Đánh giá tác động môi trường pgs.ts vương văn quỳnh năm 2024

Tuy nhiên, mục tiêu kinh tế đang vấp phải những phản ứng từ chính người dân địa phương, vì những nỗi lo về hệ lụy ô nhiễm môi trường từ dự án công nghiệp nặng này có thể gây ra, và cả vấn đề sinh kế, nếp sống, văn hóa... Hiện nay, dự án mới chỉ được chấp thuận chủ trương đầu tư, còn nhiều giai đoạn kiểm tra, khảo sát, trình đề án lên Chính phủ, các bộ ban ngành Trung ương thẩm định phê duyệt.

Thời gian qua, lãnh đạo tỉnh Bình Định cũng thể hiện sự cầu thị khi không chỉ trực tiếp tổ chức cuộc họp nhằm thông tin chủ trương về dự án với người dân mà còn trả lời nhiều cuộc phỏng vấn trên báo chí liên quan đến dự án này. "Dự án vẫn có thể hoàn toàn bị hủy giống như dự án Tổ hợp lọc hóa dầu Nhơn Hội trước đây [của Tập đoàn PTT, Thái Lan], nếu như không đáp ứng được yêu cầu theo quy định của pháp luật”, ông Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, khẳng định khi trả lời trên báo và cho biết tỉnh sẽ tiếp tục lắng nghe tâm tư nguyện vọng của bà con nhân dân[1].

Trên tinh thần đó, Người Đô Thị giới thiệu thêm góc nhìn từ giới chuyên gia hữu quan về dự án này, vấn đề mà như chính Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định từng chia sẻ, đó là: "Về ô nhiễm môi trường thì làm bất cứ một cái gì cũng đều ảnh hưởng tới môi trường, chỉ là mức độ như thế nào thôi. Bài toán môi trường đối với dự án thép là bài toán quan trọng nhất."[2].

Lễ Nghinh Ông trong Lễ hội Cầu Ngư vào ngày 29.6.2023. Đây là một lễ hội truyền thống lâu đời của người dân Lộ Diêu với nhiều hoạt động, kéo dài từ ngày 12.5 – 16.5 âm lịch hàng năm. Ảnh: CTV

* * *

Câu chuyện toàn bộ hơn 560 hộ dân, tức hơn 3.000 người dân Lộ Diêu sẽ phải mất nơi chôn nhau cắt rốn của mình để nhường chỗ cho dự án gang thép Long Sơn đang gây nhiều dư luận trái chiều.

Dự án Khu liên hợp nhà máy gang thép [công suất 5,4 triệu tấn/năm] và cảng biển nước sâu [công suất 30 - 35 triệu tấn/năm, với cỡ tàu lên đến 250.000 tấn - giai đoạn 1] dự kiến được xây dựng thôn Lộ Diêu. Dự án có tổng vốn đầu tư ban đầu là 60.300 tỉ đồng, tương đương gần 2,6 tỉ USD; chiếm gần 1.000 hectares gồm diện tích đất liền và mặt biển.

Để thực hiện dự án gang thép Long Sơn, vào tháng 3.2023, Hội đồng Nhân dân tỉnh Bình Định đã ra Nghị quyết số 16/NQ-HĐND thống nhất chủ trương chuyển 266,67ha đất rừng ra ngoài Quy hoạch 3 loại rừng, trong đó rừng phòng hộ chiếm 2,48 hectares, còn lại là rừng sản xuất [với hiện trạng rừng trồng là 260,95ha, đất chưa có rừng là 5,72ha]. Các dữ liệu và phân tích cho thấy, việc quyết định xây dựng dự án công nghiệp quy mô lớn này còn rất nhiều vấn đề cần đánh giá lại.

Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Đình Định [đứng], phát biểu tại buổi họp dân sáng ngày 30.5.2023. Ảnh: Lê Quỳnh

Dân lo ngại và chưa đồng thuận về dự án

Trong những ngày cuối tháng 5, đầu tháng 6.2023, có mặt ở Lộ Diêu, đi đâu chúng tôi cũng nghe người dân nói với nhau về dự án thép. Lộ Diêu đang vào mùa đàn ông đi biển xa bờ, ra tận Hoàng Sa, Trường Sa. Trong thôn chỉ còn lại đa số ngư dân đã qua tuổi giong buồm từ mũi Cà Mau đến Móng Cái nhưng vẫn dựa biển, mưu sinh bằng nghề biển gần bờ, đi về trong ngày. Phụ nữ, thanh niên cũng kiếm sống bằng nghề đi biển gần bờ, trồng rừng hoặc làm ruộng.

