Đánh giá học viện biên phòng ở đâu

Biên phòng - Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của công tác giáo dục-đào tạo (GD-ĐT), thời gian qua, cấp ủy, chỉ huy các cấp, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, nhà trường trong Quân đội đã tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng GD-ĐT. Chương trình, nội dung đào tạo được điều chỉnh phù hợp, sát với yêu cầu thực tế; chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục được nâng lên. Các đơn vị, nhà trường trong Quân đội đã khắc phục khó khăn, vượt qua thử thách, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ năm học 2021-2022.

Đánh giá học viện biên phòng ở đâu
Phúc tra ngoại ngữ cho học viên tại Học viện Biên phòng nhằm đánh giá trình độ, năng lực ngoại ngữ của học viên cao học quân sự trước khi công nhận tốt nghiệp. Ảnh: Quang Sao

Theo báo cáo của Cục Nhà trường, Bộ Tổng tham mưu QĐND Việt Nam, năm học 2021-2022, các cơ quan, đơn vị, nhà trường trong Quân đội đã thực hiện phương châm “Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng chiến đấu của đơn vị”. Vì vậy, các chương trình đào tạo được xây dựng ngày càng “chuẩn hóa, hiện đại hóa”, phù hợp với Khung trình độ Quốc gia Việt Nam và các quy định của Bộ GD-ĐT, Bộ Quốc phòng. Các nhà trường đã tổ chức điều hành huấn luyện, đào tạo chặt chẽ, khoa học; kịp thời điều chỉnh lịch huấn luyện, hình thức, phương pháp dạy học, thực hiện mục tiêu “kép”, vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa hoàn thành nhiệm vụ năm học.

Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiếp tục được quan tâm và có giải pháp phát triển, nâng cao về chất lượng, số lượng. Các nhà trường đã cử 456 lượt cán bộ, giảng viên đi đào tạo, bồi dưỡng, cử 657 đồng chí đi thực tế. Hoạt động tập huấn, bồi dưỡng, hội thi giảng viên giỏi, cán bộ quản lý giỏi, thông qua bài giảng, giảng thử, giảng mẫu được các khoa, bộ môn của các nhà trường duy trì có nền nếp, hiệu quả ngày càng cao. So với năm học 2020-2021, chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội được tăng lên rõ rệt. Công tác phúc tra, kiểm tra được thực hiện chặt chẽ, hiệu quả.

Qua công tác kiểm tra, phúc tra, đã kịp thời rút kinh nghiệm để nâng cao chất lượng GD-ĐT; đánh giá đúng thực chất kết quả GD-ĐT để kịp thời đề xuất những biện pháp huấn luyện, rèn luyện học viên. Năm học vừa qua, các nhà trường trong Quân đội đã chủ động, rà soát, điều chỉnh, bổ sung xây dựng được 354 bộ đề thi, đáp án thi kết thúc môn học, 56 bộ đề thi, đáp án thi tốt nghiệp của các đối tượng phù hợp chương trình, đối tượng đào tạo.

Công tác nghiên cứu khoa học của các nhà trường trong Quân đội tiếp tục có chuyển biến tích cực. Đã có 2.191 đề tài, sáng kiến các cấp được đánh giá, nghiệm thu, trong đó, có 515 đề tài, sáng kiến của học viên. Có 1.441 đầu giáo trình, tài liệu với trên 11.000 cuốn được biên soạn, chỉnh sửa, in ấn, phục vụ tốt cho hoạt động dạy học và nghiên cứu các đối tượng (tăng 43 đầu giáo trình, tài liệu so với năm học 2020-2021).

Đặc biệt, các nhà trường đã triển khai thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực GD-ĐT bước đầu có hiệu quả. Việc xây dựng học liệu số, giảng bài điện tử, sử dụng mạng số liệu quân sự tổ chức các hội nghị, hội thảo, dạy học trực tuyến đạt kết quả khá. Các nhà trường đã hợp tác đào tạo gần 1.000 học viên quân sự Lào và Campuchia, được bạn đánh giá cao.

Hòa cùng hệ thống GD-ĐT trong toàn quân, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, năm học 2021-2022, các học viện, nhà trường trong BĐBP phải điều chỉnh lịch huấn luyện, do vậy, đã tác động không nhỏ đến quán trình thực hiện nhiệm vụ GD-ĐT và xây dựng nhà trường chính quy. Với quyết tâm chính trị cao, các học viện, nhà trường trong BĐBP đã tập trung nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung nội dung, chương trình đào tạo; tích cực khai thác, sử dụng các phương tiện kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin, mô phỏng, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học vào quá trình đổi mới phương pháp dạy và học, quản lý, rèn luyện học viên, góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng GD-ĐT.

