ở một số trường ngoài công lập, ở một số Ban đại diện cha mẹ học sinh, hoạt động dân chủ này đôi khi đi quá giới hạn, diễn ra trong thời gian dài… làm ảnh hưởng đến tinh thần chung của lớp, ảnh hưởng đến học sinh và giáo viên….

“Dù ở góc độ phụ huynh hay giáo viên chủ nhiệm, tôi vẫn mong muốn duy trì hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh trên tinh thần: Ban đại diện cha mẹ học sinh nắm rõ điều lệ hoạt động của thông tư để thực hiện đúng vai trò và nhiệm vụ. Mục tiêu lớn nhất đồng hành với nhà trường, thầy cô trong quá trình giáo dục và tổ chức hoạt động giáo dục đối với học sinh.” - cô Trần Thị Thảo cho hay.

Ảnh minh họa/ITN

Vai trò quan trọng của người đứng đầu nhà trường

Ở góc nhìn trường công lập, cô Vũ Thị Anh, giáo viên Trường THPT Ân Thi [Hưng Yên] cũng nhận định Ban đại diện cha mẹ học sinh có ý nghĩa thiết thực trong việc kết nối giữa nhà trường và gia đình, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng dạy và học.

Ban đại diện cha mẹ học sinh nói lên tiếng nói, nguyện vọng của cha mẹ học sinh toàn trường, đảm bảo quyền lợi cho học sinh, phụ huynh học sinh, thống nhất các hoạt động giữa nhà trường và gia đình; phát huy được nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng, công tác xã hội hóa của một số nhà trường.

Ban đại diện cha mẹ học sinh còn góp phần quan trọng trong việc thực hiện, phối hợp với nhà trường các hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống và nâng cao chất lượng giáo dục, từ đó nâng cao trách nhiệm của gia đình trong chăm sóc, bảo vệ, giáo dục học sinh.

Để Ban đại diện cha mẹ học sinh hoạt động hiệu quả hơn nữa, cô Vũ Thị Anh cho rằng, mỗi cha mẹ học sinh luôn có ý thức trách nhiệm đối với gia đình, nhà trường. Đồng thời, tăng cường quản lý, giờ giấc học tập, vui chơi và sinh hoạt cá nhân của con em, kịp thời phát hiện những thay đổi về tâm sinh lý để có giải pháp giáo dục phù hợp. Phối hợp thường xuyên để liên lạc với nhà trường nắm bắt được tình hình học tập, hoạt động giáo dục của nhà trường.

Ngoài hình thức hoạt động qua các cuộc họp định kỳ giữa cha mẹ học sinh với giáo viên chủ nhiệm, cần có những kênh, hoạt động khác để khuyến khích sự tham gia của cha mẹ học sinh như: Mời cha mẹ học sinh tham gia hoạt động ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm, hoạt động “Lễ trưởng thành khi tôi 18”,…

Thu - chi luôn là vấn đề “nhạy cảm” ở các nhà trường, vì vậy để Ban đại diện cha mẹ học sinh hoạt động hiệu quả thì vấn đề thu - chi cần công khai, minh bạch, đúng quy định và có sự thống nhất giữa nhà trường và Hội cha mẹ học sinh. Hội cha mẹ học sinh phát huy tối đa vai trò huy động các nguồn lực vật chất để phục vụ tốt cho công tác giáo dục trong nhà trường. Sự kiên quyết, nghiêm túc thực hiện theo đúng các quy định của người đứng đầu nhà trường cũng vô cùng quan trọng, giúp vấn đề thu - chi công khai, minh bạch.

Cho biết hiện nhà trường đang triển khai tốt Thông tư về Điều lệ Ban đại diện Cha mẹ học sinh và không có vướng mắc, theo thầy Trịnh Nguyễn Thi Bằng, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Đại Nghĩa [Cần Thơ], điều tối quan trọng làm nên hiệu quả hoạt động của Ban đại diện là cha mẹ học sinh phải có thời gian, tâm huyết; cùng với đó, Hiệu trưởng nhà trường kiên quyết thực hiện nghiêm túc các quy định.

“Ở Trường THPT Trần Đại Nghĩa, Ban đại diện cha mẹ học sinh và nhà trường thống nhất các nội dung thu chi theo quy định đầu năm, gần như không có thêm khoản thu nào khác. Còn các khoản vận động xã hội hóa, nhà trường thực hiện hồ sơ theo quy định mà không giao Ban đại diện cha mẹ học sinh. Tuy nhiên, nhà trường cũng hạn chế tối đa việc này do gia đình học sinh hầu hết còn khó khăn.” - thầy Trịnh Nguyễn Thi Bằng cho hay.

