Điểm khác biệt công cuộc cải cách của Trung Quốc và Liên Xô

Kết quả là, Liên Xô không chỉ trở thành con nợ của phương Tây, mà còn mắc nợ với chính người dân của nước mình.

Tình hình càng thêm tồi tệ

Ngay từ đầu những năm 1980, giới lãnh đạo Liên Xô đã coi sự tụt hậu về công nghệ của Liên Xô so với các nước phát triển kinh tế, cũng như tính kém cạnh tranh của hàng hóa trong nước trên thị trường thế giới là điều hiển nhiên. Vì vậy, theo nhà lãnh đạo Liên Xô khi đó là Mikhail Gorbachev, để có thể cứu vãn được tình hình thì chỉ có cách tiến hành cải cách kinh tế triệt để. Khái niệm về phát triển nhanh kinh tế - xã hội được đề xuất vào đầu năm 1986 đã đặt ra những mục tiêu to lớn. Theo đó, đến năm 1990, Liên Xô phải tăng sản lượng thực phẩm lên gấp 2,5 lần, còn đến năm 2000 thì tăng gấp đôi tiềm năng công nghiệp và giải quyết vấn đề nhà ở. Tuy nhiên, bộ máy quan liêu đồ sộ hằng năm tiêu tốn hơn 40 tỷ rúp không thể giúp Gorbachev tiến hành đổi mới một cách hiệu quả, đồng thời cản trở quá trình thực hiện những mục tiêu đề ra. Rõ ràng, nếu rơi vào tay kẻ vụng, thì công cuộc cải cách không những không mang lại kết quả, mà còn làm cho tình hình kinh tế - xã hội trong nước ngày càng thêm tồi tệ. Đến đầu năm 1987, sự sụt giảm sản xuất đã trở nên rõ ràng, và đến năm 1989 thì ngân sách nhà nước lần đầu tiên bị thâm hụt. Nền kinh tế sụp đổ hoàn toàn vào năm 1991. So với năm 1985, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế giảm từ 2,3% xuống âm 11%, dự trữ vàng giảm từ 2.500 tấn xuống còn 240 tấn, trong khi nợ nước ngoài của Liên Xô tăng từ 25 tỷ USD lên 103,9 tỷ USD.

Thâm hụt toàn bộ

Năm 1987, chế độ độc quyền ngoại thương của nhà nước đã bị bãi bỏ, gây nên sự mất cân bằng cho cả hệ thống cung ứng hàng hóa vốn đã được tổ chức kém. Hàng trăm đơn vị chỉ sau một đêm đã trở thành nhà xuất khẩu không chỉ các sản phẩm do Liên Xô sản xuất, mà còn cả hàng hóa nhập khẩu được mua để phục vụ tiêu dùng trong nước.

Doanh thu từ các thủ đoạn kinh doanh thương mại như vậy là vô cùng lớn. Chính giá trợ cấp ở Liên Xô, vốn được tính dựa trên mức độ dễ mua của hàng hóa, thấp hơn nhiều so với giá thương mại ở các nước phương Tây. Các sản phẩm được vận chuyển bằng tàu hỏa ra nước ngoài đã gây nên tình trạng thiếu hụt hàng hóa chưa từng có ở Liên Xô. Những người dân bình thường thiếu thốn những thứ cơ bản, từ xúc xích, giấy vệ sinh đến bát đĩa và giày dép. Mùa hè năm 1989, xảy ra tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng các mặt hàng thiết yếu như đường, trà, thuốc men, chất tẩy rửa, rồi sau đó là cuộc khủng hoảng thuốc lá. Nguồn cung suy giảm dẫn đến những cuộc đình công tập thể của các thợ mỏ ở vùng Donbass, Kuzbass và lưu vực Karaganda. Tại các thành phố lớn như Leningrad, Sverdlovsk và Perm, những người hết hy vọng có được phiếu mua hàng đã bắt đầu tổ chức các cuộc biểu tình tự phát.

Ngay sau khi Liên Xô sụp đổ, vào hôm trước thềm năm mới 1992, một điều ngạc nhiên nữa chờ đợi dân chúng. Đó là toàn bộ kệ hàng tại các cửa hàng đều bỗng nhiên trống rỗng, hàng hóa được mua bởi những người nhanh chân hơn, hoặc quản lý cửa hàng giấu chúng đi để bán lại với giá bán lẻ cao hơn.

