Đại tướng Võ Nguyên Giáp dụng thứ máy the giới

  • 08:26 | Thứ Bảy, 18/12/2021

[QBĐT] - Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị tướng của dân tộc và thế giới thế kỷ XX, được nhân dân Việt Nam và thế giới ca ngợi khi ông đang sống cũng như khi đã mất. Người xưa thường luận công trạng khi con người đã về thế giới bên kia, mới là lúc để có thể khen chê. Nhưng phá lệ đó, ngay từ khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn sống, nhiều tác giả nước ngoài, gồm các nhà khoa học, chính khách, tướng lĩnh… nhất là người Pháp và Mỹ đã viết về ông để bày tỏ sự ngưỡng mộ tài năng và đức độ của vị Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Trong các công trình khoa học, bài viết của người nước ngoài viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp đều có điểm chung là sự tôn vinh và ngưỡng mộ.

Archimedes Patti, sĩ quan tình báo Mỹ, người đứng đầu phái bộ OSS đến Hà Nội tháng 8-1945 để thực hiện nhiệm vụ giải cứu tù binh và chuẩn bị cho việc giải giáp quân Nhật ở Bắc Đông Dương. Thời gian này, ông có những tiếp xúc với Chủ tịch Hồ Chí Minh và chứng kiến ngày lễ Độc lập của Việt Nam. Năm 1980, ông cho xuất bản quyển hồi ký  “Why Vietnam” [Tại sao Việt Nam] và dành sự kính trọng, đánh giá cao với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông viết: “Dưới sự lãnh đạo tài tình của Võ Nguyên Giáp, họ đã tiến hành đánh phá các tiền đồn của Pháp và Nhật]...”.

GS Sử học Mỹ Cecil B.Currey trong cuốn “Chiến thắng bằng mọi giá" nói về Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Lòng yêu thương trên hết của tướng Giáp dành cho đất nước và sau đó là lòng trung thành của ông đối với Đảng Cộng sản. Ông đã thề giải phóng Việt Nam khỏi sự đô hộ của nước ngoài và phấn đấu cho sự nghiệp thống nhất đất nước... Trong công việc điều binh khiển tướng, ông tỏ ra điềm tĩnh đáng kinh ngạc, không để cho những cơn xúc động nhất thời chi phối, nhưng đằng sau đó là một tính cách hăng say, cuồng nhiệt mà người Pháp đã miêu tả ông như một núi lửa phủ tuyết...”.

“Võ Nguyên Giáp và Việt Minh... tự nguyện là người cứu nguy dân tộc, bảo vệ quyền lợi nhân dân..." Đối với Võ Nguyên Giáp, nhân dân là nguồn gốc của sức mạnh, từ đó sinh ra ý chí chiến đấu và chủ nghĩa anh hùng cách mạng, vì vậy phải thấu hiểu nhu cầu, nguyện vọng của quần chúng…

Trong cuộc đời binh nghiệp của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng đưa ra những quyết định quan trọng liên quan đến vận mệnh của dân tộc Việt Nam. Quyết định khó nhất trong đời binh nghiệp của ông là chuyển từ phương án “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc thắng chắc” trong trận quyết chiến chiến lược tại Điện Biên Phủ. Đây là quyết định đầy trách nhiệm, đầy khí phách bởi liên quan đến ý kiến của cố vấn Trung Quốc đi cùng...

“Phải là một vị tướng vĩ đại... mới không bám khư khư lấy một luận thuyết. Trong quân đội Pháp không có một vị tướng như vậy… Phải là một nhà chính trị vĩ đại mới dám không phục tùng và làm mếch lòng người bạn đồng minh Trung Quốc hùng mạnh” [G.Boudarel và F.Cavigglioli bài đăng trên Tạp chí Người Quan sát mới, số ra thứ sáu, ngày 8-4-1983].

Chủ tịch Cuba Fidel Castro đến thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại nhà riêng của ông ở Hà Nội ngày 22-2-2003. Ảnh: REUTERS. [Theo Báo Quân đội nhân dân điện tử]

Người nước ngoài nói về Đại tướng Võ Nguyên Giáp với sự đánh giá cao, kính trọng. Họ suy tôn ông là chiến lược gia bậc thầy: “Một chiến lược gia bậc thầy là con người có thể... rút ra những bài học sau những lần thất bại, Tướng Giáp là con người không thiếu những cách làm như thế. Những chiến dịch đầu tiên không thành công trong chiến tranh chống Pháp đã dạy cho ông cách chỉ huy như thế nào, cách điều động quân đội ra sao để giành chiến thắng... Một chiến lược gia bậc thầy là con người có thể hiểu rõ được kẻ địch, tận dụng những nhược điểm của đối phương... Võ Nguyên Giáp là con người như thế. Để phục vụ mục đích cuối cùng, ông đã hiểu được tầm quan trọng của việc cần phải chi phối được cuộc sống chính trị và xã hội của người dân trong nước...” [Chiến thắng bằng mọi giá].

