Hiệu quả kinh tế và công bằng xã hội

(LLCT) -Theo C.Mác, tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội có quan hệ biện chứng với nhau. Việc giải quyết mối quan hệ này ở nước ta đã đạt được các kết quả như: mọi người đều có cơ hội như nhau trong tiếp cận nguồn lực sản xuất, tăng trưởng kinh tế đã gắn với phân phối thu nhập công bằng và bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội. Vấn đề đặt ra hiện nay là tăng trưởng kinh tế đang đối mặt với sự lãng phí nguồn lực, kém hiệu quả; đặt mục tiêu công bằng giữa các chủ thể kinh tế, nhưng sân chơi chưa phẳng, nguyên tắc phân phối công bằng nhưng việc thực hiện gặp không ít trở ngại.  

Hiệu quả kinh tế và công bằng xã hội

Từ khóa: tăng trưởng kinh tế, công bằng xã hội.

1. Lý luận của C.Mác về mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với công bằng xã hội

Nghiên cứu tái sản xuất TBCN, C.Mác chỉ ra rằng, giá trị thặng dư được đưa vào thị trường thì chuyển hóa thành lợi nhuận và trở thành thu nhập của chủ sở hữu. Nếu chủ sở hữu sử dụng toàn bộ số thu nhập đưa vào tiêu dùng cho đời sống của mình, thì việc sản xuất của anh là tái sản xuất giản đơn, giữ ở quy mô như trước(1). Còn nếu chủ sở hữu chỉ đưa một phần thu nhập vào tiêu dùng cho cá nhân, phần còn lại được bổ sung vào nguồn vốn tư bản, thì đó là tái sản xuất mở rộng, quy mô sản xuất của doanh nghiệp sẽ được lớn lên(2). Tái sản xuất mở rộng là xu hướng chung, phổ biến đối với tất cả các doanh nghiệp cũng như đối với toàn bộ nền sản xuất TBCN bởi mục tiêu là theo đuổi lợi nhuận. Điều kiện để thực hiện tái sản xuất mở rộng là phải có tích lũy(3). Như vậy, tái sản xuất mở rộng là quá trình sản xuất được lặp lại với quy mô lớn hơn trước. Quá trình này làm cho quy mô sản lượng đạt được ở thời kỳ này lớn hơn so với ở thời kỳ trước. Tái sản xuất mở rộng tất yếu dẫn đến tăng trưởng kinh tế, tức là có sự tăng lên về quy mô sản lượng của nền kinh tế của một năm so với năm liền kề trước đó. Điều kiện để có sự tăng trưởng kinh tế là sự gia tăng quy mô của các nguồn lực sản xuất(4), tính tiên tiến trong cấu trúc sản xuất, tính tiến bộ, phù hợp của quan hệ sản xuất và tính tích cực của thể chế kinh tế nhà nước.

Công bằng xã hội, theo C.Mác, đó là khái niệm vĩnh cửu biến đổi, chẳng những cùng với thời gian và không gian, mà còn cùng với bản thân con người(5). Nó mang lại cho mọi người một điều kiện sản xuất công bằng, một sự chia sẻ công bằng về nguồn lực vật chất và lợi ích kinh tế, về một sự bình đẳng, nhân phẩm, cơ hội và giáo dục. Theo nghĩa rộng, công bằng xã hội được xem xét cả phương diện kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, trong đó, công bằng về kinh tế là quan trọng nhất. Tuy mỗi hình thái kinh tế - xã hội đều có chuẩn mực riêng về công bằng xã hội, nhưng giữa chúng lại có chung nguồn gốc là chế độ sở hữu về tư liệu sản xuất và đều là vấn đề chính trị có liên quan đến nhà nước. Theo C.Mác, không thể có một sự công bằng chung cho mọi chế độ xã hội(6). Nói đến công bằng xã hội là nói đến công lý phân phối, mà việc phân phối này lại chịu sự chi phối của chế độ sở hữu về các điều kiện của sản xuất(7). Ví dụ, trong chế độ TBCN, người lao động không thể đạt được công bằng về phân phối thu nhập, bởi vì họ không có sở hữu nào khác ngoài sức lao động của mình nên phải đi làm thuê. Người đó chỉ có thể lao động, do đó, chỉ có thể sinh sống, khi được những người chủ sở hữu những điều kiện vật chất của lao động cho phép(8). Bất công bằng xã hội về kinh tế thể hiện trong cơ hội tiếp cận nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế, trong phân phối và trong hệ thống an sinh, phúc lợi xã hội, trong đó, bất công bằng về phân phối là thể hiện tập trung nhất vì nó liên quan đến lợi ích kinh tế, đến động lực của mỗi con người trong xã hội. Ngược lại, công bằng xã hội là tất cả mọi người đều được trao quyền và cơ hội như nhau. Thực tiễn phát triển kinh tế xã hội trên thế giới những thập kỷ gần đây, đã đưa đến nhận thức mới: công bằng xã hội là cơ hội như nhau và xóa bỏ sự cùng cực(9).

Tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội là hai mặt của một quá trình phát triển kinh tế - xã hội, có quan hệ tương hỗ lẫn nhau. Tăng trưởng kinh tế tạo điều kiện vật chất để thực hiện công bằng xã hội. Không có tăng trưởng kinh tế thì cũng không có của cải để thực hiện công bằng xã hội về phân phối, tăng thêm thu nhập, cải thiện phúc lợi và giảm nghèo. Ngược lại, công bằng xã hội tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ví dụ, khi việc tiếp cận các nguồn lực sản xuất của các chủ thể là công bằng thì tự nó sẽ tạo ra động lực để thu hút và phát huy hiệu quả mọi nguồn lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ngược lại, nếu việc tiếp cận các nguồn lực không công bằng thì sẽ không thể có sự tăng trưởng kinh tế nào hết, và nếu việc tiếp cận nguồn lực quá bất công thì sẽ dẫn đến phá hoại sản xuất. Nếu phân phối thu nhập mà công bằng, thì người tiếp nhận phân phối sẽ cảm nhận được thu nhập mà họ được hưởng là hợp lý với mức đóng góp của mình, nhờ đó tính tích cực sản xuất tăng lên. Công bằng không chỉ tạo ra điều kiện để ổn định kinh tế, xã hội mà còn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thực chất việc giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội là quá trình gắn kết kinh tế với xã hội trong phát triển bền vững. Không phải ngẫu nhiên từ giữa thế kỷ XX lại đây, công bằng xã hội đã trở thành tâm điểm trong các hệ tư tưởng và chương trình nghị sự của hầu hết các đảng và tổ chức chính trị trên toàn thế giới và rất ít người dám phản đối trực tiếp(10).

2. Thực tiễn giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội ở Việt Nam

Giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội là nét nổi bật của cách mạng Việt Nam. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tâm niệm: Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành(11). Nhờ cuộc Cách mạng này, người dân Việt Nam đã có cơ hội công bằng trong đời sống xã hội và phát triển kinh tế.

Trong công cuộc Đổi mới đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nêu quyết tâm chính trị: Tăng trưởng kinh tế phải gắn với tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước phát triển(12). Đây là tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt và luôn được quán triệt trong các kỳ Đại hội của Đảng. Đến nay, đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Đó là:

