Đài từ của diễn viên là gì

Nhận xét chung của nhà hoạt động nghệ thuật là diễn viên VN rất yếu về đài từ và họ chưa có ý thức hóa trang đài từ, tức là thay đổi giọng nói của mình cho thật phù hợp với vai diễn, ngoại trừ các diễn viên múa rối!

Diễn viên của chúng ta hầu hết đều chân thật tuyệt đối khi sử dụng giọng thật của mình trên sàn diễn. Chúng ta không thực hiện được việc biến tiếng nói sân khấu thành một bản giao hưởng âm sắc của các chất giọng.

Còn trên màn ảnh lớn cũng như trên các phim truyền hình, tình hình có phần tệ hơn khi chúng ta không có nhiều nhóm lồng tiếng để người làm điện ảnh lựa chọn. Quanh đi quẩn lại chỉ có dăm ba nhóm lồng tiếng, khiến người xem không khỏi bực bội, đôi khi phản cảm đối với những âm sắc quá quen thuộc cho nhiều loại vai, nhiều tính cách khác nhau.

Mất đi yếu tố lạ hóa trong đài từ, các vai diễn mất đi nhiều nét hấp dẫn người xem. Thêm vào đó, một căn bệnh trầm kha trong ý thức của khá nhiều diễn viên và ngay cả các đạo diễn là sự mô hình hóa  trong diễn xuất cũng như đài từ. Chẳng hạn, hễ cứ là người tầm tầm được coi là già như những nhân vật trạc 50, 60 tuổi...là y như rằng tiếng nói của họ thật chậm rãi, từ tốn, nhai từ nhai chữ phát bực mình.

Ngay cả với các đài phát thanh - nơi hơn ở đâu hết rất cần đến nghệ thuật đài từ, tiếng nói diễn viên cũng không khá hơn.  Các vai diễn trên làn sóng phát thanh của chúng ta cũng hết sức đơn điệu về đài từ, làm cho các kịch bản vốn không mấy đặc sắc càng trở nên khó thưởng thức.

Thực tế đó khiến không ít người lầm tưởng, bộ môn tiếng nói diễn viên đã bị coi nhẹ trong trường nghệ thuật. Thực ra, chúng ta cũng có giáo viên chuyên biệt cho bộ môn này, thời gian dành cho môn học cũng khá nhiều, nhưng khả năng đào tạo vẫn còn yếu.

Bao giờ diễn viên ta mới thể hiện được thành công nhiệm vụ điều khiển linh hoạt ngữ âm, ngữ điệu tạo thành giai điệu tự nhiên của nghệ thuật biểu diễn, tận dụng được hết hiệu quả sân khấu cho vai diễn của mình?