Chia sẻ thực tế phụ huynh đa phần không muốn vào Ban đại diện cha mẹ học sinh bởi nhiều công việc “vác tù và hàng tổng” và vì ngại phiền. Giải pháp cô Trần Thị Thảo đưa ra là vẫn có Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp từ 3-5 người, nhưng có vai trò leader, phân việc theo sự kiện và chia nhóm cha mẹ học sinh khác tham gia theo từng sự kiện. Nếu được, Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh có thể bổ sung thêm quy định như thế nào đó để khích lệ, động viên được nhiều cha mẹ học sinh tham gia hơn.

Ở góc độ nhà trường, theo cô Thảo, các khoản thu về tài chính nên tách khỏi hoạt động của cha mẹ học sinh để tránh tâm lý đi họp chỉ để đóng tiền.

Ngày đăng: 29-06-2019 | Lượt xem: 11794

Đào tạo con người là nhiệm vụ lâu dài và vất vả, đòi hỏi phải có sự nhất quán và kết hợp của nhiều yếu tố, trong đó mối quan hệ giữa nhà trường và gia đình là quan trọng hơn cả. Bên cạnh đó, khi xã hội ngày càng phát triển thì môi trường giáo dục cũng có nhiều sự thay đổi kéo theo đó là rất nhiều khó khăn mới phát sinh đòi hỏi sự quan tâm sát sao từ phía nhà trường, gia đình và cả xã hội.

Nhà trường, giáo viên và gia đình cần chủ động tạo sự gắn kết để giáo dục con cái. Ảnh: internet

Thực trạng mối quan hệ giữa nhà trường và gia đình

Trong mấy năm gần đây, nhiều vấn đề nổi cộm trong học đường được cả xã hội quan tâm mà chủ yếu là các vấn đề tiêu cực xảy ra với mức độ càng tăng dần. Một trong những nguyên nhân để xảy ra tiêu cực chính là sự thiếu quan tâm học sinh từ phía gia đình và nhà trường, cùng với đó là sự thiếu gắn kết và phối hợp đã gây nên không ít sự việc đau lòng đã được báo chí phản ánh trong thời gian qua.

Gia đình buông lỏng việc giáo dục con cái, giao phó cho nhà trường quản lý

Gia đình buông lỏng việc giáo dục con cái, giao phó hết cho nhà trường quản lý, lơ là việc liên hệ phối hợp với nhà trường và đùn đẩy hết trách nhiệm giáo dục con cái cho nhà trường, dẫn đến các trường hợp các em có những suy nghĩ chưa chín chắn và hành động thiếu kiểm soát gây tổn hại cho bản thân, bạn bè, thầy cô, nhà trường và cả gia đình. Quý phụ huynh cần nhớ gia đình là cái nôi của xã hội, chỉ khi gia đình ổn định thì xã hội mới có thể phát triển, đừng vì mãi cuốn theo công việc, sự nghiệp mà bỏ quên trách nhiệm dạy dỗ con cái. Muốn các em học tập tốt, ngoan hiền, lễ phép thì trước tiên gia đình phải là chỗ dựa vững chắc cho các em, luôn theo sát sự phát triển của các em. Và để một đứa trẻ trưởng thành thì chỉ có sự giáo dục của gia đình thôi chưa đủ, cần thiết phải có thêm sự hỗ trợ từ phía nhà trường, nơi mà mỗi đứa trẻ đều có quyền được đến để học tập về đạo đức, kỹ năng, kiến thức,... Giáo dục luôn luôn đòi hỏi sự phối hợp từ nhiều phía mà quan trọng nhất là từ phía nhà trường và gia đình, hai nhân tố này nên duy trì mối liên kết để đảm bảo sự xuyên suốt của cả quá trình trưởng thành của mỗi học sinh.

Xã hội ngày càng phát triển mang lại nhiều mặt tích cực, song vẫn luôn tồn tại nhiều tiêu cực tác động không tốt đến sự phát triển nhân cách của trẻ. Từ gia đình đến nhà trường không nên lơ là mà phải dõi theo sự phát triển nhân cách của trẻ, việc phối hợp bồi dưỡng, rèn luyện đạo đức, năng lực phải được thực hiện trong thời gian lâu dài và liên tục, không nên nóng vội. Trong khi gia đình là nơi một đứa trẻ được sinh ra và lớn lên, là cái nôi đầu tiên có ảnh hưởng đến tính cách của trẻ thì nhà trường là nơi giúp trẻ tu dưỡng nhân cách, đạo đức, lối sống, giúp trẻ học hỏi những kiến thức nền tảng, kỹ năng cuộc sống,... cho các em đầy đủ hành trang để bước vào đời. Do đó trách nhiệm giáo dục trẻ em luôn luôn phải có sự song hành của gia đình và nhà trường.