Mọi người đều có cơ hội như nhau trong tiếp cận các nguồn lực sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Trước Đổi mới, nền kinh tế chỉ tồn tại hai hình thức sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể; sở hữu tư nhân không được tồn tại. Từ sau Đổi mới đến nay đã có sự chuyển biến căn bản: Bên cạnh hai hình thức sở hữu nêu trên, Đảng và Nhà nước còn khuyến khích phát triển các hình thức sở hữu tư nhân (bao gồm: sở hữu cá thể, sở hữu tiểu chủ và sở hữu tư bản tư nhân). Theo đó, nền kinh tế có nhiều thành phần có điều kiện tồn tại và phát triển. Định hướng lớn về phát triển kinh tế của Đảng đặt ra yêu cầu: Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, hình thức tổ chức kinh doanh và hình thức phân phối(13). Trong đó, các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật; thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực phát triển, là động lực chủ yếu để giải phóng sức sản xuất; các nguồn lực nhà nước được phân bổ theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phù hợp với cơ chế thị trường. Nhà nước đóng vai trò định hướng, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và lành mạnh; sử dụng các công cụ, chính sách và nguồn lực của Nhà nước để định hướng và điều tiết nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và bảo vệ môi trường; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước, từng chính sách phát triển(14). Xóa bỏ mặc cảm với kinh tế tư nhân trên quan điểm: Kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể cùng với kinh tế tư nhân là nòng cốt để phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ(15). Nền kinh thị trường đã tạo ra công bằng cơ hội cho mọi thành viên xã hội trong tiếp cận các nguồn lực, chủ động lựa chọn việc sản xuất, lựa chọn thị trường. Xóa bỏ bao cấp. Mọi quan hệ giao dịch về các nguồn lực và kết quả sản xuất được tuân theo quy luật thị trường; Nhà nước bảo vệ quyền tài sản và lợi ích hợp pháp của các chủ kinh tế, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh. Người tiêu dùng tự do lựa chọn sản phẩm. Quan hệ giữa người sản xuất và người tiêu dùng là bình đẳng, giá cả hàng hóa là sự thỏa thuận của người bán và người mua. Đó là công bằng xã hội trên thị trường. Nhờ đó, đã khơi dậy và đưa vào sử dụng các nguồn lực của xã hội, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế. Nếu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân giai đoạn 1975-1985 của cả nước dao động ở 1,9%-0,6%/ năm, thì giai đoạn 1986 - 2017 đạt 6,6%/năm, năm 2018 đạt 7,08%. Từ chỗ thuộc nhóm các nước nghèo nhất thế giới, năm 2008, Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình thấp, đạt mức 1.154 USD/ người. Năm 2018, quy mô nền kinh tế đạt 240,5 tỷ USD gấp 34 lần sau 32 năm đổi mới, đưa Việt Nam lọt lên vị trí 49 trong bảng xếp hạng các nước có nền kinh tế mạnh nhất thế giới(16). Thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 2.587 USD và nếu tính theo ngang giá sức mua (PPP) thì đạt mức 7.640 USD/ người(17), cao gấp 26,7 lần so với năm 1989.

Tăng trưởng kinh tế được gắn kết với phân phối thu nhập công bằng.

Cùng với việc khuyến khích các hình thức đầu tư của các thành viên xã hội trên quan điểm thực hiện nhất quán, lâu dài chính sách kinh tế nhiều thành phần, Đảng và Nhà nước đã đổi mới căn bản chính sách phân phối thu nhập nhằm thực hiện công bằng xã hội ngày một tốt hơn. Cụ thể là: Thực hiện nhiều hình thức phân phối, lấy phân phối theo kết quả lao động và hiệu quả kinh tế là chủ yếu, đồng thời phân phối dựa trên mức đóng góp các nguồn lực khác vào kết quả sản xuất, kinh doanh và phân phối thông qua phúc lợi xã hội(18). Phân phối bình quân thời bao cấp được thay thế bằng phân phối theo yếu tố sản xuất dựa theo quyền tài của mỗi người tham gia vào việc tạo ra kết quả sản xuất. Người lao động có thu nhập bằng tiền công, tiền lương tương xứng với mức đóng góp sức lực của mình vào vào kết quả sản xuất. Người có vốn và các nguồn lực khác có thu nhập bằng lợi nhuận, tiền lãi, lợi tức khi có tài sản tham gia tạo ra kết quả sản xuất. Cơ chế chi phối nguyên tắc phân phối là thị trường và điều tiết của nhà nước. Phân phối thu nhập công bằng đã kích thích mọi cá nhân, cộng đồng, tập thể, doanh nghiệp vào phát triển sản xuất kinh doanh, tối ưu hóa lợi ích, tăng năng suất lao động, gắn kết tăng trưởng kinh tế với tăng thu nhập.

Để bảo đảm công bằng trong phân phối, Đảng và Nhà nước đã đẩy mạnh phòng chống thu nhập bất chính như buôn lậu và gian lận thương mại...; đã và đang quyết liệt, xử lý nghiêm nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng.

