Đánh giá Heuristic

Có khá nhiều phương pháp để đánh giá tính khả dụng thiết kế UI của sản phẩm nhưng một phương pháp thường được sử dụng rộng rãi đến mức thường bị nhầm tưởng là phương pháp duy nhất để đánh giá tính khả dụng thiết kế UI chính là user test. Tuy nhiên, trong tình huống khó tìm được người dùng nghiên cứu hoặc thiếu thời gian, nhiều chuyên gia lựa chọn áp dụng phương pháp heuristics để thực hiện đánh giá tính khả dụng của sản phẩm.

Đánh giá Heuristic là một quá trình mà các chuyên gia sử dụng các quy tắc chung để đo lường tính khả dụng của các thiết kế UI một cách hoàn toàn độc lập và báo cáo lại các vấn đề trong quá trình đánh giá của mình. Chuyên gia đánh giá sử dụng các tiêu chuẩn đánh giá do một số tổ chức có uy tín về lĩnh vực UX/UI đặt ra [ví dụ: Nielsen-Molichs,] sau đó cung cấp các insight ngược về cho team thiết kế để nâng cao tính khả dụng của sản phẩm ngay từ giai đoạn đầu phát triển.

Trong đánh giá Heuristics cũng có nhiều phương thức thực hiện khác nhau với các tiêu chuẩn đánh giá khác nhau tùy theo sự lựa chọn của doanh nghiệp, tổ chức.

Bài viết hôm nay sẽ tập trung giới thiệu 10 tiêu chuẩn đánh giá Heuristics theo Nielsen Norman Group như sau:

  1. Visibility of System Status
  2. Match between system and the Real World
  3. User Control and Freedom
  4. Consistency and Standards
  5. Error Prevention
  6. Recognition Rather than Recall
  7. Flexibility and Efficiency of Use
  8. Aesthetic and Minimalist Design
  9. Recognize, Diagnose and Recover from Errors
  10. Help and Documentation

1. Visibility of System Status: Thiết kế phải đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin về hệ thống để khách hàng dễ dàng quan sát.

Apple hiển thị thời gian cập nhật còn lại của OS theo đơn vị phút. Tuy nhiên có thể cải thiện thêm về mặt phần nhìn nếu hiển thị thời gian đến đơn vị giây để thông tin chi tiết hơn.

Hệ thống phải liên tục cung cấp thông tin về những việc đang được tiến hành thông qua phản hồi đến người dùng trong một thời gian nhất định. Trường hợp cập nhật hệ điều hành hoặc ứng dụng, hệ thống phải thông báo cho người dùng về việc sẽ có bao nhiêu bước được tiến hành, đã hoàn thành những bước nào, còn bao nhiêu lâu để có thể kết thúc toàn bộ các bước.

2. Match between system and the Real World: Tuy là sản phẩm số nhưng vẫn cần có sự kết nối giữa thiết kế của sản phẩm và thế giới thật.

Baemin sử dụng icon illustrator để thể hiện menu thức ăn của mình trong khi đó GrabFood sử dụng hình ảnh thức ăn thật cho menu

Việc thể hiện các đối tượng trong thiết kế sao cho gần giống nhất với thực tế đời sống cũng là ứng dụng mental model của người dùng, góp phần cải thiện tính khả dụng của sản phẩm. Ví dụ trong menu Gà rán có thể để hình ảnh thật của món ăn hoặc dùng hình vẽ illustrator. Ngoài ra một ví dụ khác về tính khả dụng của thiết kế UI chính là các icon Lưu, In, Sao chép trong hệ thống word hoặc powerpoint của Microsoft rất gần với hình ảnh thực tế, nhấn mạnh sự tính liên kết với thế giới thực. Ngoài ra về mặt ngôn ngữ, thay vì sử dụng từ vựng chuyên ngành, có thể sử dụng từ vựng gần gũi quen thuộc với người dùng, để làm tăng tính khả dụng của sản phẩm.

3. User Control and Freedom: Cần thiết kế để tạo cảm giác người dùng đang làm chủ được hệ thống.

Một số các trang thương mại điện tử cung cấp cảm giác làm chủ hệ thống cho người dùng bằng cách thiết kế breadcrumb giúp họ có thể di chuyển đến category mình muốn ngay trong trang xem chi tiết một sản phẩm khác.