Điểm khác biệt công cuộc cải cách của Trung Quốc và Liên Xô
Điểm khác biệt công cuộc cải cách của Trung Quốc và Liên Xô
Điểm khác biệt công cuộc cải cách của Trung Quốc và Liên Xô
Điểm khác biệt công cuộc cải cách của Trung Quốc và Liên Xô
Điểm khác biệt công cuộc cải cách của Trung Quốc và Liên Xô
Tổng thống đầu tiên và duy nhất của Liên Xô Mikhail Gorbachev. Ảnh: Yury Lizunov/ТАСС

Thủ đoạn gian lận của cán bộ hợp tác xã

Để phát triển các thành phần của nền kinh tế, Chính phủ Liên Xô đã thông qua Luật lao động cá nhân (năm 1986) và Luật hợp tác xã (năm 1988) với nhiều bổ sung, nhằm hợp pháp hóa hoạt động kinh doanh cá thể. Tuy nhiên, lo sợ sự mở rộng không thể kiểm soát của khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, chính quyền đã áp đặt hạn chế về mặt hành chính và pháp lý đối với những cán bộ hợp tác xã.

Song song với sự phát triển kinh doanh tư nhân, tại Liên Xô đã bắt đầu một cuộc chiến chống thu nhập bất chính, tiếp đó là một cuộc tấn công lớn chống lại kinh tế phụ tư nhân. Những biện pháp này không chỉ làm tổn hại đến sự phát triển của các loại hình kinh tế mới, mà còn khiến chúng trở thành hoạt động tội phạm công khai.

Những doanh nhân mới xuất hiện không thể bị dừng hoạt động. Lợi dụng sự yếu kém của quy định pháp luật và sự thiếu hụt của thị trường, họ bắt đầu thổi giá hàng hóa. Hoạt động rửa tiền được họ thực hiện đối với những khoản thu nhập không qua tài khoản ngân hàng. Theo các chuyên gia, lượng tiền lưu thông hằng năm của nền kinh tế ngầm ở Liên Xô đạt 90 tỷ rúp.

Khủng hoảng lương thực

Trong những năm 1980, nhà nước Liên Xô đã đầu tư hơn 120 tỷ rúp vào ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, sự phụ thuộc vào nhập khẩu lại ngày càng tăng lên. Cuối giai đoạn chính sách cải tổ, trên các kệ hàng không có hàng nông sản trong nước đã trở thành hiện tượng quá đỗi bình thường.

Ước tính, nhu cầu hằng năm của người dân đối với hàng nông sản không được đáp ứng là khoảng 50 tỷ rúp. Trong trường hợp này, để tăng sản lượng lương thực thì chất lượng của chúng lại bắt đầu đồng loạt giảm xuống. Chẳng hạn, bơ bánh mì sandwich bắt đầu được sản xuất với hàm lượng ẩm cao, giò nạc chứa 30% đậu nành, trong khi cà phê tự nhiên được thay thế bằng đồ uống ersatz chế biến từ bột củ diếp xoăn, đại mạch hoặc lúa mì đen.

Nhưng kết quả đáng buồn nhất của những cải cách thất bại trong nông nghiệp là làn sóng ồ ạt rời bỏ nông thôn của người dân. Những kiến nghị phát triển nghề nông liên tục vấp phải sự phản đối của lãnh đạo Đảng Cộng sản Liên Xô khi đó. Tình hình càng trở nên khó khăn vào đầu những năm 1990, khi cuộc khủng hoảng lúa mì nổ ra, đặc biệt là trong điều kiện khi vào năm 1990, nước này có được vụ thu hoạch đạt kỷ lục với 300 triệu tấn ngũ cốc.

Nhu cầu không được đáp ứng

Vấn đề cung ứng hàng tiêu dùng cho thị trường trở nên đặc biệt trầm trọng trong bối cảnh lượng tiền trong dân chúng tăng lên. Theo số liệu thống kê, thu nhập của gia đình công nhân viên chức từ năm 1983 đến năm 1989 tăng 8%, còn năm 1990 tăng 10% so với năm trước đó. Nếu mức lương bình quân hằng tháng của công nhân viên chức năm 1989 là 240 rúp, thì đến năm 1990 lên tới 270 rúp. Trong khu vực hợp tác xã, thu nhập bình quân hằng tháng thậm chí còn cao hơn, đạt 450 rúp. Cuối thập niên 1980, tốc độ tăng lương bình quân cao gấp ba lần mức tăng thu nhập quốc dân.

Hiện tượng thái quá này dẫn đến thực tế là vào đầu những năm 1990, nhu cầu hàng hóa và dịch vụ của người dân trên thị trường tiêu dùng không được đáp ứng lên tới 165 tỷ rúp. Ngay cả các hợp tác xã cũng không thể khắc phục được tình trạng mất cân đối giữa lượng tiền mặt và nguồn cung thị trường. Lượng hàng hóa và dịch vụ do tư nhân bán ra vào năm 1990 có giá trị 70 tỷ rúp rõ ràng là không đủ để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Kết quả là, sức mua của đồng rúp giảm, mức lạm phát năm 1989 tăng lên 7,5% và năm 1990 lên 19%. Trong nước nở rộ thị trường chợ đen, nơi giá cả được niêm yết công khai tăng cao đối với những mặt hàng khan hiếm. Lạm phát đã làm mất giá mạnh tiền gửi của dân chúng và dẫn đến mức sống giảm sút nghiêm trọng. Theo số liệu của nhà báo, nhà kinh tế người Mỹ Jude Vanniski, bằng cách phá giá đồng rúp, chính phủ Liên Xô trên thực tế đã thanh toán các khoản tiết kiệm cá nhân của người dân với tổng trị giá 600 tỷ rúp.

Lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ ở Liên Xô xuất hiện nạn thất nghiệp. Đặc biệt bị ảnh hưởng là đội ngũ công nhân viên khu liên hợp công nghiệp-quân sự, nơi có tới hàng triệu người lao động. Đây cũng là thời điểm bắt đầu suy giảm năng lực quốc phòng của đất nước.

Chiến dịch cấm rượu

Với mong muốn tăng cường kỷ luật lao động và kích hoạt yếu tố con người, Mikhail Gorbachev bắt đầu chiến dịch cấm rượu. Nhưng chiến dịch nổi tiếng này, được khởi động vào năm 1985, đã dẫn đến những hệ quả nhất định. Nhiều khu vực của Liên Xô ban hành lệnh cấm hoàn toàn việc bán rượu, còn tại Armenia và Crimea thì diễn ra việc chặt phá hàng loạt những vườn nho. Do thiếu rượu tại nhà máy sản xuất, nên tình trạng nấu rượu lậu tại nhà và chế các chất thay thế khác tăng lên. Thực tế cho thấy, các biện pháp được thực hiện là không phù hợp về mặt kinh tế. Theo đó, vì chiến dịch cấm rượu mà ngân sách nhà nước trong giai đoạn 1985-1987 đã bị thất thu đáng kể, với khoản tiền là 70 triệu rúp. Cựu Thủ tướng Liên Xô Nikolai Ryzhkov nhận định, cuộc chiến chống nạn uống rượu đã gây thiệt hại cho nền kinh tế Liên Xô khoản tiền 100 tỷ USD, tương đương hơn 500 tỷ USD theo thời giá hiện nay.

Nền kinh tế sụp đổ

Các nhà kinh tế Liên Xô đã nỗ lực ngăn chặn nguy cơ sụp đổ kinh tế bằng liệu pháp sốc. Tuy nhiên, sự sụt giảm của giá dầu thế giới, việc giải thể khối SEV (Hội đồng tương trợ kinh tế) và sự cắt đứt các mối quan hệ kinh tế trước đây đã phá hỏng tất cả những chủ trương của chính phủ. Ngay từ năm 1986, giới lãnh đạo Liên Xô đã phải nhờ đến các khoản vay của phương Tây. Tuy nhiên, những khoản tiền này được chi không phải để giải quyết các vấn đề cơ cấu, mà để bù đắp thâm hụt ngân sách ngày càng tăng. Vì vậy cũng không có tác dụng gì. Năm 1991, thâm hụt ngân sách nhà nước đã vượt quá 20% GDP của Liên Xô.

Theo đánh giá của phương Tây, chỉ riêng khoản nợ ròng của Liên Xô trong giai đoạn 1985-1991 đã tăng từ 18,3 tỷ lên 56,5 tỷ rúp. Từ cuối năm 1989, bắt đầu xuất hiện sự chậm trễ trong một số khoản thanh toán, và đến cuối năm 1991 thì khoản nợ đã tăng lên 6 tỷ USD. Đất nước Liên Xô lúc này đã thực sự phá sản. Trong năm 1991, đồng nội tệ giảm mạnh từ 10 rúp xuống còn 120 rúp quy đổi 1 USD. Dự trữ vàng và ngoại hối của nước này sụt giảm nhanh chóng. Thêm vào đó là tình trạng lạm phát vào cuối năm 1991 lên đến mức 25% mỗi tuần. Trong giai đoạn này, dòng vốn chảy sang phương Tây tăng lên gấp nhiều lần.

Nhà kinh tế học Oleg Platonov đã tính toán thiệt hại mà chính sách cải tổ gây ra cho Liên Xô. Theo đó, tính toán của ông bao gồm những số liệu như: Việc sử dụng đồng USD trong nước, sự giảm giá của các sản phẩm bán ra nước ngoài, hậu quả của việc chảy máu chất xám ra ngoại quốc, xuất khẩu bất hợp pháp tiền vốn và đánh cắp công nghệ, tư nhân hóa các doanh nghiệp Nga. Theo chuyên gia này, tổng số tiền thiệt hại là hơn 800 tỷ USD.

QUỐC KHÁNH (theo russian7.ru)