Hệ điều hành Android và iOS

Người dùng iPhone sử hệ điều hành iOS và người dùng điện thoại chạy hệ điều hành Android hơn 10 năm nay luôn có những cuộc chiến qua lại giữa người dùng hai bên, ai cũng cho rằng nhà mình là tốt nhất. Vậy hiện tại iOS Vs. Android còn tồn tại những ưu và khuyết gì?

Xem thêm:

  • [Đâu Là Tốt #8] Nhận diện khuôn mặt Vs. Cảm biến vân tay: Xu thế hiện đại hay đa dụng?
  • [Đâu Là Tốt #7] Vi xử lý (CPU) Vs. Bộ nhớ RAM: Ưu tiên cái nào hơn?

Mình biết chủ đề này nhạy cảm lắm, nên cũng cố gắng viết khách quan nhất có thể. Các bạn đọc thấy cần bổ sung, tranh luận hoặc góp ý gì thì để lại bên dưới phần commet, mình sẽ trả lời 100%.

iOS - Vũ khí giúp iPhone mượt mà vô đối

Khi Steve Jobs giới thiệu mẫu iPhone đầu tiên vào năm 2007, cũng là phát súng mở màn cho cuộc chiến smartphone và sự khai sinh của hệ điều hành iOS. Trải qua 13 năm, Apple đã phát triển được đến iOS 13 cũng như cho thấy sức mạnh bền vững không bị đánh bại của hệ điều hành này.

Nhanh và mượt mà là từ miêu tả đúng nhất mỗi khi nhắc đến iOS. Bất cứ thế hệ iPhone nào cũng có điểm hiệu năng cao ngất ngưỡng, đánh bại các đối thủ Android đầu bảng khác. Và dù iPhone 7 Plus ra mắt từ năm 2016, khi được cập nhật lên iOS 13 mới nhất vẫn cho độ mượt mà đáng ngạc nhiên.

Hệ điều hành Android và iOS

iPhone 2007 mở màn cho cuộc chiến smartphone. (Nguồn: Internet)

Bởi vì iPhone chạy iOS nhưng được trang bị con chip Bionic A series do chính Apple sản xuất. Điều này đã giúp nhà Táo có thể kết hợp phần cứng và phần mềm một cách tối ưu nhất. Các phiên bản iOS mới nhất vẫn tương thích và chạy ổn định trên thế hệ chip cũ. Chip mới thì được nâng cấp để có thể chạy tốt trong 5 năm tới trên những phiên bản iOS kế tiếp.

Sự phối hợp ăn ý giữa phần cứng và phần mềm cũng giúp Apple không cần trang bị quá nhiều RAM cho iPhone. Thực tế cho thấy, iPhone 11 Pro Max cũng chỉ có 4 GB RAM, trong khi các flagship Android được trang bị dung lượng RAM gấp đôi, gấp ba.

iOS cũng đem đến một giao diện dễ sử dụng cho cả người mới bắt đầu dùng điện thoại. Mình là người dùng rất nhiều smartphone Android, nhưng khi được cầm đến iPhone Xs Max thì làm quen rất nhanh chóng. Các thao tác cử chỉ, đa nhiệm trên các mẫu iPhone không có nút Home làm mình cảm thấy hài lòng nhất vì không cần phải dùng tới nút Home ảo.

Hệ điều hành Android và iOS

iPhone đời trước vẫn mượt mà so với smartphone Android hiện tại. (Nguồn: Internet)

Là hệ điều hành được phát triển riêng bởi Apple, iOS đảm bảo tính bảo mật rất cao. Mỗi khi tải ứng dụng trên App Store, iPhone đều yêu cầu xác thực lại lần nữa bằng vân tay hoặc Face ID. Hệ thống Face ID của iPhone cũng nhận được sự đánh giá cao về độ bảo mật.

Một khi đã đăng nhập dịch vụ lưu trữ đám mây iCloud trên iPhone thì người dùng bắt buộc phải nhớ ID và password để quản lý điện thoại của mình. Nếu không nhớ iCloud thì người dùng không thể đồng bộ hóa dữ liệu, khôi phục cài đặt gốc của máy hoặc thậm chí là biến chiếc iPhone thân yêu thành cục gạch nếu thao tác không đúng cách.

