Đánh giá đại học lục quân 1

Tiếp tục chuỗi bài review về các học viện, nhà trường trong quân đội. Hôm nay mình sẽ review cho các bạn trường Sĩ quan lục quân 1 [SQLQ1]. Đáng lẽ ra, trong chuỗi bài này, mình nên viết về SQLQ1 đầu tiên. Bởi một lẽ, SQLQ1 từ xưa đến nay vẫn luôn là nòng cốt, tiêu biểu, cốt cán và quan trọng bậc nhất trong hệ thống các trường quân đội. Nhưng vì bản thân mình thấy hiểu biết của bản thân còn hạn chế, cùng với đó, mình thiếu một chất thép để viết về LQ [mình nghĩ ai đó muốn viết thật hay về LQ thì cần có chất thép trong người]. Mãi cho đến hôm nay, mình mới đủ tự tin để viết về trường [sau khi đã tìm hiểu và suy nghĩ thật thấu đáo].

Trường SQLQ1 là một trường quân đội trực thuộc Bộ quốc phòng với nhiệm vụ chính là đào tạo sĩ quan chỉ huy chiến thuật cấp phân đội trình độ đại học. Cùng với đó là tạo nguồn cho các học viện, nhà trường quân đội khác ở phía Bắc, đào tạo Thạc sĩ,… Trải qua gần 75 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, trường SQLQ1 đã đào tạo cho quân đội hàng vạn sĩ quan chỉ huy, làm nòng cốt cho Quân đội nhân dân Việt Nam, nhiều đồng chí đã trở thành những tướng lĩnh cao cấp cho quân đội, cán bộ của Đảng và nhà nước.

Hiện nay, với bậc đại học, SQLQ1 có 2 mảng chính là bộ binh và trinh sát. Về mảng bộ binh, trường có 2 chuyên ngành là binh chủng hợp thành và bộ binh cơ giới. Tương tự với Trinh sát cũng có 2 chuyên ngành: trinh sát bộ đội và trinh sát đặc nhiệm. Để đảm bảo yếu tố bí mật quân sự, mình sẽ không đi sâu vào kể lể các chuyên ngành này. Mặc dù có 4 chuyên ngành, nhưng trường SQLQ1 chỉ có duy nhất 1 điểm chuẩn để vào trường.

Năm nhất, các học viên bước đầu sẽ học các môn học dạng nhập môn. Đó là những kiến thức, hiểu biết sơ đẳng nhất về quân đội. Cụ thể là các môn điều lệnh đội ngũ, điều lệnh quản lí bộ đội, các môn 3 tiếng nổ, thể lực… Sau đó sẽ học các môn đại cương như Toán, Lí, Hoá, Tin. Sang năm thứ 2, các học viên sẽ được phân ngành và bắt đầu học các môn liên quan đến ngành mình học. Năm 3, 4 có thêm cả ngoại ngữ. Bên cạnh đó, các môn khoa học xã hội và nhân văn sẽ xuyên suốt cả khoá học từ đầu đến cuối.

Để đáp ứng tình hình thực tiễn ở các phân đội hiện nay, trường SQLQ1 tiếp tục duy trì các chế độ nền nếp, kỉ cương, cũng như các yêu cầu về học tập và rèn luyện cực kì gắt gao, nghiêm khắc. Và theo như nhiều bạn bè của mình cho biết thì độ gắt ngày càng cao so với trước đây. Ấy thế mà khi nhắc về LQ, người ta hay nhại thành “Luộc quân” cũng là vì lí do đó. Để nhắc về độ “khắc nghiệt” của Lục quân, khó có từ ngữ nào có thể diễn tả hết. Mình chỉ nói nôm vài điều cho các bạn hình dung:

– Số tiết học ngoài trời [không kể nắng mưa] nhiều hơn học trong nhà. Đừng nghĩ đến việc học ngoài trời nếu mưa sẽ được nghỉ! Bởi vì câu trả lời sẽ là KHÔNG. Và học ngoài thao trường, đồng nghĩa với việc phải cơ động [ở LQ không dùng từ đi bộ, mà dùng từ Cơ động, ám chỉ là đi bộ nhưng vs tốc độ rất cao] ra thao trường, bãi tập ở xa đơn vị. Cùng với đó là khối lượng vật chất mang theo người cực lớn, như súng ống, sách vở, bia bảng,… Quãng đường đi nhiều khi là đồi núi. Ra đến nơi thì đứng học [vẫn đeo súng ống khi đứng].

– Ở LQ hiếm khi có thời gian chết. Hầu hết đều giờ nào việc ấy. Thậm chí việc đi vệ sinh cũng cần đúng lúc đúng giờ để không ảnh hưởng đến công việc khác. Cơ thể lúc nào cũng động, tức là từ lúc báo thức cho đến khi đi ngủ, lúc nào cũng hoạt động, lúc ngủ thì sẵn sàng hoạt động [báo động đêm là chuyện bth ở LQ].