Chính sách phân phối lại cũng được thay đổi căn bản. Tuy nguồn thu chính của ngân sách vẫn là thuế, nhưng đã được điều chỉnh theo hướng công bằng hơn. Thuế giá trị gia tăng được áp dụng từ năm 1999 và thuế thu nhập cá nhân áp dụng từ năm 2008 không chỉ bảo đảm công bằng về nghĩa vụ đối với mọi người và mọi tổ chức, mà còn điều tiết thu nhập trong dân cư, khắc phục tình trạng chênh lệch lớn về mức thu nhập, tạo nguồn thu để thực hiện chính sách an sinh và phúc lợi xã hội.

Tăng trưởng kinh tế gắn kết với bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội.

Ngay khi bước vào công cuộc đổi mới, Đảng và Nhà nước đã chú trọng bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội. Chính sách an sinh xã hội được ban hành với 4 trụ cột: bảo đảm việc làm, bảo hiểm xã hội, trợ giúp xã hội và dịch vụ xã hội cơ bản nhằm hỗ trợ cho những người có nhiều khó khăn về việc làm, thu nhập, khi gặp rủi ro trong cuộc sống (ví dụ thiên tai, thị trường, tai nạn...). Đặc biệt, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình 135, Chương trình 30a và nhiều chính sách khác đã thu được nhiều kết quả quan trọng. Tỷ lệ hộ nghèo chung cả nước giảm từ 58% năm 1993 xuống 29% năm 2002 và còn khoảng 17% năm 2008. Việt Nam đã hoàn thành sớm hơn so với kế hoạch toàn cầu: giảm một nửa tỷ lệ nghèo vào năm 2015, mà Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDG) của Liên Hợp quốc đã đề ra(19). Đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm còn 5,35%. Bình quân tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm còn dưới 35%, ở các xã đặc biệt khó khăn giảm 3-4% so với năm 2017(20). Đến nay, 70% người dân Việt Nam đã được bảo đảm về mặt kinh tế, trong đó có 13% thuộc tầng lớp trung lưu theo chuẩn thế giới. Các tầng lớp thu nhập này đang phát triển nhanh chóng, tăng hơn 20% trong giai đoạn 2010 - 2017. Tính từ năm 2014, trung bình mỗi năm cả nước có 1,5 triệu người gia nhập vào tầng lớp trung lưu toàn cầu(21).

3. Vấn đề đặt ra trong giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với công bằng xã hội ở nước ta hiện nay

Yêu cầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng đang đối mặt với sử dụng nguồn lực lãng phí, kém hiệu quả

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 25-6-2019 tiếp tục yêu cầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững. Thế nhưng, nguồn lực đầu tư bảo đảm cho tăng trưởng ở nước ta còn rất nhiều khó khăn. Đó là, thu nhập bình quân đầu người còn thấp, năm 2018 mới đạt 2.600 USD (bằng 1/3 Trung Quốc và 1/4 Malaysia). Thu ngân sách nhà nước không đủ chi (tỷ trọng bình quân trong GDP giai đoạn 2011-2015 thu 22,3%/năm, chi 29,4%/năm; năm 2018 thu 25,7% nhưng chi 27,4%, quy mô thu ngân sách lại có xu hướng giảm). Nguồn ngân sách chủ yếu phải dành cho chi thường xuyên và trả nợ, chi đầu tư phát triển thấp, chỉ trong khoảng 20% trong tổng dự toán chi ngân sách nhà nước hằng năm(22). Vốn trong dân tuy có khá nhiều, nhưng chủ yếu là tích trữ và tiêu dùng cho đời sống như: nhà ở, mua sắm phương tiện sinh hoạt. Nguồn tài nguyên thiên nhiên như: đất đai, các mỏ và vùng biển tuy nước ta có nhiều lợi thế, nhưng vẫn lãng phí lớn. Đất cho phát triển nông nghiệp ở nhiều nơi vẫn bị bỏ hoang hoặc sử dụng không đúng mục đích. Tình trạng nông dân bỏ ruộng có chiều hướng gia tăng ở khắp các tỉnh. Ví dụ, tại tỉnh Hà Nam, vụ Xuân và Mùa năm 2017 bỏ hoang trên 100 ha ruộng, riêng vụ Mùa 2019 đã tăng lên 310 ha. Riêng huyện Lý Nhân, nếu năm 2016 đã bỏ hoang gần 30 ha đất gieo cấy thì năm 2018 và 2019 đã lên tới trên 100 ha(23). Chất lượng tăng trưởng kinh tế Việt Nam tuy có cải thiện, nhưng tốc độ tăng năng suất lao động vẫn không đủ cao để có thể bảo đảm tăng trưởng nhanh và bền vững.