Buổi họp thông tin về dự án gang thép Long Sơn của chính quyền tỉnh Bình Định, chủ đầu tư dự án với người dân Lộ Diêu diễn ra vào sáng ngày 30.5.2023. Nhiều thông tin được chia sẻ, nhiều cam kết từ lãnh đạo tỉnh cũng được nói ra. Tuy nhiên, nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại và chưa đồng thuận về dự án. “Tại sao lại kết thúc buổi họp sớm hơn thời gian đã nói [sớm hơn khoảng 45 phút - PV]. Chúng tôi có nhu cầu cần được nói tiếp”, bà Trần Thị Mỹ Phụng, một người dân Lộ Diêu, nói.

Trẻ vui chơi ở biển Lộ Diêu sáng sớm. Ảnh: Lê Quỳnh

Bà Trần Thị Lan, người dân Lộ Diêu. Ảnh: Lê Quỳnh

Một cảnh sinh hoạt yên bình hàng ngày ở Lộ Diêu. Ảnh: Lê Quỳnh

Trả lời phỏng vấn nhanh của người viết sau buổi họp dân, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - ông Phạm Anh Tuấn, cho biết nếu cuối cùng dân vẫn không đồng thuận thì “phải tìm mọi cách cho những người dân không đồng thuận hiểu để họ ủng hộ dự án”.

Chính quyền tỉnh Bình Định và chủ đầu tư dự án cam kết sẽ có nhiều chính sách bồi thường hỗ trợ, tái định cư cho người dân với lời hứa người dân sẽ “có được cuộc sống tốt hơn nơi ở cũ, tạo sinh kế ổn định, lâu dài hơn”. Nhưng rất đông người dân vẫn bày tỏ sự chưa đồng thuận. Có người nói: “Chúng tôi sống ở đây mà chết cũng ở đây”.

Theo những người dân Lộ Diêu khi được phỏng vấn đã chia sẻ thì họ lo sợ dự án sẽ tác động tiêu cực đến môi trường, ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy hải sản, tác động đến trữ lượng nước ngầm, các hộ sẽ mất kế sinh nhai, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các hộ dân.

Một góc trong khu dân cư Lộ Diêu ngày nay, nhà cửa khang trang, không gian yên bình, khí hậu trong lành. Ảnh: Lê Quỳnh

Buổi sáng trên biển Lộ Diêu, ghe thuyền đi biển gần bờ đem cá mực vào. Ảnh: Lê Quỳnh

Đơn kiến nghị của người dân Lộ Diêu do một số đại diện đứng tên đã được gửi lên Trung ương. Tuy nhiên, Ban Tiếp công dân Trung ương hướng dẫn người dân Lộ Diêu gửi đơn về lại Bình Định. Đơn kiến nghị lại tiếp tục được gửi đi. “Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và UBND thị xã Hoài Nhơn nghiên cứu, đề xuất, báo cáo cho UBND tỉnh”, văn bản từ Ban Tiếp công dân tỉnh Bình Định trả lời vào cuối tháng 6.2023.

Tới nay, người dân Lộ Diêu tiếp tục chờ...

Thu nhập bình quân cao

Lộ Diêu nằm ở thung lũng và kẹp giữa hai bên là hai đèo, lưng dựa núi rừng, trước mặt là biển cả. Đẹp hoang sơ, trong lành và hiền hòa. Một cộng đồng dân cư ven biển lâu đời với lịch sử hơn 500 năm.

Trong những năm chiến tranh khốc liệt của đất nước, Lộ Diêu còn được biết là một vùng đất cách mạng, dân bám đất nuôi bộ đội, chuyển vũ khí, từng là nơi tàu không số cập bến. “Lộ Diêu đi dễ khó về”. Câu nói về vùng đất này cho đến nay vẫn còn nằm lòng trong ký ức nhiều người dân Bình Định.

