Hãy trình bày vai trò của môn thể dục trong giáo dục thể chất học sinh

Giáo dục thể chất trong hệ thống giáo dục

Rèn luyện thể chất trong nhà trường được quy định tại Điều 2 Nghị định 11/2015/NĐ-CP Quy định về giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong nhà trường.

Trong hệ thống giáo dục nội dung đặc trưng của giáo dục thể chất được gắn liền với giáo dục trí dục, đức dục, mỹ dục và giáo dục lao động. Giáo dục thể chất là một trong những nội dung quan trọng, góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện học sinh trong nhà trường.

Giáo dục thể chất trong nhà trường là môn học bắt buộc, thuộc chương trình giáo dục của các cấp học và trình độ đào tạo, nhằm trang bị cho trẻ em, học sinh, sinh viên các kiến thức, kỹ năng vận động cơ bản, hình thành thói quen luyện tập thể dục, thể thao để rèn luyện sức khỏe, phát triển toàn diện các tố chất thể lực, tầm vóc, tiến tới hoàn thiện đến mức cần thiết các kỹ năng, kỹ xảo quan trọng cho cuộc sống, đồng thời giáo dục văn hóa thể chất, nâng cao sức khỏe tinh thần, biết cách thích ứng và hài hòa với các điều kiện sống, điều kiện môi trường học tập, lao động của bản thân và hoàn cảnh xã hội.

Ý nghĩa của rèn luyện thể chất đối với học sinh

Công tác giáo dục thể chất học đường có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong giai đoạn phát triển của mỗi con người, đặc biệt ở lứa tuổi học sinh. Thể hiện ở các mặt:

Góp phần giữ gìn sức khỏe, nâng cao thể lực và tầm vóc phù hợp với độ tuổi, giới tính và đặc điểm sức khỏe cá nhân của từng học sinh.

Tạo dựng cơ sở cho sự phát triển năng lực thể chất toàn diện, hoàn thiện hình thái, củng cố sức khỏe và hình thành hệ thống kỹ năng, kỹ xảo.

Phát triển thể lực toàn diện, các kỹ năng vận động cơ bản và các năng lực vận động cốt lõi: Năng lực tự động, sáng tạo; năng lực giao tiếp ứng xử; năng lực thể lực [sức nhanh, sức mạnh, sức bền, sự khéo léo]; năng lực phối hợp vận động; năng lực vượt chướng ngại vật; năng lực phòng chống đuối nước; năng lực thích ứng với môi trường xã hội...Trên cơ sở đó giáo dục các phẩm chất đạo đức, ý chí, hình thành văn hóa thể chất cá nhân và xây dựng lối sống lành mạnh.

Tập luyện thể thao giúp các em phát triển một cách toàn diện.

Giáo dục thể chất học đường ở các cấp học, các giai đoạn giáo dục, các lứa tuổi khác nhau có các mục tiêu, yêu cầu và nội dung phương pháp khác nhau. Nghị quyết 29-NQ/TƯ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nhấn mạnh coi trọng phát triển thể chất để phát triển toàn diện cả về đức - trí - thể - mỹ cho học sinh.

Rèn luyện thể chất-thể lực là cơ sở, nền tảng trau dồi và phát triển trí lực, hoàn thiện nhân cách, cụ thể:

- Các nghiên cứu cho thấy rèn luyện thể chất không những có vai trò quan trọng trong sự phát triển của cơ thể mà còn có những tác động tới con người về các mặt trí lực. Khoa học và thực tiễn cũng đã chứng minh, chăm sóc và nâng cao sức khỏe thông qua việc rèn luyện thể chất, là biện pháp chủ động, tích cực nhất, ít tốn kém nhất, có khả năng thực thi cao nhất và phù hợp với quy luật phát triển tâm, sinh lý của cơ thể và lứa tuổi, đóng vai trò quan trọng phòng ngừa bệnh tật, nâng cao sức khỏe, làm đẹp hình thái và phát triển toàn diện các tố chất vận động một cách hoàn thiện nhất!

- Rèn luyện thân thể bằng việc tập luyện các môn thể dục thể thao khác nhau với những đòi hỏi sự nỗ lực cao của bản thân về thể chất và ý chí tinh thần, có thể giúp hình thành và giáo dục được những phẩm chất đạo đức nhân cách của con người một cách tự nhiên như: Ý chí, lòng dũng cảm, sự quyết tâm, sự tự tin, tính kiên trì và nhẫn nại; ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần tập thể, ý thức đồng đội… Văn hóa thể chất giúp xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, góp phần đẩy lùi các tệ nạn xã hội, xây dựng niềm tin và tinh thần lạc quan cho thế hệ trẻ.

- Học sinh là lứa tuổi đang phát triển và hoàn thiện thể chất, hình thành nhân cách. Việc rèn luyện thể chất không chỉ giúp thể chất khỏe mạnh mà còn hoàn thiện nhân cách, phát triển các năng lực trí tuệ, nhằm hướng tới sự phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần, đáp ứng được các đòi hỏi của cuộc sống cũng như thích nghi được với các điều kiện môi trường tự nhiên, xã hội trong suốt thời gian học tập cho tới quá trình lao động nghề nghiệp.