Trong hồi ký Đông Dương hấp hối, để đánh giá về đối thủ đáng gờm, tướng Nava đã thú nhận: “Chưa bao giờ chúng ta có được một sự liên tục về mặt nhân sự. Từ 17 năm qua, đối đầu với một nhà lãnh đạo chính trị duy nhất là ông Hồ Chí Minh và một nhà lãnh đạo quân sự duy nhất-Đại tướng Giáp, là 19 Chính phủ kế tiếp, cùng với 5 nhà lãnh đạo chính trị ở Đông Dương và 6 Tư lệnh quân đội. Chúng ta cũng chưa bao giờ có được một đường lối chính trị nhất quán. Nói cho chính xác, chúng ta chẳng hề có đường lối nào”.

Nếu như tiêu chí chọn tướng của Chủ tịch Hồ Chủ tịch là “đánh thắng Đại tướng được phong Đại tướng” thì suốt cuộc đời mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đánh thắng 10 đại tướng của Pháp và Mỹ [4 tướng Pháp và 6 tướng Mỹ], chưa kể đến nhiều viên tướng của chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Các tướng lĩnh Mỹ khi nhắc đến ông vẫn thường gọi ông là “Đại tướng 5 sao”, William Westmoreland gọi ông là “Tướng huyền thoại”.

Đại tướng Peter Mac Donald, nhà nghiên cứu lịch sử quân sự người Anh, trong công trình “Giáp, Hai cuộc chiến tranh Đông Dương”, đã viết: “Từ năm 1944 đến 1975, cuộc đời của Võ Nguyên Giáp gắn liền với chiến đấu và chiến thắng, khiến ông trở thành một trong những vị thống soái lớn của mọi thời đại… Với 30 năm làm Tổng Tư lệnh và gần 50 năm tham gia chính sự ở cấp cao nhất, ông tỏ ra là người có phẩm chất phi thường trong mọi lĩnh vực của chiến tranh”.

Nhiều tác giả phương Tây cũng tự hỏi, làm thế nào một thầy giáo dạy lịch sử, một cựu nhà báo lại trở thành nhà lãnh đạo quân sự lỗi lạc. Câu trả lời của Đại tướng được nhắc lại trong nhiều dịp: “Trường quân sự duy nhất tôi đã học là chiến tranh nhân dân”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp có 2 lần tiếp Robert McNamara, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và những người Mỹ cùng đi. Lần thứ nhất là vào ngày 9-11-1995 và lần thứ hai, ngày 23-6-1997. Theo McNamara đó là những lần gặp gỡ đầy ấn tượng. Các ghi chép cho biết, khi phía Mỹ đưa ra các câu hỏi: Khi đặt ra vấn đề có những cơ hội nào có thể vãn hồi hòa bình ở Việt Nam mà đã bị cả hai bên bỏ qua…, Đại tướng khẳng định rằng “phía Việt Nam đã không để lỡ một cơ hội nào vì dân tộc Việt Nam là một dân tộc yêu hòa bình…”.

Từ điển Bách khoa quân sự Pháp, Từ điển Bách khoa quân sự Mỹ đến công trình của cá nhân nhà khoa học, chính khách, tướng lĩnh, nhân chứng lịch sử… hầu hết đều tỏ thái độ kính phục, ngưỡng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tên và hình ảnh của ông được ghi lại như là một trong những vĩ nhân quân sự hiển hách nhất: Võ Nguyên Giáp là 1 trong 21 vị danh tướng của thế giới trong 25 thế kỷ qua từ thời Alexandre, Đại đế Hannibal, rồi đến thời cận đại, hiện đại với Cutudốp, Giucốp… Những người có chiến công tạo nên bước ngoặt của nghệ thuật chiến tranh; là “một trong những vị thống soái lớn của mọi thời đại” [Mac Donald]. Còn G.Boudarel trong tác phẩm "Giáp" viết: Giáp là “nhà quân sự lỗi lạc, vị tướng lĩnh tài ba, nhân vật nổi bật của lịch sử hiện đại Việt Nam và thế giới trong thế kỷ XX… Một thiên tài quân sự lớn nhất thế kỷ XX và là một trong những thiên tài quân sự lớn nhất của các thời đại.

Thế giới kính trọng, tiếc thương Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi nghe tin ông qua đời. Tin tức Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần đã chiếm vị trí nổi bật trên hầu khắp các hãng truyền thông quốc tế. BBC, Reuters, AFP, AP, CNN, Strait Times, Bloomberg, TIME, Finacial Times,Aljazeera, Kyodo news, Yonhap, Tân Hoa Xã… đều đồng loạt đăng tải thông tin, phân tích, bình luận, đánh giá về sự ra đi của vị Đại tướng huyền thoại với những từ ngữ tốt đẹp nhất.