– Diễn tập cuối khoá diễn ra vào những đông giá rét. Khi mà những đôi vai gầy đã mỏi, những đôi giày “vạn dặm tả tơi”. Những buổi vượt rừng, lội suối xuyên đêm. Những bài chiến thuật trên đồi cao mướt mồ hôi. Những ca vượt sông lớn với DKZ [khoảng 90kg] mệt nhoài. Mà muốn vượt qua được kì diễn tập ấy, thì cần cả một chặng đường dài tích lũy về trí và lực suốt 4 năm học ở trường.

Học lục quân sau này làm gì? Học viên tốt nghiệp trường SQLQ1 sau khi ra trường sẽ được phân bố ở khắp các đơn vị trong toàn quân, trải dài khắp nước. Nhiều nhất là các đơn vị bộ binh như quân khu, quân đoàn, sau đó mới tới các quân binh chủng. Mọi người đừng nghĩ kiểu Binh chủng Pháo binh thì chỉ toàn người học pháo binh ra nhé. Đầy người học LQ vẫn làm ở Pháo binh bình thường. Công việc chủ yếu của các sĩ quan chỉ huy gồm 3 gạch đầu dòng như sau:

– Trực tiếp tham gia trận chiến đấu, chỉ huy bộ đội [mặc dù thời nay chiến tranh rất khó xảy ra, và chúng ta cũng không bao giờ mong muốn nó sẽ xảy ra].

– Huấn luyện các đối tượng khác [chủ yếu là chiến sĩ nghĩa vụ quân sự]. Tức là mang những gì đc học ở trường truyền đạt lại cho các người khác.

– Trực tiếp chỉ huy, quản lí, duy trì, điều hành đơn vị thuộc quyền. Chịu trách nhiệm với cấp trên về mọi mặt của đơn vị. Mình dùng từ mọi mặt bởi lẽ người chỉ huy phải chịu trách nhiệm từ những điều nhỏ nhất của bộ đội như bữa ăn, giấc ngủ. Chính vì điều này mà sĩ quan chỉ huy rất ít khi được về với vợ con. Mình từng nghe rất nhiều cán bộ chỉ huy tâm sự rằng: “thời gian tôi ở với các đồng chí còn nhiều hơn thời gian tôi ở với vợ con”. Hay “tôi hiểu chiến sĩ hơn hiểu con tôi”.

Là một môi trường đầu tàu, chính quy số 1 của quân đội, mình xin khẳng định lần nữa rằng: Sỹ quan Lục quân là nơi rèn luyện ý chí, sắt đá, “gan không núng, chí không mòn”. Nơi đánh đổi tất cả sức lực, trí lực của thanh xuân, đổi lại chúng ta mang về cho bản thân sự trưởng thành, cứng cáp, dũng cảm và ý chí sắt đá. Như một thầy giáo Lục quân từng nói với mình rằng: Học Lục quân ra, vứt các anh ở môi trường nào các anh cũng có thể sống được, kể cả hoang đảo, sa mạc. Mình ban đầu không tin đâu, nhưng mà học qua 6 tháng ở đấy thì tin rồi 🙂

** Lời khuyên chân thành của mình giành cho những ai muốn thì vào Lục quân:

1. Có thể trạng tốt. Mình nói là thể trạng nhé! Còn độ khoẻ, độ trâu, độ lì, độ dai sức thì vào sẽ rèn sau.

2. Thật sự cố gắng, kiên trì, khép mình vào khuôn khổ. Nếu không, với sự khuôn phép, nghiêm khắc cùng cường độ học tập, sinh hoạt như vậy, bạn sẽ chán ngắt, buông xuôi chỉ sau vài tuần ở đấy thôi. Đừng chạy theo số đông, hào nhoáng, lời đồn để đánh mất 4 năm tuổi xuân + cả cuộc đời đi làm phía trước!

3. Vào khó, nhưng muốn ra còn khó hơn. Đừng nghĩ tôi không thích học thì tôi xin thôi học chứ khó khăn gì. Cái này k đơn thuần vậy đâu, vào rồi khắc sẽ hiểu.

4. Đừng mơ mộng về một mối tình đẹp theo kiểu bộ đội – giáo viên, hay bất cứ thứ gì màu hồng. Mọi điều ấy chỉ có trong cổ tích hoặc phim truyền hình!

5. Cất cái đam mê đi. Cấp 3 chưa đủ sức để tìm thấy được đam mê của cuộc đời đâu các bạn à. Đừng trợn mắt lên nói với mình rằng: Em đam mê Lục quân và muốn thi vào đó! Nhạt toẹt và không đúng đắn cho lắm! Đến giờ sau khi tốt nghiệp MTA, đi làm rồi mà mình còn chưa dám khẳng định mình đam mê MTA nữa là :]]

Chủ Đề