Trong câu chuyện của những cựu chiến binh ở Lộ Diêu với chúng tôi, những hi sinh, nỗi mất mát thể hiện rõ qua những con số: sau năm 1975, Lộ Diêu chỉ còn khoảng 150 hộ dân cùng 141 liệt sĩ. Nhà nhiều liệt sĩ nhất là 4, 5 người, bình thường cũng 2, 3 người...

“Lộ Diêu có vị trí chiến lược quân sự rất quan trọng”, ông Hồ Thành Nam, một cựu chiến binh Lộ Diêu, trầm ngâm nói.

Các cán bộ tỉnh Bình Định thắp hương tại Di tích Bến tàu không số Lộ Diêu trước khi vào buổi họp dân ngày 30.5.2023. Ảnh: Lê Quỳnh

Một vuông nuôi tôm của người dân Lộ Diêu. Ảnh: Lê Quỳnh

Chiến tranh chấm dứt. Người dân cất lại nhà cửa. Điện về. Đường đèo thông tuyến kết nối giao thương với bên ngoài. Cuộc sống người dân Lộ Diêu dần ổn định, và phát triển nhanh vào khoảng chục năm nay.

Bà Trần Thị Mỹ Phụng nói rằng: “Người dân đã chịu cực khổ từ thời chiến tranh chống Pháp, Mỹ. Nay đường sá, kinh tế, đời sống người dân ở đây đã phát triển. Chúng tôi đang sống bình yên, muốn làm ruộng, lên núi, ra biển thì đều có, và đều có cái ăn. Đưa dự án về đây gây nhiều xáo trộn bất hợp lý và nguy cơ là không hợp lý”.

Để chuẩn bị cho dự án gang thép Long Sơn và cảng biển nước sâu, theo phương án của chính quyền Bình Định, toàn bộ hơn 3.000 người dân Lộ Diêu sẽ được tái định cư tại ngay một phần đất ở thôn Lộ Diêu là khu vực Bang Bang, cách khu dân cư hiện tại khoảng 1 km. Tuy nhiên theo người dân, nơi này không phù hợp vì có nhiều sóng lớn và hố sâu gần bờ, lại quá gần dự án gang thép.

Khu vực Bang Bang ở Lộ Diêu, diện tích thực hiện tại khoảng 30 ha. Chính quyền tỉnh Bình Định dự kiến sẽ biến nơi đây là một khu tái định cư rộng gần 60 ha. Khu Bang Bang nằm bên kia mũi gành, cách khu dân cư Lộ Diêu gần 1 km. Ảnh: Lê Quỳnh

Khu dân cư Lộ Diêu nhìn từ trên cao. Khu vực Bang Bang nằm bên kia mũi gành, cách khu dân cư hiện tại của Lộ Diêu khoảng 1 km. Theo người dân, Bang Bang là khu vực thường có nhiều sóng lớn, hố sâu gần bờ, người dân không sinh sống, ko tắm biển ở khu vực Bang Bang. Ảnh: Xuân Thọ

Một vấn đề khác, người dân được tái định canh, phải trồng trọt ở bốn khu vực khác nhau tại các thôn hoặc xã khác là quá xa với khu tái định cư, với khoảng cách từ 5 - 8 km.

“Cảng nước sâu và tàu thuyền ra vô sẽ gây ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản gần bờ. Người dân sẽ không thể đánh bắt khu vực này được nữa”, ông Nguyễn Phi Hổ, người dân xóm 4, nói.

Bà Trần Thị Lan, một người dân khác, cho biết cuộc sống gia đình bà đã ổn định, mỗi ngày đi biển gần bờ một buổi, nhiều thì được 1-1,5 triệu đồng, ít thì cũng 400-500 ngàn đồng. Mùa hè là mùa mực, mùa đông đi đánh lưới sâu. Sóng gió thì ở nhà, êm thì ra biển. Người dân tự quản với nhau đánh bắt sao cho bền vững.