Mục tiêu công bằng giữa các chủ thể kinh tế, nhưng môi trường kinh doanh thiếu công bằng.

Tuy đã xác định khu vực kinh tế tư nhân có vai trò quan trọng và Hội nghị Trung ương 4 khóa XII đã đặt ra yêu cầu phát triển mạnh cả về số lượng, chất lượng để thực sự là một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế, nhưng môi trường kinh doanh vẫn chưa thực sự công bằng. Tiếp cận nguồn vốn xã hội của khu vực tư nhân còn nhiều khó khăn, bị phân biệt với doanh nghiệp nhà nước. Môi trường đầu tư, kinh doanh, khởi nghiệp, tiếp cận thông tin của khu vực tư nhân vẫn bị hạn chế, thủ tục hành chính còn phức tạp, chi phí trung gian, không chính thức còn nhiều. Mâu thuẫn trong nhận thức về sản xuất TBCN là bóc lột giá trị thặng dư với yêu cầu phát triển kinh tế tư nhân ở nước ta vẫn chưa được giải quyết. Trong khi đó, doanh nghiệp nhà nước tuy có nhiều ưu đãi về vốn ngân sách nhà nước và vốn tín dụng, đất đai, mặt bằng sản xuất, nhưng tình trạng đầu tư chậm tiến độ và thua lỗ, gây thất thoát, lãng phí còn kéo dài; đầu tư sai mục đích, trái ngành nghề vẫn chưa xử lý dứt điểm. Ví dụ, năm 2018, cả nước có 56.567 dự án đầu tư công được thực hiện, trong đó có 1.778 dự án chậm tiến độ, 422 dự án thất thoát, lãng phí(24). Nhận thức về vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước và quan điểm bình đẳng giữa các thành phần kinh tế vẫn là vấn đề cần nhận thức rõ hơn.

Nguyên tắc phân phối công bằng nhưng việc thực hiện vẫn còn không ít trở ngại

Phân phối thu nhập dựa theo sự đóng góp của các nguồn lực là nguyên tắc công bằng luôn được coi trọng trong chính sách phát triển ở nước ta kể từ khi Đổi mới. Tuy nhiên, mức thu nhập của người tiếp nhận phân phối ở các đơn vị (tổ chức kinh tế, xã hội) lại phụ thuộc vào kết quả hoạt động thực tế đơn vị đó. Hiện cả nước hiện có khoảng 620 nghìn doanh nghiệp, nhưng có tới 97,5% số doanh nghiệp nhỏ và vừa, chủ yếu thuộc kinh tế tư nhân; 13,6 nghìn hợp tác xã, 5,1 triệu cơ sở kinh tế cá thể phi nông, lâm nghiệp và thủy sản(25). Do quy mô nhỏ và áp lực cạnh tranh, nên không ít những đơn vị trên kinh doanh không ổn định. Hội thảo Quốc gia Kinh tế Việt Nam năm 2017 và triển vọng năm 2018 tổ chức ngày 22-3-2018 tại Đại học Kinh tế quốc dân cho biết, số doanh nghiệp tư nhân kinh doanh thua lỗ tăng cao liên tục từ năm 2012, và đến cuối năm 2017 đã lên đến hơn 48% tổng số doanh nghiệp. Phát biểu tại Hội thảo, TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, tăng trưởng GDP hiện như miếng bánh chỉ dành cho ông to, doanh nghiệp lớn; và Nếu bỏ những đóng góp của các ông lớn như Samsung, Formosa ra khỏi nền kinh tế, còn lại chỉ có các doanh nghiệp Việt Nam với nhau thì tăng trưởng kinh tế Việt Nam không có gì quá đặc sắc. Nói vậy không phải là chê xấu, mà phải nhìn rõ thực tế các doanh nghiệp Việt đang rất khó khăn(26).

