Ghi nơi cấp căn cước công dân như thế nào

Căn cước công dân là một trong các loại giấy tờ tùy thân chính của công dân Việt Nam.Thông thường, trong nhiều hồ sơ, tờ khai, người dân sẽ đồng thời được yêu cầu kê khai số Căn cước công dân và nơi cấp. Tuy nhiên, Ghi nơi cấp thẻ căn cước như thế nào? Vẫn đang là một vấn đề khiến người dân bối rối khi kê khai.

Vậy Ghi nơi cấp thẻ căn cước như thế nào là đúng? Để trả lời cho câu hỏi này kính mời quý khách hàng cùng theo dõi bài viết.

Tìm hiểu về căn cước công dân

Căn cước công dân là gì?

Khoản 1 Điều 3 Luật Căn cước công dân năm 2014 quy định: Căn cước công dân là thông tin cơ bản về nhân dạng, lai lịch của công dân theo quy định của pháp luật.

Có thể hiểu, căn cước công dân là một trong những giấy tờ tùy thân quan trọng của mỗi cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp. Căn cước công dân bao gồm các thông tin cơ bản của một người như hình dạng, lai lịch, đặc điểm riêng của cá nhân đó để phân biệt với cá nhân khác.

Trong thẻ căn cước công dân chứa một dãy số được gọi là số định danh cá nhân, mỗi công dân Việt Nam sẽ được cấp 1 mã số và không bị trùng với cá nhân khác.

Nội dung thể hiện trên thẻ Căn cước công dân?

Theo quy định tại Điều 18 Luật Căn cước công dân năm 2014, Thẻ Căn cước công dân sẽ gồm các thông tin sau:

Mặt trước thẻ có hình Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; có dòng chữ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Độc lập  Tự do  Hạnh phúc; dòng chữ Căn cước công dân; số thẻ Căn cước công dân, ảnh, họ, chữ đệm và tên khai sinh, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, quốc tịch, quê quán, nơi thường trú; ngày, tháng, năm hết hạn;

Mặt sau thẻ có vân tay và đặc điểm nhân dạng của người được cấp thẻ;bộ phận lưu trữ thông tin đã được mã hóa; ngày, tháng, năm cấp thẻ; họ, chữ đệm, tên, chữ ký, chức danh của người cấp thẻ và dấu có hình Quốc huy của cơ quan cấp thẻ.

Đối tượng được cấp căn cước công dân?

Căn cứ quy định Khoản 1 Điều 19 Luật Căn cước công dân 2014, theo đó công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi sẽ được cấp thẻ Căn cước công dân. Trong trường hợp bị mất, hư hỏng thẻ căn cước, công dân được cấp lại theo quy định pháp luật.

Về thời hạn đổi thẻ căn cước công dân

Khoản 1 Điều 21 Luật Căn cước công dân 2014 quy định:Thẻ Căn cước công dân phải được đổi khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi.

Như vậy, thời hạn sử dụng của thẻ Căn cước công dân được tính theo độ tuổi đổi thẻ Căn cước công dân. Cụ thể khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi, đủ 60 tuổi. Trường hợp thẻ căn cước được cấp, đổi, cấp lại trong thời hạn 2 năm trước tuổi quy định thì vẫn có giá trị sử dụng đến tuổi đổi thẻ tiếp theo.

Nội dung thẻ Căn cước công dân

Mặt sau thẻ Căn cước công dân mã vạch

Từ ngày 01/01/2016, khi Luật Căn cước công dân 2014 có hiệu lực, mẫu thẻ Căn cước công dân tuân theo quy định tại Thông tư 61/2015/TT-BCA Quy định về mẫu thẻ căn cước công dân.

Tại Thông tư 61/2015/TT-BCA quy định mặt sau thẻ Căn cước công dân gồm các thông tin sau:

Trên cùng là mã vạch hai chiều;

Bên trái, có 02 ô: ô trên, vân tay ngón trỏ trái; ô dưới, vân tay ngón trỏ phải của người được cấp thẻ Căn cước công dân;

Bên phải, từ trên xuống: đặc điểm nhân dạng của người được cấp thẻ; ngày, tháng, năm cấp thẻ Căn cước công dân; họ, chữ đệm và tên, chức danh, chữ ký của người có thẩm quyền cấp thẻ và dấu có hình Quốc huy của cơ quan cấp thẻ Căn cước công dân.

Trong đó, con dấu trên thẻ Căn cước công dân dùng mực màu đỏ, là con dấu có hình Quốc huy thu nhỏ của Cục Cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư, Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an.

Mặt sau thẻ Căn cước công dân làm từ 01/01/2016 đến trước ngày 10/10/2018

Mặt sau thẻ Căn cước công dân làm từ ngày 10/10/2018

Mặt sau thẻ Căn cước công dân gắn chip

Căn cứ Thông tưSố: 06/2021/TT-BCA ban hành ngày 23 tháng 01 năm 2021Quy định về mẫu thẻ căn cước công dân, mặt sau thẻ Căn cước công dân gồm các thông tin sau:

Bên trái, từ trên xuống: Đặc điểm nhân dạng/Personal identification; Ngày, tháng, năm/Date, month, year; CỤC TRƯỞNG CỤC CẢNH SÁT QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH VỀ TRẬT TỰ XÃ HỘI/DIRECTOR GENERAL OF THE POLICE DEPARTMENT FOR ADMINISTRATIVE MANAGEMENT OF SOCIAL ORDER; chữ ký, họ và tên của người có thẩm quyền cấp thẻ; dấu có hình Quốc huy của cơ quan cấp thẻ Căn cước công dân; chíp điện tử.

Bên phải, từ trên xuống: Có 2 ô: Vân tay ngón trỏ trái/Left index finger và Vân tay ngón trỏ phải/Right index finger của người được cấp thẻ căn cước công dân.

Dòng MRZ.

Mặt sau thẻ Căn cước công dân gắn chip làm từ ngày 23/01/2021

Cách ghi nơi cấp thẻ căn cước công dân?

Theo mẫu thẻ Căn cước công dân mã vạch trước đây và mẫu thẻ Căn cước công dân gắn chip nêu trên thì căn cứ vào thông tin trên con dấu ở mặt sau thẻ Căn cước công dân đó chính là nơi cấp thẻ Căn cước công dân.

Chính vì vậy, cách ghi nơi cấp thẻ căn cước công dân như sau:

Thứ nhất: Đối với thẻ Căn cước công dân làm từ 01/01/2016 đến trước ngày 10/10/2018 thì nơi cấp là Cục Cảnh sát ĐKQL cư trú và DLQG về dân cư (theo mẫu của Thông tư 61/2015/TT-BCA).

Thứ hai: Với các thẻ làm từ ngày 10/10/2018 thì nơi cấp Căn cước công dân là Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (theo mẫu Thông tư 33/2018/TT-BCA và hiện nay là mẫu Căn cước công dân gắn chip theo Thông tư 06/2021/TT-BCA).

Trên đây, chúng tôi mang tới cho Quý khách hàng những thông tin cần thiết liên quan tới Ghi nơi cấp thẻ căn cước như thế nào? Để biết thêm thông tin chi tiết, Quý khách hàng đừng ngần ngại liên hệ với chúng tôi qua Tổng đài tư vấn trực tuyến để được hỗ trợ nhanh chóng nhất.