Người dùng thường sẽ kiểm tra các hover message khi nhỡ tay bấm vào một nút hay di chuyển chuột đi nhầm chỗ. Lúc này, không cần giải thích dài dòng với họ rằng nhầm đường lạc lối mà cần thiết kế để giúp họ có thể thoát khỏi tình huống không mong muốn này một cách nhanh nhất. Hãy cung cấp chức năng quay lại hoặc hủy hoặc quyền khống chế sản phẩm bằng cách thiết kế breadcrumb để người dùng có thể di chuyển đến menu họ mong muốn dù vị trí của họ đang ở đâu trong sản phẩm của bạn.

4. Consistency and Standards: Tính nhất quán tiêu chuẩn:

Tuân thủ các tiền lệ thiết kế để tạo cảm giác quen thuộc cho người dùng và mang đến tính nhất quán trong sản phẩm.

Netflix và Whatcha dù là hai nền tảng xem phim cạnh tranh với nhau nhưng đều sử dụng hình thức icon dấu cộng để biểu hiện cho wishlist, đồng thời sử dụng cấu trúc menu GNB [global navigation bar] tương tự.

Một thiết kế có tính khả dụng cao cần xóa bỏ các nghi ngờ của người dùng về việc liệu những từ ngữ, hành động, tình huống khác nhau này có mang ý nghĩa giống nhau hay không. Nếu muốn người dùng có thể sử dụng hệ thống một cách trơn tru, không rơi vào tình huống nghi ngờ, chúng ta cần tôn trọng những thiết kế mà người dùng đã quen thuộc, đã được học từ những sản phẩm khác. Đó là lý do tại sao các sản phẩm là đối thủ cạnh tranh của nhau nhưng vẫn chia sẻ hệ thống thiết kế tương tự nhau.

5. Error Prevention: Đề phòng hệ thống bị lỗi Đương nhiên khi lỗi xảy ra, cần phải sửa nhanh chóng tuy nhiên vẫn nên cố gắng phòng bệnh hơn chữa bệnh.

Thông thường trong màn hình log in, người dùng dễ bỏ qua dòng chữ Đồng ý. Để tránh tình trạng trên, có thể thêm motion graphic để hướng dẫn cho người dùng input field bắt buộc tiếp theo họ cần phải nhập.

Tất nhiên, một thiết kế chi tiết để đề phòng lỗi xảy ra ngay từ đầu sẽ mang tính khả dụng tốt hơn một thiết kế thông báo lỗi bắt mắt. Khi xảy ra lỗi, việc lập tức fix lỗi cũng là điều quan trọng không kém nhưng nếu ngay từ đầu chú ý để có thể loại bỏ mọi khả năng xảy ra sơ suất thì tính khả dụng của sản phẩm sẽ được tăng cao.

6. Recognition rather than recall: Một thiết kế có thể mang tính khả dụng cao là thiết kế giúp người dùng không cần ghi nhớ vẫn có thể sử dụng tốt.

Trang Bing của Microsoft, cung cấp menu cho người dùng thấy lịch sử các từ khóa tìm kiếm.
Amazon cung cấp menu để người dùng có thể xem lại những sản phẩm mình đã xem gần đây.

Những thiết kế giúp người dùng có thể sử dụng một cách thoải mái mà không cần ghi nhớ, sẽ mang tính khả dụng vượt trội. Các yếu tố thông tin quan trọng có thể dễ dàng quan sát, trong tất cả các bước thì phải cho người dùng biết hiện tại họ đang thực hiện tại bước nào, đồng thời người dùng không cần phải ghi nhớ bước tiếp theo nhưng vẫn có thể sử dụng sản phẩm dễ dàng.

7. Flexibility and Efficiency of Use: Tính linh hoạt khi sử dụng

Sản phẩm mang tính linh hoạt và hiệu quả cao khi sử dụng.

Chức năng 3D Touch trên Iphone, giúp người dùng có thể thực hiện các thao tác chức năng cơ bản của app mà không cần trực tiếp mở chúng.

Những người dùng đã quen với sản phẩm/dịch vụ thường có xu hướng sử dụng phím tắt hoặc các chức năng cao cấp hơn so với người dùng mới lần đầu tiếp cận sản phẩm. Cũng như việc khi chúng ta đi một con đường lần đầu tiên, tất nhiên sẽ tìm đường rộng và dễ đi, nhưng khi chúng ta đã bắt đầu quen đường thì sẽ tìm đường tắt hoặc được ít kẹt xe, việc sử dụng sản phẩm cũng vậy. Chúng ta cần nhớ rằng, việc chỉ cung cấp một con đường duy nhất để thực hiện một mục tiêu chức năng có thể không đồng nghĩa với việc tính khả dụng của chức năng này cao hơn. Việc nhận thức được tầm quan trọng của tính linh hoạt trong khi đánh giá heuristic là điều cần thiết.