Hệ điều hành Android và iOS

iCloud bị khóa thì iPhone sẽ thành cục gạch đúng nghĩa. (Nguồn: Internet)

"Mua iPhone sẽ không bao giờ lỗi thời" là nhận định khá đúng đắn. Không bàn đến thiết kế, iPhone 6S ra mắt từ năm 2015 đến nay vẫn được hỗ trợ cập nhật lên iOS 13. Vòng đời cập nhật hệ điều hành của iPhone sẽ kéo dài 4 - 5 năm, cho nên người dùng iPhone cũ hơn vẫn được trải nghiệm phần mềm mới nhất. Bây giờ là năm 2020, nếu mua iPhone 11 hay iPhone SE 2020 chạy iOS 13, thì bạn sẽ được hỗ trợ cập nhật lên iOS 17 hoặc iOS 18 (nếu bạn vẫn còn dùng chiếc iPhone đó).

Chính sự cập nhật lâu dài đó khiến số lượng người dùng iPhone ngày càng tăng. Cho nên các nhà phát triển ứng dụng trong sẽ ưu ái iOS hơn, ra mắt ứng dụng trên chợ ứng dụng Apple trước tiên. Rất nhiều ứng dụng, game luôn có mặt trên App Store trước CH Play.

Hệ điều hành Android và iOS

Biểu đồ thống kê iPhone được cập iOS mới. (Nguồn: Internet)

Do tính chất là hệ điều hành mã nguồn đóng, iOS không có khả năng tùy biến giao diện. Người dùng vẫn có quyền thay đổi hình nền và nhạc chuông nhưng icon ứng dụng và màu sắc thanh công cụ là cố định. Điều này sẽ gây ra sự nhàm chán cho người dùng, bởi vì quanh năm suốt tháng nhìn vào các icon đó hoài cũng chán và không phải icon nào của iOS cũng đẹp.

Không có bloatware, malware hay virus. Hầu như không có chiếc iPhone nào bị dính virus, rò rỉ dữ liệu cả. Cũng đúng mà, nếu bạn đóng cửa nhà kín mít, không giao lưu với bên ngoài thì sợ gì mất trộm.

iOS chỉ chơi với mình iPhone! Bởi vì tính bảo mật nên người dùng không thể tải các ứng dụng bên ngoài App Store. Rất nhiều ứng dụng hay ho có mặt trên CH Play nhưng vắng bóng trên iOS làm người dùng iPhone vô cùng thèm khát.

Hệ điều hành Android và iOS

iOS chỉ "chơi riêng mình ta". (Nguồn: Internet)

Hiện nay có nhiều cách chia sẻ dữ liệu giữa 2 chiếc điện thoại như NFC hay gửi qua ứng dụng nhắn tin OTT. Tuy nhiên mình thích dùng Bluetooth, mà Bluetooth trên iPhone không thể "bắn" dữ liệu qua Android được.

Vì thế mà người dùng iPhone rất muốn jailbreak (bẻ khoá) iPhone của mình để có quyền can thiệp sâu hơn vào thiết bị. Jailbreak một thời trở thành trào lưu của người dùng iPhone. Tuy nhiên Apple không muốn ai phá cửa nhà mình nên đặt thêm hệ thống chống trộm, việc jailbreak iPhone gần đây không còn rầm rộ như trước nữa. Dường như người dùng đã học được cách chấp nhận!

Android dẫn đầu thị phần với nhiều cải tiến

Hệ điều hành Android được phát triển dựa trên nền tảng Linux và dành cho các thiết bị điện thoại thông minh và máy tính bảng. Ban đầu, Android được phát triển bởi Android, Inc. với sự hỗ trợ tài chính từ Google và sau này được chính Google mua lại vào năm 2005. Chiếc HTC Dream (hay còn được gọi là T-Mobile G1) là chiếc điện thoại đầu tiên chạy Android được bán vào năm 2008. Hiện nay Android đã được Google phát triển đến phiên bản Android 10.

Hệ điều hành Android và iOS

HTC Dream là chiếc smartphone Android đầu tiên. (Nguồn: Internet)

Do tính chất mã nguồn mở, nên mọi nhà sản xuất điện thoại đều có thể sử dụng và tùy biến Android theo phong cách của từng hãng. Smartphone Android hiện nay có thể kể đến những cái tên như Samsung, OPPO, Huawei, Xiaomi, Nokia, Vivo,... tại Việt Nam thì có Vsmart. Vì vậy mà điện thoại Android có độ phủ sóng cao, đa dạng mẫu mã và mức giá, đặc biệt là mức giá dễ tiếp cận hơn iPhone. Năm 2017, Android chiếm 87.7% thị phần điện thoại thông minh trên toàn thế giới vào thời điểm quý 2 với tổng cộng 2 tỷ thiết bị đã được kích hoạt và 1.3 triệu lượt kích hoạt mỗi ngày.