Bất công bằng về thu nhập giữa các đơn vị, các ngành vẫn là vấn đề đáng quan tâm. Vẫn tồn tại tình trạng lương tối thiểu chưa đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của người lao động; chính sách lương tối thiểu chưa được các doanh nghiệp tuân thủ chặt chẽ. Bất bình đẳng về thu nhập trong xã hội có chiều hướng gia tăng. Nghiên cứu của Oxfam chỉ ra rằng: thu nhập hàng năm của 210 người giàu nhất Việt Nam có thể giúp 3,2 triệu người thoát nghèo(27). Tham nhũng, buôn lậu, gian lận thương mại, lợi ích nhóm vẫn chưa được xử lý dứt điểm làm giảm động lực cạnh tranh lành mạnh, gây tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế.

Quyết sách an sinh xã hội, nhưng chi ngân sách nhà nước lại thường bị thâm hụt

Mục tiêu dài hạn của Việt Nam là công bằng xã hội. Bên cạnh tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, các chính sách thường xuyên cho hộ nghèo, hộ cận nghèo như chính sách y tế, giáo dục, nhà ở, xây dựng mô hình giảm nghèo, hiện nay còn phải thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23-5-2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội nhằm mở rộng, hướng tới bảo hiểm xã hội toàn dân và thực hiện Quyết định 466/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 14-4-2017 nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội từ 270 nghìn đồng lên 300 nghìn đồng đến 405 nghìn đồng nhằm mục tiêu 100% đối tượng gặp khó khăn đột xuất được trợ giúp kịp thời, mở rộng đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội như người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, không có lương hưu và trợ cấp của Nhà nước sống ở vùng núi, vùng hải đảo, vùng dân tộc thiểu số. Nhu cầu bảo đảm an sinh xã hội, ổn định đời sống dân cư ngày một tăng lên, cần có nguồn tài chính rất lớn. Thế nhưng, chi ngân sách nhà nước lại thường bị thâm hụt.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận số 1-2020

(1), (2), (3), C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.23, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 799-816, 820, 919.

(4) Ngày nay, cùng với những tiến bộ về khoa học và công nghệ, nguồn lực chủ yếu quyết định tăng trưởng kinh tế đã được hiểu bao gồm: lao động, vốn, tài nguyên thiên nhiên và công nghệ (Tác giả).

(5), (6), (7) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.18, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.379, 379, 379.

(8) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.9, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.27.

(9), (10) United Nations: The International Forum for Social Development Social Justice in an Open World: The Role of the United Nations, New York, 2006, p.11-12, 21.

(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.187.

(12) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1991, tr.53.

(13) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.73.

(14) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.103.

(15) Ban Chấp hành Trung ương: Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Số 10-NQ/TW, Hà Nội ngày 3-6-2017.

(16) Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam và thống kê của IMF.

(17) Thụy Miên: Thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 2.587 USD, http://vneconomy.vn.

(18) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.92.

(19) Nguyễn Thị Kim Ngân: Triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện thắng lợi chủ trương của Đảng về các vấn đề xã hội, Tạp chí Cộng sản, số 2 (2008), tr.18.

(20) Hồ Quang Phương: Thành tựu xóa đói, giảm nghèo tại Việt Nam, https://www.qdnd.vn.

(21) WB: Nghèo ở Việt Nam tiếp tục giảm, theo báo cáo của NHTG, https://www.worldbank.org.

(22) Nguyễn Minh Tân: Thực trạng cơ cấu ngân sách nhà nước hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, http://tapchitaichinh.vn.

(23) Đào Phương: Giải quyết tình trạng nông dân tỉnh Hà Nam bỏ ruộng, https://nhandan.com.vn.

(24) Lan Ca: Gần 1.800 dự án đầu tư công chậm tiến độ năm 2018, http://vneconomy.vn.

(25) Tổng cục Thống kê, https://www.gso.gov.vn.

(26) Hồ Mai: Rào cản kinh doanh nào khiến 48% doanh nghiệp tư nhân thua lỗ?, https://nhadautu.vn.

(27) VOVS: Vietnam aims to narrow rich-poor gap, https://english.vov.vn.

PGS, TS An Như Hải

Viện Kinh tế chính trị học,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Video liên quan