Đề cương cách mạng miền nam của ai

Những điểm đột phá trong "Đề cương cách mạng miền Nam" và bài học rút ra

[QT] - Nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn 7/4 [1907- 2017], ngày 3/4/2017, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Đồng chí Lê DuẩnNhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng, người con ưu tú của quê hương Quảng Trị”. PGS,TS Trần Thị Minh Tuyết, công tác tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã trình bày tham luận: “Những điểm đột phá trong “Đề cương cách mạng miền Nam” và bài học rút ra”.

Ngày đăng : 07/04/2017 Xem với cỡ chữ

Bản in

Mở đầu tham luận, PGS,TS Trần Thị Minh Tuyết nhấn mạnh:Với gần 60 năm hoạt động cách mạng, trong đó có 26 năm giữ vị trí người đứng đầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Lê Duẩn đã để lại những dấu ấn đậm nét trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Đặc biệt, đồng chí được mệnh danh là “Tổng công trình sư” của sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và bản “Đề cương cách mạng miền Nam” do đồng chí soạn thảo chính là phác thảo ban đầu. Với những quan điểm mang tính đột phá, bản đề cương đã góp phần tìm ra lối thoát cho cách mạng Việt Nam và tỏ ra tầm nhìn vượt trội, tư duy sáng tạo, tinh thần cách mạng tiến công, cũng như sự gắn bó máu thịt với nhân dân của nhà cách mạng kiệt xuất Lê Duẩn.

Sau khi phân tích những quan điểm đột phá của đồng chí Lê Duẩn trong “Đề cương cách mạng miền Nam”, PGS,TS Trần Thị Minh Tuyết rút ra những bài học về sự lựa chọn cán bộ cấp chiến lược vào thời kỳ đó. GS,TS Trần Thị Minh Tuyết nhấn mạnh: Chúng ta đề cao vai trò của đồng chí Lê Duẩn trong chiến tranh giải phóng bao nhiêu thì chúng ta càng tôn vinh tài năng “dùng người” của Chủ tịch Hồ Chí Minh bấy nhiêu. Trong số những học trò, những cộng sự xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh như các đồng chí: Phạm Văn Đồng, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp…, đồng chí Lê Duẩn là người gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh muộn nhất [sau cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên năm 1946] và là người ở bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh ít nhất.

Nhưng với tầm nhìn thiên tài, trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao cho đồng chí Lê Duẩn trọng trách Bí thư Trung ương Cục miền Nam. Một câu hỏi từng được nhiều người đặt ra: Vì sao năm 1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại kiên quyết điều động đồng chí Lê Duẩn ra Bắc và giao cương vị đứng đầu Bộ Chính trị? Ngoài việc đồng chí Lê Duẩn là người nổi tiếng có tư duy sáng tạo, có sự am hiểu sâu sắc tình hình cách mạng miềm Nam…, phải chăng niềm tin yêu của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho đồng chí Lê Duẩn còn được củng cố một cách vững chắc khi chứng kiến đồng chí tha thiết xin Trung ương được bí mật ở lại “chung lưng, đấu cật” với nhân dân miền Nam? Phải chăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn thấy ở đồng chí Lê Duẩn sự hội tụ của một trí tuệ lớn, lòng yêu nước, thương dân, sự trải nghiệm thực tiễn cách mạng và tinh thần dám nghĩ, dám làm? Với việc lựa chọn đồng chí Lê Duẩn để giao những trọng trách lớn đã khẳng định tầm nhìn của một lãnh tụ thiên tài. Bài học rút ra ở đây là, một nhà lãnh đạo xuất chúng không chỉ hoàn thành tốt sứ mệnh lịch sử của mình mà còn có trách nhiệm tìm cho được người kế cận xứng đáng.