Tạp chí TIME, tạp chí danh tiếng của Mỹ từng 3 lần sử dụng chân dung của Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm trang bìa [trong các số ra ngày 17-6-1966, 9-2-1968, tháng 5-1972]. Với sự trân trọng và ngưỡng mộ nhân cách vĩ đại của Đại tướng, TIME đã dành những dòng sau để viết về sự ra đi của Đại tướng: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị chỉ huy kiệt xuất và quyết đoán, người đã dẫn dắt Việt Nam dành chiến thắng hai cường quốc là Pháp và Mỹ, đã qua đời hôm Thứ Sáu” [Báo Nhân Dân, thứ bảy, 5-10-2013]...

ThS. Nguyễn Văn Biểu

[Viện Sử học]

Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng liên tục hơn 80 năm, ông đã có nhiều công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Đại tướng là người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được nhân dân yêu mến, kính trọng, bạn bè quốc tế ngưỡng mộ và là niềm tự hào của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ toàn quân.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh tư liệu

Võ Nguyên Giáp [tên khai sinh: Võ Giáp, bí danh: Văn] sinh ngày 25-8-1911 tại làng An Xá, nay là xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, trong một gia đình nhà nho giàu truyền thống yêu nước. Ông học giỏi, sớm được cha mẹ giáo dục về lòng yêu nước, căm thù quân xâm lược. Năm 1925-1926, ông tham gia phong trào học sinh yêu nước ở Trường Quốc học Huế và tiếp thu tư tưởng cách mạng của Nguyễn Ái Quốc. Năm 1927, Võ Nguyên Giáp gia nhập Tân Việt Cách mạng Đảng. Năm 1929, ông cùng một số đồng chí cải tổ Tân Việt thành Đông Dương Cộng sản Liên đoàn, một trong 3 tổ chức đảng hợp nhất thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Thời gian này, Võ Nguyên Giáp được tiếp xúc với các tài liệu tuyên truyền cách mạng và Chủ nghĩa Mác, trong đó có các bài giảng của Nguyễn Ái Quốc, Bản án chế độ thực dân Pháp.

Từ 1934-1940, Võ Nguyên Giáp dạy môn lịch sử ở Trường Trung học tư thục Thăng Long, viết báo tuyên truyền xây dựng cơ sở cách mạng trong thanh niên học sinh, đồng thời tiếp tục học Đại học luật và kinh tế.

Năm 1936, ông tham gia sáng lập và viết bài bằng tiếng Việt và tiếng Pháp cho các tờ báo của Đảng: Lao động, Tiếng nói chúng ta, Tiến lên, Thời báo Cờ Giải phóng; tham gia phong trào Đông Dương Đại hội và được bầu làm chủ tịch Ủy ban báo chí Bắc Kỳ.

Năm 1941, Võ Nguyên Giáp được giao phụ trách Ủy ban Quân sự của Tổng bộ Việt Minh, tham gia chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa, xây dựng căn cứ địa Cao - Bắc - Lạng.

Tháng 12-1944, Võ Nguyên Giáp được Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, đội quân chủ lực đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo. Ngày 22-12-1944, tại khu rừng Trần Hưng Đạo, nằm giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, Võ Nguyên Giáp đọc Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân với 34 cán bộ, chiến sĩ. Võ Nguyên Giáp được ủy nhiệm lãnh đạo chung, Hoàng Sâm làm Đội trưởng và Xích Thắng [Dương Mạc Thạch] làm Chính trị viên. Ngay sau ngày thành lập, Võ Nguyên Giáp đã trực tiếp chỉ huy trận Phai Khắt - Nà Ngần [25 và 26-12-1944], mở đầu truyền thống “đánh thắng trận đầu”, “đánh tiêu diệt gọn” của QĐND Việt Nam.

Võ Nguyên Giáp đã có những đóng góp quan trọng vào thắng lợi của Cách mạng tháng Tám 1945. Từ 1945-1947, Võ Nguyên Giáp đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng trong Chính phủ liên hiệp lâm thời, Chính phủ Liên hiệp quốc dân. Nổi bật là ngày 30-11-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh uỷ quyền cho Võ Nguyên Giáp làm Tổng chỉ huy Quân đội quốc gia và Dân quân tự vệ Việt Nam, sau là Tổng tư lệnh kiêm Tổng Chính ủy, Bí thư Tổng Quân ủy.

Ngày 20-1-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh phong quân hàm cấp tướng cho 11 cán bộ cao cấp của quân đội, Võ Nguyên Giáp được phong quân hàm Đại tướng. Ngày 28-5-1948, ông được Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trao quân hàm Đại tướng. Từ tháng 7-1948, ông được tái bổ nhiệm là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, thay Tạ Quang Bửu. Tháng 2-1951, ông được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Bộ Chính trị.