- Rèn luyện thể chất cũng giúp trí não thư thái, giảm bớt những căng thẳng lo âu. Các nghiên cứu cho thấy tập luyện thường xuyên ảnh hưởng đến nhiều chức năng của hệ thần kinh, làm phát triển khả năng hoạt động của não bộ, làm tăng nồng độ β-Endorphin góp phần làm tăng sự sảng khoái, giảm stress, cải thiện giấc ngủ, cải thiện sự tự tin, tăng khả năng nhận thức.

Giáo dục rèn luyện thể chất trong nhà trường có ý nghĩa to lớn trong việc phát huy và bồi dưỡng nhân tố con người. Đồng thời góp phần nâng cao thể lực, hoàn thiện các năng lực thể chất, phát triển trí lực, giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống lành mạnh, văn minh.


BS. Phạm Quang Thuận

Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã được chuẩn bị và triển khai từ rất sớm, ngay sau Đại hội Đảng lần thứ XI [năm 2011], Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương Đảng [khoá XI] về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, tiếp theo là Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; Quyết định số 404/QĐ-TTg ngày 27/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Trong đó, giáo dục thể chất là một trong trong 8 năng lực chủ yếu, có tầm quan trọng đặc biệt góp phần phát triển toàn diện cho học sinh. Vì vậy, cần làm rõ vị trí của nó trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.

Môn học cốt lõi thuộc lĩnh vực giáo dục thể chất

Lĩnh vực giáo dục thể chất nhằm giáo dục học sinh có cuộc sống khoẻ mạnh cả về thể lực và tinh thần, hình thành văn hoá thể chất thông qua việc trang bị cho học sinh những kiến thức về sức khoẻ và quản lý sức khoẻ, biết thường xuyên tập luyện phù hợp với bản thân, biết cách thích ứng với các điều kiện sống, lạc quan và chia sẻ với mọi người.

Giáo dục thể chất được thực hiện ở một số môn học như: thể dục, sinh học, công nghệ, các hoạt động thể thao, trải nghiệm sáng tạo,... trong đó môn học cốt lõi là thể dục - thể thao [thể dục là nội dung học từ lớp 1 đến lớp 9; thể thao là hoạt động tự chọn trong môn học [TC3] của học sinh trong nhà trường từ lớp 1 đến lớp 12]; Thể dục và thể thao nhằm rèn luyện cho học sinh kỹ năng phát triển thể lực, sức khoẻ bằng những hoạt động thể chất đa dạng như rèn kỹ năng vận động cơ bản, đội hình, đội ngũ; các bài tập thể dục và bài tập phát triển tố chất thể lực; các môn thể thao: bơi lặn, võ, vật và các hoạt động thể thao cổ truyền, thể dục nghệ thuật, khiêu vũ thể thao...; phương pháp phòng chống chấn thương trong hoạt động TDTT.

- Giai đoạn giáo dục cơ bản: Cấp tiểu học nhằm hình thành thói quen tập luyện nâng cao sức khoẻ, thông qua luyện tập TDTT để phát triển các tố chất vận động, ưu tiên phát triển sự khéo léo dưới hình thức các trò chơi vận động, vui chơi tập thể... Cấp trung học cơ sở nhằm trang bị những hiểu biết về cách thức tập luyện, giáo dục ý thức tự giác, tích cực tự luyện tập, phát triển các tố chất thể lực, ưu tiên phát triển sức nhanh thông qua các hoạt động TDTT như: nhảy cao, nhảy xa, đá cầu, cầu lông, bóng đá, bóng chuyền...

- Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp: Phát triển kỹ năng chăm sóc sức khoẻ và vệ sinh, tham gia các hoạt động thể thao trong trường học và cộng đồng thông qua các hoạt động giao lưu, thi đấu.

Hình thức tổ chức và phương pháp dạy học chủ yếu là tổ chức các hoạt động vận động, tập luyện và thi đấu TDTT cho học sinh.

Kết hợp đánh giá năng lực theo yêu cầu cần đạt về kiến thức, kỹ năng, tố chất thể lực phù hợp [cấp học, lứa tuổi và giới tính], đánh giá thái độ hoạt động TDTT trong và ngoài nhà trường của học sinh.