Đối với bài học về cách thức xây dựng đường lối, PGS,TS Trần Thị Minh Tuyết nhấn mạnh: Xây dựng đường lối chính trị đúng đắn là nhiệm vụ trọng yếu của Đảng. Con đường đi đến chân lý rất phức tạp nhưng cũng rất giản dị bởi như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhận định: “Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân. Cái gì trái với lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân tức là không phải chân lý. Ra sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân- tức là phục tùng chân lý”. Vì thế, muốn có đường lối đúng, Đảng phải dựa vào dân, phải thể theo nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Tất nhiên, Đảng cũng phải tính đến những yếu tố quốc tế, nhưng “đường lối, phương pháp nhất thiết phải đi đúng nguyện vọng của nhân dân thì cách mạng mới phát triển và đi đến thành công”.

Trên thực tế, bản Đề cương là sự kết tinh ý chí và quyết tâm của nhân dân nên khi đi vào cuộc sống, đã tạo nên bước nhảy vọt của cách mạng miền Nam. Quan tâm dân sinh, thể theo dân ý, làm theo dân tình là nguyên tắc hàng đầu mà người hoạch định đường lối, chính sách phải tuân thủ. Để có được đường lối đúng đắn, nhà chiến lược còn phải có tư duy độc lập tự chủ. Do “chân lý là cụ thể, cách mạng là sáng tạo”, họ phải đứng vững trên thực tiễn của đất nước mình, của thời đại mình mà hoạch định đường lối. Đối với bài học về tăng cường tính sáng tạo của các tổ chức đảng cơ sở, PGS,TS Trần Thị Minh Tuyết phân tích: Trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cách mạng miền Nam bị tổn thất nặng nề một phần là do “Trung ương Đảng có sai lầm về chỉ đạo là chưa kịp thời chuyển hướng đấu tranh, chưa tìm ra phương pháp đấu tranh ở miền Nam phù hợp với hoàn cảnh trong nước và bối cảnh quốc tế lúc đó”. Trong lúc đó, Xứ ủy Nam Bộ cũng cứng nhắc trong việc phục tùng chỉ đạo của Trung ương và chưa chú trọng đầy đủ đến đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn.

Đầu năm 1959, khi tiễn hai đại diện của Xứ ủy Nam Bộ là các ông: Phan Văn Đáng và Phạm Văn Xô “tay không” trở về miền Nam vì Hội nghị Trung ương lần thứ 15 đợt 1 chưa thông qua được nghị quyết, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Các chú về báo cáo với Xứ ủy: Nhất định không để cho địch tiêu diệt lực lượng cách mạng miền Nam. Một cấp ủy vừa phải có trách nhiệm với cấp trên; vừa phải có trách nhiệm với bên dưới mới đúng”. Khắc ghi lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tính sáng tạo, chủ động của tổ chức và cán bộ cơ sở, Xứ ủy Nam Bộ đã rút ra kinh nghiệm và sau đó đã hoạt động theo nguyên tắc: Một mặt kiên trì kiến nghị với Trung ương cho phép đấu tranh vũ trang, mặt khác luôn bám sát cơ sở để chỉ đạo phong trào quần chúng theo đúng yêu cầu khách quan khi đó. Bằng cách này, Xứ ủy vừa giúp Trung ương xây dựng được đường lối chiến lược đúng đắn, vừa đưa phong trào cách mạng tại chỗ đi lên.

Bài học về sự tăng cường tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của các tổ chức cơ sở đảng vẫn có giá trị lớn trong công tác xây dựng Đảng hiện nay. Là “Tổng công trình sư” của sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, trước những tình huống ngặt nghèo, khó khăn và bước ngoặt lịch sử, đồng chí Lê Duẩn luôn tìm ra những giải pháp mang tính đột phá để đưa cách mạng miền Nam từng bước tiến lên, giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, kết thúc trọn vẹn công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc bằng đại thắng mùa xuân năm 1975, thu giang sơn về một mối. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, nhưng “Đề cương cách mạng miền Nam” do đồng chí Lê Duẩn khởi thảo mãi mãi là dấu ấn không thể phai mờ về một thời hào hùng đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, là minh chứng hùng hồn cho lòng yêu nước, thương dân và tầm cao trí tuệ của đồng chí Lê Duẩn- người cộng sản chân chính.

Nguyễn Vinh [lược ghi]

Võ Sóng Hồng

Lần xem: 2422

Go top

Bài viết khác

Video liên quan

Chủ Đề