Năm học 2021-2022, các học viện, nhà trường trong BĐBP đã hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học; thực hiện nghiêm quy chế đào tạo, quy định về quản lý, rèn luyện học viên; tổ chức điều hành huấn luyện các khóa, lớp đúng nội dung, chương trình, kế hoạch đề ra. Nghiên cứu, biên soạn hoàn thiện hệ thống giáo trình tài liệu; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; đầu tư quản lý, sử dụng ngân sách, xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị nhà trường đúng kế hoạch, đạt hiệu quả cao.

Đồng thời, công tác xây dựng nhà trường chính quy, vững mạnh toàn diện được duy trì có nền nếp; chất lượng GD-ĐT được nâng lên và hoàn thành ở mức khá. Kết quả, các học viện, nhà trường đã xây dựng mới 12 chương trình đào tạo; điều chỉnh, bổ sung 26 chương trình đào tạo; Học viện Biên phòng xây dựng chuẩn đầu ra 4 chương trình đào tạo cho đối tượng đào tạo đại học và đào tạo theo chức vụ.

Nhằm ngày càng nâng cao chất lượng công tác GD-ĐT, các học viện, nhà trường trong BĐBP đã xây dựng, quy hoạch đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có đủ phẩm chất đạo đức, năng lực, trình độ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Hiện, các học viện, nhà trường trong BĐBP có 704 giảng viên, giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Đồng thời, cử 47 đồng chí đi đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ sư phạm, nâng cao bậc học ở các trường trong và ngoài Quân đội.

Trong năm học 2021-2022, công tác tuyển sinh, chiêu sinh quân sự và hợp tác về GD-ĐT đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Công tác tuyển sinh năm 2022 của BĐBP được thực hiện nghiêm túc, đúng quy chế, khách quan, chính xác, an toàn. Kết quả, các học viện, trường trong BĐBP đã tuyển sinh, chiêu sinh được 1.265/1.286 chỉ tiêu, đạt 98,37%; tiếp nhận, đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho 5 khóa/109 học viên quân sự Lào, Campuchia.

Trong đó, Học viện Biên phòng liên kết với Học viện Kỹ thuật Quân sự, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội đào tạo ngoại ngữ, kỹ năng mềm và nghiên cứu khoa học. Trường Trung cấp Biên phòng 1 đã phối hợp với Cục Nhà trường tổ chức lớp tập huấn tiếng Lào cho 60 cán bộ, học viên và mở lớp tập huấn kiểm định viên chất lượng GD-ĐT cho 40 cán bộ các nhà trường trong Quân đội. Trường Trung cấp 24 Biên phòng đã tổ chức liên kết đào tạo huấn luyện viên và chó phát hiện ma túy cho 40 học viên của Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan.

Đánh giá về công tác GD-ĐT của các nhà trường trong BĐBP, Thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng BĐBP nhận xét: “Năm học vừa qua, các nhà trường trong BĐBP đã chấp hành nghiêm mệnh lệnh của cấp trên về công tác GD-ĐT, chất lượng cán bộ ra trường đáp ứng yêu cầu, nhiêm vụ của BĐBP trên các tuyến biên giới.

Tuy nhiên, công tác GD-ĐT của các trường trong BĐBP còn một số hạn chế, bất cập. Kiến thức, khả năng chỉ huy tham mưu của sĩ quan có mặt còn hạn chế. Các nội dung đào tạo về biển, đảo, nhất là thực hành hiện nay chủ yếu vẫn là lý thuyết, khả năng thực hành chưa cao. Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ thông tin (nhất là các trường trung cấp) vẫn còn hạn chế; trình độ ngoại ngữ của đội ngũ giảng viên còn yếu, nên khi có tiêu chí đi học nước ngoài theo chuyên môn, nhiều khi không đáp ứng được”…

Để năm học 2022-2023 đạt được nhiều thành tích, Thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến yêu cầu các nhà trường cần tiếp tục quán triệt, triển khai nghiêm túc, hiệu quả các chỉ thị, mệnh lệnh về công tác nhà trường của cấp trên, hoàn thành tốt nhiệm vụ GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia của BĐBP.

Cùng với đó, xây dựng đội ngũ nhà giáo có chất lượng; tăng cường giáo viên đi học, đi thực tế, kịp thời cập nhật tình hình trên các tuyến biên giới đưa vào giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Đồng thời, tích cực đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng huấn luyện thể lực, võ thuật, điều lệnh..., đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Hoàng Vân