Các năng lực được hình thành ở học sinh thông qua môn học giáo dục thể chất:

Một là, Sống thích ứng và hài hòa với môi trường: Nhận ra một số yếu tố chủ yếu [của môi trường sống, thời tiết, thức ăn] có lợi, có hại cho sức khoẻ. Tuân thủ những chỉ dẫn của người lớn về vệ sinh cá nhân, ăn, mặc, sinh hoạt, học tập có lợi cho sức khoẻ. Nêu được cơ sở khoa học của chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt, các biện pháp giữ gìn vệ sinh, phòng bệnh, bảo vệ sức khoẻ; tự vệ sinh cá nhân đúng cách. Lựa chọn cách ăn, mặc, hoạt động phù hợp với thời tiết và đặc điểm phát triển của cơ thể; thực hành giữ gìn vệ sinh môi trường sống xanh, sạch, không ô nhiễm. Nêu được cơ sở khoa học của các biện pháp bảo vệ môi trường sống không bị ô nhiễm, giữ cân bằng sinh thái; điều chỉnh chế độ học tập và sinh hoạt phù hợp với thể trạng của bản thân; thực hành các hoạt động cải thiện môi  trường sống; thích ứng với các hoạt động xã

Hai là, Rèn luyện sức khoẻ thể lực: Kể tên và nêu được chức năng của một số bộ phận chính của cơ thể người; diễn tả được một số biểu hiện bất thường của cơ thể; nêu và mô tả được các hoạt động vận động trong TDTT thường ngày; thực hiện được các loại hình vận động phù hợp với bản than. Thường xuyên, tự giác tập luyện TDTT; lựa chọn tham gia các hoạt động TDTT phù hợp với tăng tiến về sức khoẻ, thể lực, điều kiện sống và học tập của bản thân và cộng đồng. Đánh giá được thể trạng sức khoẻ của bản thân; đọc hiểu được các chỉ số cơ bản của sức khoẻ qua kiểm tra y tế; nhận ra các biểu hiện và phản ứng của bản thân với một số bệnh thông thường; có thói quen, biết lựa chọn các hình thức tập luyện TDTT phù hợp để cải thiện các chức năng của cơ thể.

Ba là, Nâng cao sức khoẻ tinh thần: Thực hành các hành vi ứng xử vui tươi, thân thiện; xử lý các tình huống đơn giản, cụ thể trong cuộc sống với thái độ tự trọng, tự tin, có trách nhiệm và hoà đồng với mọi người; Lạc quan và biết cách thích ứng với những điều kiện sống, học tập, lao động của bản thân; có khả tự điều chỉnh cảm xúc cá nhân, chia sẻ, cảm thông với mọi người và tham gia cổ vũ động viên người khác. Biết cải thiện các mối quan hệ để đem lại niềm vui, hạnh phúc cho bản thân và mọi người; hài hoà các hoạt động học tập, lao động, giải trí; tinh thần thoải mái; tham gia tích cực các hoạt động xã hội.

Tất cả các môn học đều phải quan tâm, đóng góp phát triển các năng lực chung của học sinh. Vai trò của môn học đối với sự phát triển từng năng lực chung được thể hiện theo 3 mức độ sau:

Mức độ A - Môn học đóng vai trò chủ yếu đối với sự phát triển năng lực tương ứng. Đối với môn học giáo dục thể chất là: Tự học, giải quyết vấn đề, thẩm mỹ.

Mức độ B - Môn học góp phần phát triển năng lực tương ứng. Đối với môn học giáo dục thể chất là: Giao tiếp, Hợp tác.

Mức độ C - Môn học tạo cơ hội phát triển năng lực tương ứng. Đối với môn học giáo dục thể chất là: Tính toán, Công nghệ thông tin.

Từ cơ sở tiếp cận, định hướng chương trình môn học giáo dục thể chất phải bám sát tiêu chí xây dựng chương trình tổng thể sau:

Thay kết luận

Từ cơ sở tiếp cận, định hướng chương trình môn học giáo dục thể chất phải bám sát tiêu chí xây dựng Chương trình tổng thể, đó là: Chương trình môn học giai đoạn giáo dục cơ bản bảo đảm trang bị cho học sinh tri thức phổ thông nền tảng, toàn diện và thực sự cần thiết. Kết thúc giai đoạn này, học sinh có khả năng tự học, đạt được những phẩm chất và năng lực thiết yếu, nhất là các năng lực chung, thấy rõ sở trường, năng lực của mình để tự tin tham gia cuộc sống lao động hoặc tiếp tục học lên.

Ở cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở, thực hiện lồng ghép những nội dung liên quan với nhau của một số lĩnh vực giáo dục, một số môn học trong chương trình hiện hành để tạo thành môn học tích hợp; thực hiện tinh giản, tránh chồng chéo nội dung giáo dục, giảm hợp lý số môn học.

Chú trọng tính thiết thực của các nội dung dạy học và hoạt động trải nghiệm sáng tạo, cùng với hoạt động tư vấn trường học để giúp học sinh học xong trung học cơ sở có thể chọn con đường học lên theo giáo dục nghề nghiệp hoặc trung học phổ thông, góp phần thực hiện yêu cầu phân luồng mạnh sau trung học cơ sở. Hệ thống môn học giúp cho việc hình thành, phát triển các năng lực chung của học sinh. Vai trò của mỗi môn học đối với việc hình thành, phát triển năng lực chung của học sinh.

Đặc biệt là vận dụng lồng ghép với Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 đến 2030 và Đề án tổng thể phát triển giáo dục thể chất và thể thao trường học giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

T.S Hoàng Công Dân

Video liên quan

Chủ Đề