Toàn cảnh Lộ Diêu nhìn từ trên cao. Ảnh: Xuân Thọ

Lộ diêu có biển, rừng, ruộng. “Vùng này có đệm sinh học, núi bao quanh, không có thuốc sâu bay vào nên làm dược liệu và nông nghiệp rất tốt. Dân ở đây không dùng thuốc trừ sâu. Chúng tôi đang kết nối với nhiều bên để có thể làm mô hình du lịch công nghệ và trải nghiệm, từ tài nguyên sẵn có và từ trồng thêm các loài dược liệu bản địa”, ông N.V.H, một người dân Lộ Diêu [đề nghị ghi tên tắt - NV], chia sẻ.

Theo ông Huỳnh Xuân Khương, Phó Trưởng thôn Lộ Diêu thì thôn này hiện có 180 chiếc tàu cá, trong đó có 68 chiếc đánh bắt xa bờ ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa, 1.300ha rừng các loại, 82ha trồng cây lương thực hoa màu... Thu nhập bình quân người dân Lộ Diêu năm từ năm 2018 - 2022 ước tính khoảng 48 - 53 triệu đồng/người/năm, tức khoảng 4-4,3 triệu đồng/người/tháng.

So sánh với số liệu từ Tổng cục Thống kê Việt Nam cho thấy, giai đoạn 2018 - 2022 thu nhập bình quân trên đầu người ở Lộ Diêu cao hơn thu nhập bình quân trên đầu người vùng nông thôn Việt Nam cùng giai đoạn.

So sánh riêng với Bình Định, dữ liệu giai đoạn 2018 - 2022, cũng cho thấy thu nhập bình quân đầu người Lộ Diêu cao hơn thu nhập bình quân trên đầu người toàn tỉnh Bình Định. Thu nhập bình quân đầu người Lộ Diêu cũng cao hơn thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn Bình Định.

“Lộ Diêu đang trên đà phát triển trở lại sau đại dịch Covid-19. Từ đầu năm đến nay, nghề biển thu nhập khá cao, khách đến tham quan du lịch đông hơn so với những năm trước”, ông Huỳnh Xuân Khương cho biết.

Liệu có "công nghệ không xả thải ra môi trường"?

Chính quyền tỉnh Bình Định lựa chọn xây dựng dự án liên hợp gang thép Long Sơn và cảng biển tại Lộ Diêu vì kỳ vọng dự án sẽ “thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển đáng kể”. Tuy nhiên, cần lưu ý sản xuất gang, thép, luyện kim vẫn nằm trong danh sách những ngành nguy cơ gây ô nhiễm nhất ở Việt Nam[3].

Dự án gang thép Long Sơn được chia làm ba giai đoạn đầu tư, công suất 5,4 triệu tấn mỗi năm bao gồm các sản phẩm thép chế tạo chất lượng, thép xây dựng, thép cuộn. Giai đoạn 1 của nhà máy dự kiến hoàn thành cuối năm 2024.

“Bình Định muốn phát triển cần có các dự án lớn, đầu tàu, dẫn dắt, tạo cú hích. Tỉnh sẽ không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế”, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nhắc lại nhiều lần tại buổi họp dân tại Lộ Diêu cuối tháng 5 vừa qua.

Dự án đang trong quá trình làm các thủ tục gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương đầu tư. Theo đó, dự án đã thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường sơ bộ. Ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư tỉnh Bình Định, khẳng định việc nhà đầu tư áp dụng “công nghệ dập cốc khô, sử dụng lò áp suất âm để hạn chế tối đa phát tán bụi và khí thải ra ngoài” cho dự án sẽ “hoàn toàn khép kín, không xả thải ra môi trường”.

"Nếu sau này làm nhà máy thép có mét khối nước thải nào đổ ra biển thì tôi sẽ chịu trách nhiệm", Bí thư tỉnh Bình Định khẳng định.