Không như iOS là mã nguồn đóng, Android rất hào phóng khi cho phép người dùng cài ứng dụng từ nhiều nguồn khác nhau bằng file APK. Người dùng Android không bị giới hạn bởi kho ứng dụng trên CH Play, hãng sản xuất lớn như Samsung, Huawei, OPPO cũng có chợ ứng dụng riêng được cài sẵn theo máy. Sự rộng rãi này giúp người dùng Android có thể trải nghiệm sớm các ứng dụng và game phiên bản beta.

Hệ điều hành Android và iOS

Với Android, có thể tải ứng dụng từ nhiều nguồn và cài đặt bằng file APK. (Nguồn: Internet)

Bên cạnh đó, Android cũng rất quan tâm đến sự sáng tạo của người dùng vì khả năng tùy biến cao. Điều đó tạo cơ hội cho các nhà sản xuất tùy biến lại giao diện, icon hay thêm nhiều tính năng độc quyền vào smartphone, tạo nên sự đặc trưng của mỗi hãng. Nếu không thích giao diện mặc định của máy, người dùng Android có thể thay đổi lại giao diện, vô tư tùy chỉnh hình dáng và kích cỡ icon ứng dụng. Những nhà sản xuất như Nokia lại lựa chọn sử dụng Android gốc không tùy biến, nhưng người dùng vẫn có thể tải các launcher khác về thay sử dụng.

Đăc biệt, Android có thứ mà iPhone không có: Màn hình chính. Người dùng Android có quyền chứa ứng dụng trong ngăn ứng dụng hoặc trang ứng dụng thứ hai, để lại trang đầu tiên làm màn hình chính. Bản thân mình thích máy có màn hình chính hơn, vì muốn thể hiện cái tôi cá nhân lên màn hình chính, đánh dấu chiếc điện thoại của mình. Mình muốn màn hình chính hoàn toàn trống trơn.

Bên cạnh đó, Android cũng có nhiều tính năng đa nhiệm mà iOS không có. Chẳng hạn như picture-in-picture, khi đang xem video trên web, bạn có thể thu nhỏ chúng lại kéo về góc màn hình và mở ứng dụng khác lên. Hoặc tính năng chia đôi màn hình ra làm hai phần, một nửa xem YouTube, nửa còn lại lướt Facebook hoặc duyệt web.

Hệ điều hành Android và iOS

Điện thoại Android có màn hình chính. (Nguồn: Internet)

Trợ lý ảo Google thông minh hơn trợ lý ảo Siri trên iPhone! Tất nhiên rồi, chúng ta thường hay nói "cái gì không biết thì tra Google", với cơ sở dữ liệu lớn Google có thể trả lời mọi câu hỏi của người dùng. Đặc biệt, chị Google của chúng ta đã được học qua một khóa Việt Nam học nên có trình độ nghe nói tiếng Việt rất tốt. Hơn nữa, đúng với vai trò một "người chị", trợ lý ảo Google còn biết ca hát, làm thơ, an ủi khi bạn buồn,... Không chỉ thông minh hơn Siri, "chị Google" còn tình cảm hơn Siri.

Cùng với đó, Android còn được hậu thuẫn bởi một hệ sinh thái như Google Drive, Google Mail, Google Maps, Google Keep, Google Photo,... Tất cả đều được đồng bộ lên tài khoản Google của người dùng. So với hệ thống điện toán đám mây của iOS thì Android ăn đứt về mặt này. Chưa kể, hệ sinh thái này còn dùng được trên nền web.

Hệ điều hành Android và iOS

"Chị Google" thể hiện sự thông thái. (Nguồn: Internet)

Tuy vậy, người dùng Android vẫn không nắm quyền kiểm soát điện thoại của mình hoàn toàn được. Do đó, trào lưu root, bootloader máy diễn ra hàng loạt. Root máy sẽ có quyền kiểm soát vào hệ thống sâu hơn, thực hiện được những việc như đổi font chữ,... Nhưng hình như dạo này việc root điện thoại Android không còn khiến người dùng mặn mà nữa. Chủ yếu việc root máy để vọc vạch mà thôi.