Trong Kháng chiến chống Pháp của Việt Nam [1945-1954], Võ Nguyên Giáp là Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy các chiến dịch lớn: Chiến dịch Việt Bắc [7-10 đến 20-12-1947], Chiến dịch Biên Giới [16-9 đến 14-10-1950], Chiến dịch Trần Hưng Đạo [25-12-1950 đến 17-1-1951], Chiến dịch Hoàng Hoa Thám [23-3 đến 7-4-1951], Chiến dịch Quang Trung [28-5 đến 20-6-1951], Chiến dịch Hòa Bình [10-12-1951 đến 25-2-1952], Chiến dịch Tây Bắc [14-10 đến 10-12-1952], Chiến dịch Thượng Lào [13-4 đến 3-5-1953], và đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ [13-3 đến 7-5-1954].

Trong thời kỳ này, Võ Nguyên Giáp đã kiến nghị để đưa ra những quyết sách đúng đắn và sáng tạo như: Tổ chức lại bộ đội theo hình thức đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung; thành lập đại đoàn chủ lực đầu tiên; đánh Đông Khê mà không đánh Cao Bằng trong Chiến dịch Biên Giới; mở chiến dịch đánh quân chủ lực cơ động của Pháp hành quân ra Hòa Bình, đồng thời đưa một bộ phận chủ lực ta luồn vào đánh sau lưng địch để phát triển chiến tranh du kích kiềm chế, tiêu hao tiêu diệt địch; mở Chiến dịch Tây Bắc, nơi địch sơ hở và địa hình có lợi để tiêu diệt sinh lực địch, mở rộng vùng giải phóng, đặc biệt là quyết định thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc” trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ giành thắng lợi đưa đến việc ký kết hiệp nghị Geneva. Sự chỉ đạo, chỉ huy của Đại tướng Tổng Tư lệnh đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc Kháng chiến chống Pháp.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, [1954-1975], khi quân Mỹ trực tiếp vào miền Nam, nhiều nước bạn bè khuyên Việt Nam bỏ ý định đối đầu trực tiếp với Mỹ nhưng Võ Nguyên Giáp đã khẳng định: Việt Nam sẽ thất bại nếu đánh theo kiểu chính quy của các nước lớn, nhưng người Việt Nam sẽ giành chiến thắng bằng cách đánh kiểu Việt Nam. Những kế hoạch chiến lược và phương án tác chiến của ông đã góp phần đánh bại các chiến lược của quân đội Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược ở miền Nam và cuộc chiến tranh phá hoại ở miền Bắc.

Ngày 7-4-1975, Võ Nguyên Giáp ra mệnh lệnh cho toàn quân “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa”, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, đưa cuộc Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Sau khi rời vị trí lãnh đạo, quản lý cho đến những năm đầu của thế kỷ 21, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn theo dõi cập nhật tình hình thời sự trong nước, thế giới và luôn quan tâm, kịp thời đóng góp ý kiến với Đảng, Nhà nước về những vấn đề quan trọng của quốc gia.

Người Anh cả của QĐND Việt Nam, Tổng Tư lệnh “văn võ song toàn”, “đức tài trọn vẹn”, Đại tướng của nhân dân Võ Nguyên Giáp đã từ trần hồi 18 giờ 09 phút, ngày 4-10-2013 [tức ngày 30-8 năm Quý Tỵ], tang lễ tổ chức theo nghi thức Quốc tang và được an táng ngày 13-10 tại Vũng Chùa, đảo Yến, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Với tài thao lược về chiến lược, chiến dịch, hậu cần được kết hợp nhuần nhuyễn với chính trị và ngoại giao, Võ Nguyên Giáp là một trong những danh tướng của thế giới trong 25 thế kỷ, một trong những thiên tài quân sự lớn nhất của thế kỷ 20.

Võ Nguyên Giáp là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ 8-1945 và khoá II-VI [1951-1991], Ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Trung ương từ 8-1945 và Ủy viên Bộ Chính trị khoá II-IV [1951-1980]; Bí thư Quân ủy Trung ương [1946-1978]; Phó thủ tướng [Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng – 9-1955 đến 8-1991]; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng [1946-1947, 1948-1980]; đại biểu Quốc hội khoá I-VII [1946-1991]. Sau khi nghỉ hưu, là Chủ tịch danh dự Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Hội Khuyến học Việt Nam, Hội Cựu giáo chức Việt Nam.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng [20-8-1992], hai Huân chương Hồ Chí Minh [là người đầu tiên được tặng 1950; 1979], Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng [trao ngày 27-10-2010] và nhiều huân, huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.

MAI HƯƠNG [tổng hợp]

Video liên quan

Chủ Đề