Không ít trường hợp cả nhà trường và gia đình không dành thời gian cho các em

Thực tế vẫn còn rất nhiều gia đình ít quan tâm đến việc học tập của con cái mà phần đông lý do bắt nguồn từ gánh nặng kinh tế làm cho họ không có nhiều thời gian cùng các em trao đổi, chia sẻ những khó khăn hoặc những định hướng nghề nghiệp cho tương lai, tạo cho các em cảm giác không được cha mẹ quan tâm. Đặc biệt là những em thuộc độ tuổi mới lớn và thường có suy nghĩ tiêu cực, điều này ảnh hưởng rất nhiều đến tư tưởng của các em, nặng hơn có thể dẫn đến những suy nghĩ lệch lạc và những hành động mất kiểm soát, đây là vấn đề cần hết sức lưu tâm vì nó làm ảnh hưởng đến tương lai của cả một thế hệ.

Ngược lại cũng không ít trường hợp nhà trường không dành thời gian theo dõi các em, mà đại diện cho nhà trường là giáo viên chủ nhiệm ở mỗi lớp. Do tính chất công việc nên các thầy, cô chủ nhiệm không thể quan tâm sâu sát đến từng em học sinh nên không thể nắm bắt được những khó khăn mà mỗi em gặp phải, đến khi xảy ra chuyện đáng tiếc thì lúc này mọi chuyện không thể cứu vãn.

Các biện pháp giúp tạo sự gắn kết giữa nhà trường và gia đình

Cần có nhiều biện pháp để tăng cường sự gắn kết, liên hệ giữa phụ huynh và nhà trường mà cụ thể là với giáo viên chủ nhiệm. Nếu phát hiện các em có bất cứ biểu hiện nào bất thường, cả nhà trường lẫn gia đình đều phải liên hệ lẫn nhau để biết được những khó khăn gì các em đang gặp phải, không vội phán xét ,trách mắng hoặc sử dụng các biện pháp mạnh với các em, cùng làm rõ vấn đề và giúp các em có hướng giải quyết thỏa đáng nhất. Các biện pháp giúp tạo sự gắn kết giữa nhà trường và gia đình như:

1. Thăm gia đình học sinh, tìm hiểu hoàn cảnh sống, lao động, học tập của các em, cùng gia đình kịp thời giải quyết vấn đề khó khăn. Trò chuyện cùng gia đình để hướng dẫn gia đình cách giáo dục các em.

2. Chủ động liên hệ với giáo viên chủ nhiệm để thường xuyên thăm hỏi tình hình học tập của con em. Nếu có phát hiện vấn đề nào chưa tốt cần chấn chỉnh và dạy dỗ lại để không quá muộn.

3. Nhà trường nên sử dụng sổ liên lạc hoặc các phần mềm hiện đại để thông tin cho phụ huynh biết về điểm số hoặc những điều cần lưu ý ở mỗi em cho phụ huynh biết ngay.

4. Nhà trường cần thường xuyên tổ chức các buổi họp phụ huynh học sinh để thông báo tình hình học tập của các em trực tiếp đến phụ huynh, báo về những mặt mạnh và cả những điểm yếu cần khắc phục và gợi ý những cách để bậc cha mẹ có thể giáo dục con em mình tốt hơn.

5. Thành lập hội phụ huynh học sinh rất cần thiết để tạo cầu nối giữa nhà trường và gia đình, cả hai phía đều có thể đứng ra để nói lên tiếng nói của mình giúp cho công tác giáo dục ngày càng tốt hơn...

Có tìm hiểu mới thấy được tầm quan trọng của sự liên kết giữa nhà trường và gia đình. Gia đình là nơi mỗi mầm non được đâm chồi thì nhà trường là nơi giúp những mầm non ấy phát triển cao lớn. Mỗi gia đình nên quan tâm nhiều hơn nữa đến việc học của con em mình, tạo mối liên kết chặt chẽ với nhà trường, nếu có bất cứ khó khăn nào, quý phụ huynh có thể trao đổi trực tiếp với giáo viên chủ nhiệm của các em để có biện pháp giáo dục sao cho đúng đắn nhất. Và nhà trường cũng nên chủ động thắt chặt mối liên hệ với mỗi gia đình để cùng tạo nên những chủ nhân tương lai có ích cho đất nước.

CTV Myteacher

Video liên quan

Chủ Đề