Trả lời báo chí sau đó, ông Dũng tiếp tục trấn an: “Dự án sẽ sử dụng công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới và quy trình khép kín nên hạn chế tối đa ảnh hưởng đến môi trường. Đặc biệt, nhà máy sẽ không xả giọt nước thải nào ra bên ngoài nên người dân không nên lo lắng về việc gây ô nhiễm cho vùng biển.”[4]

Chúng tôi đem vấn đề kỹ thuật tiên tiến nhất trên thế giới này trao đổi với GS. Trần Tam, Đại Học New South Wales [Úc][5]. Chia sẻ với Người Đô Thị, vị chuyên gia có gần 40 năm làm việc trong ngành chế biến và xử lý tài nguyên khoáng sản và từ chất thải công nghiệp này, cho biết: khi đã dùng cốc [dập ướt hay khô] để làm sắt thép thì chắc chắn có gây ảnh hưởng đến môi trường. Dập cốc khô đã có từ lâu và hiện đang được nhiều nhà máy thép sử dụng.

Ngoài vấn đề bụi thải, GS. Trần Tam lưu ý khí trong công đoạn dập cốc [ướt hay khô] đều chứa volatile organic compounds [VOC] gồm các chất độc hại như benzene, PAH [poly aromatic hydrocarbons] cần phải được xử lý[6].

Ngoài ra theo GS. Tam, thông thường nhà máy gang thép phải thải 5-10% nước dùng đã được làm sạch vào môi trường [ngay cả công nghệ cao cấp của Đức cũng phải thải 2% nước sông dùng trong nhà máy đã được làm sạch]. Nước biển hoặc sông thường được dùng trong nhiều khâu chế biến sản phẩm thép nhiều loại khác nhau. Ví dụ, nước với acid HCl được dùng để rửa thép và dung dịch [pickling liquor] FeCl2 chứa sắt phải được qua khâu xử lý chất thải để thu hồi FeCl2 và làm sạch nước. Các tạp chất kim loại phải được thu hồi.

Như vậy, với trung bình nhà máy thép dùng 28-30 m3 cho mỗi tấn thép qua nhiều công đoạn khác nhau, thì với công suất 5,4 triệu tấn thép/năm, Long Sơn sẽ phải thải mỗi năm khoảng 8 - 16 triệu m3 nước đã được làm sạch ra môi trường.

“Tôi không hiểu bằng cách nào nhà máy Long Sơn có quy trình khép kín hoàn toàn mà không phải thải nước ra biển. Như vậy, các chất bẩn hoặc kim loại độc hại như chromium, cadmium, sắt, v.v… từ quy trình sản xuất gang thép sẽ được thu hồi và xử lý như thế nào?”, GS. Trần Tam bình luận.

Theo GS. Trần Tam, thực tế hiện nay trên thế giới có nhiều quy trình sản xuất sắt thép mà không cần khâu luyện cốc [coke]. Chi phí đầu tư ban đầu cao hơn, nhưng chi phí xử lý chất thải thấp hơn nhiều vì ít tạo các chất thải độc hại. Ngay cả công nghệ mới nhất trên thế giới hiện nay là dùng hydrogen[7], hay tái chế biến recycled steel thì vẫn có tác động môi trường. Vấn đề là nước hoặc khí thải ra tác động nhiều hay ít, có ảnh hưởng đến an sinh và cộng đồng đang sinh sống ở vùng chung quanh nhà máy nhiều hay không là vấn đề chính.

Toàn cảnh khu vực biển Lộ Diêu - vị trí tham vấn cộng đồng làm tổ hợp gang thép Long Sơn. Ảnh: Dân Việt

Ở góc độ kinh tế môi trường, trao đổi với Người Đô Thị, PGS.TS Phạm Khánh Nam, Phó Hiệu trưởng trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước, Viện trưởng Viện Kinh tế môi trường Đông Nam Á [Trường Đại học Kinh tế TP.HCM], cho biết ở Việt Nam, những dự án như gang thép Long Sơn có yêu cầu đánh giá tác động môi trường, chủ yếu là nhận dạng và lượng hóa các tác động môi trường tiềm năng của dự án. Tuy nhiên trên thế giới, ngoài cần thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường, chính quyền thường sẽ quyết định dự án được thực hiện hay không dựa trên Phân tích lợi ích chi phí [CBA], là nhận dạng và lượng hóa thành tiền các lợi ích và chi phí của dự án.

Điểm mấu chốt của CBA là lượng hóa thành tiền các chi phí thiệt hại môi trường [thường bị bỏ qua trong quá trình ra quyết định] và các chi phí không nhìn thấy khác nhưng thực sự làm giảm phúc lợi chung [ví dụ dự án xóa mất đền thờ cá Ông là điểm neo của văn hóa địa phương...].