Chính việc dễ bị root và sử dụng mã nguồn mở nên khả năng bảo mật của Android kém hơn iOS rất nhiều, khiến máy dễ bị nhiễm virus và malware.

Hệ điều hành Android và iOS

Root Android đem đến nhiều quyền kiểm soát điện thoại hơn. (Nguồn: Internet)

Điện thoại Android không có nhiều hơn 2 mẫu máy được trang bị cấu hình giống nhau. Nhà sản xuất CPU thì nhiều như Qualcomm, MediaTek, Spectrum,.. mỗi hãng có cách làm chip khác nhau nên việc tối ưu hóa phần cứng và phần mềm không tốt bằng iOS. Điện thoại Android dù trang bị cấu hình cao cỡ nào vẫn không mượt bằng iPhone bản cao cấp nhất. Mà cũng phải thôi, một bên đóng cửa không cho ai vào, một bên mở cửa mời gọi vào nhà, tất nhiên bên không cho ai vào còn đủ khoảng để hoạt động rồi.

Vì vậy mà Samsung và Huawei tự tạo chip cho riêng mình để tối ưu hóa hiệu năng cho smartphone của hãng, nhưng cũng không mấy khả quan. Phần cứng và phần mềm phối hợp trơn tru thì mình thấy Huawei làm tốt nhất.

Thiếu sót lớn nhất của Android là không hỗ trợ cập nhật lâu dài. Vòng đời của một chiếc điện thoại Android cao lắm cũng chỉ 2 năm là cùng. Nhà sản xuất lười cập nhật phần mềm nhất phải kể đến là Samsung. Nhà sản xuất siêng cập nhật nhất có lẽ vẫn là Huawei và Nokia. "Cựu hoàng" Nokia đã hợp tác với Google nên smartphone của hãng đều nằm trong chương trình Android One, những smartphone giá rẻ vẫn được hỗ trợ cập nhật 2 - 3 năm.

Hệ điều hành Android và iOS

Smartphone Android ít hỗ trợ cập nhật lâu dài. (Nguồn: Internet)

iOS Vs. Android, bạn chọn bên nào?

iOS Vs. Android đã đấu đá với nhau hơn 1 thập kỷ qua nhưng cuộc chiến vẫn chưa đi đến hồi kết khi mà hai bên đều có những cải tiến cho sản phẩm của mình. Mình đã sử dụng cả hai bên hệ điều hành này từ smartphone giá rẻ cho đến cao cấp và không thể phủ nhận rằng iPhone mượt mà thật. Nhưng mình không thích dùng iPhone.Hiệu năng không phải là thứ mình quá quan tâm khi chọn điện thoại, vì hầu như điện thoại tầm trung là cũng cho độ ổn định khá tốt rồi.

Thêm 1 yếu tố nữa, iPhone không hẳn là mượt hơn Android. Màn hình flagship Android nhiều công nghệ (90Hz, 120Hz), nên những smartphone mới ra vẫn dư sức cạnh tranh với iPhone. Nhưng dùng 6 tháng đến 1 năm hơn thì tự hiểu ai tự dưng chậm lại, ai vẫn chạy phà phà.

Như mình nói ở trên, mình thích được tùy biến điện thoại theo sở thích của mình nên việc không màn hình chính, không thay đổi giao diện làm mình nhàm chán. Android cũng có nhiều tính năng mình thích như bong bóng chat Messenger (nhiều bạn chơi game không thích cái này nè), có chế độ chụp hình chuyên nghiệp. Mình cũng không cần thể dùng chiếc điện thoại nào hơn được 2 năm nên mình cũng không cần cập nhật. À, dùng điện thoại Android thì cũng dễ mượn dây sạc điện thoại và tai nghe hơn.

Đó là ý kiến của riêng mình, còn bạn thì thích sử dụng iPhone hay điện thoại Adroid hơn? Hãy thể hiện ý kiến bên dưới phần bình luận nhé!

Xem thêm:

  • [Đâu Là Tốt #6] Tai nghe có dây Vs. Tai nghe không dây: Cổ điển, thông dụng hay hiện đại, gọn gàng?
  • [Đâu Là Tốt #5] Tản nhiệt khí Vs. Tản nhiệt nước: Tản nhiệt nào giúp máy chơi game mát hơn?
  • [Đâu Là Tốt #12] Cuộc chiến tấm nền màn hình LCD Vs. Màn hình OLED: Căng thẳng như dây đàn