8.Aesthetic and Minimalist Design: Thẩm mỹ nhưng vẫn không quên tối giản

Ở trang chủ của Airbnb, thiết kế của menu được tối giản hóa giúp người dùng có thể tìm được chỗ nghỉ ngơi mình mong muốn sau khi nhập chỉ 4 thông tin.

Có thể khi làm thiết kế, tất nhiên bạn sẽ nhiều lúc nổi lòng tham muốn cho cái này cái kia vào. Tuy nhiên, trên thực tế nếu bạn biết bỏ bớt một số yếu tố ít liên quan hoặc chưa cần đến ngay thì ngược lại, tính khả dụng của thiết kế lại được tăng cao. Bởi vì, nếu bạn để quá nhiều yếu tố không liên quan có thể làm phân tâm người dùng, ngăn cản họ có thể thực sự tập trung vào những yếu tố cần thiết, đảo ngược tính trực quan của sản phẩm.

9. Recognize, Diagnose and Recover from Errors: Thiết kế giúp người dùng nhận biết, hiểu và khắc phục được các lỗi.

PIXAR sử dụng chính nhân vật hoạt hình của mình để làm đại diện cho trang 404 Not Found. Thiết kế này vừa giúp người dùng có thể hiểu về lỗi gặp phải, tiện thể vừa quảng bá cho nội dung phim Inside Out của hãng.
Còn với Email Center UK trên trang Không tìm thấy trang, họ đưa ra hình ảnh của 4 nhân viên để người dùng chọn một người để phàn nàn, thiết kế vừa hài hước vừa đảm bảo uy tín.

Thiết kế càng khiến người dùng dễ hiểu về lỗi mình gặp thì càng mang tính khả dụng cao. Thay vì giải thích dài dòng và khó nhớ thì việc đi thẳng vào vấn đề, giải thích về các nguyên nhân nghi ngờ gây ra lỗi một cách ngắn gọn và trực quan sẽ giúp người dùng có thể thoát khỏi lỗi đó một cách nhanh nhất. Điều này sẽ giúp hoàn thiện hơn tính khả dụng của sản phẩm.

10. Help and Documentation: Văn bản hóa phần hướng dẫn sử dụng

Apple cung cấp mục lục trong hướng dẫn sử dụng cho khách hàng, ngoài ra khách hàng còn có thể sử dụng từ khóa để tìm kiếm về phần mình muốn xem ngay trên thanh tìm kiếm mà không cần phải xem hết các mục trên hướng dẫn sử dụng.

Không có nhiều khách hàng tìm đến phần hướng dẫn sử dụng tuy nhiên đây chính là nơi duy nhất có thể giúp khách hàng tự tìm câu trả lời cho những thắc mắc của mình trong quá trình trải nghiệm sử dụng sản phẩm. Tất nhiên ở tiêu chuẩn đánh giá số 5, chúng ta cần thiết kế để phòng ngừa các lỗi có thể xảy ra, tuy nhiên một số lỗi vẫn có thể xảy ra và để người dùng có thể tự mình giải quyết các lỗi đó một cách nhanh chóng nhất trong ít bước nhất thì phần hướng dẫn, hỗ trợ sử dụng cần được văn bản hóa một cách thông minh. Đây cũng là một trong những điều lưu ý để hoàn thiện hơn tính khả dụng của thiết kế.

Trên đây là 10 tiêu chuẩn đánh giá Heuristics, tùy thuộc vào mỗi lĩnh vực, mỗi business và đặc tính của product mà chúng ta có thể phân chia chi tiết hơn. Với một số lĩnh vực đặc thù như mobility và commerce sau khi xác định các tiêu chuẩn đánh giá, nên sử dụng checklist để cụ thể hóa hơn nhằm đánh giá có hiệu quả hơn. Phương pháp Heuristics là phương pháp đánh giá có thể ứng dụng nhanh chóng bởi các chuyên gia trong tình huống khó kiểm chứng tính khả dụng của prototype dựa vào việc mời người dùng tham gia dùng thử. Tất cả research chỉ có thể tìm được đáp án mô phạm gần với đáp án chính xác nhất thông qua kiểm chứng chéo. Và đương nhiên, chúng ta cũng có thể phối hợp usability test và heuristics test để thực hiện design research.

Video liên quan

Chủ Đề