PGS-TS. Phạm Khánh Nam cho rằng, cần phải làm CBA để biết dự án về tổng thể làm tăng hay giảm phúc lợi xã hội từ những bằng chứng tính toán khoa học. “Tranh luận cảm tính các vấn đề thì phần thắng thường thuộc về ai có kỹ thuật thuyết phục hay có sức mạnh chính trị hơn”, ông Nam nói.

Lễ Nghinh Ông trong Lễ hội Cầu Ngư của người dân Lộ Diêu. Video: CTV

Chưa kể những giá trị lịch sử, văn hóa, an ninh, xã hội của một vùng đất có thể hoàn toàn bị biến mất, không dễ có hay dễ gầy dựng lại. Giữa bối cảnh vậy, những người dân Lộ Diêu khi được hỏi, đã cho biết họ cần được giữ một cuộc sống ổn định, an bình. Như lời Phó Trưởng thôn Lộ Diêu Huỳnh Xuân Khương chia sẻ: “Tại buổi họp dân, đa số người dân không đồng tình với chủ trương thực hiện dự án. Thôn Lộ Diêu đã hình thành từ lâu đời, người dân đã bám đất giữ làng từ lúc khó khăn cho đến bây giờ sung sướng. Bà con muốn giữ lại mảnh đất này cho con cháu về sau”.

Khu liên hợp gang thép Long Sơn từng được dự kiến xây nơi khác

Công ty cổ phần Gang thép Long Sơn Phù Mỹ là chủ đầu tư Dự án Khu liên hợp gang thép Long Sơn và Cảng nước sâu được dự kiến xây dựng tại Lộ Diêu. Công ty gang thép Long Sơn Phù Mỹ có cổ đông chính là Công ty TNHH Long Sơn, đang hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực sản xuất xi măng, khai thác và kinh doanh cảng biển quốc tế, kinh doanh và xuất nhập khẩu than, xi măng,... Theo thông tin từ Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Bình Định, năm 2022 công ty TNHH Long Sơn có tổng nguồn vốn là 14.933 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu là 3.484 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối 1.268 tỷ đồng.

Phối cảnh tổng thể khu liên hợp gang thép Lộ Diêu.

Tháng 11.2021, dự án Khu liên hợp gang thép Long Sơn từng được UBND tỉnh Bình Định chấp thuận chủ trương đầu tư theo Quyết định số 4568/QĐ-UBND tại xã Mỹ An và xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ; đi kèm dự án này là một cảng chuyên dùng. Tìm hiểu của chúng tôi, hai dự án này nếu được xây dựng tại Phù Mỹ thì có thể sẽ làm mất gần 500ha rừng phòng hộ ven biển. Dự án cũng nằm ở vị trí ba mặt là khu dân cư bao quanh, một mặt hướng ra biển.

Theo giải trình của chủ đầu tư là Công ty gang thép Long Sơn Phù Mỹ, lý do điều chỉnh dự án từ Phù Mỹ sang thôn Lộ Diêu vì địa hình, địa chất không phù hợp, khoảng cách lấy nước ngọt từ sông Lại Giang về cho dự án quá xa và phức tạp, dài 28 km.

Lộ Diêu có vị trí, địa hình phù hợp hơn; tuyến đường ống dẫn nước ngọt từ sông Lại Giang rút ngắn còn khoảng 13km; tận dụng được địa hình để xây dựng hai hồ chứa nước dự phòng có tổng sức chứa đến 3 triệu m3 đảm bảo an toàn nguồn cung cấp nước cho Khu liên hợp…

Khu vực biển tại xã An Mỹ [huyện Phù Mỹ], nơi dự án gang thép Long Sơn từng được dự kiến xây dựng tại đây. Ảnh: Lê Quỳnh

Tháng 11.2022, UBND tỉnh Bình Định đã chấp thuận chủ trương cho Công ty Cổ phần Gang thép Long Sơn Phù Mỹ đầu tư dự án Khu liên hợp Gang thép Long Sơn tại thôn Lộ Diêu, với tổng vốn đầu tư là 53.500 tỉ đồng.

