Gen tăng đông là gì

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Bùi Minh Phúc - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long. Bác sĩ có trên 18 năm làm việc trong lĩnh vực sản phụ khoa.

Hội chứng tăng đông máu là một nhóm bệnh mà trong đó, quá trình đông máu diễn ra không bình thường dẫn đến sự hình thành bất thường của cục máu đông trong lòng mạch của người mắc bệnh. Phụ nữ mang thai bị hội chứng tăng đông máu nếu không có phương áp điều trị sẽ  ảnh hưởng đến thai nhi.

1. Máu đông là gì?

Tiểu cầu (là một loại tế bào máu) và huyết tương (là phần dịch lỏng của máu) cùng tham gia vào quá trình ngưng chảy máu và hình thành cục máu khi một vị trí bất kỳ trên cơ thể bị tổn thương. Thông thường, khi vết thương đã lành, các cục máu đông sẽ tự động bong ra.

Có một số trường hợp, cục máu đông lại hình thành trong các mạch máu mặc dù cơ thể không hề bị chấn thương. Những cục máu đông này thường sẽ không tự biến mất và chúng sẽ gây nguy hiểm tới sức khỏe.

2. Nguyên nhân bị tăng đông máu khi mang thai

Hội chứng tăng đông máu không phải là một bệnh di truyền mà tự nó hình thành và tiến triển, phổ biến nhất là hội chứng kháng thể kháng phospholipid (APS).

APS là một rối loạn tự miễn.  Hội chứng này là tình trạng tăng đông qua trung gian kháng thể có đặc trưng là huyết khối động mạch hoặc tĩnh mạch tái đi tái lại. Đây là bệnh lý về thai kỳ với sự hiện diện của tự kháng thể kháng protein huyết tương gắn phospholipid.

Ngoài ra, nguyên nhân bị tăng đông máu khi mang thai còn do sự thay đổ về cấu trúc của một số gen tổng hợp protein.

Gen tăng đông là gì
Hội chứng kháng thể kháng phospholipid (APS) gây ra hội chứng tăng đông máu

3. Tăng đông máu có nguy hiểm không?

Hội chứng tăng đông máu khi mang thai có thể gây một số vấn đề về sức khỏe cho các bà bầu và trong những trường hợp nghiêm trọng hội chứng tăng đông máu thậm chí còn có thể gây tử vong cho cả mẹ và con.

4. Những đối tượng có nguy cơ cao mắc hội chứng tăng đông máu khi mang thai

Những đối tượng dưới đây sẽ có nguy cơ mắc bệnh tăng đông máu khi mang thai cao hơn bình thường:

  • Phụ nữ đã từng bị sảy thai 3  5 lần trước tuần thứ 10 không rõ nguyên nhân; hoặc đã từng bị sảy thai sau tuần thứ 10 thai kỳ và không rõ nguyên nhân.
  • Đã từng sinh non trước tuần 34 thai kỳ do mắc các hội chứng sản giật, tiền sản giật nặng hoặc một bất thường nào đó ở nhau thai
  • Đã từng bị huyết khối trong quá trình mang thai

Với những bà bầu đã từng gặp phải các vấn đề trên, cần phải đi khám bác sỹ để được xét nghiệm chẩn đoán hội chứng tăng đông máu. Việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ giúp phụ nữ khi mang thai có được một sức khỏe tốt trong quá trình mang thai và sinh con khỏe mạnh, bình thường.

Gen tăng đông là gì
Phụ nữ từng mắc tiền sản giật có nguy cơ mắc bệnh tăng đông máu khi mang thai

5. Biến chứng có thể gặp phải nếu mắc hội chứng tăng đông máu khi mang thai

Nếu trong khi đang mang thai, các bà bầu mắc phải một căn bệnh thuộc nhóm rối loạn tăng đông máu hay còn được gọi là hội chứng kháng thể kháng phospholipid (antiphospholipid syndrome  APS), sẽ có nguy cơ gặp phải những biến chứng sau trong thai kỳ:

  • Hạn chế tăng trưởng trong tử cung (Intrauterine growth restriction  IUGR): Đây là hội chứng khiến sự tăng trưởng của thai nhi bị hạn chế, do đó em bé sinh ra sẽ nhỏ hơn bình thường.
  • Thiểu năng/ suy nhau thai (placental insufficiency): nhau thai phát triển ở trong tử cung, có vai trò cung cấp chất dinh dưỡng cũng như oxy cho thai nhi thông qua dây rốn. Nếu nhau thai bị suy yếu, nó sẽ không thể thực hiện được chức năng vốn có của mình, khiến cho thai nhi không được nhận đủ chất dinh dưỡng và bị thiếu oxy, vô cùng nguy hiểm tới thai nhi.
  • Tiền sản giật (preeclampsia): Là một hội chứng xuất hiện khoảng sau tuần thứ 20 của thai kỳ hoặc ngay sau khi bắt đầu mang thai thường xảy ra với đối tượng phụ nữ bị huyết áp cao khiến cho các cơ quan như gan và thận không thể làm việc tốt như người bình thường. Các triệu chứng khác có thể xảy ra khi phụ nữ mang thai bị tăng đông máu bao gồm protein niệu, thay đổi thị giác và đau đầu dữ dội.
  • Sinh non: Khi em bé bị sinh ra từ 22 tuần đến trước tuần 37 của thai kỳ.
  • Sảy thai: Thai nhi bị tống ra khỏi buồng tử cung trước 22 tuần tuổi thai.
  • Thai chết trong tử cung.
Gen tăng đông là gì
Sảy thai là biến chứng nguy hiểm của hội chứng tăng đông máu khi mang thai

6. Điều trị hội chứng tăng đông máu khi mang thai

Các phương pháp, thuốc điều trị tăng đông máu sẽ phụ thuộc vào bệnh tăng đông máu đang mắc phải.

Có một số phụ nữ bị tăng đông máu đang mang thai cần được điều trị bằng các loại thuốc chống đông máu. Ví dụ như heparin. Nếu mắc hội chứng kháng thể kháng phospholipid và từng bị sảy thai, bác sỹ có thể sẽ kê aspirin liều thấp và heparin để tránh bị sảy thai.

Ngoài ra, một số phương pháp sau cũng được sử dụng để kiểm tra tình trạng sức khỏe của thai nhi:

  • Siêu âm: Bác sỹ có thể sử dụng phương pháp siêu âm Doppler để kiểm tra huyết động trong động mạch dây rốn.
  • Theo dõi nhịp tim thai: Để đảm bảo thai nhi vẫn được cung cấp đủ oxy.

Sau khi sinh, bác sỹ vẫn sẽ tiếp tục điều trị cho các mẹ bầu bằng heparin hoặc một loại thuốc chống đông khác như warfarin. Warfarin có thể sử dụng an toàn sau thai kỳ, ngay cả khi đang cho con bú, tuy nhiên nó không được sử dụng cho phụ nữ có thai do trong thành phần thuốc có nguy cơ gây dị tật thai nhi.

Cần đi khám thường xuyên, định kỳ theo lời dặn của bác sĩ để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và thai nhi.

Mọi thắc mắc cần được bác sĩ chuyên khoa giải đáp cũng như quý khách hàng có nhu cầu khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý khách vui lòng đặt lịch trên website để được phục vụ tốt nhất.

Để được tư vấn trực tiếp, Quý Khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đăng ký lịch trực tuyến TẠI ĐÂY. Tải ứng dụng độc quyền MyVinmec để đặt lịch nhanh hơn, theo dõi lịch tiện lợi hơn!