Ngày 27.5.2023, UBND Bình Định đã có văn bản kiến nghị Bộ Kế hoạch Đầu tư tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư và nhà đầu tư Cảng chuyên dụng Khu liên hợp gang thép Long Sơn [giai đoạn 1], với tổng vốn khoảng 6.800 tỉ đồng.

Theo báo cáo Chiến lược phát triển ngành thép Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 của Bộ Công thương, năng lực cạnh tranh của ngành thép Việt Nam khá thấp khi phần lớn các nguyên liệu đầu vào như quặng sắt, thép phế liệu, than mỡ luyện cốc, điện cực graphite… để sản xuất thép phải nhập khẩu; giá thành phụ thuộc vào sự biến động của giá phôi thép thế giới.

Báo cáo nghiên cứu Phân tích khả năng thanh toán của các doanh nghiệp thép Việt Nam hiện nay do nhóm tác giả TS. Nguyễn Thị Minh Phương, Viện Kế toán Kiểm toán, ĐH Kinh tế Quốc Dân, thực hiện cho thấy, các doanh nghiệp sản xuất thép đang trong giai đoạn cạnh tranh khốc liệt, và đa phần chọn biện pháp cạnh tranh bằng giá cả. Tuy giải pháp này có thể rút ngắn thời gian luân chuyển vốn, giảm thời gian thu nợ và lưu kho song lại không mang lại hiệu quả tài chính.

Dữ liệu về ngành thép ở Việt Nam hiện nay cho thấy, nhiều năm nay ngành thép vẫn đang trong giai đoạn đi xuống, ngay cả quý 1 năm 2023 biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp ở mức nhỏ, thậm chí có doanh nghiệp ở mức âm.

Lê Quỳnh

____________________

[1] //kinhtedothi.vn/binh-dinh-khong-danh-doi-moi-truong-lay-phat-trien-kinh-te-thuan-tuy.html

[2] //vtc.vn/chu-tich-tinh-binh-dinh-gang-thep-long-son-se-khong-co-su-co-nhu-formosa-ar771240.html

[3] //vanban.chinhphu.vn/?pageid=27160&docid=205092.

[4] //nld.com.vn/thoi-su/bi-thu-tinh-uy-binh-dinh-noi-ve-sieu-du-an-gang-thep-26-ti-usd-20230604080332279.htm

[5] GS Trần Tam làm việc với BHP, một công ty thép lớn nhất nhì ở Úc trong 7 năm. Từ 1980, ông về làm nghiên cứu và giảng dạy tại Đại học New South Wales, Úc. Từ năm 2009 - 2019, ông là giáo sư về Tài Nguyên [Resources Engineering], làm trưởng Vật liệu tiên tiến [Advanced Energy Materials] tại Đại học Quốc gia Chonnam [CNU], Hàn Quốc, và là Đại diện cho công ty EcoMag Korea lo việc hợp tác nghiên cứu chế biến Li, Mg, và các sản phẩm năng lượng khác từ 2015 tại CNU. GS Trần Tam hiện là Giám đốc thành viên Hội Đồng Quản Trị kiêm Tổng giám đốc Công Nghệ [CTO] cho EcoMag từ năm 2018. Hiện tại GS Trần Tam vẫn làm nghiên cứu hướng dẫn tiến sĩ trong ngành chế biến magnesium tại ĐH New South Wales.

[6] Theo cơ quan nghiên cứu Quốc tế về Ung thư [IARC], benzene và một số loại PAHs có thể gây ung thư đối với con người và động vật.

[7] Theo GS. Trần Tam thì hiện nay thế giới đang khảo sát quy trình làm sắt thép dùng hydrogen [H2] để khử oxit sắt thay vì dùng cốc từ than đá sẽ giảm khí thải và CO2 ra môi trường. Nhưng hiện nay vì giá thành cao hơn rất nhiều nên chưa có nhà máy nào sản xuất sắt thép theo quy trình này. Vấn đề then chốt khác: sẽ không có đủ H2 cho quy trình trên nếu đồng loạt các công ty thép quay sang dùng H2 cho nhà máy của họ.

Chủ Đề